Lào Cai: Sau hai năm triển khai áp dụng Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính

Ngày 04/4/2008 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (viết tắt là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2008. [Seperator]

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 cho 192 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành và báo cáo viên pháp luật. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cũng đã tổ chức các tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính theo nội dung sửa đổi của pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tiếp cận với những biểu mẫu mới, đồng thời tiến hành rà soát những biểu mẫu đã ban hành để chỉnh lý những nội dung có sự thay đổi và thay thế những nội dung không còn phù hợp theo quy định phục vụ cho công tác xử lý vi phạm hành chính ở các cấp.

Trên cơ sở kế hoạch của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện, cấp xã  đã tổ chức được gần 2000 hội nghị tuyên truyền phổ biến nội dung cơ bản của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh với hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng áp dụng phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đối tượng, khu dân cư như tổ chức họp phổ biến tại các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, trung tâm học tập cộng đồng của các xã, thị trấn, biên dịch tài liệu tuyên truyền pháp luật sang tiếng H’Mông, thu băng cassette, hội thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (hệ thống loa truyền thanh công cộng, đài truyền thanh, truyền hình….).

Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn phần lớn các tổ chức, cá nhân đã hiểu và chấp hành tốt pháp lệnh cũng như các quy định khác của nhà nước có liên quan. Tuy nhiên vẫn còn một số tập thể, cá nhân chưa nghiêm chỉnh chấp hành, tình trạng vi phạm pháp luật diễn ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông đường bộ, sử dụng đất đai, phòng, chống tệ nạn xã hội; chất lượng sản phẩm hàng hoá. Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị có chức năng xử lý vi phạm hành chính tăng cường công tác kiểm tra độc lập và kiểm tra liên ngành, phát hiện và xử lý vi phạm đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai áp dụng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn nhiều khó khăn, vướng mắc như:

Trình độ hiểu biết pháp luật của phần đông người dân còn hạn chế, bên cạnh đó một bộ phận nhân dân hiểu biết quy định của pháp luật, nắm bặt được các hình thức xử lý nếu hành vi vi phạm hành chính xảy ra nhưng lại thiếu ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại không thể áp dụng hình phạt tiền do đối tượng ở các xã vùng cao, thuộc diện hộ nghèo, thu nhập thấp, không ổn định, trình độ nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, trong khi đó việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo lại không mang lại hiệu quả, không đủ tính giáo dục, răn đe, không hạn chế được các hành vi vi phạm, đây cũng là khó khăn mà hiện nay chưa có biện pháp tháo gỡ.

Mặt khác trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của một số cán bộ trực tiếp làm công tác thu thập chứng cứ, lập hồ sơ xử lý vi phạm ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế dẫn đến việc vận dụng các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm còn thiếu chính xác (phổ biến ở cán bộ, công chức cấp xã), hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính chưa chặt chẽ,…. đã làm giảm hiệu quả của biện pháp xử lý hành chính. Trong quá trình thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính chưa thực sự huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh, phát hiện, phòng ngừa vi phạm hành chính.

Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính so với quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 đã tăng thẩm quyền đối với hình thức phạt bằng tiền cho một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt tiến đến 2.000.000đồng và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện Phạt tiền đến 30.000.000 đồng, song vẫn còn sự bất cập giữa thẩm quyền xử phạt quy định trong pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền cụ thể trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với từng lĩnh vực cụ thể. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính bằng tiền đối với chức danh Kiểm lâm viên, Thanh tra viên….là thấp, đa số các vụ việc phải trình cấp trên trực tiếp hoặc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền quyết định nên mất nhiều thời gian để hoàn thiện một hồ sơ, xử lý dứt điểm một vụ việc.

Về thầm quyền ra quyết định cưỡng chế: Theo quy định tại khoản 28, Điều 1 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, ngoài chức danh Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện và một số ít cơ quan cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, còn lại đa số việc ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Quá trình thực thi pháp luật cho thấy, quy định này là bất cập, nhất là quyết định xử phạt với hình phạt chính bằng tiền với mức phạt tiền đến 200.000 đồng nhưng đương sự chây ỳ hoặc cố tình không nộp tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trong khi đó người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt lại không có thẩm quyền cưỡng chế mà phải trình lên cấp có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành nên mất nhiều thời gian, nhất là vụ việc xảy ra ở các địa bàn xa trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ.

Bên cạnh đó việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hoá các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 chưa kịp thời, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2008 có một số quy định chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và cách áp dụng không thống nhất trong thực tế thi hành ví dụ như quy định về khái niệm quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai. Một bộ phận dân cư không nắm rõ nên phát sinh tình trạng vi phạm pháp luật, số khác tuy khá am hiểu nhưng vẫn cố tình vi phạm, khi bị phát hiện và xử phạt thì ngoan cố khiếu nại.

Hiện nay các lực lượng chức năng thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn đang áp dụng Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/1/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, Nghị định số 156/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt… Trong nội dung của các Nghị định trên có những quy định không còn phù hợp với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2008 đặc biệt là các quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Tại khoản 3, Điều 55a Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2008 quy định “Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính.”, tuy nhiên cho đến nay văn bản này vẫn chưa được ban hành và hiện tại lực lượng cảnh sát giao thông vẫn đang sử dụng quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ… Chính sự thiếu đồng bộ trong các văn bản quy phạm nêu trên đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi áp dụng.

Lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội: Ý thức tuân thủ pháp luật của một số người lao động và người sử dụng lao động chưa nghiêm, chủ doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận mà chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của người lao động. Bộ máy hành chính trong doanh nghiệp thường đơn giản, không bố trí cán bộ có trình độ chuyên trách về lao động nên nhiều nội dung trong pháp luật lao động các doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ. Đa số các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng các công trình nên số lao động trong các doanh nghiệp thường biến động, nhất là lao động phổ thông làm việc trên các công trường thông qua tổ trưởng. Chủ sử dụng lao động thường “khoán gọn” cho tổ trưởng tổ thi công nên quyền và lợi ích của số lao động này không được đảm bảo dẫn đến vi phạm. Mặt khác công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước về lao động tuy đã được tăng cường nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ; tổ chức chưa đồng bộ, chưa xử lý kiên quyết.  Mức xử phạt vi phạm còn thấp thiếu tính răn đe, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, chủ sử dụng lao động sẵn sàng vi phạm quy định để làm lợi cho doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên từng bước hạn chế hành chi vi phạm pháp luật nói chung, các quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính nói riêng Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, sửa đổi, bổ sung, thay thế những quy định không còn phù hợp để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật trong quá trình áp dụng, quy định thêm thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các lực lượng chức năng ở cấp huyện và quy định việc xử phạt hành chính đối với đương sự cố tình cung cấp sai thông tin về nghĩa vụ phải thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự.