Làm sao để giá trị cốt lõi (company core value) không là những tính từ sáo rỗng? | Tomorrow Marketers

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Thử đặt mình vào vị trí của một ứng viên đang đi tìm hiểu công ty trước khi ứng tuyển. Bạn tìm được website của công ty và tìm đọc trang Giới thiệu (About Us). Và trong đó có một danh sách các giá trị doanh nghiệp nghe rất hay ho và ra gì: “Communication. Respect. Integrity. Excellence”. Đọc lên thì có vẻ thể hiện được tinh thần quyết chiến, sự thông thái và đầy ý nghĩa. 

Dù vậy, thực tế, dưới vai trò của một ứng viên, những cụm từ này không hề ý nghĩa (meaningful), thay vào đó, chúng vô nghĩa (meaningless), sáo rỗng và chung chung mà công ty nào cũng nói. 

Trong bài viết sau, cùng TM tìm hiểu về giá trị cốt lõi của công ty (company core value) là gì, và làm cách nào để những tuyên bố về giá trị cốt lõi không trở nên vô giá trị nhé!

1. Core Value của một doanh nghiệp là gì?

Giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là những giá trị gốc rễ và niềm tin xây dựng nên nền tảng cách mà doanh nghiệp vận hành và cách nhân viên của doanh nghiệp đó hoạt động. Nói cách khác, giá trị cốt lõi giống như DNA của công ty bạn vậy. Giá trị cốt lõi có vai trò định hướng thái độ và hành vi của công ty đối với sự việc/người khác, giúp phân biệt công ty bạn khác gì với các công ty đối thủ khác.  

Có một số khái niệm khác mà nhiều người thường nhầm lẫn: Vision, Mission và Values. 

  • Values: những giá trị và niềm tin nền tảng mà công ty theo đuổi để đạt được vision và mission.
  • Vision: điều gì bạn kỳ vọng có thể đạt được, “tương lai” mà doanh nghiệp bạn hướng tới là gì?
  • Mission: sứ mệnh của công ty bạn – công ty đang theo đuổi nhiệm vụ gì, lý do nào để công ty đó được hình thành và phát triển, tồn tại?

Giá trị cốt lõi có thể truyền cảm hứng và hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc xác định sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu của công ty. Mọi quyết định hoặc hành động trong một doanh nghiệp đều được xác định bởi những giá trị cốt lõi đó. 

Mặc dù ban lãnh đạo đều hiểu tầm quan trọng của giá trị cốt lõi, nhưng lại ít ai biết cách để triển khai và đưa những giá trị đó vào hành động để tạo ra sự thay đổi trong thành công của công ty. Nhiều lãnh đạo vẫn nghĩ rằng những giá trị tốt nhất xuất phát từ việc học hỏi các công ty, tập đoàn lớn, và sẽ có một danh sách các giá trị mà bất cứ công ty nào cũng nên theo đuổi.

Tuy nhiên, đây vẫn là suy nghĩ sai lầm bởi:

Liệu có một bộ giá trị cốt lõi nào là chuẩn mực cho tất cả các công ty?

Theo Collins, tác giả của ‘Xây Dựng Để Trường Tồn’, sẽ không có một câu trả lời nào chính xác cho câu hỏi này. “Mỗi công ty sẽ có một bộ giá trị cốt lõi riêng biệt. Chúng phải cụ thể và phù hợp với tầm nhìn của tổ chức. Và quan trọng hơn, các giá trị đó phải có ý nghĩa với cả nhân viên và cả công ty, và có thể hiện thực hóa bằng các hành động và quyết định”.

Vì vậy, không quan trọng giá trị cốt lõi của bạn là gì, mà quan trọng là mức độ bạn tin tưởng vào những giá trị đó như nào, cách bạn theo sát, hành động theo những giá trị đó, gìn giữ chúng và chia sẻ những giá trị đó trong phạm vi của công ty như nào để theo đuổi mục tiêu giúp công ty trở nên tích cực và phát triển hơn.”

