Làm sao để không bị lây thủy đậu?

Thủy đậu là một bệnh có thể lây lan nhanh khi có tiếp xúc với với người bệnh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tử vong. Vậy làm sao để không bị lây thủy đậu?

1. Bệnh thủy đậu là gì?

Thủy đậu (hay còn gọi là phỏng rạ, cháy rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Varicella Zoster Virus (VZV) thuộc họ Herpesviridae gây ra.

Thủy đậu có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào trong bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là trẻ em. Đối với người lớn thì tỷ lệ mắc thủy đậu thấp hơn nhưng vẫn gây ra nhiều biến chứng nặng như: xuất huyết, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng nốt phỏng rạ, viêm gan,… thậm chí là gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế hàng năm thì thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu xuân, đầu hè. Thời tiết giao mùa chính là yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh và số ca mắc bệnh tăng cao, đặc biệt là trẻ nhỏ từ độ tuổi 2 – 7 tuổi.

Đây là một bệnh truyền nhiễm nên có khả năng lây lan từ người bệnh sang người lành với tốc độ lây lan rất nhanh.

2. Thủy đậu lây thế nào?

Muốn biết làm sao để không bị lây thủy đậu thì trước hết mọi người cần biết thủy đậu lây như thế nào? Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành theo các con đường chủ yếu sau:

2.1. Lây qua đường hô hấp

Virus thủy đậu có trong nước bọt của người bệnh và khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì virus trong nước bọt có thể bắn ra ngoài không khí. Nếu người lành hít phải thì sẽ bị nhiễm virus thủy đậu.

2.2. Lây qua tiếp xúc trực tiếp

Đây là con đường lây truyền nhanh nhất của bệnh thủy đậu, khi người lành tiếp xúc trực tiếp với các nốt mụn nước hoặc vùng da bị nhiễm virus của người bệnh thì virus từ những nốt mụn này sẽ lây sang người lành và gây bệnh.

2.3. Lây qua tiếp xúc gián tiếp

Virus thủy đậu có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài trong một khoảng thời gian khá lâu. Nếu người bệnh chạm tay hoặc sử dụng những vật dụng thì có thể khiến virus bám trên đó và người lành tiếp xúc với những vật dụng đó cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Các vật dụng dễ lây truyền virus như là: khăn mặt, khăn tắm, quần áo, đồ bơi, khăn màn, gối và giường chiếu…

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp có tiếp xúc, lây nhiễm virus thủy đậu cũng đều gây khởi phát bệnh. Nếu người lành chưa có khả năng miễn dịch (miễn dịch tự nhiên do đã nhiễm thủy đậu trước đó hoặc miễn dịch nhờ vắc xin) thì virus thủy đậu xâm nhập vào miệng hầu và đường hô hấp trên. Dần dần, virus sẽ nhân lên với số lượng lớn, chúng sẽ dần lan đến da và niêm mạc làm khởi phát bệnh.

Bệnh thủy đậu được đánh giá là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Vì thế, mọi người cần biết cách phòng bệnh thủy đậu để hạn chế mắc bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe.

3. Làm sao để không bị lây thủy đậu? Những cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả

Bệnh thuỷ đậu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và dễ lây lan, vậy làm sao để không bị lây thủy đậu? Đây là thắc mắc được rất nhiều người quan tâm.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu thì nên thực hiện một số biện pháp sau:

  • Cần hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh thủy đậu để giúp phòng tránh bệnh lây lan.
  • Những trường hợp đang mắc bệnh thuỷ đậu cần phải được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 – 10 ngày kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là với người bệnh. Cần chú ý vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa bệnh.
  • Vệ sinh cơ thể cho người bệnh hàng ngày, nên tắm bằng nước nóng, không sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có chứa chất tẩy rửa mạnh để giúp người bệnh nhanh khỏi bệnh, hạn chế lây lan bệnh.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và trường học, cùng các vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  • Để tránh lây nhiễm thì người bệnh không tiếp xúc trực tiếp với các nốt phỏng, tránh làm vỡ chúng vì có thể gây bội nhiễm và thành sẹo.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống nhiều nước lọc… Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại virus.
  • Đặc biệt, nên tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên và cho cả người lớn chưa được miễn dịch với virus thủy đậu. Với trẻ em thì việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu lại càng quan trọng. Vì thế, nếu gia đình có trẻ nhỏ thì hãy đưa trẻ tới trung tâm tiêm chủng để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Đối với trẻ từ 1 – 12 tuổi cần được tiêm một liều vắc xin để ngừa thủy đậu. Trẻ từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều và cách nhau ít nhất 6 tuần.
  • Phụ nữ đang có kế hoạch sinh con cũng nên tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.

Mong rằng với những thông tin về bệnh thủy đậu được chia sẻ trong bài viết này đã giúp mọi người biết được làm sao để không bị lây thủy đậu? Từ đó có biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số

hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.