Lễ hội Kumbh Mela
Trong tiềm thức người Ấn, đặc biệt là những người theo đạo Hindu, sông Hằng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Sông Hằng được biết đến là một con sông linh thiêng của Ấn Độ. Nó bắt nguồn từ dãy Himalaya – dãy núi cao nhất thế giới với khối băng tuyết vĩnh cửu của nó là nguồn nước vô tận của sông Hằng, choàng qua phía Bắc Ấn. Theo huyền thoại của người Ấn Độ, sông Hằng là con gái của Himalaya. Không những thế người Ấn Độ còn quan niệm rằng sông Hằng là con sông trên trời. Sông Hằng có 3 dòng chảy qua cả ba thế giới. Trên trời nó là Ngân Hà, mặt đất nó là Hằng Hà, dưới âm phủ nó có tên là Patalaganga.Vì sông Hằng chảy qua ba thế giới nên nó còn được gọi là Tripathaga. Nước sông Hằng đối với người Ấn Độ có sức thanh tẩy rất nhiệm màu. Người có tội đến tắm nước sông Hằng sẽ trở nên trong sạch. Đến với sông Hằng, gọi tên sông Hằng người ta sẽ cảm thấy tĩnh tâm, thanh thản và trút bỏ được mọi khổ cực, lo âu của cuộc đời. Do vậy, sông Hằng được xem là người mẹ hết sức bao dung và nhân từ. Chính nhờ khả năng thanh lọc đặc biệt mà lễ hội tắm sông Hằng trở thành một lễ hội tôn giáo thiêng liêng.
Theo truyền thuyết Hindu, lễ hội Kumbh Mela được tổ chức để ăn mừng chiến thắng của các vị thần trước quỷ dữ, đã mang đến sự bất tử cho từng vị thánh. (Ảnh: internet)
Nguồn gốc cái tên Kumbh Mela là một truyền thuyết, trong tiếng Hindi thì Kumbh có nghĩa là “bình”, còn Mela có nghĩa là “tập hợp”. Theo huyền thoại khuấy biển sữa trong kinh Veda, các vị thần đã chiến đấu với yêu ma để dành lại bình rượu tiên giúp trường sinh bất tử. Trong trận chiến này thì một vài giọt trường sinh trong chiếc bình đã rơi xuống 4 địa điểm trên trái đất, tất cả các địa điểm trên đều thuộc Ấn Độ ngày nay và nằm bên bờ sông Hằng. Đó là thành phố Allahabad thuộc bang miền Bắc Uttar Pradesh, thành phố Hari War thuộc bang Uttara Khand, thành phố Ujjain thuộc bang Madhya Pradesh và thành phố Nasik thuộc bang Maharashtra. Trận chiến kéo dài 12 ngày đêm liên tục trên trời, tương đương với 12 năm dưới mặt đất. Trong tâm thức người Ấn Độ thì những giọt trường sinh đã mang lại điều linh thiêng cho bốn vùng đất trên và người Hindu giáo đã kỉ niệm ngày lễ này 12 năm một lần, luân phiên tại bốn địa điểm.
Những người theo đạo Hindu cho rằng tắm thánh trên dòng sông trong mùa lễ hội sẽ giúp họ rửa sạch mọi tội lỗi. (Ảnh: internet)
Theo tính toán chiêm tinh của người Ấn thì Lễ hội Kumbh Mela được tổ chức 12 năm một lần và bắt đầu từ ngày Makar Sankranti.Thời điểm mà mặt trăng, mặt trời và sao Mộc Capricorn nhập vào cung thứ nhất của hoàng đạo. Các cấu hình trên Makar Sankranti chiêm tinh gọi là “Kumbha Snana yoga” và được coi là đặc biệt tốt lành. Người Hindu tin rằng việc thông quan từ trái đất đến các hành tinh cao hơn mở cửa vào lúc đó cho phép các linh hồn dễ dàng có thể đạt được các thiên thể thế giới. Đó cũng là lý do tại sao Lễ hội Kumbh Mela lại phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân. Kumbh Mela là lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới, lôi cuốn hàng triệu người tham gia, tập hợp mọi thành phần trong xã hội Ấn Độ, từ kẻ giàu người ngèo thuộc các đẳng cấp khác nhau.