2. Vì sao doanh nghiệp phải xác định core value?

Xây dựng văn hóa, thu hút ứng viên và giữ chân nhân viên

Để tìm kiếm được một ứng viên tiềm năng phù hợp với văn hóa (cultural-fit interview), bạn cần xác định các giá trị của công ty và đảm bảo rằng ứng viên đó theo đuổi cùng một hệ giá trị mà không có sự trái chiều quan điểm. 

Đọc thêm: Vì sao văn hóa doanh nghiệp tốt vẫn không giữ chân được nhân tài?

46% người tìm việc cho rằng văn hóa công ty là rất quan trọng khi chọn ứng tuyển vào một công ty. Ngoài ra, một trong những lý do lớn nhất khiến mọi người rời bỏ doanh nghiệp là do môi trường làm việc độc hại hoặc sự mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Điều này chứng tỏ rằng giá trị cốt lõi và những biểu hiện trong môi trường doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để chiêu mộ và giữ chân các nhân viên phù hợp nhất với thương hiệu của bạn. 

Một doanh nghiệp thành công bắt đầu với những giá trị cốt lõi mạnh mẽ

Khi quyết định các giá trị cốt lõi của công ty, hãy nhớ tự hỏi bản thân rằng “Những giá trị này có thể đưa vào hành động thực tế không?”

Hãy nhớ rằng giá trị cốt lõi của một công ty không chỉ là một tập hợp các cụm từ, tính từ/danh từ mà là định hướng cho cách doanh nghiệp hoạt động. Những giá trị đó phải khuyến khích các quyết định/hành động tại công ty để đảm bảo sự đồng nhất giữa các nhân viên. 

Thiết lập mối quan hệ khách hàng-doanh nghiệp

Minh bạch các mục tiêu hợp tác và giá trị cốt lõi của công ty sẽ giúp khách hàng hiểu được bản sắc trong các quyết định của doanh nghiệp bạn, từ đó tạo ra sự dễ dàng trong quá trình làm việc và thiết lập mối quan hệ khách hàng-doanh nghiệp bền chặt. 

Những niềm tin vào giá trị cốt lõi này cũng ảnh hưởng đến cách công ty tương tác với các đối tác, khách hàng và cổ đông. Văn hóa của một công ty phải phù hợp với các giá trị cốt lõi của nó để tạo ra một môi trường chia sẻ, lâu dài và tích cực cho tất cả các bên. Các công ty có tầm nhìn xa không tồn tại chỉ để tối đa hóa lợi nhuận, thay vào đó, họ có một loạt các mục tiêu khác, và lợi nhuận chỉ là một trong số đó. Các công ty này có mục đích lớn hơn cho sự tồn tại và có những nguyên tắc giúp kiểm soát mọi quyết định và hình thành nên hệ tư tưởng của họ, giúp lèo lái công ty qua nhiều thế hệ.

3. Xác định các giá trị cốt lõi có giá trị thực sự thay vì là những lời nói sáo rỗng như nào?

Thấu hiểu các loại giá trị khác nhau

Core values (Giá trị cốt lõi) là những nguyên tắc nền tảng có thể dẫn dắt những hành động và quyết định của một công ty. Đây là những giá trị vốn có và bất khả xâm phạm trong phạm vi của công ty, tức là chúng không được phép thay đổi vì lợi ích kinh tế hay những lợi ích mang tính ngắn hạn. Giá trị cốt lõi thường phản ánh giá trị của những người sáng lập công ty — khẩu hiệu “HP Way” nổi tiếng của Hewlett-Packard là một ví dụ. 

Aspirational values (Giá trị khát vọng) là những giá trị mà một công ty cần để thành công trong tương lai nhưng hiện đang thiếu. Ví dụ, một công ty cần phải phát triển giá trị mới để hỗ trợ một chiến lược mới hoặc để thích ứng với các yêu cầu mới của thị trường. Các giá trị này cần được xác định cẩn thận để đảm bảo rằng chúng không làm loãng ý nghĩa của giá trị cốt lõi. Ví dụ, một công ty có giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp là “làm việc chăm chỉ và cần cù”, thậm chí các nhân viên sẵn sàng làm việc muộn vào buổi tối và cuối tuần. Nếu bổ sung thêm giá trị khát vọng là “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” để theo đuổi điều mà thị trường nhân sự đang đòi hỏi, nhân viên có thể sẽ cảm thấy bối rối vì không biết đâu mới là giá trị quan trọng của công ty. 

