Làng gốm Thanh Hà Hội An – giá trị truyền thống giữa phố cố

Làng gốm Thanh Hà đã tồn tại và phát triển trong hơn nửa thiên niên kỷ giữa lòng thành phố Hội An. Không chỉ nổi tiếng là một làng nghề truyền thống lâu đời, nơi đây còn mang một vẻ đẹp rất riêng và lôi cuốn. Nếu có dịp tham quan Hội An, bạn nhất định phải đến trải nghiệm một ngày ở làng gốm cổ truyền này nhé!

1. Đôi nét về làng gốm Thanh Hà Hội An

1.1. Vị trí và cách di chuyển đến làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà là một làng nghề cổ truyền có tiếng ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Làng gốm tọa lạc tại địa chỉ Phạm Phán, khối phố 5, phường Thanh Hà. Làng gốm nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn êm ả, cách trung tâm thành phố Hội An chỉ tầm 3km.

lang-gom-thanh-ha-view-cao

Khuôn viên làng gốm Thanh Hà từ góc nhìn trên cao

lang-gom-thanh-ha-khach

Làng gốm là điểm du lịch chỉ cách trung tâm thành phố Hội An 3 km

Với khoảng cách này, du khách có thể dễ dàng đến tham quan làng gốm Thanh Hà bằng nhiều loại phương tiện như ô tô, taxi, xe máy hoặc xe đạp. Các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp ở Hội An hiện nay khá đơn giản và tiện lợi.

  • Giá thuê xe máy là tầm khoảng 80,000 – 150,000 đồng/chiếc, xe đạp là khoảng 20,000 – 30,000 đồng/chiếc trong ngày, tùy theo chất lượng của xe.

1.2. Vé vào cổng làng gốm Thanh Hà

Được quy hoạch như một công viên đồ gốm,, du khách muốn tham quan làng gốm phải mua vé vào cổng. Tuy nhiên vé vào hoàn toàn không đắt, lại còn có giảm giá cho trẻ em, học sinh sinh viên.

lang-gom-thanh-ha-checkin1

Những sản phẩm đồ gốm thủ công tại làng nghề

Giá vé vào cổng gốm Thanh Hà:

  • Người lớn: 30,000 đồng/người

  • Trẻ em, học sinh, sinh viên: 15,000 đồng/người

Giá vé này bao gồm cả việc tham quan di tích tổ nghề Miếu Nam Diêu, di tích Đình Xuân Mỹ, tham quan xưởng gốm xem nghệ nhân ở làng gốm chuốt gốm bằng tay. Ngoài ra du khách còn có thể tham gia trải nghiệm tự tay chuốt gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

1.3. Cấu trúc chính của làng gốm

Được xây dựng từ năm 2011, công viên đất nung tại làng gốm Thanh Hà được mệnh danh là công viên gốm lớn nhất Việt Nam. Với không gian rộng hơn 6,500m, bao gồm khu sân vườn, các kiến trúc làm từ đất nung và các phòng trưng bày sản phẩm.

lang-gom-thanh-ha-trung-bay

Những tác phẩm gốm được bày biện đẹp mắt

Có tổng chi phí đầu tư và xây dựng lên đến 22 tỷ đồng, làng gốm chia làm 2 khu chính là Lò Úp và Lò Ngửa. Trong đó Lò Úp là nơi lưu giữ những tác phẩm gốm mang tính truyền thống của làng nghề. Còn Lò Ngửa gồm 3 tầng lầu là nơi để bày biện các tác phẩm triển lãm sản phẩm mới. Tại các buổi triển lãm của làng gốm, mỗi hộ dân sẽ có 1 lô mang những nét đặc trưng để giới thiệu với khách tham quan về đồ gốm của gia đình mình.

lang-gom-thanh-ha-decor

Những công trình kiến trúc nổi tiếng được thu gọn trong khuôn viên làng gốm

Khuôn viên làng gốm Thanh Hà cũng rất ấn tượng. Bên cạnh vẻ dân dã gần gũi, nơi đây còn được bày trí bởi rất nhiều những tác phẩm đất nung mô phỏng lại các công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam cũng như thế giới như: Kim Tự Tháp (Ai Cập), Tháp nghiêng Pisa (Ý), đền Taj Mahal (Ấn Độ), Nhà Trắng (Mỹ),… Đặt chân vào khu trưng bày ngoài trời này, du khách sẽ như hóa thành người khổng lồ lạc vào một thế giới thu nhỏ màu đỏ gạch. Được chiêm ngưỡng toàn bộ những danh lam thắng cảnh nổi tiếng chỉ trong tầm mắt.

