Lãng phí – một khuyết tật trong quản lý xã hội

 

Các cách giải nghĩa theo phương pháp từ điển học về lãng phí còn có mặt hạn chế là thường chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng, mà ẩn dấu sự so sánh cần thiết. Lãng phí không phải là “vô dụng”, cũng không phải là “mất hoàn toàn”. Lãng phí là làm một việc mà việc đó có kết quả nhưng không có hiệu quả. Ví dụ, lãng phí trong quy hoạch, sử dụng đất là việc quy hoạch (chủ trương toàn bộ các dự án) phải được khai thác hiệu quả; nhưng nhiều dự án quy hoạch bị bỏ hoang, không được khai thác, trong khi nông dân mất đất trồng trọt khiến họ rơi vào hoàn cảnh không việc làm, không thu nhập.

Theo chúng tôi, Lãng phí là một khái niệm quan hệ, đặt trong quan hệ so sánh các yếu tố tương xứng (như so sánh chi phí giữa doanh  nghiệp này với các doanh nghiệp khác trên cùng một sản phẩm); xét theo hiệu quả kinh tế khi đo lường quan hệ giữa sử dụng nguyên vật liệu, nhân lực với kết quả đạt được trong sản xuất. Nói cách khác, đó là quan hệ cơ bản giữa chi phí với giá thành cho một sản phẩm tại một đơn vị sản xuất hoặc quan hệ giữa đơn vị này với đơn vị khác trên thị trường, giữa quốc gia này với quốc gia khác trên thị trường quốc tế. 

Ngày nay, ngoài sản xuất còn xuất hiện nhiều hoạt động khác của kinh tế như giao thông, dịch vụ, quảng bá, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Trong hành chính còn có sự lãng phí phương tiện, vật dụng văn phòng phẩm… và trong rất nhiều hoạt động khác. Có thể nói, khái niệm lãng phí hầu như có mặt ở khắp các lĩnh vực của hoạt động xã hội cần tới chi tiêu vật chất, của cải để giải quyết, xử lý một công việc (kể cả những việc như tổ chức đám hiếu trong xã hội cũng được quan sát dưới giác độ hiệu quả và văn hóa).

Trong quản lý công (trong hệ thống chính trị), lãng phí là một hiện tượng khá phổ biến diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của hoạt động quản lý. Đó là lãng phí trong sử dụng công sản. Tầm quan trọng của việc tiết kiệm, chống lãng phí được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đặc biệt chú ý khi coi lãng phí là có tội với đất nước và nhân dân, vì vậy người yêu cầu cán bộ phải “chống tham ô, lãng phí, quan liêu” .

Tuy nhiên, lãng phí trong hoạt động công quyền lâu nay mới chỉ bị coi là hành vi không đẹp, không nên mà chưa coi đó là hành vi hoặc hoạt động nguy hại từ giác độ thiệt hại đối với kinh tế – xã hội. Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, do cả xã hội đều khan hiếm về vật phẩm, nguyên liệu… nên chưa coi đó là hành vi xấu, cần phải bị lên án và chống lại; thay vào đó là sự giáo dục, tuyên truyền về tiết kiệm.

Trong thực tiễn, hiện tượng lãng phí, nhất là lãng phí trong sản xuất, mua sắm, chi tiêu… với một lượng vật chất xã hội có xu hướng ngày càng lớn đã tồn tại dai dẳng gây nhiều thiệt hại. Đó là những đơn vị kinh tế nhà nước được giao số lượng vốn, tài sản lớn với nhiều cấp độ khác nhau; các cơ quan công quyền có điều kiện hơn trong mua sắm vật dụng công, xây dựng, chỉnh trang trụ sở; trang bị vật dụng, phương tiện theo chức vụ; các quan hệ đối ngoại, các chuyến công du nước ngoài… Sự chi tiêu khổng lồ ngân sách quốc gia cho thấy mức độ tai họa của việc lãng phí công sản. 