Permission-to-play values (Giá trị tiên quyết) phản ánh những hành vi và tiêu chuẩn tối thiểu của bất cứ nhân viên nào trong công ty. Những giá trị này thường là những giá trị đạo đức xã hội và không có nhiều khác biệt giữa các công ty, đặc biệt những doanh nghiệp chung một nền văn hóa trong cùng một quốc gia hoặc cùng một ngành. Vì vậy, những giá trị này không giúp phân biệt một công ty với những đối thủ khác của nó. 

Những giá trị như “Respect” (Sự tôn trọng) hay “Integrity” (Tính liêm chính) là một trong những ví dụ đó. Giả sử, bạn cho rằng giá trị “niềm tin” là giá trị cốt lõi của công ty bạn và điều này được chứng minh thông qua việc từ chối những ứng viên gian dối ngay trong CV. Đây vẫn là một quyết định đúng, nhưng hầu như tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Trừ khi công ty sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứng rắn bất thường để chứng minh rằng họ có tiêu chuẩn liêm chính cao hơn hầu hết các công ty, nếu không, tính liêm chính nên được phân loại là giá trị tiên quyết, không phải là giá trị cốt lõi.

Accidental values (Các giá trị phát sinh) là những giá trị phát sinh một cách tự phát mà không được lãnh đạo vun đắp và nắm giữ theo thời gian. Chúng thường phản ánh sở thích hoặc tính cách chung của nhân viên trong tổ chức. Các giá trị phát sinh này có thể tốt cho một công ty, chẳng hạn như tạo ra bầu không khí hòa nhập. Nhưng chúng cũng có thể tạo ra những tác động tiêu cực.

Case study của Sak Elliott Lucca – một công ty may mặc thời trang, sẽ chứng minh điều này. Công ty này có vị trí ở khu South of Market của San Francisco, điều này dễ dàng thu hút những nhân viên đầu tiên của công ty là những người ưa thích tham gia tiệc tùng ngay cả những ngày trong tuần và sở hữu một tủ đồ vô cùng thời thượng, trẻ trung; theo thời gian, công ty đã vô tình thấm nhuần các giá trị này. 

Nhưng khi công ty phát triển, các giám đốc điều hành nhận thấy rằng: công ty khó lòng có thể phát triển đa dạng nếu chỉ tuyển dụng những người trẻ sành điệu, “trông giống Sak như bây giờ”. Lúc này công ty mới tích cực làm việc để giúp nhân viên hiểu rằng, chỉ tuyển dụng những người hợp thời không liên quan gì đến các giá trị cốt lõi của Sak về niềm tin (trung thực và đáng tin cậy), hành động (đưa ra quyết định độc lập) và quyền sở hữu (đối xử với công ty như thể một người sáng lập). Miễn là họ có cùng hệ giá trị cốt lõi với công ty, họ đều có cơ hội được tuyển. Và ngày nay, Sak là một công ty thực sự đa dạng và đã mở rộng dòng sản phẩm của mình để thu hút một thị trường rộng lớn hơn nhiều.

Đọc thêm: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Những bài học từ cuốn sách “What You Do Is Who You Are: How to Create Your Business Culture

Quyết liệt theo đuổi các giá trị chân thật, phản ánh chính xác những gì (ban lãnh đạo) công ty mong muốn

Nhiều công ty nhìn nhận việc xác định những giá trị cốt lõi giống như đang launching một chiến dịch Marketing: đơn thuần là một sự kiện “lóe sáng rồi vụt tắt” – chỉ thu hút sự chú ý ban đầu mà không duy trì được lâu dài. Điều này có thể làm giảm uy tín của các nhà lãnh đạo của tổ chức. 

Để một tuyên bố về giá trị của công ty đảm bảo tính “chân thật”, những giá trị này công ty không nhất thiết phải bắt chước một công ty nào khác. Một số công ty có thể định hướng giá trị tuân thủ các giá trị cứng rắn, nếu không muốn nói là hoàn toàn gây tranh cãi. 

