Lễ hội Đền Hùng – Điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người dân đất Việt


Các xã vùng ven Khu di tích rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019. Ảnh: NGUYÊN AN

 

Hàng ngàn năm nay thờ cúng Vua Hùng đã trở thành truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, thấm sâu vào tâm khảm của mỗi người dân. Truyền thống ấy là ngọn nguồn sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để vượt lên mọi gian lao thử thách trong suốt tiến trình mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đền Hùng thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của mọi người dân đất Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng ngày càng trở lên sâu đậm trong đời sống văn hoá tinh thần, là niềm tự hào kiêu hãnh của một dân tộc giàu truyền thống văn hiến luôn trân trọng quá khứ, biết ơn các thế hệ tiền nhân đã dựng xây, giữ gìn và khẳng định chủ quyền của đất nước, dân tộc.

 

Phú Thọ, vùng đất cội nguồn còn bảo lưu nhiều giá trị văn hoá cổ xưa mà Tổ tiên ta đã dày công xây dựng. Cùng với các di tích đình, đền có thờ các nhân vật lịch sử hoặc vợ con tướng lĩnh của Hùng Vương là những hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian cực kỳ phong phú, đa dạng: Các tục lệ, kiêng, hèm, diễn xướng, lễ hội, sự tích, các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, các loại hình dân ca, dân vũ, sân khấu dân gian…

Trải qua nhiều biến động của thời gian, những giá trị ấy vẫn được nuôi dưỡng, bảo lưu trong mạch nguồn lễ hội truyền thống, trong các sinh hoạt dân gian nhất là những vùng xung quanh núi Hùng, thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Thủy.

denhung

Có thể nói sự xuất hiện của các giá trị văn hoá phi vật thể nêu trên khá đậm đặc, phản ánh rất nhiều lĩnh vực của quá trình dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương thông qua các lễ hội dân gian truyền thống, phản ánh sinh động dấu ấn của thời kỳ con người khai phá, chinh phục thiên nhiên để cải thiện cuộc sống cho chính mình từ sơ khai săn bắt, hái lượm đến trồng trọt, chăn nuôi, tích luỹ của cải mơ ước một xã hội phát triển “Nhân khang, vật thịnh”. Điều này đã được gửi gắm, phản ánh thông qua các dịp tế lễ hội hè, đình đám, các làn điệu dân ca, dân nhạc. 

hat-xoan-2-1617956289

Ở Phú Thọ độc đáo và đặc sắc nhất phải kể đến Hát Xoan. Đây là dân ca nghi lễ, phong tục gắn với hội mùa, là lối hát thờ thần (Thành hoàng làng). Xung quanh Đền Hùng có nhiều làng cổ với các phường Xoan gốc như: Phù Đức, Kim Đái, Thét (xã Kim Đức), An Thái (Phượng Lâu). Hát Xoan có đủ các tục, hèm thời cổ đại, những lễ tiết đúng phong tục kỳ yên, kỳ phúc của làng quê như các buổi khai tiệc, khai xuân, cầu đinh, hạ điền (Lễ hội xuống đồng), cầu nước.

Mỗi tiết mục trong hội Xoan có thể coi như là tấm gương phản ánh những nét sinh hoạt cộng đồng của xã hội nông, ngư nghiệp gắn với tình cảm nồng hậu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, thậm chí cả nhiều chi tiết lịch sử cũng được kể ở đây. Vẻ đẹp trong lễ hội cổ truyền các làng xã xung quanh núi Hùng được thể hiện qua nghi lễ nông nghiệp.

trotram-1538695677

Tục thờ lúa, rước lúa thần trong lễ hội Trò Trám – Tứ Xã là một ví dụ điển hình bày tỏ sự sùng kính hạt lúa của cư dân trồng lúa nước thời Hùng Vương cùng với ước mong no đủ, yên vui của đời sống cộng đồng. Người Việt cổ gọi lúa là Mẹ Lúa; gọi vía lúa, rước lúa, rước mạ, cầu mưa cho lúa tốt. Tương truyền trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (khu vực Đền Thượng) là nơi Vua Hùng tế trời đất, gọi vía lúa. Lễ hạ điền của làng Cổ Tích xã Hy Cương tổ chức vào ngày 25 tháng 5 âm lịch. Lễ vật có xôi, gà, ba bó mạ.

