Lập sơ đồ quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã

Gần 1.700 thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã trên địa bàn tỉnh được “lập sơ đồ” quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện Quyết định số 706/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả hoạt động TTHCC cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã, gắn với đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020.

Hình ảnh Sơ đồ giải quyết TTHC Đối với các TTHC liên thông tới UBND tỉnh

Theo đó, Trung tâm Hành chính công tỉnh được giao nhiệm vụ rà soát, chỉnh lý, cải cách quy trình; lập bản đồ làm cơ sở số hóa các bước thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015, áp dụng thực hiện thống nhất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã tiến hành thống kê, tổng hợp, rà soát toàn bộ thủ tục hành chính hiện đang áp dụng thực hiện tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã.

Trên cơ sở thống nhất với Sở Khoa học và công nghệ, Trung tâm đã tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn rà soát, chỉnh lý, cải cách quy trình; lập bản đồ các bước thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015, áp dụng thực hiện thống nhất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã.

Đến ngày 28/6/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt việc lập sơ đồ, qui trình giải quyết thủ tục hành chính của 17 sở, ban, ngành có thủ tục hành chính áp dụng thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh với tổng số 1.378 thủ tục.

Sơ đồ giải quyết TTHC do 01 cơ quan (sở, ngành) thực hiện

Đối với Trung tâm Hành chính công cấp huyện, đã triển khai lập sơ đồ, qui trình giải quyết của 226 thủ tục hành chính; đồng thời cấu hình trên phần mềm và đưa vào ứng dụng thực hiện. Tại Bộ phận một cửa cấp xã đã triển khai lập sơ đồ, qui trình giải quyết; đồng thời cấu hình trên phần mềm và đưa vào ứng dụng thực hiện 78 thủ tục hành chính, trong đó có nhiều thủ tục hành chính liên thông tới cấp huyện, cấp tỉnh.

          Việc “lập sơ đồ” giải quyết thủ tục hành chính đem lại một số lợi ích cơ bản đó là: 

1 – Đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, chính xác, rõ ràng, đúng pháp luật, dễ tra cứu, dễ thực hiện là cơ sở khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.

2 – Công khai đầy đủ, chính xác nội dung, thành phần hồ sơ, mức phí, lệ phí, thời gian giải quyết, cơ sở pháp lý và các biểu mẫu liên quan.

3 –  Công khai cơ quan, đơn vị, cá nhân (tên, số điện thoại, email) tham gia thực hiện giải quyết TTHC từ khâu tiếp nhận, thẩm định, xử lý, phê duyệt, trả kết quả,… Quy trình giải quyết của mỗi TTHC sẽ được thể hiện bằng một sơ đồ hình ảnh rõ ràng, chi tiết trên một trang màn hình, để tổ chức, công dân khi thực hiện tra cứu TTHC sẽ có được thông tin đầy đủ về quy trình các bước thực hiện, thời gian quy định xử lý ở mỗi bước, thônng tin về cán bộ xử lý như: Họ tên cán bộ, số điện thoại, phòng chuyên môn, cơ quan đang thực hiện giải quyết và các thông tin cụ thể yêu cầu về thành phần hồ sơ ở từng bước trong quy trình giải quyết TTHC từ đó tổ chức, công dân có sự chuẩn bị đầy đủ và chính xác về nội dung hồ sơ tránh việc phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ hoặc hồ sơ không đạt yêu cầu (hồ sơ phải trả lại).

Đối với các hồ sơ đang trong quá trình xử lý, khi công dân tra cứu hồ sơ thì sơ đồ sẽ thể hiện được thông tin hồ sơ đang giải quyết ở bước nào, đơn vị, cán bộ nào đang xử lý (thể hiện bằng các màu sắc khác nhau), thời gian đã xử lý hồ sơ, thời gian còn lại và kết quả giải quyết ở mỗi bước trong quy trình,…    Ngoài ra, công dân có thể thực hiện việc tra cứu hồ sơ giải quyết TTHC của mình thông qua phần mềm để có được thông tin về trạng thái hồ sơ của mình (hồ sơ đang xử lý, đã xử lý xong, phải bổ sung hoặc hồ sơ chờ trả kết quả,…).

4 – Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong việc giải quyết TTHC giữa các cơ quan có liên quan.

5 – Giúp các nhà quản lý theo dõi, giám sát, đôn đốc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, khuyến khích việc giải quyết hồ sơ sớm trước hạn so với quy định.  

6 – Làm cơ sở để số hóa quy trình giải quyết TTHC và tích hợp vào phần mềm dịch vụ công để người dân tra cứu, tìm hiểu trên môi trường mạng.

Sơ đồ giải quyết TTHC liên thông giữa cấp xã với cấp huyện

Sơ đồ giải quyết TTHC cấp xã

Nhằm tạo bước đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng phục vụ của Trung tâm HCC trong năm 2019 và thời gian tiếp theo, Trung tâm HCC tỉnh tiếp tục cải cách TTHC, tập trung vào nhiệm vụ rà soát, cập nhật kịp thời và niêm yết công khai TTHC, đổi mới quy trình giải quyết TTHC; hệ thống và con người nhằm đẩy mạnh thực hiện “4 tại chỗ” trong giải quyết TTHC; ứng dụng công nghệ thông tin nhất là trong quản lý hồ sơ, tích hợp phần mềm dịch vụ công, lập bản đồ và số hoá quy trình giải quyết TTHC… Từ đó góp phần tích cực, hiệu quả vào việc CCHC, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao các chỉ số điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng chính quyền điện tử, thành phố Bắc Ninh, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.