Lập luận là gì? Phân biệt lập luận với dạng phát ngôn khác

1. Khái niệm lập luận

Trong logic học, lập luận là suy luận (suy diễn logic), là một “hình thức cơ bản của tư duy mà từ một hay nhiều phán đoán đã có (tiền đề), người ta đưa ra được phán đoán mới (kết luận)”.

Theo Đại từ điển tiếng Việt thì lập luận là “… trình bày lý lẽ một cách có hệ thống, có logic nhằm chứng minh cho một kết luận về một vấn đề”. Còn theo tác giả Nguyễn Đức Dân thì: “Lập luận là một hoạt động ngôn từ. Bằng công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lý lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó; rút ra một (một số) kết luận hay chấp nhận một (một số) kết luận nào đó”.

Như vậy, lập luận là một hành động ngôn ngữ, dựa trên những căn cứ (sự kiện, bằng chứng, chân lý…) đã được thừa nhận, thông qua việc sử dụng, sắp xếp các lý lẽ, cách diễn đạt, cách phản hồi… để dẫn dắt đến những kết luận nhằm đạt được mục đích (chứng minh, thuyết phục, tạo dựng niềm tin…) trong quá trình giao tiếp.

Chứng minh, thuyết phục là mục đích mà lập luận hướng tới. Tuy nhiên, không phải bất cứ nỗ lực chứng minh, thuyết phục nào cũng đều là những lập luận. Điều này sẽ được xem xét và phân tích khi nghiên cứu cấu trúc của lập luận. Để hiểu rõ hơn khái niệm lập luận, ta xét 2 phát biểu sau đây:

a/. “Đây là một giao dịch hợp pháp”.

b/. “Đây là một giao dịch hợp pháp vì nó thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005”. Phát biểu a là một khẳng định, chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin. Nhưng phát biểu b là một lập luận vì trong phát biểu này, điều khẳng định (“Đây là một giao dịch hợp pháp”) đã được hỗ trợ bởi bằng chứng (“vì nó thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005”). Ở đây, tính “hợp pháp” của giao dịch được hỗ trợ bởi tiền đề, đó là căn cứ pháp lý được quy định trong BLDS.

Trong một lập luận, kết luận thường là:

* Một lời khẳng định/phủ định.

Ví dụ: “Mọi người phạm tội đều có hành vi vi phạm pháp luật. Nam là người phạm tội. Vậy, Nam có hành vi vi phạm pháp luật”.

* Một khuyến cáo/đề nghị/lời khuyên.

Ví dụ: “Phát triển năng lượng hạt nhân đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Đây cũng là nguồn năng lượng có sức mạnh hủy diệt, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhân loại đã chứng kiến nhiều bài học đau lòng về thảm họa hạt nhân. Cần thận trọng cân nhắc khi lựa chọn phát triển năng lượng hạt nhân”.

* Một câu hỏi có tính định hướng để người nghe/đọc tự rút ra câu trả lời theo hướng mong muốn của người hỏi.

Ví dụ: “Hàng hóa do Công ty A sản xuất là hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước cấm sản xuất, buôn bán, lưu hành, sử dụng theo Điều 199 Bộ luật Hình sự. Chẳng lẽ anh vẫn không công nhận đó là hàng cấm?”.

2. Phân biệt lập luận với các dạng phát ngôn khác

2.1. Phân biệt lập luận với giải thích và tóm tắt

Mục đích thuyết phục là một trong những chỉ dấu quan trọng đầu tiên để nhận diện một lập luận. Vì thế, nếu một mệnh đề không đưa ra được kết luận với mục đích thuyết phục người nghe/đọc đến một nhận thức hay hành động, thì đó là dấu hiệu cho thấy mệnh đề đó có nhiều khả năng không phải là một lập luận. Ta xét 2 ví dụ sau:

Ví dụ 1: “Theo thỏa thuận, bà Th. sẽ trả số nợ 50 triệu đồng cho ông K. trước 12 giờ ngày 23/3/2012. Tuy nhiên, do gặp trục trặc trong quá trình thu hồi vốn nên đến 8 giờ ngày 24/3/2012 bà Th. mới có đủ số tiền. Vì vậy, đến 9 giờ ngày 24/3/2012 bà Th. mới hoàn trả đủ số tiến nợ cho ông K”.