Chúa đồng là người đàn ông tốt lão (có sức khoẻ, gia đình không có tang chế) được dân làng chọn cử là người thay mặt cộng đồng thực hiện nghi lễ nông nghiệp. Chúa đồng sau khi làm lễ sẽ cấy những cây mạ đầu tiên trên ruộng làng. Sau khi cấy xong dân làng lấy bùn đất ném vào người chúa đồng cho đến khi ướt hết với ngụ ý mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt.

Tại lễ hội cầu mùa ở xã Thanh Đình, Việt Trì có nghi lễ rước ông Khưu, bà Khưu với những tục, hèm độc đáo. Trong lễ rước kiệu của ông Khưu đi trước, trên kiệu có để cỏ re (một loại cỏ giống như lá lúa có buộc lẫn với những bông lúa tẻ, lúa nếp) cùng mâm ngũ cốc và bánh chưng tày dài bằng cổ tay. 

Các trò diễn dân gian trong nhiều lễ hội làng thể hiện qua trò diễn trình nghề hay còn gọi là “trò bách nghệ” là một loại nghệ thuật tín ngưỡng, trò diễn, lễ nghi phong tục. Thời gian tổ chức gắn với dịp đầu Xuân với mục đích mừng Xuân cầu phúc. Có thể nói hệ thống trò diễn hội làng ở Phú Thọ về phong tục thời Hùng Vương diễn ra xung quanh vị thánh được nhân dân tôn thờ ở nhiều nơi đó là Tản Viên gắn với chủ đề hôn nhân.

Tích trò Tản Viên đón vợ là Ngọc Hoa Công chúa là tích trò liên hoàn của nhiều làng xã ở Phú Thọ nhất là khu vực xung quanh núi Hùng, dọc bờ sông Đà và một số xã bên kia sông Đà thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Đặc biệt là lễ hội làng He (lễ hội Rước chúa gái được giới nghiên cứu cho là tiền thân của Lễ hội Đền Hùng) của thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao. Lễ hội kéo dài từ 30 tháng chạp đến mùng 08 tháng giêng âm lịch có nhiều tích trò phong phú, độc đáo. 

Có thể nói thông qua những giá trị văn hoá phi vật thể được thể hiện trong các lễ hội cho chúng ta một thông điệp sự ghi nhớ công ơn của người dân với công lao dựng nước của các Vua Hùng và các thế hệ tiền nhân đi trước. Những giá trị ấy đã trở nên trường tồn trong đời sống văn hoá tâm linh từ xa xưa đến tận ngày nay. Điều này lý giải sự hấp dẫn của Lễ hội Đền Hùng ngày nay bắt nguồn từ sự kết tinh sâu đậm những nét đẹp của hội làng xa xưa, nó luôn vận động và ngày càng thu hút các giá trị văn hoá của nhiều vùng miền để trở thành nơi hội tụ văn hoá tâm linh của người dân Đất Việt khi hướng về cội nguồn dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hoá ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ông bà trong gia đình, gia tộc và làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên những giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân của người Việt Nam.

denhung55-1585101580

Hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 Lễ hội Đền Hùng chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội song trong sâu thẳm tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là biểu tượng cao đẹp, điểm kết nối quan trọng, không thể thiếu trong mối quan hệ GIA ĐÌNH – LÀNG – NƯỚC; đây là nơi cội nguồn linh thiêng của dân tộc. Cho dù không đến được Đền Hùng nhưng họ đã thắp trong tim mình nén tâm hương để tri ân công lao dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.  

 

Theo Báo PT