Ví dụ, Siebel Systems luôn tuân thủ một loạt các giá trị đích thực phản ánh rõ ràng văn hóa của Thung lũng Silicon, nơi công ty đặt trụ sở chính. Tính chuyên nghiệp, thứ đứng đầu danh sách các giá trị của Siebel, giúp nó khác biệt với nền văn hóa phù phiếm của nhiều công ty công nghệ, nơi hộp bánh pizza, bàn bi lắc và dép là những thứ nổi bật. Nhân viên của Siebel bị cấm ăn tại bàn làm việc hoặc trang trí tường của họ bằng nhiều hơn một hoặc hai bức ảnh.

Trong khi đó, Intel lại tự hào với khía cạnh kỷ luật trong văn hóa công ty. Nhân viên được khuyến khích để đón nhận rủi ro bằng cách thách thức vấn đề và tham gia vào cuộc họp phản biện mang tính xây dựng. Ví dụ, trong quá trình định hướng, các nhân viên mới được dạy nghệ thuật nói chuyện bằng lời nói mà không kìm nén những cảm xúc tiêu cực. Và người sáng lập Andy Grove đã tự trở thành tấm gương thực hiện giá trị cốt lõi này vì sự sẵn sàng thách thức, thậm chí mắng mỏ các giám đốc điều hành trong các cuộc họp. 

Tích cực tuân thủ các giá trị của một người cũng có thể giúp một công ty đưa ra các quyết định chiến lược. Ví dụ: Webcor Builders, một công ty quản lý xây dựng, đã sử dụng giá trị cốt lõi của sự đổi mới như một la bàn chiến lược vào năm ngoái khi quyết định mua lại một nhà cung cấp – một công ty tư vấn đã kết nối các công ty xây dựng với công nghệ băng thông. Nhờ hoạt động kinh doanh mới của Webcor, các kiến ​​trúc sư và kỹ sư trước đây phụ thuộc vào điện thoại và các bản thiết kế cồng kềnh đã có thể đưa công nghệ vào quy trình làm việc, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Làm chủ quy trình xác định giá trị cốt lõi

Quá trình xác định các giá trị cốt lõi của một công ty thường bắt đầu như sau: Các giám đốc điều hành sẽ giao công việc này cho bộ phận Nhân sự, bộ phận này sau đó sẽ coi đây là một “công cụ” để thu hút các ứng viên mới và truyền thông thương hiệu tuyển dụng; hoặc họ có thể coi đây là hoạt động nhằm thể hiện mong muốn của các cấp lãnh đạo khi lắng nghe ý kiến của các nhân viên về doanh nghiệp, sau đó sẽ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp và khảo sát nhằm chọn ra tổ hợp các cụm từ  hay nhất.  

Nhưng đây là quy trình sai lầm. Thứ nhất, nhân viên không thuộc về công ty, không xây dựng nền tảng công ty và họ có thể rời bỏ công ty bất cứ lúc nào. Thứ hai, việc có sự đồng thuận của các nhân viên chỉ tạo ra ấn tượng tích cực rằng tất cả mọi người đều có giá trị ngang bằng nhau mà không để tâm tới việc các cá nhân khác nhau có cấp bậc và tầm quan trọng khi đưa ra quyết định là khác nhau. 

Khuyến khích nhân viên làm việc và tuân theo giá trị cốt lõi

Sau khi bạn đã xác định được các giá trị cốt lõi phù hợp, bạn cần tích hợp giá trị này vào mọi quyết định liên quan tới nhân sự tại công ty — từ việc tuyển dụng, hệ thống quản lý hiệu suất, tiêu chí thăng chức và khen thưởng, cho tới cả chính sách sa thải. Từ buổi phỏng vấn đầu tiên cho đến ngày làm việc cuối cùng, nhân viên cần được nhắc nhở liên tục rằng các giá trị cốt lõi là nền tảng cho mọi quyết định của công ty. 

