Lấy ý kiến tăng học phí khảo sát bằng phiếu là chưa đủ
GDVN- Đối với vấn đề tăng học phí nếu chỉ khảo sát bằng phiếu là chưa đủ, cần thực hiện thêm nhiều nhiều cách thu thập thông tin kèm theo như phỏng vấn, quan sát…
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.
Theo dự thảo, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí trung học cơ sở dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đang áp dụng. Hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.
Tại hội nghị này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, có trên 74.000 ý kiến của cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên ở những trường này tham gia góp ý bằng phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện. Kết quả hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Hơn 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%.
Đánh giá về cách thức lấy ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tạ Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho hay, hơn 74.000 phiếu là con số khá lớn tuy nhiên đối với một cuộc khảo sát dạng này không nhất thiết phải khảo sát số lượng mẫu lớn đến vậy và điều quan trọng là phải đảm bảo được tính ngẫu nhiên.
“Khi tiến hành chọn mẫu phải đảm bảo tính ngẫu nhiên, đầu tiên cần lập danh sách các trường mầm non, trung học cơ sở công lập trên địa bàn, coi mỗi đơn vị này là một chùm (cụm), sau đó lập danh sách các khối lớp.
Từ đó, lựa chọn ngẫu nhiên một số lớp tại mỗi khối học, trong danh sách lớp được chọn đó, lấy ngẫu nhiên một vài phụ huynh để tiến hành khảo sát. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước để đảm bảo được tính ngẫu nhiên .
Sau khi chọn được một cỡ mẫu, còn phải thống kê các chỉ báo về mặt nhân khẩu học như giới tính, nghề nghiệp, nơi cư trú, mức thu nhập. Đối với chỉ báo nào có số lượng đủ lớn mới tiếp tục tiến hành các phân tích thống kê.
Điều bắt buộc và quan trọng là danh sách phụ huynh và quá trình chọn mẫu phải là ngẫu nhiên”, cô Tạ Thị Thảo nói.
Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn cũng lưu ý, trong quá trình chọn mẫu khảo sát dễ mắc phải sai số do tổng thể lớn, và quy trình chọn mẫu ngẫu nhiên khá phức tạp.
Trước đó, theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được biết Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm khi phát phiếu khảo sát tại một số trường trên địa bàn thì mỗi trường phát 20 phiếu cho phụ huynh và 20 phiếu cho cán bộ giáo viên.
Đánh giá điều này, Tiến sĩ Tạ Thị Thảo cho rằng số lượng đơn vị nghiên cứu là phụ huynh và giáo viên bằng nhau là chưa hợp lý, bởi rõ ràng trên thực tế số lượng phụ huynh đông hơn rất nhiều so với số giáo viên trong trường. Và nhu cầu, thái độ của 2 nhóm đối tượng khảo sát này đối với việc tăng học phí là khác nhau.
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, đối với vấn đề tăng học phí, việc tiến hành khảo sát bằng phiếu thôi là chưa đủ, khó có thể đem lại kết quả khách quan và chính xác nhất.
“Chỉ khảo sát bằng phiếu sẽ giúp cho việc thống kê và phân tích kết quả cuối cùng được nhanh và đỡ phức tạp. Tôi cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên thực hiện thêm nhiều cách thu thập thông tin kèm theo như phỏng vấn, quan sát,..”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh cho hay.
Bên cạnh đó, cô Tuyết Minh nhấn mạnh, lượng đủ thì chất đủ, tăng học phí thì phải tăng chất lượng giáo dục, có sự đầu tư cho cơ sở vật chất.
“Riêng về cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bắt buộc phải có một cuộc khảo sát bằng bảng kiểm, ghi nhận điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc dạy học tối thiểu và tối đa ở các trường công lập như thế nào?
Chưa kể, đối với việc này cần tiến hành khảo sát đối với đội ngũ quản lý, những người phụ trách hoạt động tổ chức dạy và học, quản lý trường học. Vì họ là người biết rõ cần thêm những điều kiện gì để đáp ứng yêu cầu tối thiểu, tối đa nhằm giúp cho việc giảng dạy đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, cần quan sát thêm đối tượng là giáo viên, vì đây là những người trực tiếp làm việc trong môi trường dạy học, phải đáp ứng được đầy đủ yêu cầu dạy và học ngày càng cao, tiếp cận công nghệ 4.0, trực quan sinh động thì với những điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện tại đã đủ để họ làm những việc này hay chưa?
Bắt buộc phải làm một bảng kiểm nhằm kiểm kê lại tất cả những điều kiện đang sẵn có để có cái nhìn tổng quan và khách quan nhất”, cô Tuyết Minh nói.
Theo cô Tuyết Minh, về vấn đề tăng học phí, điều quan trọng là phải lắng nghe ý kiến của người dân, phụ huynh – những người trực tiếp đóng tiền, cần quan sát để biết được mức độ chấp nhận đóng học phí của họ đến đâu.
“Việc tiến hành khảo sát với đối tượng là cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và giáo viên ở những trường này là chưa đủ. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần lắng nghe và khảo sát thêm ý kiến của những những nhà hoạch định chính sách, những người phân bổ tài chính”, cô Tuyết Minh góp ý.
Trần Lý – Doãn Nhàn