Làm sao để dạy văn hiệu quả

Văn là một trong những môn học quan trọng và cũng là bộ môn rất khó tiếp cận. Nói không quá, văn chương là nghệ thuật sáng tạo của của ngôn ngữ. Đây cũng là yếu tố khiến việc dạy và học văn đòi hỏi sự “khéo léo” trong việc truyền tải kiến thức, “tinh tế” trong việc cảm nhận và “nỗ lực” rèn luyện. Bạn đang là một giáo viên dạy văn, hay là một gia sư văn? Bạn áp dụng phương pháp nào để dạy Văn một cách hiệu quả?

Làm sao để học tốt môn ngữ văn

Đảm bảo nội dung kiến thức

Khi dạy Văn học nói riêng và các bộ môn khoa học nói chung, người dạy bao giờ cũng phải đảm bảo truyền tải đầy đủ nội dung kiến thức môn học.

Giáo viên dạy Văn hay các gia sư văn cũng cần lưu ý trình bày đầy đủ vấn đề được đề cập đến trong từng tác phẩm.

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chúng ta cần giúp học sinh tri giác, cảm thụ tác phẩm, hiểu ngôn ngữ, tình tiết, cốt truyện, thể loại… để có thể cảm nhận được hình tượng nghệ thuật trong sự toàn vẹn của các chi tiết, các liên hệ.

Có nghĩa là:

+ Người dạy cần đọc truyền cảm tác phẩm văn học cho học sinh của mình cảm nhận. Nếu là tác phẩm văn xuôi chúng ta phải xác định và đọc những đoạn văn tiêu biểu, còn nếu là thơ: chúng ta cần đọc cả bài và nhấn mạnh các từ quan trọng.

+ Sau đó, các từ ngữ khó hiểu, cần phải giải thích cắt nghĩa rõ ràng, nhằm giúp các em hiểu sâu từng “góc cạnh” của tác phẩm văn học.

Thứ hai, giúp học sinh tiếp xúc với ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ, thâm nhập vào hệ thống hình tượng như là sự kết tinh sâu sắc của tư tưởng, tình cảm tác giả.

Thứ ba, giúp học sinh đưa hình tượng nghệ thuật vào văn cảnh đời sống và kinh nghiệm sống của mình để thể nghiệm, đồng cảm.

Thứ tư, giúp học sinh nâng cấp lý giải tác phẩm lên cấp quan niệm và tính hệ thống, hiểu được vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn hóa, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật.

Dạy văn là phải bình văn

Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là lâu nay các em ít mặn mà với môn Văn, vì không cảm được nó hay ở chỗ nào.

Điều đó có lý do ở người dạy. Nhiều thầy cô quên mất đặc trưng của văn học, dạy văn mà cứ như dạy chính trị, giáo dục công dân hay sử địa. Suốt 45 phút không thấy có một lời bình văn, không khai thác được những “điểm sáng thẩm mỹ” của hình tượng văn học. Quanh đi quẩn lại chỉ thầy trò vấn đáp rời rạc, rồi nếu có màn hình lớn vi tính thì cho các em xem vài cảnh thiên nhiên, con người, ảnh tác giả…Học sinh ra khỏi lớp là quên tất cả, dồn sức để giải bài tập của các môn tự nhiên.

gia-su-van
Dạy văn là phải bình văn

Để giúp các em có ấn tượng và khơi gợi được tinh thần hứng thú học văn, chính là nhờ những giây phút được nghe các thầy bình văn. Những giây phút đó trí tưởng tượng của học sinh mới có thể bay bổng, sống với nhân vật, hoàn cảnh trong văn xuôi, kịch; hay như được “bay lên” cùng những vần thơ giàu tính hoạ, tính nhạc.

Chỉ khi nào dạy văn có bình văn thì: “Mỗi áng văn, lời thơ là một cá lội, con bướm bay, con chim hót. Việc nghiên cứu giảng dạy thơ văn là phải đưa được vào trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô” (Xuân Diệu).

Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện mỹ. Còn nếu dạy văn mà cứ như dạy ngữ pháp, hay dạy cách làm văn với mấy chục câu hỏi lý trí, vô bổ, thì hỡi ôi, chẳng khác nào nước xối đầu vịt, nước đổ lá khoai. Thậm chí có thầy cô còn chưa biết đọc diễn cảm, chứ chưa nói đến ngâm thơ khi cần để minh hoạ.

Nhưng bình văn thế nào cho đúng cho hay không phải là việc đơn giản. Muốn bình đúng, bình hay, trước hết cần một sự nỗ lực rèn luyện từ phía người dạy. Chúng ta cần thường xuyên trau dồi kĩ năng và hiểu biết văn học bằng cách đọc sách. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng bài, phải kết hợp với các kĩ năng sư phạm: giọng nói, kết hợp với cử chỉ, nét mặt sao cho phù hợp. Chỉ như thế chúng ta mới có thể bình văn hay được.

Chú ý: Kĩ năng viết văn cho học sinh

Học văn nếu chỉ chú ý vào nội dung bài giảng, cách thức giảng bài không thôi chưa đủ. Quan trọng là, chúng ta phải kiểm tra các em cảm thụ những điều đó ở mức độ nào. Viết văn cảm nhận tác phẩm là một trong những cách thức đó.

Đứng ở phương diện người dạy, chúng ta cần hướng các em diễn đạt ý hiểu của mình bằng những câu ngắn gọn. Học sinh sẽ phải tư duy để lựa chọn những từ ngữ đắt giá để trình bày quan điểm của mình. Thế nên, kĩ năng viết câu sẽ đạt tới mức độ chuẩn xác.

Có thể bạn quan tâm:

Kinh nghiệm học toán hay dành cho các bạn học sinh

Mẹo thi trắc nghiệm môn hóa THPT 2017 cho các bạn học sinh lớp 12

Những điểm cần lưu ý khi làm bài thi môn Toán