Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung: Tình yêu đẹp mang no ấm cho Nhân dân
Hàng năm, vào các ngày 17 – 18 tháng Giêng (âm lịch), Nhân dân xã Văn Đức lại tổ chức Lễ hội truyền thống làng Chử Xá (Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung), để tưởng nhớ công lao của Ngài.
Truyền thuyết một tình yêu
Truyền thuyết kể rằng, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, con trai của ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Vợ mất sớm, ông Chử Cù Vân ở vậy một mình nuôi con. Không may một lần bị hỏa hoạn, hai cha con chỉ còn một cái khố, phải thay nhau dùng. Chẳng bao lâu, ông Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh không quần không áo, hàng ngày mò cua bắt cá kiếm sống ven sông.
Thời ấy, Hùng Vương thứ 3 có cô con gái tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng.
“Lễ hội truyền thống làng Chử Xá là một trong những lễ hội đặc sắc và tiêu biểu của huyện Gia Lâm. Hiện tại, huyện Gia Lâm đang xây dựng kế hoạch đề nghị các cấp công nhận Lễ hội truyền thống làng Chử Xá là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.’ – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương
Sau khi kết duyên cùng Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung bị vua cha nổi giận nên không quay về cung mà ở lại cùng chồng mở bến, lập chợ, lập phố xá, cùng dân buôn bán tạo thành một khu vực giao thương sầm uất. Trong quá trình buôn bán, hai người tiếp tục tầm sư học đạo, đi khắp nơi chữa bệnh giúp dân. Chử Đồng Tử sau đó còn hiển linh giúp Triệu Quang Phục diệt giặc xâm lược, dựng thành đại nghiệp (tự xưng là Triệu Việt Vương)…
Có thuyết còn kể rằng, Chử Đồng Tử trong lúc chu du tìm thầy học đạo cùng vợ là Tiên Dung đã lấy thêm một người vợ thứ hai là Hồng Vân. Cả ba người đã giúp dân chữa bệnh. Đến nay, có 72 làng thuộc các tỉnh nằm ở hạ lưu châu thổ sông Hồng lập đình, đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân (Tiên Dung và Hồng Vân), nhưng Chử Xá là nơi có vị trí quan trọng nhất, bởi đây là quê hương của Ngài. Và Chử Xá cũng là nơi duy nhất lễ hội được diễn ra ở 2 nơi là đình làng thờ Đức Thánh Chử và Lăng mộ thân phụ – nơi sinh Đức Thánh Chử Đồng Tử.
Sẵn sàng cho ngày mở hội
Đến thôn Chử Xá những ngày này, dễ dàng nhận thấy không khí háo hức của người dân trước ngày diễn ra Lễ hội. Ông Trần Văn Chung, 76 tuổi – người phụ trách các đội hình tế lễ của Lễ hội truyền thống làng Chử Xá cho biết, lễ hội có các đội hình tham gia, gồm: 2 đội hình kiệu Ông, kiệu Bà; 2 đội hình kiệu nước, kiệu Long Đình và 1 đội hình kiệu cỗ bánh. Bên cạnh đó, còn có đội múa trống lễ chữ “Thiên – Hạ – Thái – Bình”; 1 đội múa rồng; 1 đội hình sinh tiền; 1 đội hình nhạc công; 1 đội tế nữ; 1 đội tế nam; 1 đội chấp kích… với tổng cộng khoảng 200 người tham gia. Để chuẩn bị cho ngày diễn ra lễ hội, các đội hình phải chọn người và tập dượt từ tháng 12 âm lịch của năm trước. Ông Chung cũng cho biết thêm, tuy xã Văn Đức có 3 thôn nhưng chỉ có người ở thôn Chử Xá mới được tham gia các đội hình tế lễ này.
Về công tác tổ chức, quản lý, ông Trịnh Văn Quyết – cán bộ Phụ trách Văn hóa xã hội, xã Văn Đức cho biết, ngay từ tháng 1/2019, UBND xã đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ hội truyền thống làng Chử Xá năm 2019, sau đó ra quyết định thành lập Ban tổ chức Lễ hội và Kế hoạch phân công nhiệm vụ.
Theo đó, Lễ hội truyền thống làng Chử Xá năm nay được tổ chức vào các ngày 21 – 22/2 (tức 17 – 18 tháng Giêng, âm lịch), tại đình và Lăng thôn Chử Xá, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có các hoạt động: Khai mạc Lễ hội, khen thưởng học sinh giỏi, các hoạt động tế lễ và múa trống lễ chữ. Trong đó, màn múa trống lễ chữ “Thiên – Hạ – Thái – Bình” chính là điểm nhấn của lễ hội Chử Xá, được du khách thập phương mong chờ nhất. Màn múa trống xếp chữ được diễn xướng bởi 22 thiếu niên tuổi từ 13 – 15, được chọn kỹ lưỡng trong thôn và được tập luyện hàng tháng trời. Đặc biệt, trong ngày chính hội 22/2 (tức 18 tháng Giêng, âm lịch) sẽ có màn rước văn từ đình xuống Lăng (thờ thân phụ Đức Thánh Chử Đồng Tử), sau đó rước từ Lăng về đình.
Về phần hội, trong các ngày diễn ra lễ hội, các CLB dưỡng sinh, CLB văn nghệ sẽ biểu diễn các tiết mục đặc sắc. Bên cạnh đó, người dân và du khách thập phương còn được tham gia vào các trò chơi, như: Ném vòng cổ chai, bịt mắt đập niêu, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống, đi cầu, nhà hơi, đu quay, xe điện; thưởng thức hát quan họ, ẩm thực cổ truyền của địa phương…
Theo ông Trịnh Văn Quyết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống làng Chử Xá đã cơ bản hoàn tất. Đặc biệt, năm 2019 là năm đình Chử Xá vừa được khánh thành sau hơn 1 năm trùng tu tôn tạo. Ban tổ chức Lễ hội truyền thống làng Chử Xá tin rằng, các hạng mục công trình mới này cùng sự nỗ lực trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội sẽ làm hài lòng Nhân dân địa phương và du khách gần xa về trẩy hội.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống làng Chử Xá đã cơ bản hoàn tất. Đặc biệt, năm 2019 là năm đình Chử Xá vừa được khánh thành sau hơn 1 năm trùng tu tôn tạo. Ban tổ chức Lễ hội truyền thống làng Chử Xá tin rằng, các hạng mục công trình mới này cùng sự nỗ lực trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội sẽ làm hài lòng Nhân dân địa phương và du khách gần xa về trẩy hội.
Đình Chử Xá – Lăng Chử Cù Vân là cụm di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử – Kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật cao. Tháng 6/2017, đình Chử Xá được UBND huyện Gia Lâm khởi công tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng, đến tháng 1/2019 khánh thành, gồm các hạng mục: Đình chính (gồm tiền tế, đại bái, hậu cung); nhà tả mạc, hữu mạc; nhà để kiệu, bình phong, cổng phụ, khu phụ trợ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình thi công, Nhân dân đã đóng góp hơn 300 ngày công; công đức tiền mặt, hiện vật trị giá trên 400 triệu đồng, góp phần đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.