Lạng Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số | Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ các thầy, cô giáo và các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Học sinh Trường THCS bán trú Hải Yến (Cao Lộc, Lạng Sơn) tham gia giao lưu bảo tồn các làn điệu dân ca dân tộc Nùng (Nguồn ảnh: Báo Nhân dân)
Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số như: HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 53/2017/HĐND, ngày 21/7/2017 quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; Quy định tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND hành động thực hiện Quyết định số 1557/QĐ- TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 về lĩnh vực giáo dục dân tộc; Quyết định số 446/QĐ-UBND, ngày 26/3/2017 phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Trong đó cụ thể hóa các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn của địa phương; Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND, ngày 15/4/2017 và Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND, ngày 07/6/2018 sửa đổi Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND quy định đối tượng, điểm cộng ưu tiên, khuyến khích trong tuyển sinh vào các trường PTDTNT, trong đó quan tâm đến đối tượng học sinh dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân số thấp trên địa bàn tỉnh (dân tộc Dao, Mông, Sán chay, Sán chỉ..); Quyết định 2246/QĐ-UBND, ngày 25/11/2016 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà bếp cho trường mầm non, nhà bếp liền kề nhà ăn cho trường PTDTBT; Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND, ngày 11/9/2017 quy định khoảng cách, địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh trong trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Quyết định số 838/QĐ-UBND, ngày 08/5/2019 về phê duyệt Đề án xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh cho các trường, điểm trường mầm non và phổ thông năm 2019; Kế hoạch 148/KH-UBND, ngày 20/12/2016 tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 81/KH-UBND, ngày 12/7/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”,…
Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT, trong đó có nội dung tuyển sinh vào các trường THCS và THPT dân tộc nội trú. Thực hiện chuẩn y, phê duyệt kết quả tuyển sinh lớp 6 các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và tuyển sinh lớp 10 THPT tại 3 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định. Đối với năm học 2021 – 2022, tuyển sinh vào lớp 10 đối với 6 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT (Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng).
Học sinh trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh nghiên cứu tài liệu tại thư viện trường (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)
Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo quy định. Hàng năm học sinh bán trú được thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, ở theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 và Nghị định số 116/2016/NĐ-TTg, ngày 18/7/2016 của Chính phủ… Bình quân mỗi năm, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số có 36.200 người được hỗ trợ gạo và tiền ăn, ở, 48.500 người được miễn giảm học phí. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho các trường vùng dân tộc thiểu số được bổ sung hằng năm theo hướng chuẩn hóa hệ thống trường lớp cơ bản ổn định. Việc giảm số điểm trường, cơ cấu lại trường, lớp bảo đảm thuận lợi cho tổ chức dạy và học đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú tiếp tục được củng cố; môi trường giáo dục từng bước được cải thiện. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cấp trung học cơ sở được duy trì tiếp tục được duy trì và nâng cao, 200/200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã phổ cấp giáo dục; các chỉ số về công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ huy động các cấp học đạt kết quả cao và được duy trì ổn định, học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉ lệ tiếp tục tăng. Hằng năm, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ cao, kết quả phân luồng sau trung học cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT cơ bản ổn định trong giai đoạn vừa qua. Chất lượng giáo dục các cấp học từng bước được nâng lên.
Học sinh dân tộc thiểu số Trường PTDT nội trú huyện Cao Lộc trong giờ sinh hoạt tại trường (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)
Toàn tỉnh có 11/11 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, 98 trường phổ thông dân tộc bán trú và 182 trường phổ thông có học sinh bán trú. Số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú chiếm 5,9% (6,6% ở cấp THCS và 4,5% ở cấp THPT). Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 03 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS thành trường liên cấp THCS và THPT, đồng thời coi trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non và phổ thông; tổng số trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 225 trường, trong đó 13,4% số trường đạt chuẩn thuộc xã vùng III.
Công tác bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng, UBND tỉnh đã ban hành Đề án bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động số 88/KH-UBND ngày 08/5/2017 thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; cung cấp báo chí, ấn phẩm, hỗ trợ tài liệu học tập cho các trường vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên tiếp tục được chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường; phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá cũng được đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, các mô hình giáo dục hiện đại từng bước được áp dụng phù hợp. Bên cạch đó tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, biệt phái giáo viên khá, giỏi đến giúp đỡ giáo viên và học sinh vùng khó khăn, tạo điều kiện và cơ hội để học sinh các trường vùng khó khăn được học tập với các thầy, cô giáo giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh dân tộc bán trú nói riêng và học sinh ở vùng dân tộc thiểu số nói chung. Qua đó, mặt bằng dân trí được nâng cao, khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường; đồng bào các dân tộc một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, yên tâm gắn bó với quê hương, xây dựng đời sống văn hóa.
Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn nói chung và người dân cùng dân tộc thiểu số nói riêng luôn được tỉnh quan tâm, dành ngân sách cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Giai đoạn 2008 – 2020 đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 82.000 lao động nông thôn; các ngành nghề chủ yếu là nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp; hình thức đào tạo nghề được đa dạng hoá như: Đào tạo tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lưu động tại các thôn bản, đào tạo tại trang trại, đồng ruộng, nơi sản xuất, đào tạo kết hợp với doanh nghiệp. Kết quả sau học nghề có trên 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất; có trên 80% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 28% năm 2008 lên 56% năm 2020. Qua việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là người dân cùng dân tộc thiểu số đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động là nông dân trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Nhờ các cơ chế, chính sách linh hoạt, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có hàng nghìn lượt con em học sinh DTTS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Hầu hết các đoàn viên, thanh niên là con em các dân tộc được đào tạo nghề, với mục tiêu tạo điều kiện để nông dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất chính trên quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào công tác góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Có thể thấy, sự quan tâm sát sao của tỉnh đối với công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh trong thời gian tới. Song, với những kết quả đã đạt được cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ các thầy, cô giáo; với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, tin chắc rằng chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần xứng đáng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ tích cực sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp.
QUỲNH MAI