Lạm phát hạ nhiệt nhờ giá lúa mì và dầu cọ giảm mạnh – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
(KTSG Online) – Giá các mặt hàng nông nghiệp chủ chốt, bao gồm dầu cọ và lúa mì giảm mạnh khi các thương nhân đánh giá triển vọng cải thiện của nguồn cung lương thực toàn cầu, với các dấu hiệu lạc quan bao gồm xuất khẩu dầu cọ từ Indonesia tăng lên và khả năng vụ thu hoạch lúa mì của Nga sẽ bội thu trong niên vụ này.
Khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp đạt đỉnh điểm
Theo dữ liệu của Bloomberg, giá dầu cọ tại Malaysia tiếp tục chìm sâu trong thị trường giảm giá với mức giảm khoảng 9% trong phiên giao dịch 20-6 và tiếp tục giảm1,8% khác vào hôm 21-6, khi Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, tăng cường xuất khẩu mặt hàng này.
Đó là sự đảo chiều so với thời điểm cuối tháng 4 khi giá dầu có đạt mức cao kỷ lục do Indonesia tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ để hạ nhiệt lạm phát lương thực trong nước và cuộc chiến ở Ukraine đã kìm hãm hoạt động xuất khẩu dầu hướng dương của nước này
Tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá lúa mì và bắp tương lai giảm liên tiếp trong hai phiên giao dịch đầu tuần. Hiện giá lúa mì ở Chicago đang ở mức thấp nhất trong 11 tuần. Tại Pháp, giá lúa mì cũng đang giảm.
Các vụ thu hoạch lúa mì đang bắt đầu ở khắp các nước thuộc khu vực Bắc bán cầu. Nguồn cung lúa mì của Bắc Mỹ có triển vọng tăng lên, trong khi các nhà phân dự đoán vụ thu hoạch lúa mì của Nga sẽ đạt gần hoặc ở mức kỷ lục nhờ thời tiết thuận lợi hồi mùa xuân.
Đà giảm giá các mặt hàng nông nghiệp chủ chốt trên giúp làm dịu nỗi lo cho người tiêu dùng trên khắp thế giới khi họ đang đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng nhanh và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cũng đang giảm từ mức cao kỷ lục hồi tháng 3 sau khi Nga tấn công quân sự ở Ukraine, bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu của Ukraine, một trong nước cung cấp ngũ cốc và dầu thực vật hàng đầu cho thị trường thế giới.
“Có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể sắp đạt đến đỉnh điểm”, Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Maybank, nhận định và cho biết thêm sự sụt giảm của dầu cọ sẽ gây áp lực giảm giá lên dầu ăn.
Bắt đầu xả kho
Indonesia đang tăng tốc xuất khẩu dầu cọ để “xả” kho dự trữ đang đầy ắp của họ. Động thái này sẽ thách thức đối thủ Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu cọ của Malaysia giảm hơn 10% trong 20 ngày đầu tháng 6 so với tháng trước. Sản lượng nhập khẩu dầu cọ giảm xuống ở Ấn Độ và châu Âu nhưng tăng lên ở Trung Quốc.
Theo Chen Bin, nhà phân tích tại Công ty Shanghai Ganglian E-Commerce Holdings, cơn tăng giá dầu ăn ở Trung Quốc có thể sẽ kết thúc khi nguồn cung dầu cọ phục hồi. Dầu cọ là loại dầu ăn được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, do vậy, sự giảm giá của mặt hàng này sẽ làm giảm đáng kể lạm phát lương thực toàn cầu.
Hãng tư vấn thị trường nông nghiệp Agritel nhận định viễn cảnh suy thoái kinh tế cũng đang đè nặng lên giá cả hàng hóa. Khi kinh tế suy thoái, người tiêu dùng có thể hạn chế sử dụng nhiên liệu hoặc cắt giảm tiêu thụ các loại thực phẩm có giá cao.
Tuy nhiên, một số nhà sản xuất lương thực lớn vẫn đối mặt với nỗi lo thời tiết và hoạt động xuất khẩu của Ukraine tiếp tục bị hạn chế bởi chiến sự. Điều đó có nghĩa là giá lương thực toàn cầu vẫn có thể tăng trở lại.
Báo cáo của MARS, tổ chức giám sát mùa màng của Liên minh châu Âu (EU), công bố hôm 20-6, cắt giảm triển vọng về sản lượng lúa mì mềm của khối xuống mức dưới trung bình do thời tiết nóng bất thường. Sản lượng lúa mì mềm đã được điều chỉnh giảm ở 13 trong số 25 nước sản xuất lúa mì của EU. Theo nhận định của Công ty dữ liệu vệ tinh Maxar, thời tiết khô hạn cũng sẽ là mối lo ngại đối với hầu hết các vành đai trồng ngô và đậu nành của Mỹ vào đầu tháng 7.
Theo Bloomberg, Reuters