Trong ví dụ này có hai căn cứ được đưa ra (thời hạn bà Th. phải trả nợ và thời hạn bà Th. thu hồi đủ tiền) để hướng đến kết luận (đưa ra lý do bà Th. bị chậm trễ trong việc trả nợ). Tuy nhiên, kết luận này rõ ràng không nhằm đến mục đích thuyết phục một điều gì. Các lý do đưa ra chỉ có nhiệm vụ giải thích cho kết luận cuối cùng mà thôi.

Ví dụ 2: “Ngày 4/8/2014, trong khi đang làm việc tại nhà máy, chị M. nhặt được chiếc ví bên trong có nhiều tài sản là nữ trang kim loại màu vàng. Cùng ngày, Ban giám đốc nhà máy lập biên bản tạm giữ số tài sản đó, nhưng đến nay đã hơn 2 tháng vẫn chưa có kết luận gì. Ngày 5/9/2014, Công an phường X. lập biên bản tạm giữ số vàng trên và chuyển hồ sơ đến Công an Thành phố H. để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại cơ quan Công an vẫn chưa có thông tin phản hồi với chị M. Như vậy, từ khi chị M. nhặt được tài sản, các tổ chức có thẩm quyền đã trực tiếp xem xét xử lý nhưng chưa đưa ra kết luận nào về sự việc”.

Với ví dụ này, nội dung được nói đến sau từ “Như vậy” không phải là một kết luận mà thực chất chỉ là việc tóm tắt lại những nội dung đã nêu trước đó, không đưa ra thông tin hoặc phán đoán gì mới. Vì vậy, đây không phải là một lập luận.

Để thấy rõ hơn sự khác nhau, ta xét ví dụ 3 tương tự với ví dụ 2:

Ví dụ 3: “Ngày 4/8/2014, trong khi đang làm việc tại nhà máy, chị M. nhặt được chiếc ví bên trong có nhiều tài sản là nữ trang kim loại màu vàng. Cùng ngày, Ban giám đốc nhà máy lập biên bản tạm giữ số tài sản đó, nhưng đến nay đã hơn 2 tháng vẫn chưa có kết luận gì. Ngày 05/9/2014, Công an phường X. lập biên bản tạm giữ số vàng trên và chuyển hồ sơ đến Công an Thành phố H. để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại cơ quan Công an vẫn chưa có thông tin phản hồi với chị M. Do đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật, chị M. hoàn toàn có quyền khiếu nại về thái độ vô trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với sự việc này.

Trong ví dụ này, câu cuối cùng không phải là sự tổng kết những nội dung đã nêu ở phía trước (như trong ví dụ 2) mà là một kết luận. Đó là kết luận về thái độ thiếu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong sự việc này, đồng thời hướng mục đích đến việc thuyết phục, tìm sự đồng thuận với người đọc/nghe trong trường hợp chị M. có khiếu nại. Vì vậy, nội dung của ví dụ 3 là một lập luận.

2.2. Phân biệt lập luận với miêu tả và trần thuật

Ta xét hai ví dụ sau đây:

Ví dụ 41: “Theo Điều 3 Thông tư số 28/2013 ngày 05/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành”.

Ví dụ 5. “Từ trước đến nay, ai cũng phải thừa nhận An là người rất trung thực”.

Các phát ngôn trong hai ví dụ trên là những phát ngôn miêu tả, trần thuật có mục đích thông báo cho người đọc/nghe thông tin về sự vật, hiện tượng mà không đưa ra bất kỳ một kết luận nào. Tính đúng/sai, chân thực/không chân thực của sự vật, hiện tượng được đánh giá dựa vào thực tế mà nó phản ánh. Như vậy, trong khi lập luận có mục đích chứng minh, thuyết phục người đọc/nghe thông qua kết luận mà nó đưa ra, thì miêu tả, trần thuật chỉ có mục đích thông báo hoặc đưa ra nhận định về các sự vật, sự việc, hiện tượng của đời sống.

Tuy vậy, trong thực tế nhiều khi phát ngôn miêu tả, trần thuật không chỉ cung cấp thông tin được thể hiện trực tiếp ở nội dung mà nó diễn tả, mà còn hàm chứa “phía sau” thông tin đó một kết luận mà nó muốn hướng đến.