2. Nguyên nhân của lãng phí trong quản lý kinh tế – xã hội

Xã hội nào cũng coi trọng kết quả của công việc, nhất là trong sản xuất. Nhưng ở đâu cũng có sự lãng phí, nó xảy ra không phải ngẫu nhiên mà có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lãng phí trong quản lý kinh tế – xã hội là do:

Thứ nhất, lãng phí trong bộ máy công quyền từ trình độ nhận thức trong vận dụng cơ chế.

Sau chiến tranh, thay vì tìm kiếm cơ chế mới nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vốn đã yếu kém, thì chúng ta đã giữ quá lâu sự bao cấp, dẫn đến những sáng tạo, tự chủ vốn là động lực của phát triển chưa được khai thác và sử dụng. Bao cấp đi kèm với giáo điều (quá dựa vào học thuyết chung chung), quan liêu (không nhận thức đúng thực tiễn). Lãng phí do sự duy trì cơ chế làm chậm các quá trình của sản xuất xã hội là lãng phí thời gian của quản lý xã hội.     

Sự trì trệ tiếp tục kéo dài nếu xét trên các quan hệ so sánh môi trường xã hội, điều kiện khi sử dụng cơ chế, điều kiện hợp tác trong bối cảnh hội nhập; nắm bắt các điều kiện, cơ hội để thay đổi, phát triển. Nghĩa là đánh mất cơ hội để chúng ta tự vươn lên, đó là sự lãng phí cơ hội.

Tiến sĩ John Behzad(2) nhận định rằng, lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người (cá nhân, cộng đồng, quốc gia). Khi cơ hội trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Theo nguyên lý của sự phát triển, cơ hội và thời gian đi từ quá khứ đến hiện tại và tới tương lai. Thời gian và cơ hội không bao giờ lặp lại.

Thứ hai, lãng phí từ sự hội nhập, mở cửa kinh tế quốc tế.  Trong hội nhập quốc tế luôn có sự liên kết, theo đó, những nước có trình độ kinh tế phát triển thường áp đặt điều kiện với các nước đang phát triển trong các đàm phán. Họ đặt ra những điều kiện hỗ trợ có lợi cho họ về sử dụng nhân lực, cung cấp vật tư, trang thiết bị; họ phải là bên ưu tiên về nhà thầu thi công với giá thành nghiêng về có lợi cho phía hỗ trợ, đầu tư(3).

Thứ ba, lãng phí từ tư duy chủ quan của các nhà quản lý với những biểu hiện như:

– “Bệnh thành tích”(4) là biểu hiện hoàn toàn mang tính chủ quan với nghĩa tiêu cực, ngược lại với tư duy thực tiễn, hiệu quả. Một căn bệnh tựa như bệnh thành tích giữa các địa phương, cùng với sự “ngẫu hứng cá nhân” của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị (lãnh đạo, điều hành và có trách nhiệm theo pháp lý và đường lối của Đảng): những năm gần đây, các địa phương đều muốn lôi kéo các dự án, thậm chí là “siêu dự án” về địa phương để chứng tỏ tiềm năng, năng lực, sự năng động và chủ trương vực dậy kinh tế của địa phương. Nhưng từ sự tính toán chủ quan của không ít địa phương, nhiều dự án cho thấy hoàn toàn ngược lại(5).

“Tư duy chủ quan” đã ảnh hưởng đến các dự án kinh tế – xã hội là do sự thiếu tôn trọng, tuân thủ các quy trình thủ tục đến cùng theo quy định của pháp luât;  bỏ qua các thủ tục tham vấn, báo cáo khi thực hiện các dự án có tính nhạy cảm (đến khi bị phát hiện thì các yếu tố đó mới bộc lộ)…

– Lối  “tư duy nhiệm kỳ”  trong một số cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm. “Tư duy nhiệm kỳ”(6) là thành ngữ chính trị hành chính, mới xuất hiện ở nước ta. Nó chỉ rõ một số quyết sách được những người đứng đầu dẫn dắt cho ý tưởng của họ đạt được gắn với thời gian tại nhiệm của họ.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong công tác cán bộ và xây dựng chính sách, Đảng và Nhà nước không được để  “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối(6).

– Lãng phí do việc tạo lối sống kiểu trưởng giả phong kiến.