2. Lịch sử của làng gốm Thanh Hà

2.1. Sự hình thành và phát triển của làng gốm

Được hình thành và phát triển trong suốt 5 thế kỷ và trở nên hưng thịnh nhất vào thế kỷ XVII – XVIII, làng gốm Thanh Hà như lớn lên cùng mảnh đất phố cổ Hội An. Trong khoảng thời gian này, các sản phẩm của làng gốm được lan truyền rộng rãi khắp các tỉnh miền Trung, thậm chí là du nhập sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha,…

lang-gom-thanh-ha-nghe-nha

Nhệ nhân làng gốm Thanh Hà hầu hết là người nhập cư từ nhiều tỉnh thành

Nghệ nhân ở làng gốm hầu hết là cư dân các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa di cư xuống Quảng Nam. Trước đây khu làng nghề nằm ở làng Thanh Chiêm, là khối 6 phường Thanh Hà. Sau mới dời sang làng Nam Diêu, tức khối 5 ngày nay.

2.2. Về xưởng gốm

Ban đầu, xưởng gốm ở làng gốm Thanh Hà khá đông đúc. Cả xưởng có tất cả hơn 30 bàn xoay. Vào những tháng nắng ráo như tháng 5, tháng 6, các lò nung luôn nghi ngút khói lửa, ngoài sân phơi cũng trải đầy những sản phẩm nồi, niêu, lọ, chén bát,…

Tuy nhiên hiện nay cả làng chỉ còn 8 lò gốm và khoảng vài chục lao động, trong đó chỉ có 10 thợ giỏi. Dù vậy, các nghệ nhân nơi đây vẫn luôn cố hết sức để duy trì và phát triển nét truyền thống của làng gốm.

lang-gom-thanh-ha-o-hoi-an-nghe-nhan

Nghệ nhân ở làng gốm luôn cố gắng duy trì nét truyền thống nơi đây

Ngày nay, vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân làng gốm vẫn tổ chức lễ Tế Xuân nhằm cúng bái tổ tiên làng nghề và cầu mong bình an, thịnh vượng ở miếu Nam Diêu. Nếu may mắn đi tour Hội An 3 ngày 2 đêm vào đúng những ngày này, du khách nên một lần đến tham dự dịp hội hè này với những hoạt động truyền thống thú vị như rước kiệu Tổ nghề gốm, các trò chơi dân gian cổ truyền như kéo co, nhảy sạp, nấu cơm niêu, thi chuốt gỗ,…

3. Nét đặc biệt của sản phẩm làng gốm Thanh Hà

Điểm đặc biệt của sản phẩm ở làng gốm Thanh Hà đó là gốm mộc, không phủ men. Đây cũng chính là nét độc đáo và duyên dáng đặc sắc của chúng. Các tác phẩm được chế tác trong quy trình thủ công 100%. Đất sét lấy về sẽ được dùng xuồng xăm rất kỹ rồi nhào nhuyễn, cắt mỏng nhiều lần. Sau đó bằng sức người đạp lên liên tục để tăng độ liên kết. Sau khi được sàng lọc và làm sạch kỹ càng sẽ được đưa lên bàn xoay để tiến hành tạo hình.

lang-gom-thanh-ha-du-khach-checkin

Sân phơi sản phẩm ở làng gốm 

Đầu tiên là công đoạn chuốt, thường phụ nữ sẽ làm việc này. Có một người đứng trên một chân, chân còn lại được đạp lên bàn xoay. Người còn lại lấy đất đặt lên bàn xoay sau đó cuốn thành hình dạng cái kén rồi dùng vòng, giẻ thấm nước để tạo dáng sản phẩm.

