Làm thế nào khi bé hay thức đêm ngủ ngày?
Trẻ thức đêm ngủ ngày, khó vào giấc và hay cáu gắt trước khi ngủ là nỗi trăn trở của không ít bậc phụ huynh có con nhỏ. Trẻ càng thức khuya càng làm giảm cơ hội phát triển về chiều cao và trí não. Vì thế, bố mẹ nên để ý theo dõi sinh hoạt của bé và hướng dẫn cho bé đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ và ngon giấc.
Mục Lục
1. Thời gian ngủ bình thường của trẻ
Giấc ngủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trẻ ngủ đủ, đều đặn và ngon giấc thì sẽ khỏe mạnh, còn ngược lại thì sẽ mệt mỏi, kém ăn, kém hoạt động, sụt cân,vv…Thông thường, trẻ ở các lứa tuổi được đề xuất thời gian ngủ trong ngày cụ thể như sau:
- Sơ sinh: 16- 20 tiếng
- 6 tháng: 13- 14 tiếng
- 1-3 tuổi: 12 tiếng
- 3-6 tuổi: 11- 12 tiếng
- 6 – 12 tuổi: 10-11 tiếng
- Trên 12 tuổi : 9 tiếng
2. Nguyên nhân trẻ khó ngủ vào ban đêm
2.1. Chưa được bố mẹ thiết lập thói quen ngủ
Nguyên nhân này xuất phát từ các gia đình, việc cho con bú sữa và ăn uống cùng với các hoạt động khác như ngủ, vui chơi, tắm rửa không theo một lịch trình nhất quán nào đó sẽ khiến trẻ dễ bị mất ngủ và hay thức đêm.
2.2. Ban ngày ngủ quá nhiều
Ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ cần số thời gian ngủ trưa khác nhau. Nếu bé ngủ trưa và ngủ quá nhiều vào ban ngày, hoặc do thói quen ngủ sát giờ ngủ đêm thì sẽ dẫn đến ban đêm khó ngủ, kết quả là thức đêm và rối loạn hoạt động.
=>> Xem thêm bài viết từ bác sĩ nhi Hướng dẫn cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon, sâu giấc
2.3. Hưng phấn thần kinh
Nếu trước khi đi ngủ, trẻ tham gia hoạt động vui chơi quá mạnh và thú vị, thần kinh trẻ có thể bị hưng phấn kéo dài và khó có thể rơi vào giấc ngủ được. Ngoài ra cũng có thể do phòng ngủ có nhiều ánh sáng gây khó ngủ.
2.4. Mọc răng hoặc các vấn đề thể chất khác
Trong giai đoạn mọc răng, các em bé thường cảm thấy khó chịu và đau nhức ở răng miệng, vì thế trẻ sẽ khó ngủ và hay quấy khóc.
Nôn trớ nhiều, cảm cúm, nhiễm trùng tai hoặc mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như: đau bụng, đầy bụng, chướng bụng hay táo bón hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác như chuyển từ bú sữa sang ăn dặm, cũng đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ.
2.5. Do trẻ đang đói
Có thể do bé thức dậy khuya để đòi bú, nhưng cha mẹ cần xác định đó là do đói hay do thích bú về đêm vì sợ xa mẹ hay thích ngậm bình.
2.6. Tã bẩn
Nếu trẻ tè dầm hoặc đi ị trước khi ngủ nhưng chưa được thay tã, nó rất dễ sẽ khiến trẻ khó ngủ.
2.7 Em bé quá nóng hoặc lạnh
Nhiệt độ ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ. Nóng quá hoặc lạnh quá đều khiến chúng ta khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Nếu bé của bạn hay thức đêm không chịu ngủ, hãy thử kiểm tra xem điều hòa có đang mở quá thấp, quần áo mặc cho bé có quá nhiều hay không, có thể vì sợ bé lạnh mà cho bé mặc quá nóng gây khó ngủ.
3. Lợi ích của việc tập cho trẻ ngủ đúng giờ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc tập đi ngủ sớm trong khoảng từ 20h – 21h là rất quan trọng. Bé ngủ từ sớm thường sẽ có giấc ngủ dài hơn những bé ngủ muộn và nếu bé ngủ liền mạch từ 4-5 tiếng sẽ có tinh thần sảng khoái và phát triển toàn diện tốt hơn.