Comergent, một công ty kinh doanh điện tử trẻ tuổi, đã thành công trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp xoay quanh giá trị tin cậy, cống hiến và động lực bản thân bằng cách đưa những giá trị cốt lõi này vào mọi hành động của nhân viên. Các cán bộ nhân viên tại công ty, từ lễ tân đến phó chủ tịch, được sàng lọc không chỉ về kỹ năng và kinh nghiệm mà còn được đánh giá dựa trên mức độ phù hợp của họ với các giá trị của công ty. 

Trong các cuộc phỏng vấn, Giám đốc điều hành Jean Kovacs đã đặt câu hỏi thẳng thắn và bày tỏ kỳ vọng về khối lượng công việc và những thành tích đã đạt được trong quá khứ của ứng viên. Ví dụ: để kiểm tra động lực và sự cống hiến của ứng viên, Kovacs yêu cầu họ mô tả một công việc họ đã hoàn thành dù bị người khác đánh giá là không thể. 

Ngay cả khi quyết định sa thải một nhân viên, Kovacs cũng giữ nguyên quan điểm rằng: “Với một nhân sự còn yếu về kiến thức và kỹ năng, công ty có thể hỗ trợ huấn luyện và đào tạo nhiều hơn, nhưng với một nhân sự theo đuổi giá trị đi ngược với giá trị cốt lõi của công ty, chúng tôi buộc phải chấp nhận để họ đi nhằm đảm bảo giá trị văn hóa của doanh nghiệp”. Việc này có thể sẽ đánh mất một lượng nhân viên trong thời gian đầu áp dụng, nhưng theo thời gian, công ty có thể tránh được việc phải sa thải nhiều người và việc đưa ra các quyết định sai lầm trong quá trình kinh doanh và vận hành. 

Đọc thêm: Vì sao Amazon cấm PowerPoint? Case study thay đổi văn hóa ngay từ những cuộc họp hàng ngày

4. Ví dụ về giá trị cốt lõi của một số công ty/tập đoàn toàn cầu

Cuối cùng, Tomorrow Marketers đã tổng hợp một số ví dụ về giá trị cốt lõi của một số tập đoàn/công ty nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau để giúp bạn thấy được sự khác biệt và mối liên hệ của giá trị cốt lõi với văn hóa doanh nghiệp, đặc trưng lĩnh vực và yếu tố quan trọng giúp tập đoàn/công ty đó thành công:

