Lầm tưởng tiền ảo Pi giá hơn 300 USD

Đồng Pi được một số sàn niêm yết và giao dịch ở mức hơn 300 USD thực chất không phải tiền ảo của dự án Pi Network.

Từ ngày 29/12, sàn tiền số XT của Trung Quốc là nơi đầu tiên niêm yết cặp giao dịch Pi/USDT. Sau đó, hàng loạt sàn khác, trong đó có cả những sàn có tiếng như Huobi, Biconomy, cũng niêm yết tiền số này. Theo thống kê của CoinMarketCap, có ít nhất năm sàn đang cho giao dịch Pi. Trong hơn hai ngày xuất hiện, giá của tiền ảo này có lúc cao nhất đạt hơn 330 USD, khối lượng giao dịch hơn 49 triệu USD trong 24 giờ.

Trên các cộng đồng đào tiền ảo Pi Network tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đồng Pi họ đang đào trên điện thoại có mức giá trên và tìm cách bán, đồng thời lôi kéo thêm người dùng đào Pi.

Giá đồng Pi trên một sàn tiền số chiều 31/12, dù Pi Network khẳng định chưa niêm yết. Ảnh: Lưu Quý

Giá đồng Pi trên một sàn tiền số chiều 31/12, dù Pi Network khẳng định chưa niêm yết. Ảnh: Lưu Quý

Sự thực đồng Pi trên các sàn hiện nay

Các sàn tiền số đều khẳng định đây là đồng Pi của dự án Pi Network. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây không phải tiền ảo Pi mà mọi người đang “đào” trên điện thoại.

“Dễ thấy là các sàn đều không hỗ trợ việc nạp hay rút Pi, vì vậy người dùng không thể đưa Pi của mình lên sàn để bán, hay có thể mua Pi từ sàn và lưu về ví. Nói cách khác, Pi trên sàn và Pi của ứng dụng Pi Network là độc lập với nhau”, Đức Nhật, một nhà đầu tư tiền số lâu năm tại TP HCM, nói.

Thực tế hôm 26/12, sàn Huobi thông báo “sẽ xem xét niêm yết Pi khi dự án được nâng cấp mạng chính thức”. Tuy nhiên ba ngày sau, sàn này đã niêm yết bất chấp Pi Network không có thay đổi nào.

Theo một nhà đầu tư tiền số khác, đây có thể là hình thức kiểu ghi nợ IOU (I Owe You). Các sàn sẽ niêm yết một đồng tiền số từ trước để người dùng có thể giao dịch, sau đó sẽ trả bằng đồng thật khi dự án phát hành chính thức. Một khả năng khác là các sàn này cũng đang sở hữu Pi và tự đưa số Pi của mình vào thị trường.

Tuy nhiên theo quy định của dự án Pi Network, tiền ảo vẫn đang trong giai đoạn “mạng kín”, tức chỉ có thể chuyển giữa những tài khoản Pi với nhau, không cho phép giao dịch với tiền số khác. Trong thông báo mới nhất, Pi Network cũng khẳng định không có liên quan với các sàn nói trên. “Pi đang trong giai đoạn mainnet kín và không cho phép bất cứ kết nối nào ra bên ngoài. Pi Network không liên kết hay uy quyền cho bất cứ việc niêm yết nào. Đồng Pi trong các niêm yết nói trên có thể không hoạt động với đồng Pi thực sự”, dự án này thông báo hôm 31/12.

Nguy cơ mất tiền từ đồng Pi “giả”

Theo ông Nhật, do số Pi trên các sàn không liên kết với dự án Pi Network thật, các sàn có thể dễ dàng thao túng giá trên sàn của mình.

Ông nhận định kịch bản dễ nhận ra nhất là họ có thể liên tục tăng giá để tạo tâm lý sợ bỏ lỡ của người dùng, từ đó thu hút người mua Pi bất chấp mức giá có thể cao hơn thực tế. Sau khi đến ngưỡng nhất định, giá có thể giảm mạnh và những nhà đầu tư sẽ là người mất tiền..

Thực tế, sau khi niêm yết, giá của đồng Pi “giả” này đã liên tục tăng, từ vài USD lên hơn 300 USD. Đến chiều 30/12, giá trên một số sàn đột ngột giảm về dưới mốc ban đầu. Theo số liệu trên CoinMarketCap chiều 30/12, giá của đồng Pi trên các sàn trên từ mức hơn 300 USD tụt mạnh xuống còn 40 USD, sau đó duy trì ở mức 10-15 USD. Đến sáng 31/12, giá lại đột ngột vọt lên hơn 314 USD, trước khi về mức khoảng 250 USD chiều 31/12.

Giá tiền ảo Pi giả biến động hàng chục lần trên các sàn giao dịch. Ảnh: CoinMarketCap

Giá tiền ảo Pi “giả” biến động hàng chục lần trên các sàn giao dịch. Ảnh: CoinMarketCap

Ngoài ra, theo ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, việc niêm yết các đồng Pi không liên quan đến dự án có thể tạo ra các nguy cơ lừa đảo đến những người dùng quan tâm đến tiền số này.

“Họ có thể lợi dụng thông tin Pi có giá hàng trăm USD trên sàn, sau đó lừa người khác mua hoặc bán Pi của mình bằng tiền thật thông qua các giao dịch OTC (tự thỏa thuận và không qua sàn)”, ông Hiếu nói. Do các giao dịch không được bảo vệ, người dùng có thể mất số Pi của mình hoặc nguy hiểm hơn là mất tiền mà không thể thu lại được

Theo Trần Văn Phúc, nhà đầu tư nổi tiếng với biệt danh Zet Under, việc niêm yết Pi nói trên thực chất là chiêu hút người dùng của các sàn giao dịch, lợi dụng việc Pi Network đang được nhiều người quan tâm. Ông cho rằng đây là hành động thiếu nghiêm túc và khuyên các nhà đầu tư nên không nên nạp tiền lên các sàn này.

“Sàn giao dịch là nơi để mọi người tin tưởng, gửi gắm tiền để giao dịch. Họ cần nghiêm túc trong mọi hành động. Tuy nhiên, các sàn trên lại tự tạo ra đồng Pi để gây hiểu lầm và dụ dỗ người tham gia. Họ giống như đùa giỡn với người dùng vậy”, ông Phúc đánh giá.

Trong thông báo mới nhất, dự án Pi Network cũng cảnh báo người dùng “có thể tổn thất và thiệt hại đáng kể” khi tham gia đầu tư vào các đồng Pi được niêm yết trên sàn ở hiện tại. “Trong giai đoạn mainnet kín, việc giao dịch Pi thông qua một bên thứ ba bị cấm. Nếu làm theo sẽ vi phạm chính sách của Pi”, thông báo của dự án có đoạn.

Pi Network là dự án ra đời từ năm 2019, được quảng cáo là giúp người dùng sở hữu tiền ảo Pi miễn phí, bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại để điểm danh mỗi ngày. Dự án khẳng định đã có 35 triệu người dùng toàn cầu. Đến giữa năm 2022, dự án bước vào giai đoạn “mạng kín”, cho phép người sở hữu Pi đã xác minh danh tính có thể trao đổi hàng hóa với nhau. Tuy nhiên việc mua bán bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước khi bước vào giai đoạn mainnet mở, giá của đồng Pi hiện tại vẫn bằng 0.

Lưu Quý