(Ảnh: internet)
Trong những ngày diễn ra lễ hội, mỗi sáng trên các bậc làm từ đá cẩm thạch trắng, các tu sĩ tiến hành nghi lễ cúng tế dòng sông. Thấp hơn một chút các tín đồ đặt những chiếc cốc nhỏ làm bằng lá đa chất đầy hoa và nến, có người thì đổ sữa xuống dòng sông… Những người đầu tiên thực hiện nghi thức tắm sông Hằng là hàng trăm tu sĩ khổ hạnh, sống đơn độc và thiền trong các vùng rừng núi hẻo lánh. Họ được người Hindu tôn vinh là đại diện cho thánh thần trên mặt đất vì sự hy sinh bản thân và chối bỏ cuộc sống trần tục vật chất. Họ chỉ xuất hiện vào ngày Kumbh Mela, vào ngày này thì họ sẽ ở trần, bôi tro lên mình và sau đó đứng ngập trong nước đọc những câu thần chú, những câu kinh hay luyện Yoga. Tiếp sau đó là hàng nghìn tín đồ Hindu sẽ ùa xuống dòng sông, lặn ngụp trong dòng nước mà ai cũng ao ước một lần trong đời được đến. Họ tin rằng nếu làm như vậy thì sẽ giúp họ gột rửa hết mọi tội lỗi. Hay đơn giản chỉ là vốc một vốc nước mà uống thì đàn bà không có con sẽ có con, người bệnh tật uống nước ấy thì khỏi bệnh, còn người già thì họ tin rằng họ sẽ thanh thản nhẹ bước về cõi trời… Ngoài mục đích tâm linh là giúp con người gột bỏ tội lỗi thì nghi lễ này còn có ý nghĩa mang lại hòa bình và bình đẳng đối với người dân Ấn Độ (khi tất cả mọi người cùng tắm chung một dòng nước).
Những tín đồ Hindu người nước ngoài cũng đổ ra đường phố để ăn mừng lễ hội và đón chào người truyền giáo của mình. (Ảnh: internet)
Hàng ngàn năm qua, mặc cho thế giới bên ngoài biến chuyển không ngừng, đời sống bên sông Hằng vẫn không thay đổi. Và khi chết nếu được chết bên bờ sông Hằng thì đó là một diễm phúc của người Hindu.Sau khi trút hơi thở cuối cùng, những người chết sẽ được quấn kín bằng vải trắng, đặt nằm trên một cái cáng. Sau đó người ta sẽ khiêng hai đầu cáng nhúng xuống sông Hằng – lần nhúng cuối cùng của một đời người và đưa lên giàn thiêu. Tro của người chết sẽ được rải trên sông Hằng. Những người ở xa phải thật giàu mới có đủ tiền để mang xác về đây hỏa thiêu. Người nghèo thì đổ tro vào nhánh con nào đó của sông Hằng gần nhà mình nhất. Theo người Hindu thì làm như vậy sẽ giúp linh hồn người chết siêu thoát khỏi những trầm luân của cuộc đời. Người ta thả tro cốt hỏa táng xuống sông Hằng là vì vậy. Con sông đã nắm giữ trái tim Ấn Độ và thu hút hàng bao nhiêu triệu người đến bên bờ của nó từ buổi bình minh của lịch sử, từ ngọn nguồn của nó đến biển cả, từ thời xưa đến thời nay, là câu chuyện của nền văn minh và văn hóa Ấn Độ, của sự hưng suy các triều đại, của những thành phố lớn kiêu hãnh, của cuộc phiêu lưu của con người và sự tìm tòi của trí tuệ làm bận tâm các nhà tư tưởng Ấn Độ, của sự phong phú và hoàn mỹ của cuộc sống, những thăng trầm, tăng trưởng và tàn lụi, cuộc sống và cái chết. Những ai đã từng đến sông Hằng ít nhiều cũng có những ấn tượng khó phai và Lễ hội Kumbh Mela là đỉnh điểm linh thiêng của con sông vĩnh hằng này.
Thu Hà