Sau khi đã hoàn thành hình dáng của sản phẩm thì đem ra ngoài sân nắng để phơi. Gốm đã được phơi khô lại thì được đưa vào xưởng lại để dập hoa văn, trang trí với những nét vẽ đặc trưng của làng gốm Thanh Hà Hội An.

lang-gom-thanh-ha-checkin

Để có được những sản phẩm đẹp mắt phải trải qua nhiều công đoạn công phu

Công đoạn cuối cùng sau khi gốm được phơi kĩ là cho vào lò nung. Lửa nung gốm được nhóm trong khoảng 7 – 8 giờ. Khi khói đốt đã hết mới nhóm lại lửa thật lớn cho đến nhiệt độ chuẩn thì ngừng. Người thợ nung sẽ dùng “gốm thăm” để thử lửa. Khi nghỉ lửa thì mở cửa lò cho rộng để lò nung mau nguội và khoảng 12 giờ sau thì cho sản phẩm ra lò. Trung bình thời gian nung gốm trong một lò là khoảng 15 ngày.

4. Những hoạt động của du khách tại làng gốm Thanh Hà

4.1. Tham quan chụp ảnh check-in 

Là một điểm tham quan Hội An nổi tiếng, làng gốm Thanh Hà cũng có nhiều góc check in nổi bật. Với rất nhiều khung hình đẹp, màu sắc xanh thẳm của cây cối càng làm nổi bật lên màu đỏ của đất nung. Bên cạnh đó tại khuôn viên làng gốm còn được bày biện rất nhiều mô hình mô phỏng, phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh lưu lại dấu ấn kỷ niệm tại nơi đây.

lang-gom-thanh-ha-chup-anh

Khuôn viên làng gốm có rất nhiều góc ảnh đẹp

Du khách tham quan có thể đi tham quan lần lượt từng khu trong số 9 khu chính ở làng gốm như sau:

  • Khu lò gốm.
  • Khu thế giới thu nhỏ.
  • Khu vườn sắp đặt.
  • Khu bảo tàng làng nghề.
  • Khu gốm Sa Huỳnh – Chăm.
  • Khu các làng nghề truyền thống.
  • Khu triển lãm.
  • Khu sản phẩm làng nghề.
  • Khu chợ gốm

4.2. Trải nghiệm tự làm đồ gốm mỹ nghệ tại làng gốm Thanh Hà

lang-gom-thanh-ha-du-khach

Du khách được nghệ nhân hướng dẫn chế tác đồ gốm

Không chỉ dừng ở tham quan, du khách đến với làng gốm Thanh Hà còn có cơ hội hóa thân thành một nghệ nhân làm gốm. Tại xưởng, du khách sẽ được hướng dẫn tạo hình gốm trên bàn xoay với sự chỉ dẫn của những thợ lành nghề. Sau khi tạo hình, sản phẩm của bạn sẽ được cho vào lò nung để tạo ra sản phẩm mộc đầu tiên. Sau đó được lấy ra, làm nguội và bạn sẽ tự tay trang trí để có một tác phẩm ưng ý nhất.

lang-gom-thanh-ha-du-khach-lam-gom

Du khách tự tay tạo hình dồ gốm trên bàn xoay

4.3. Mua đồ lưu niệm ở làng gốm 

Bên cạnh những vật dụng ở nhà làm từ gốm như tách, chén, bình hoa, chậu,… sản phẩm lưu niệm ở làng gốm Thanh Hà còn có những món đồ trang trí và đồ chơi như tò he, tượng gốm,… 

lang-gom-thanh-ha-luu-niem

Những sản phẩm thủ công tại làng gốm sẽ là những món quà ý nghĩa cho du khách

Những sản phẩm này vừa mang nét truyền thống, vừa được thổi vào hơi thở hiện đại với men bóng và màu sắc nổi bật.

Đến với làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ như lạc vào một Hội An hoàn toàn mới. Không phải là phố cổ với những tường gạch vàng ươm mà là một thế giới thu nhỏ màu đỏ đất. Với những nét đặc trưng truyền thống, tham quan du lịch làng gốm chắc chắn sẽ là điểm nhấn khó quên trong lòng du khách khi du lịch Hội An.

Như Quỳnh