Lấy ý kiến người Việt Nam tại Séc về chính sách pháp luật quốc tịch | Người Việt bốn phương | Vietnam+ (VietnamPlus)

Lay y kien nguoi Viet Nam tai Sec ve chinh sach phap luat quoc tich hinh anh 1

Các đại biểu dự chương trình “Xuân Quê hương 2022” tại Cộng hòa Séc, hồi tháng 1/2022. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Chiều 12/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đồng chủ trì tổ chức tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến về chính sách pháp luật quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhằm rà soát, lấy ý kiến sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về các chính sách pháp luật liên quan, từ đó đề xuất tháo gỡ các bất cập, vướng mắc.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đếm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ban hành hàng loạt các nghị quyết thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Gần đây nhất, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Quốc hội có kế hoạch để luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp thu và triển khai chủ trương, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã có kế hoạch và giao cho Ủy ban Đối ngoại triển khai thực hiện.

Một trong những kế hoạch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội triển khai thực hiện là ban hành chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người nước ngoài, bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

[Triển khai toàn diện, mạnh mẽ công tác người Việt ở nước ngoài]

Các hoạt động nhằm lắng nghe đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người Việt Nam ở nước ngoài; từ đó có cơ sở đề xuất, giải quyết những nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài như quốc tịch, đầu tư, sản xuất kinh doanh…

Các hoạt động nhằm góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.”

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Tiến mong muốn được lắng nghe các ý kiến để Ủy ban Đối ngoại tham mưu cho Quốc hội, Đảng, Nhà nước có được những quyết sách cụ thể và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của bà con ở nước ngoài liên quan đến chính sách pháp luật quốc tịch.

Bày tỏ hoan nghênh sáng kiến tổ chức tọa đàm về chính sách phát luật quốc tịch dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào ở Cộng hòa Séc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại đây có khoảng hơn 90.000 người, trong đó có khoảng 30.000 người Séc gốc Việt và một số người có hai quốc tịch.

Cộng đồng người Việt Nam tại Séc chủ yếu kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, có thu nhập ổn định; chăm chỉ, năng động, tuân thủ quy định và luật pháp và có đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội nước sở tại.

Năm 2013, Chính phủ Cộng hòa Séc đã chính thức công nhận cộng đồng người Việt Nam tại đây là dân tộc thiểu số của nước này. Hiện nay nhiều người Việt Nam tại Séc xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm thuận tiện cho việc học tập, hồi hương, đi lại, giao lưu hợp tác kinh tế…

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đã thông tin rõ hơn toàn bộ các quy định liên quan đến vấn đề quốc tịch, đặc biệt các quy định hiện tác động đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt tại Séc nói riêng.

Tại điểm cầu Cộng hòa Séc, một số bà con kiều bào đã trao đổi những thông tin liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam như một số quy định còn mang tính nguyên tắc, chung chung, dẫn đến lúng túng, khó khăn khi áp dụng, thực hiện như Khoản 5 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam “trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; về thủ tục hành chính trong giải quyết các việc về quốc tịch; văn bản thỏa thuận của cha, mẹ trong trường hợp con chưa thành niên nhập/thôi quốc tịch cùng cha hoặc mẹ; đồng thời đề nghị làm rõ một số quy định tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam…/.

Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)