Làng gốm Bát Tràng: Ngôi làng cổ giữa lòng Hà Nội – DNTT online
Làng gốm Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn”, làng có lịch sử hình thành từ thời Lê. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, cũng như là địa điểm mà du khách trong và ngoài nước không thể không một lần ghé thăm.
Đến mảnh đất gốm này, du khách sẽ cảm thấy thích thú khi bắt gặp những bình hoa, chậu gốm được trưng bày khắp ngõ ngách trong làng hay những bức tường phơi than đầy thú vị. Nét đẹp của sản phẩm gốm, sứ Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét từ khi chỉ là vật liệu thô cho đến khi thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cốt đất đặc trưng của gốm được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Men gốm được nung ở nhiệt độ tương đối cao từ 1.250 đến 1.320 độ C, tạo nên màu men sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ.
Đến Bát Tràng, du khách có thể bắt gặp sản phẩm gốm sứ được trưng bày ở khắp mọi con đường. Ảnh: Làng Gốm Bát Tràng
Hình ảnh sản phẩm chậu, bình gốm ở mọi nơi chúng ta đi qua. Ảnh: Kinh tế Đô thị.
Thế nên sản phẩm gốm Bát Tràng được nhiều người tin dùng vì sự hữu ích và tính thẩm mỹ cao của sản phẩm. Sản phẩm gốm Bát Tràng có rất nhiều chủng loại đa dạng như bình hoa, chậu cây, chuông gió, ấm chén, tranh tường,…
Trải nghiệm đầu tiên khi tới với Bát Tràng mà bạn không thể bỏ qua chính là đi dạo chợ. Trước mắt bạn sẽ là bạt ngàn những gian hàng với hàng trăm, hàng ngàn món hàng thủ công làm từ gốm nào là bình hoa, bát ăn cơm, đèn xông tinh dầu… cho tới những chiếc vòng, chiếc thắt lưng làm bằng gốm độc đáo. Dạo một vòng quanh chợ ngắm nhìn mọi vật làm bằng gốm chắc chắn trong lòng mình sẽ trào dâng những cảm xúc thực sự lạ và thú vị.
Giá cả các sản phẩm ở đây có thể từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn hoặc vài chục – trăm triệu tùy theo độ tinh xảo, chất lượng hay kích cỡ sản phẩm.
Điều thú vị nhất khi đến Bát Tràng là các bạn có thể trực tiếp ngắm nhìn các nghệ nhân làm ra những sản phẩm gốm đầy tinh tế hay được tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích.
Du khách có thể tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích. Ảnh: Kinh tế Môi trường.
Việc tự tay biến một cục đất vô tri thành những sản phẩm có hồn như bát, bình hoa do chính tay mình làm nên thì còn gì thú vị bằng. Chỉ cần dành ra 40.000-60.000 đồng, bạn có thể trở thành một thợ gốm thực sự được tha hồ sáng tạo từ đất sét và bàn xoay. Tuy ban đầu có thể hơi lúng túng khi chưa biết cách sử dụng, bạn sẽ nhận được sự chỉ dẫn tận tình từ những thợ gốm điêu luyện ngay ở làng cổ Bát Tràng. Sau khi bạn hoàn thành “kiệt tác”, sản phẩm sẽ được nung đốt để đem về nhà.
Bạn có thể chọn khám phá xung quanh làng cổ trên chiếc xe trâu dân giã để tận hưởng không khí mộc mạc, đậm chất làng quê Việt. Những địa điểm tiêu biểu lưu lại dấu tích thời xa xưa ở đây có thể kể đến như nhà cổ Vạn Vân, đình Làng Bát Tràng. Là ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 200 năm, nhà cổ Vạn Vân là tuyệt tác kiến trúc bao gồm các hoạ tiết gốm sứ, ấm men lam, lọ rồng, bộ khuôn bản dập làm gốm,… từ trước thế kỷ 15. Đình làng Bát Tràng là nơi thờ Thành hoàng cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội quanh năm. Nếu đi làng cổ Bát Tràng đúng dịp lễ hội, bạn có thể khám phá nét văn hóa vô cùng độc đáo, náo nhiệt.
