Lắng nghe là gì – VỤ GIA ĐÌNH
Xã hội phát triển làm cho cuộc sống của các gia đình ngày càng phong phú và . Đặc biệt là các phương tiện truyền thông, kết nối xã hội đã phổ biến ở cả khu vực thành thị và nông thôn đã giúp cho các thành viên gia đình luôn nắm bắt được những thông tin của đời sống và dễ dàng kết nối qua mạng với bạn bè, người quen. Tuy nhiên, đời sống tinh thần và quan hệ gia đình trở nên nghèo nàn đi khi các thành viên dễ dàng bị cuốn theo những thú vui, niềm đam mê khác mà xao lãng đi sự quan tâm, trách nhiệm đối với những người thân trong gia đình. Thời gian dành cho những hoạt động và mối quan tâm khác nếu quá nhiều sẽ dẫn tới việc việc thiếu thời gian để các thành viên trong gia đình trò chuyện, chia sẻ với nhau.
Do vậy, cần xây dựng thói quen dành thời gian cho gia đình cũng như thường xuyên trò chuyện, tâm sự giữa các thành viên. Hàng ngày, bên cạnh thời gian dành cho công việc, học tập, gia đình nên định ra thời điểm để đoàn tụ, sinh hoạt chung. Việc cùng ăn bữa cơm hay xem một bộ phim bên cạnh những người thân có thể mang lại niềm vui, sự đầm ấm – nguồn năng lượng cho sự phát triển của mỗi thành viên. Khi ấy, những chia sẻ của thành viên trong gia đình sẽ cần được lắng nghe.
Kỹ năng lắng nghe là khả năng chủ động tập trung chú ý, không bị chi phối bởi những gì xảy ra xung quanh để tìm hiểu thông tin về người nói và những thông tin có liên quan như: tính cách, quan điểm, hoàn cảnh của đối tượng,…; tìm hiểu tâm trạng, tình cảm của đối tượng; tìm hiểu mong muốn, động cơ, lý do… hiểu những gì ẩn chứa sau lời nói của đối tượng. Người giao tiếp cần lắng nghe một cách kiên trì, chăm chú, đồng cảm, chia sẻ để đối tượng cảm kích giãi bày, chia sẻ thông tin.
Mục đích của lắng nghe hiệu quả là không chỉ hiểu lời nói của người trình bày mà còn phải hiểu những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của người trình bày, vì vậy người nghe cần phải tập trung tinh thần để chủ động lắng nghe. Người nghe phải chú ý đến những gì được người trình bày nói ra và thậm chí cả những gì không được họ nói ra, những mong muốn của họ.
Một số người cho rằng khả năng lắng nghe là bẩm sinh, trong khi thật sự nó là cả một quá trình nỗ lực. Đó còn là một kĩ năng mà chúng ta có thể học tập, thực hành và hoàn thiện từng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc hình thành các thói quen, sau đó là thực tập chúng mỗi ngày. Kỹ năng lắng nghe giúp người giao tiếp thể hiện sự tôn trọng với đối tượng, củng cố mối quan hệ thân thiện giữa người giao tiếp và đối tượng, đoán chính xác ý của đối tượng muốn nói và gia tăng động lực cho họ.
Thông thường, có ba cách lắng nghe thường diễn ra trong cuộc sống thường ngày, đó là:
Lắng nghe chủ động: nghe cẩn thận, chăm chú, có thể tổng kết những gì nghe được thành một bài tóm tắt
Nghe với định kiến: Nghenhưng và áp đặt những kinh nghiệm và niềm tin của chính mình vào những gì nghe được.
Nghe thụ động: nghe thông thường, bỏ qua các chi tiết cụ thể, chỉ nhớ ý chính, nhưng đôi khi không biết đâu là ý chính.
Người có kỹ năng lắng nghe là người biết lắng nghe tích cực, khi giao tiếp có sự chủ động, tập trung chú ý vào đối tượng giao tiếp, không bị chi phối bởi những gì xảy ra xung quanh và chính bản thân người giao tiếp nhằm đi vào nội tâm của đối tượng, hiểu hoàn cảnh và quan điểm của họ.
Trong gia đình, việc lắng nghe thường diễn ra trong giao tiếp hàng ngày hoặc khi các thành viên có những vấn đề, câu chuyện cần được chia sẻ, xin ý kiến các thành viên khác. Khác với những môi trường khác như nhà trường, nơi làm việc, giao tiếp trong gia đình được duy trì bởi sự gần gũi, sợi dây tình cảm do quan hệ huyết thống, gắn bó. Những yếu tố này giúp cho việc lắng nghe được hiệu quả bởi sự quan tâm sẽ khiến người nghe hoàn toàn tập trung vào câu chuyện. Tuy nhiên, đôi khi đây lại là những yếu tố gây nhiễu nếu người nghe quá bị ảnh hưởng bởi sự quan tâm, ủng hộ thì những thông tin tiếp nhận sẽ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ chủ quan dẫn tới việc đưa ra những quyết định, ý kiến không chính xác.
Đánh giá của độc giả post