Trưởng giả là một thuật ngữ nói chung chỉ người có của, tài sản. Ngoài ra còn ám chỉ với nghĩa tiêu cực, rằng tuy họ là người có tài sản nhưng có ý khuếch trương, nặng về hưởng thụ, khoe mẽ. Nhưng “thói trưởng giả” là một thuật ngữ hoàn toàn theo nghĩa tiêu cực. Nó cho thấy, một ai đó sống và hành động, tác phong của người trưởng giả, nhưng bản thân lại không thuộc tầng lớp đó. Nếu công chức lãnh đạo có lối sống trưởng giả là họ đã lạm dụng công sản để trang trí, khuếch trương cho bản thân, gây ra lãng phí. Thói trưởng giả ở đâu cũng có, nhất là dưới thời phong kiến.

Thói trưởng giả xuất hiện ở đâu, thì ở đó sẽ có các biểu hiện:

+ Chỉ đạo làm mọi thứ hoành tráng quá mức cần thiết (hội nghị, kỷ niệm, tiếp khách…).

+ Thay tài sản cũ bằng tài sản mới (xe cộ, bàn ghế, tu sửa phòng ốc cá nhân, phá đi làm lại các công trình…) mặc dù cái cũ còn đang sử dụng tốt.

+ Tự tạo ra “lực lượng phục vụ xung quanh” làm các việc vượt quy chế, sai quy định gây lãng phí tài sản và nhân lực.

+ Sử dụng công sản vào việc riêng để “lấy mẽ”, gây tốn kém.

Những biểu hiện trên đã được dự báo trong những quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, phạm vi quy định các hành vi gây lãng phí ở các lĩnh vực, khu vực khác nhau trong sử dụng ngân sách nhà nước; sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực công; trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên (quản lý không chặt chẽ, buông lỏng hoặc tự tiện cho phép khai thác vượt thẩm quyền, trái quy định thủ tục; khai thác một cách bừa bãi, vượt quá quy định, quy chuẩn, quy trình gây lãng phí; sử dụng vượt quá quy định, không đúng, không trúng mục đích)(7). 

3. Tính chất nghiêm trọng của lãng phí công sản

Lãng phí dưới góc nhìn văn hóa là một hành vi không đẹp. Tuy nhiên, dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và giác độ kinh tế – xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi nguy hiểm của lãng phí, suy đến cùng là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách). Trong điều kiện của một quốc gia đang phát triển, trình độ công nghiệp hóa, khoa học và công nghệ trong sản xuất, dịch vụ và quản lý còn hạn chế; nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và hầu như không có khả năng tái tạo càng cho thấy sự nguy hiểm, nguy hại của lãng phí. Tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm của lãng phí chính là sự thiệt hại vật chất của xã hội.

Sự nguy hiểm của lãng phí còn do các lý do “bên ngoài” khi cho rằng lãng phí chỉ là sinh hoạt, nên coi thường; chỉ là sai sót nhỏ, có thể sửa sai được nên không quy định các chế tài xử lý các hành vi lãng phí trong quản lý công. Lãng phí có từ lâu trong quản lý xã hội. Nhưng việc chống lãng phí được thể chế hóa thành luật, việc hướng dẫn thi hành luật này (Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí) mới được ban hành cho thấy nhận thức và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm ở mức độ thể chế.

Để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào đời sống xã hội, cần nhận diện thực trạng của lãng phí để phòng, chống hiệu quả và kịp thời như:

Thứ nhất, tâm lý coi nhẹ các hành vi lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay chúng ta chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Vì vậy, công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội còn bị coi nhẹ.

Thứ hai, tính chất “dễ lây lan” của hành vi gây lãng phí. Nếu không có sự kiểm soát về lãng phí sẽ tạo tâm lý “làm theo” người khác, địa phương khác, cơ quan khác… trong điều hành và thực thi các hoạt động quản lý. Các hành vi lãng phí thường không gặp trở ngại gì về nhận thức, nhiều khi còn giúp gia tăng sự chây lười trong nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm. Người lãnh đạo có tâm lý cục bộ lợi ích thường bỏ qua những công đoạn cần thiết của quản lý. Từ đó dẫn đến lãng phí mang tính xã hội. Ví dụ, thay vì khai thác khoáng sản phải có chi phí xử lý chất thải (chi phí vận chuyển, thuê nơi đổ, chôn cất…)  thì người ta có thể đổ ngay bên cạnh những con sông, bờ biển, hay ruộng vườn của nông dân; chất đống vật liệu đồ dùng cũ khi mua tài sản mới… thay bằng việc tính toán sử dụng một cách hợp lý những gì còn dùng được, thậm chí là không mua sắm nếu không cần thiết…

