Lễ hội Hoa Ban Điện Biên từ góc nhìn văn hóa dân tộc Thái

VĂN THÀNH CHƯƠNG

  –  

Thứ ba, 08/03/2022 15:01 (GMT+7)

Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên được tổ chức lần đầu năm 2014. Qua 8 mùa ban nở và 6 lần tổ chức, đến nay Lễ hội Hoa Ban đã trở thành 1 sản phẩm đặc trưng của du lịch Điện Biên .

Lễ hội Hoa Ban Điện Biên từ góc nhìn văn hóa dân tộc Thái
Lễ hội Hoa Ban đã có nguồn gốc từ xa xưa và mang yếu tố văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Thái. Ảnh: Văn Thành Chương

Cho đến nay, Lễ hội Hoa Ban đã dần trở thành “thương hiệu” của du lịch Điện Biên và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Thế nhưng không nhiều người biết rằng, Lễ hội Hoa Ban đã có nguồn gốc từ xa xưa và mang yếu tố văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Thái cùng với một số dân tộc có sự giao thoa với nền văn hóa Thái. Nó không chỉ diễn ra ở mảnh đất Ðiện Biên mà còn hiện diện ở nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Yên Bái…

Hoa Ban. Ảnh: Văn Thành ChươngHoa ban. Ảnh: Văn Thành Chương

Những người già ở Mường Lay, Tuần Giáo (Điện Biên) kể rằng: Lễ hội Hoa Ban xưa còn được gắn với lễ hội Xên Mường hay lễ hội Cầu mùa tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, khi hoa ban bắt đầu nở trắng khắp các sườn đồi. Ðây là dịp để người dân thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân với tổ tiên và các vị thần núi, thần sông và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Riêng đối với đồng bào dân tộc Thái, Lễ hội Hoa Ban còn gắn với truyền thuyết về nàng Ban hay “Sự tích hoa ban trắng”. Ðó là một người con gái Thái xinh đẹp, nết na và rất mực thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Sau khi trải qua nhiều trắc trở, sóng gió, nàng đã chết trên sườn đồi và hóa thành cây hoa ban trắng tỏa hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ…

Rừng ban cổ thụ thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên trong những ngày tháng Ba.Rừng ban cổ thụ thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên trong những ngày tháng Ba. Ảnh: Văn Thành Chương.

Theo ông Tòng Văn Hân – nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái ở Điện Biên thì Lễ hội Hoa Ban của người Thái thường gắn với lễ Xên Páng (cúng hội vui). Lễ này thường diễn ra vào mùa hoa ban nở và do một thầy mo tổ chức, cả cộng đồng đều được tham gia.

Trong lễ Xên Páng người ta buộc rất nhiều lễ vật là các loạt nông sản lên cây nêu như ngô, lúa, khoai, sắn, rau rừng… trong đó không thể thiết những bông hoa ban được hái về trên các sười đồi.

Lễ hội Hoa Ban xưa được diễn ra trong nhiều ngày, bên cạnh các nghi thức tâm linh và các trò chơi dân gian được tổ chức ở khắp bản làng thì buổi tối là thời gian cho các điệu xòe bên ánh lửa hồng ấm áp. Ðêm cuối cùng của những ngày lễ hội là đêm đặc biệt dành cho các đôi nam nữ tỏ tình yêu nhau, hàn huyên tâm sự đến khi trời sáng. Họ tin rằng, tỏ tình trong đêm hội Hoa Ban thì sẽ có được một tình yêu chung thủy như trong chuyện tình của nàng Ban…

Hình ảnh trong Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Ban Điện Biên năm 2019.Hình ảnh trong Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Ban Điện Biên năm 2019.

Ngày nay, Lễ hội Hoa Ban được nâng tầm lên thành sự kiện văn hóa, du lịch. Nó không chỉ là ngày hội của riêng dân tộc Thái mà đã trở thành ngày hội của cộng đồng các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Lễ hội Hoa Ban là sản phẩm du lịch hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và khách du lịch.

Từ khi phục dựng và coi là sản phẩm du lịch đặc trưng, tỉnh Ðiện Biên đã chọn ngày 13.3 dương lịch hàng năm là ngày khai mạc Lễ hội Hoa Ban vì đó cũng chính là ngày quân đội ta nổ phát súng đầu tiên mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ vào ngày 13.3.1954. Ðây cũng là thời điểm hoa ban không chỉ nở trắng các sườn đồi, mà ngày nay hoa ban còn nở trắng trên từng con phố…