Làm thế nào để viết “About Me” gây ấn tượng với người đọc?

Điều gì khiến bạn cảm thấy khó khăn nhất khi viết blog cá nhân? Mình tin chắc đó là viết “About Me”. Bạn đã tiêu tốn không ít thời gian cho phần này nhưng vẫn không thấy ưng ý. Bạn có thể viết bất kỳ thể loại nào mà khách hàng yêu cầu nhưng khi viết về bản thân thì lại thấy gượng gạo và thiếu tự nhiên. Có những blogger thậm chí còn bỏ qua phần này hoặc chỉ viết vài dòng hời hợt.

Mình tin đây là nỗi niềm không của riêng ai. Và đó cũng là một thách thức mà mình phải đối mặt: viết về bản thân sao cho đủ chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng mà vẫn giữ được khiêm tốn. Nhưng mình đã vượt qua sau khi nghiên cứu những bài viết của các blogger nổi tiếng và học cách viết “About Me” như thế nào cho hoàn chỉnh nhất. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn những phương pháp mình đã áp dụng.

Trang “About Me” là gì?

Trước khi bắt tay vào viết, mình sẽ nói về tầm quan trọng của trang “About Me” đối với blog. Vì đây là nơi độc giả có thể biết bạn là ai, bạn làm nghề gì, tại sao bạn tạo blog và quan trọng nhất, tại sao họ nên tin tưởng những bài viết của bạn. Google đánh giá cao quyền hạn và sự tin cậy của khách hàng đối với một trang web. Do đó, có một trang About me là cách thể hiện cho Google biết bạn đáng tin cậy, là một con người chứ không người máy và là chuyên gia trong một thị trường ngách nào đó.

Đối với khách hàng, “About Me” tạo nên sự chuyên nghiệp cho hình ảnh thương hiệu mà bạn đang tạo dựng. Chính sự chuyên nghiệp đó dẫn bạn đến gặp nhiều khách hàng hơn.

Tại sao phải có trang “About Me”?

Có 3 lý do cơ bản để bạn nên có một trang “About Me” cho blog cá nhân:

Tăng lượng truy cập cho blog

Trang “About Me” là một trong những trang được ghé thăm nhiều nhất. Có thể độc giả biết tới bạn không phải qua công cụ tìm kiếm mà nhờ một bài viết nào đó bạn đăng trên mạng xã hội. Chính vì vậy, địa điểm tiếp theo họ ghé thăm đó chính là trang “About Me” để tìm hiểu về tác giả viết bài là ai. Sau khi đọc xong thông tin, nếu thấy thú vị và tò mò, người đọc có xu hướng tiếp tục ghé thăm những bài viết khác. Điều này kéo theo tỷ lệ độc giả thoát ra trang blog của bạn sẽ thấp và thời gian ở lại cũng tăng lên.

Tạo dựng niềm tin của độc giả dành cho bạn

Điều khiến cho độc giả quay lại trang blog của bạn là sự tin tưởng. Nếu tin, họ sẽ quay lại để đọc những bài viết mới của bạn. Bạn có nghĩ họ sẽ bỏ tiền ra mua một sản phẩm, hoặc dịch vụ mà họ không biết người cung cấp dịch vụ đó là ai? Niềm tin chính là điều bạn cần phải xây dựng khi quyết định làm một điều gì đó, trong trường hợp này là nghề viết. Đừng ngần ngại khi cho độc giả biết bạn là ai.

Bạn có thể liên kết trang “About Me” tới những trang mạng khác như Facebook, Instagram, Youtube để độc giả thấy sự chuyên nghiệp và hiểu biết của bạn trong thị trường ngách mà bạn lựa chọn theo đuổi. Ngoài ra, bạn có thể đăng những chứng chỉ mà bạn đạt được để củng cố niềm tin của độc giả dành cho bạn.

Cung cấp khách hàng tiềm năng

Thông qua trang “About Me”, bạn có thể kêu gọi độc giả nhấn nút đăng ký theo dõi và kéo khách hàng đến gần bạn hơn. Đây là nơi bạn để lại thông tin và cách liên lạc để khách hàng dễ dàng tiếp cận với bạn. Bạn có thể hướng khách hàng đến những nơi mà bạn muốn họ đến thông qua trang này.

Đối với nghề viết, trang “About Me” có thể xem như một portfolio phiên bản tóm tắt để khách hàng nhanh chóng quyết định có nên chọn bạn viết cho họ hay không. Bạn nên nhớ, khi lượng truy cập tăng thì sẽ có nhiều người biết đến blog và trang “About Me” càng chuyên nghiệp thì càng có nhiều cơ hội công việc.