Thứ ba, lãng phí là sự gặm nhấm tài sản núp dưới danh nghĩa công vụ. Lãng phí nếu dùng mắt thường không dễ gì thấy được. Bởi người lãng phí khi đã chủ ý mưu lợi cá nhân (sĩ diện hoặc lợi dụng để tham nhũng) thì chỉ có con mắt của những người có chuyên môn mới phát hiện được. Nơi nào cũng lãng phí khoáng sản, tài nguyên nước; lãng phí do sự tắc trách, vô trách nhiệm khi làm những công trình theo cách “tiền trảm, hậu tấu” buộc phải ngừng công trình… thì thiệt hại do lãng phí “gặm nhấm” ngân sách không thể tính hết được.

Thứ tư, mọi hậu quả của tham nhũng đều dẫn đến lãng phí công sản. Mọi vụ tham nhũng đều có mục đích là lấy tiền của công làm tài sản riêng cho bản thân hay nhóm người, nhưng số tiền, tài sản đó lại hạch toán vào chi phí công. Đó là lãng phí dưới góc nhìn hiệu quả xã hội. 

Thứ năm, chế tài xử lý lãng phí ban hành chậm nên thiếu tính răn đe, ngăn chặn mạnh mẽ. Chúng ta đã có pháp chế ngăn chặn lãng phí, thực hành tiết kiệm, trong đó có những quy định được hướng dẫn bằng cách lượng hóa như thế nào là hành vi lãng phí, phải chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm bồi hoàn như thế nào. Nhưng những quy định này chậm được ban hành, chủ yếu là cảnh báo, nhắc nhở mà không có biện pháp ngăn chặn các hành vi lãng phí. Ngay những thủ tục để xét một hành vi trong các hoạt động quản lý của các dự án, các công trình, các đề án quy hoạch… có lãng phí hay không đã cho thấy đó là việc không đơn giản, khó trở thành hiện thực.

Có nhiều ý kiến cho rằng phải quy định hành vi lãng phí là những tội phạm và người gây lãng phí là kẻ phạm tội. Nhưng đến nay quan niệm đó vẫn chưa có được sự ủng hộ rộng rãi, chỉ dừng lại là những ý kiến cá nhân, những đề xuất mà thôi(8).

Thứ sáu, lãng phí bao trùm hầu hết các lĩnh vực của quản lý xã hội. Thực tế hiện nay việc sử dụng thời gian, ngân sách, tài sản, con người vẫn tồn tại nhiều yếu tố lãng phí. Thời gian nộp thuế, thời gian cung ứng một dịch vụ, thời gian một dự án bị kéo dài đều đem đến sự lãng phí. Thời gian của quản lý là thời gian vật chất chứ không phải thời gian trống rỗng.

Qua đó cho thấy sự phong phú, đa dạng của lãng phí trong quản lý xã hội gây hậu quả là làm chậm tiến trình phát triển bền vững của xã hội./.

GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển

—————————–

Ghi chú:

(1) Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Đà Nẵng, 2009, tr.417; Từ điển Hán Việt, Nxb Văn học, H.2007, tr.392; Từ điển tiếng Anh BBC, 1994, tr.1278.

(2)Thuchanhtietkiem.com/morenews.aspx; ngày 13/6/2015.

(3) vneconomy.vn/ (9/6/2015).

(4) finance.tvsi.com.vn; 28 tháng Giêng 2013.

(5) www.tapchicongsan.org.vn, 22/01/2014.

(6)www.nhandan.com.vn,(04/07/2012); www.tapchicongsan.org.vn, 22/01/2014.

(7) Luật Thực hành tiết kiệm năm 2013.

(8) Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm.

tcnn.vn