Chẳng hạn, trong ví dụ 4, bản thân nội dung chỉ mang đến một thông tin (cho biết thế nào là tiền giả theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), không hàm ý định hướng đến một kết luận cụ thể nào. Tuy nhiên, nếu đặt trong một văn cảnh giao tiếp cụ thể – ví dụ trong phiên tòa xét xử tội tàng trữ ngoại tệ giả – thì phát ngôn này có thể hướng đến một thái độ, một kết luận. Giả định, nếu trong phiên tòa nói trên Hội đồng xét xử (HĐXX) căn cứ hướng dẫn tại điểm 3, Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ–HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (theo đó, tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả) để kết tội bị cáo “… phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo Điều 280 BLHS năm 2009 cũng như Điều 207 BLHS năm 2015 và “… bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm…”, thì phát ngôn này thể hiện rõ sự không đồng tình với kết luận của HĐXX. Theo quan điểm của phát ngôn này thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – với tư cách là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ – chỉ xem tiền giả là tiền Việt Nam đồng, nghĩa là tiền ngoại tệ giả không có trong khái niệm tiền giả. Do đó, hành vi tàng trữ ngoại tệ giả không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.

Tương tự, phát ngôn ở ví dụ 5 nếu đặt trong ngữ cảnh dư luận có ý kiến cho rằng An là một người giả dối, không trung thực thì phát biểu này là sự phủ định ý kiến của dư luận.

Những phát ngôn miêu tả, trần thuật có mục đích thông báo, nhưng lại hàm ẩn một sự đánh giá, một kết luận được gọi là những lập luận hàm ngôn.

Lập luận hàm ngôn là lời nói có nghĩa ẩn bên trong, tự nó chưa phải là một lập luận đích thực mà chỉ chứa đựng tiềm năng lập luận. Chỉ khi nào từ các phát ngôn miêu tả, trần thuật người phát ngôn đi đến một kết luận trực tiếp, “hiển ngôn” – là khi nghĩa của lời nói biểu hiện trực tiếp ra ngoài – thì phát ngôn đó mới trở thành lập luận đích thực.

Trong các văn bản nghị luận khoa học, chính trị – xã hội hay lập luận pháp lý, để đạt được mục đích thuyết phục người đọc, người nghe chấp nhận các kết luận thì nhất thiết các kết luận đó phải được rút ra một cách rõ ràng, minh định, tránh nhận thức mơ hồ hay gây hiểu nhầm. Vì vậy, yêu cầu lập luận được sử dụng trong các trường hợp này phải là lập luận hiển ngôn.

2.3. Phân biệt lập luận với một số câu có dạng thức tương tự với lập luận

Dưới đây là một số dạng câu tuy không phải là một lập luận, nhưng có dạng thức tương tự như lập luận, vì vậy dễ gây nhầm lẫn.

* Câu minh họa.

Ví dụ: “Trường chúng tôi có rất nhiều đơn vị trực thuộc. Trong đó có các Phòng, Ban chức năng, các Khoa đào tạo, các Trung tâm, các bộ phận cơ hữu khác”. Trong ví dụ này, toàn bộ phần nội dung của câu sau chỉ có nhiệm vụ minh họa cho câu đầu tiên (“Trường chúng tôi có rất nhiều đơn vị trực thuộc”).

* Câu điều kiện (Nếu…thì).

Ví dụ: “Nếu muốn đi du học, Bạn phải học tiếng Anh”. Trong ví dụ này, không có kết luận nào được đưa ra và vì thế đây không phải là một lập luận.

Tuy nhiên, mệnh đề: “Nếu muốn đi du học, Bạn phải học tiếng Anh. Bạn đã không học tiếng Anh. Vì vậy, Bạn không thể đi du học” lại là một lập luận. Ở đây, kết luận “Bạn không thể đi du học” được hỗ trợ bởi 2 tiền đề, đó là: “Nếu muốn đi du học, Bạn phải học tiếng Anh” “Bạn đã không học tiếng Anh”.

* Câu ở dạng “Báo cáo”.

Ví dụ: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhìn chung Giáo dục Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn, thách thức. Đặc biệt là những tồn tại, yếu kém về chất lượng giáo dục”.

Những dạng câu báo cáo chỉ có giá trị cung cấp thông tin.

* Câu ở dạng “Tuyên bố không có căn cứ”.

Ví dụ: “Dịch bệnh không phải là điều đáng để con người phải hoảng loạn. Quanh ta diễn ra biết bao điều khủng khiếp. Cái cảm giác mình không còn là chính mình, không biết mình là ai, sống mà không làm chủ và định hướng được chính cuộc đời mình thì đó quả là một cảm giác kinh hoàng, rất đáng sợ”.

Dễ dàng thấy trong ví dụ này, không có một tiền đề nào đóng vai trò hỗ trợ cho kết luận “Dịch bệnh không phải là điều đáng để con người phải hoảng loạn”.

5/5 – (1 bình chọn)