Làm thế nào để viết về bản thân mà gây ấn tượng với người đọc?

1. Thu hút sự chú ý của độc giả

Đối với blog, bạn chỉ có vài giây để quảng cáo bản thân cho độc giả. Điều này có nghĩa là bạn phải gây ấn tượng với họ ở những dòng đầu tiên để họ nhận ra họ đang ở đâu. Đối với nhiều người, việc làm này không dễ dàng một chút nào. Để có thể viết “About Me” cho chính trang blog của mình, bạn có thể tham khảo bài viết của những blogger nổi tiếng khác để tìm hiểu cách mọi người đưa tính cách của họ vào bài viết như thế nào.

Cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của độc giả trong vòng vài giây đó là đưa ra những điều khiến họ phải gật đầu đồng ý trong những câu đầu tiên. Để dễ hơn, bạn hãy tưởng tượng nếu bạn có 8 giây để gây sự chú ý với “crush” thì bạn sẽ nói câu gì trước khi anh ấy/ cô ấy biến mất mãi mãi? Bạn sẽ nói câu gì để thuyết phục crush ở lại với bạn? Bạn có thể áp dụng phương pháp này nếu bạn gặp khó khăn trong việc viết những câu đầu tiên để “bán thân”.

Hãy thu hút độc giả bằng cách thể hiện cái tôi, cái chất bên trong bạn. Nếu bạn hài hước, hãy viết bằng sự hài hước. Nếu bạn nghiêm túc, hãy thể hiện nghiêm túc theo cách của bạn. Chính vì sự duy nhất mà độc giả quyết định đến và ở lại với bạn.

2. Thêm một tấm hình cá nhân mà bạn yêu thích nhất

Sau khi thu hút được độc giả, bạn hãy kết nối độc giả gần hơn với mình bằng hình ảnh. Thêm những tấm hình bạn ưng ý và tạo nhiều thiện cảm với mọi người nhất. Việc đưa những hình ảnh vào trang “About Me” là cách hiệu quả để cho mọi người biết về chính con người bạn. Chắc hẳn bạn sẽ thấy khó chịu hoặc không muốn nói chuyện, làm thân với người mình không biết rõ mặt mũi phải không?

3. Cho mọi người biết mục đích bạn viết blog

Bạn viết blog với mục đích xây dựng sự nghiệp, có thể là viết lách, bán sản phẩm… Vậy thì tại sao bạn không dùng trang “About Me” để nói cho mọi người biết bạn viết blog làm gì? Sau khi đọc xong, họ sẽ biết được mục đích của bạn là gì. Họ sẽ hiểu blog này có giúp họ giải quyết những vấn đề đang gặp phải hay không. Đây là cách bạn tăng sự kết nối với khách hàng mà không cần phải nói chuyện với từng người. Chỉ cần một trang “About Me” là đủ để mọi người biết khả năng của bạn, bạn có thể giúp họ giải quyết khó khăn, cho họ sự yên tâm, và thời gian họ dành để đọc bài viết của bạn là đáng giá.

4. Quảng bá bản thân

Học cách viết trang “About Me” là một cơ hội hoàn hảo để quảng bá cho mọi người biết năng lực của bạn đến đâu. Bạn hãy tạo ra những thông tin trung thực, hấp dẫn bằng cách trích dẫn những thành quả mà bạn đạt được trong thời gian vừa qua. Nếu bạn viết blog để kiếm tiền, hãy cho mọi người thấy đồng tiền đầu tiên bạn kiếm được là khi nào. Bạn hãy thuyết phục khách hàng biết được sản phẩm bạn đang cung cấp cho họ là có giá trị và quyết định của họ là đúng đắn.

Trang “About Me” của chị Linh Phan là một ví dụ điển hình về cách quảng bá sản phẩm bằng việc liệt kê 5 cuốn sách đã viết và những khóa học về viết và làm cha mẹ. Ngắn gọn nhưng hiệu quả.

5. Thu hút độc giả bằng câu chuyện bản thân

Khi nói đến các blogger nổi tiếng, chắc hẳn bạn sẽ biết đến Giang Ơi. Ở phần “About Me”, cô ấy đã kể cho mọi người câu chuyện của bản thân, từ việc tại sao có 4 con mèo, đến chuyện gặp được chồng, chuyện giảm cân. Chính những câu chuyện đó, Giang đã kéo độc giả gần hơn với mình và truyền cảm hứng sống cho những bạn trẻ hiện nay đúng với thông điệp mà cô đưa ra khi quyết định viết blog, nơi giúp giới trẻ bước vào thế giới người lớn.

