Làm sao biết mình có bị thiếu máu hay không?
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng được cho là do căng thẳng hoặc bệnh tim. Nhưng ít ai biết rằng thủ phạm chính là thiếu máu.
Phụ nữ độ tuổi sinh để thường thiếu máu thiếu sắt – Ảnh: Shutterstock
Phụ nữ độ tuổi sinh để thường thiếu máu thiếu sắt – Ảnh: Shutterstock
Để nhận biết có phải bị thiếu máu không, dưới đây là 7 điều bạn cần biết về tình trạng này, theo Prevention.
Thiếu máu là triệu chứng, không phải là bệnh
Hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu bạn bị thiếu máu, có nghĩa là bạn không có đủ hồng cầu hoặc hồng cầu không có đủ hemoglobin (một loại protein giàu chất sắt làm cho máu có màu đỏ).
Tiến sĩ – bác sĩ Robert T. Means, trưởng khoa và là giáo sư y học nội tại Đại học tiểu bang Đông Tennessee ở Johnson City (Mỹ), cho biết: “Thiếu máu không phải là một loại bệnh mà là một dấu hiệu cho thấy một thứ đó đang xảy ra trong cơ thể của bạn. Thiếu máu được gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau. Phổ biến nhất là tình trạng thiếu sắt mà cơ thể cần có để tạo ra hemoglobin. Nếu bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, bạn sẽ cần phải tăng mức độ khoáng chất thiết yếu này bằng cách bổ sung hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt”.
Hầu hết mọi người không biết họ bị thiếu máu
Trong khi một số người bị thiếu máu có thể cảm thấy xương mệt mỏi, số khác thậm chí không nhận ra bất cứ điều gì không ổn. Nhưng nếu không kiểm soát, thiếu máu sẽ trầm trọng hơn, và theo thời gian, bạn sẽ trở nên dần dần yếu hơn và mệt mỏi khi tim cố gắng làm việc, khó bơm máu và giữ cho các mô có oxy.
Các triệu chứng khác bao gồm chóng mặt, đau đầu, tê ở bàn tay và bàn chân, nhiệt độ cơ thể thấp, da xanh xao, khó thở, tim đập nhanh hoặc không đều, đau ngực, khó chịu… Nếu thiếu máu không được điều trị, nó có thể dẫn đến suy tim.
Thiếu máu phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nghiêm trọng hơn với nam giới
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường thiếu máu do mất nhiều máu khi kinh nguyệt hoặc trong khi sinh. Vì vậy, phụ nữ độ tuổi này nên bổ sung chất sắt.
Trong khi đó, nam giới lại không bị thiếu máu do 2 trường hợp trên nên nếu thiếu máu thường là dấu hiệu của một căn bệnh như ung thư ruột kết.
Người ăn chay cũng có thể bổ sung sắt không qua thịt đỏ
Không cần phải ăn thịt để có được chất sắt. Ngoài thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa là các loại thực phẩm giàu chất sắt tốt nhất, nhưng bạn cũng có thể lấy sắt từ đậu lăng, đậu, đậu hũ, các loại rau lá xanh như rau chân vịt, rau cải xoăn. Bánh mì, các loại ngũ cốc và trái cây sấy khô như nho khô và quả mơ cũng tăng cường chất sắt.
Để cơ thể hấp thu sắt hiệu quả, bạn cần bổ sung các loại thực phẩm vitamin C như dâu tây, bông cải xanh, và nước cam.
Thói quen uống caffeine có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu
Thói quen uống trà hoặc cà phê giữa các bữa ăn có thể khiến cản trở sự hấp thu sắt từ thức ăn. Nếu bác sĩ đã đề nghị bổ sung sắt, bạn chỉ nên uống nước có chất caffeine sau 2 giờ uống thuốc bổ sung sắt.
Không được tự ý chẩn đoán mình thiếu máu
Nếu tự chẩn đoán tình trạng của mình là thiếu máu mà không qua chẩn đoán của bác sĩ, và tự động uống bổ sung sắt trong khi cơ thể không thực sự cần, bạn có thể gặp tác dụng phụ không mong muốn như khó tiêu và táo bón. Một số người có bệnh gọi là hemachromatosis – tình trạng hấp thụ quá nhiều sắt qua ăn uống. Bệnh này có thể gây viêm khớp, tiểu đường, bệnh gan, và một loạt các bệnh khác.
Những triệu chứng lạ của thiếu máu
Thiếu máu, thiếu sắt có thể làm cho bạn thèm một số điều khá kỳ lạ, các bác sĩ gọi tình trạng kỳ lạ này là pica. Loại phổ biến nhất là thèm đá. Nhiều phụ nữ thiếu máu chỉ thèm nhai đá lạnh. Thậm chí có trường hợp lạ hơn là thèm tàn thuốc. May mắn là sự thèm ăn những thứ kỳ lạ này có thể biến mất ngay khi bạn có đủ lại chất sắt.