Làm rõ khái niệm báo chí là gì


Cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Báo chí lần này là nhằm cụ thể hóa các quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận thông qua báo chí theo Hiến pháp năm 2013. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, điều 25, Hiến pháp quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Như vậy, Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Hai quyền tự do này là khác nhau. Chúng ta sửa đổi Luật Báo chí làm sao để công dân thực hiện quyền tự do báo chí đã được Hiến định. Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng, luật này đi sâu vào nghề làm báo và để quản lý báo chí. Còn để làm sao để công dân thực hiện được quyền tự do báo chí thì chưa được thể hiện rõ. Về quyền tự do báo chí, dự thảo Luật chỉ đề cập về báo chí và nhà báo mà không đề cập đến công dân là không phù hợp.

Đây cũng là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Theo Chủ nhiệm Trương Thị Mai, giải thích quyền tự do báo chí từ Hiến pháp ra Luật Báo chí để cụ thể hóa như thế nào cần phải tiếp tục nghiên cứu. Cơ quan soạn thảo phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Trong khi đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp cận ở góc độ công dân, quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp có lẽ phải được tiếp cận ở cả 2 góc độ là quyền công dân và quyền của báo chí và nhà báo.

Về quy định này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu phân tích, điều 11, 12 dự thảo Luật quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Nếu hiểu đây là hai phạm trù khác nhau, gắn với các chủ thể khác nhau thì không đúng. Điều 11 về quyền tự do báo chí thì chỉ nói đến báo chí và nhà báo. Đến điều 12 lại nói đến quyền tự do ngôn luận của công dân. Chúng ta tách bạch phạm trù quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Tuy nhiên, trong Tờ trình dẫn lại nội dung trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị của Liên hợp quốc, cho rằng quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí. Phó chủ tịch QH đề nghị xác định rõ nội hàm của quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Thiếu khái niệm về báo chí

Dự thảo Luật, còn thiếu khái niệm về báo chí hoàn chỉnh để làm sao căn cứ vào đấy, công dân thực hiện được quyền báo chí và nhà nước có thể quản lý được báo chí để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhận xét. Nếu quy định như dự thảo Luật thì chúng ta loại rất nhiều loại hình có thông tin báo chí nhưng không được coi là báo chí. Nếu loại hết các loại hình chứa thông tin báo chí, mà chỉ có một số báo chí được đề cập trong dự thảo Luật thì việc quản lý nhà nước sẽ rất khó khăn. Khi đó, xử lý đối với những trường hợp trái với quy định của báo chí mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này thì căn cứ vào đâu? Dự thảo Luật chỉ quy định báo chí nêu trong Luật này bao gồm các loại hình: báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử. Đó là nói đến loại hình báo chí thôi. Cần phải có khái niệm về báo chí là hình thức thể hiện ý kiến của công dân và được thể hiện dưới các dạng như thế nào. Nếu chỉ quy định các loại hình như dự thảo Luật thì chưa thể hiện được hết.

Tán thành với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải có khái niệm báo chí là gì. Chúng ta mới chỉ đề cập đến loại hình báo chí như báo in, báo hình, báo điện tử. Khi đưa ra được khái niệm thế nào là báo chí thì chúng ta mới có thể xác định được các loại hình các trang thông tin cá nhân, mạng xã hội, ý kiến của người dân trên mạng có thuộc báo chí hay không. Chủ nhiệm cho rằng, phải chăng báo chí chính là một tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật trên lĩnh vực truyền thông đại chúng. Còn đối với các loại hình trang thông tin cá nhân, mạng xã hội không thể gọi là báo chí được. Mặt khác, đối tượng được thành lập cơ quan báo chí trong dự thảo luật là rất rộng. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc thêm, bản thân các báo cũng đã kêu chúng ta nhiều báo quá. Có báo đã nảy một câu: “Đọc đi em, đọc đi em/ Anh sẽ ra thêm cho em nhiều tờ báo nữa.” Vấn đề này liên quan trực tiếp đến câu chuyện chất lượng báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đặt vấn đề, Cơ quan soạn thảo có giải trình rằng Luật này không điều chỉnh các trang mạng cá nhân, vậy những vấn đề phức tạp, nhức nhối chúng ta không quản lý à? Luật này cần phải bao chùm, có điều chỉnh nhất định đối với các loại hình trang tin điện tử cá nhân, blog, trang tin tổng hợp, mạng xã hội… Hiện có hai luật liên quan điều chỉnh là luật An toàn thông tin và Luật Báo chí. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng, nên nghiên cứu lại, điều chỉnh nội dung của các loại hình chứa đựng thông tin báo chí.