Mình tin ai trong chúng ta cũng là một người kể chuyện tuyệt vời nhất. Không ai kể chuyện về bản thân hay bằng chính họ. Bạn nên sử dụng trang About me để kể những câu chuyện về chính bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách trả lời những câu hỏi. Bạn bắt đầu sự nghiệp viết lách khi nào? Làm thế nào để có được công việc viết lách đầu tiên? Bạn mất bao lâu để có được thành quả như ngày hôm nay? Ai là người ở bên động viên bạn trong những lúc bạn chùn bước? Tôi tin chắc để có được ngày hôm nay, bạn đã trải qua đủ cay đắng ngọt bùi của nghề, nên sẽ không khó khi viết ra câu chuyện của bản thân. Nhưng lưu ý, không nên để độc giả cảm thấy bạn đang khoe khoang quá nhiều vì nó sẽ phản tác dụng đấy.

6. Sử dụng giọng văn gần gũi với độc giả mục tiêu

Đây là một điều rất quan trọng. Bởi vì trang “About Me” sẽ là nơi mọi người biết bạn là ai nhưng cũng là nơi bạn biết độc giả của bạn là ai. Bạn cần sử dụng ngôn ngữ của chính độc giả để viết bài nhằm mục đích tạo sự gần gũi với họ. Một cách tốt nhất để có thể biết được ngôn ngữ của họ đó là tham gia những diễn đàn về chủ đề ngách mà bạn đang theo đuổi. Đọc những bài viết, lời bình luận của độc giả để nắm được ngôn ngữ mà họ thường dùng.

Ví dụ khi đọc About me của Ngocdenroi, mình có thể thấy anh Ngọc đã sử dụng giọng văn đời thường để liên kết câu chuyện của giới trẻ ngày nay và của mình lại với nhau. Nếu anh Ngọc sử dụng ngôn ngữ chuyên về IT trong “About Me” thì sẽ rất khó tiếp cận với đa số bạn trẻ muốn hiểu hơn về MMO (Making Money Online).

7. Đừng quên Call-to-action

Call-to-action, kêu gọi độc giả hành động là một việc không thể thiếu khi viết blog, không chỉ trang “About Me” mà còn cả trang chủ cho đến trang đích. Bạn phải vẽ ra cho người đọc biết con đường họ phải đi tiếp theo sau khi đọc “About Me” là gì. Đừng bao giờ để họ rời “nhà” bạn quá sớm. Quay lại với blog của chị Linh Phan, bạn có thể thấy sau khi giới thiệu về bản thân, chị đã hướng độc giả đến những khóa học viết, làm cha mẹ để độc giả có thể dễ dàng đến đúng nơi mà họ cần.

Bạn phải luôn nhắc nhở người đọc đến đây vì mục đích gì, tại sao họ lại có mặt ở đây. Bạn có thể hướng người đọc đi đến những bài viết khác bằng cách chèn link liên kết vào bài viết. Kêu gọi mọi người theo dõi những bài viết tiếp theo bằng cách đăng ký email hoặc qua Facebook, Instagram, Youtube… Cho dù mục đích của bạn tạo blog để làm gì đi chăng nữa, hãy luôn nhiệt tình kêu gọi mọi người ủng hộ và tương tác với bạn.

Trang “About Me” tuy quan trọng nhưng bạn nên nhớ hãy luôn thành thật với những gì bạn quyết định viết vì nơi đây phản ánh niềm đam mê và sở thích của cá nhân bạn. Nếu bạn không thích yoga, đừng viết bạn đam mê với nó. Nếu bạn không thích nấu nướng, đừng thể hiện cho mọi người bạn là người yêu bếp. Độc giả rất tinh ý, họ có thể cảm nhận được những gì bạn đang nói là đúng hay sai. Đừng bắt đầu bằng lừa gạt để rồi sau đó đánh mất họ. Giờ đã đến lúc bạn hành động và biến trang “About Me” trở thành công cụ giúp bạn đạt được mục tiêu đã đề ra. Và đừng quên cập nhật trang thường xuyên để cho độc giả biết bạn đang ở đâu trên con đường sự nghiệp của bạn nhé.