Nhà cổ Vạn Vân. Nguồn ảnh: Internet
Đình làng Bát Tràng. Nguồn ảnh: Internet
Ngoài ra, xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ – là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Một điểm du lịch thú vị không thể bỏ qua khi đến Bát Tràng là Bảo tàng gốm Bát Tràng. Được xây dựng lấy cảm hứng từ những đường cong của đất làm gốm trên bàn xoay, Bảo tàng gốm Bát Tràng đang trở thành một trong những địa điểm tham quan mới đầy thú vị. Ấn tượng đầu tiên mà Bảo tàng gốm Bát Tràng đem đến cho du khách là 7 xoáy ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt lấy nhau, tạo thành một “kiệt tác” độc nhất vô nhị. Ngoài ý tưởng tạo ra một triển lãm trưng bày các sản phẩm thủ công làng nghề và là nơi kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống, đây còn là nơi tôn vinh những người thợ làng nghề. Bảo tàng như một ngôi nhà truyền thống, nơi lưu giữ tất cả những giá trị văn hoá của Làng gốm Bát Tràng để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng thức.
Bảo tàng gốm Bát Tràng được lấy cảm hứng từ những đường cong của đất làm gốm trên bàn xoay. Ảnh: Kinh tế Môi trường
Làng gốm Bát Tràng không chỉ nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm sứ mà còn thu hút du khách bởi nét ẩm thực dân dã. Bạn có thể dừng chân tại các quán ven chợ để nếm thử vài món ăn vặt với giá cả phải chăng như bánh sắn nướng, bánh tẻ nóng hay cơm, bún, miến mang hương vị đặc trưng của làng cổ Bát Tràng. Đặc biệt nhất bạn không thể bỏ lỡ đặc sản canh măng mực, món ăn truyền thống nức tiếng ở đây. Màu vàng ươm của măng hòa quyện cùng nước dùng ngọt lim, khi ăn sẽ dai giòn sật sât rất thơm ngon. Canh măng mực thường được dùng làm món chính trong các ngày lễ truyền thống, lễ cưới xin, giỗ tết của người dân làng gốm sứ Bát Tràng.
Việc thưởng thức những ly cà phê thơm ngon bên một quán quen với những thiết kế đặc trưng như gạch nung, bát đĩa sứ… cũng sẽ khiến cung bậc cảm xúc của bạn thêm phần thăng hoa.
Cách di chuyển tới làng gốm Bát Tràng
Bạn có thể đến Bát Tràng bằng nhiều phương tiện tiện lợi. Phương tiện được nhiều du khách chọn lựa nhất đó chính là xe bus. Từ nội thành bạn có thể bắt xe tới điểm trung chuyển Long Biên, ngay đầu Trần Nhật Duật, tại đây có xe bus 47A di chuyển từ Bến xe Long Biên đến tận trong làng Gốm Bát Tràng.
Phương tiện lựa chọn thứ hai dành cho bạn đó chính là xe máy. Bằng phương tiện này, bạn sẽ di chuyển theo đường từ chân cầu Chương Dương, hoặc Thanh Trì, Vĩnh Tuy đi men theo sông Hồng, cho đến khi bạn nhìn thấy điểm chỉ đường làng Gốm Bát Tràng thì di chuyển theo biển chỉ dẫn đó, chừng 5 phút sau bạn đã có mặt tại địa chỉ cần đến.
Hoặc di chuyển bằng đường sông. Vào mỗi cuối tuần, đều có chuyến du lịch sông Hồng qua làng Gốm Bát Tràng, đền Chử Đồng Tử. Giá vé tour du lịch vào khoảng 300-400.000 đồng/người. Tuy nhiên, thời gian di chuyển bằng phương tiện này sẽ lâu hơn rất nhiều so với các phương tiện khác.
Minh An