Trẻ đi ngủ sớm và ngủ sâu giấc sẽ giúp cơ thể phóng thích ra nhiều hormone tăng trưởng hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, ngủ sớm còn có lợi cho sức khỏe khi các cơ quan trong cơ thể trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn, giúp cho trí não trẻ phát triển hơn. Vì thế, việc trẻ sơ sinh thức đêm ngủ ngày là 1 trong những nguyên nhân cơ bản khiến bé chậm tăng cân và phát triển chiều cao hơn.
4. Trẻ thức đêm ngủ ngày phải làm sao?
Để chữa bệnh thức đêm ngủ ngày của trẻ, cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp như sau:
Đối với trẻ sơ sinh
- Trẻ dưới 3 tháng thì thường thức dậy ban đêm để bú, sau 3 tháng (hoặc sớm hơn) bé có khả năng nạp đủ năng lượng và ngủ xuyên đêm. Do vậy mẹ nên để điện thoại báo thức (chế độ rung) để thức dậy trước 1 giờ sáng để cho bé bú trước khi bé thức dậy
- Để tránh trẻ sơ sinh thức đêm ngủ ngày, mẹ có thể từ từ cắt bỏ bú sữa vào ban đêm, thường 6 tháng tuổi bé đã có thể nạp đủ năng lượng vào ban ngày
- Buổi sáng không nên để bé ngủ quá 8 giờ, nên đánh thức bé dậy bế đi chơi, cho uống sữa. Ban ngày, bố mẹ không để bé ngủ một giấc quá 3 giờ và chơi với bé nhiều hơn để bé không ngủ ngày nhiều
- Nếu bé khó ngủ, bố mẹ có thể massage nhẹ nhàng để bé dễ chìm vào giấc ngủ.
- Ngoài ra bố mẹ cần để ý đến các nguyên nhân: đói, đầy bụng, nóng quá, lạnh quá, ánh sáng khi ngủ
- Nhiệt độ phòng nên để khoảng 28 độ C để trẻ bình ổn thân nhiệt, dễ chìm vào giấc ngủ.
=>> Xem thêm bài viết từ bác sĩ nhi Lý do trẻ sơ sinh ngủ hay rướn người, giật mình, không sâu giấc
Đối với trẻ từ 1-3 tuổi
- Tránh cho trẻ ăn uống thực phẩm có caffeine vào chiều tối như chocolate, soda.
- Cho bé vào giường ngủ khi bé còn thức, không nên dỗ bé ngủ xong mới đưa vào giường. Hướng dẫn tập cho bé ngủ đúng giờ, tạo thời khóa biểu ngủ và nề nếp đi ngủ phù hợp, bé sẽ ít thức giấc hơn.
- Nên tập cho bé ngủ riêng vì ngủ chung giường với mẹ sẽ dễ thức giấc ban đêm hơn.
- Chăn, gối sẽ giúp bé giảm cảm giác thiếu bố mẹ. Có thể cho bé dùng thú nhồi, gối ôm, chèn gối xung quanh bé.
- Lớn chút bé có thể thức giấc trên 2 lần trong đêm và tự ngủ lại là bình thường, nhiều khi phụ huynh can thiệp sớm quá làm bé khó vào giấc ngủ thêm. Phụ huynh chỉ điều chỉnh khi trẻ khó vào giấc ngủ lại.
- Nếu bé sợ bóng tối do ban ngày bị dọa hay xem phim, chơi game thì cha mẹ cần giải thích nhẹ nhàng, dùng đèn ngủ và điều chỉnh lại sinh hoạt ban ngày của bé.
- Cho trẻ tắm nước ấm trước khi đi ngủ, điều này sẽ giúp trẻ thư giãn và dễ chịu hơn.
- Đọc truyện cho trẻ nghe trước khi ngủ cũng là cách hay, hãy cố gắng giữ giọng đều đều và nhỏ nhẹ, điều này sẽ khiến trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.