  • Biến những điều phức tạp trở nên đơn giản: Canva luôn cố gắng để hướng tới giá trị đơn giản, thực tế và vẫn đem lại giải pháp hiệu quả cao cho các vấn đề trong thiết kế của người dùng. Giá trị cốt lõi này được xuất phát và bám sát với ý tưởng kinh doanh và giá trị cạnh tranh nổi trội nhất của Canva, khi mà các công cụ thiết kế đã trở nên quá phức tạp với những người không có chuyên môn cao. (Make complex things simple: Always aiming for the most simple, pragmatic and effective solution to any problem. Think of the user)
  • Đặt ra những mục tiêu lớn điên rồ và biến chúng thành hiện thực: Tại Canva, các nhân viên và cả các cấp lãnh đạo được khuyến khích đặt mục tiêu tham vọng và phải luôn nỗ lực, ưu tiên để đạt được những mục tiêu đó. (Set crazy big goals and make them happen: Set ambitious goals, prioritize, hustle to execute and celebrate success!)
  • Thúc đẩy và tạo ra động lực cho người dùng: Là một nền tảng hỗ trợ thiết kế và chia sẻ ấn phẩm theo nhóm, Canva theo đuổi giá trị tạo ra động lực cho người dùng, khuyến khích họ sử dụng công cụ và chia sẻ kết quả để đạt được mục tiêu của họ. (Be a force for good: Making the world a better place through positive actions, inclusion and diversity)
  • Là động lực cho những giá trị tốt đẹp: Giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn thông qua các hành động tích cực, đa dạng và hòa nhập. (Empower others: Empowering others to achieve their goals, both globally and within Canva)
  • Niềm tin: Là một công ty cung cấp dịch vụ CRM cho các khách hàng tổ chức/công ty nhỏ và vừa, Salesforce đóng vai trò là cố vấn đáng tin cậy và theo đuổi giá trị của sự tin tưởng từ khách hàng, nhân viên và các đối tác thông qua tính minh bạch, bảo mật, tuân thủ, quyền riêng tư và hiệu suất. (Trust: We act as trusted advisors. We earn the trust of our customers, employees, and extended family through transparency, security, compliance, privacy, and performance. And we deliver the industry’s most trusted infrastructure) 
  • Sự thành công của khách hàng: Với sản phẩm là hệ thống/công cụ CRM nhằm hỗ trợ quá trình quản trị quan hệ khách hàng của các doanh nghiệp, Salesforce tâm niệm rằng “Khi khách hàng thành công, chúng tôi thành công”. Vì vậy, công ty đã theo đuổi những giá trị đổi mới, mở rộng các dịch vụ kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cung cấp họ những giá trị công nghệ cải tiến và hướng đi mới để đạt được thành công. (Customer Success: When our customers succeed, we succeed. So we champion them to achieve extraordinary things. We innovate and expand our business offerings to provide all our stakeholders with new avenues to achieve ever greater success)
  • Sự công bằng: Tập trung vào các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Salesforce đặt giá trị công bằng lên những giá trị cốt lõi mà công ty theo đuổi, nhằm chứng minh rằng tất cả công ty, dù quy mô nào, đều xứng đáng như nhau để tiếp cận tới những cơ hội phát triển và thành công. Đối với nội bộ, ban lãnh đạo công ty cũng được khuyến khích lắng nghe đa dạng quan điểm, nhằm thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường sự gắn kết giữa mọi người. (Innovation: We innovate together. Our customers’ input helps us develop products that best serve their business needs. Providing continual technology releases and new initiatives gives our customers a competitive advantage. Equality Everyone deserves equal opportunities. We believe everyone should be seen, heard, valued, and empowered to succeed. Hearing diverse perspectives fuels innovation, deepens connections between people, and makes us a better company)
  • Sự bền vững: Salesforce tin rằng sự phát triển bền vững của các khách hàng doanh nghiệp là quan trọng, và để đạt được điều này, công ty đã tập trung nỗ lực phát triển công nghệ và sản phẩm. (Sustainability: We lead boldly to address the climate emergency. We are committed to bringing the full power of Salesforce to accelerate the world’s journey to net zero)
  • Hướng tới đạt được sứ mệnh: Airbnb theo đuổi sứ mệnh kết nối mọi người trong cộng đồng để tạo ra một thế giới mà mọi người đều có thể thuộc về ở bất kỳ đâu. (Champion the Mission: We’re united with our community to create a world where anyone can belong anywhere)
  • Be a Host (chủ nhà): Là một nền tảng kết nối người có nhu cầu thuê nhà/phòng nghỉ với các chủ nhà/phòng nghỉ trên khắp thế giới, Airbnb khuyến khích sự quan tâm, tận tình, cởi mở và hiếu khách từ mạng lưới chủ nhà và cả các nhân viên trong công ty. (Be a Host: We’re caring, open, and encouraging to everyone we work with) 
  • Tham gia cuộc phiêu lưu: Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Airbnb theo đuổi giá trị của sự tò mò, lạc quan và niềm tin rằng mỗi người đều có thể phát triển. (Embrace the Adventure: We’re driven by curiosity, optimism, and the belief that every person can grow)
  • Táo bạo: Airbnb quyết tâm và sáng tạo trong việc biến những tham vọng táo bạo của mình thành hiện thực. (Be a Cereal Entrepreneur: We’re determined and creative in transforming our bold ambitions into reality)

Tạm kết

Giá trị cốt lõi của công ty phải phản ánh chính xác thái độ và niềm tin mà ban lãnh đạo mong muốn nhân viên phải có, đưa những giá trị đó vào hành động và quyết định cụ thể, sau đó cho thấy những quyết định đó đã tạo ra trải nghiệm khách hàng tích cực như nào. Giá trị cốt lõi phải được xác định trước và là nền móng trước khi bạn xây dựng căn nhà – chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng để giữ chân nhân tài và tuyển dụng thêm các nhân sự chất lượng cao. Nếu bạn quan tâm tới Employer Branding để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp, tham khảo khóa học Employer Branding & Hiring của Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!