Lạm phát đang tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào?

Đường cong lợi suất trái phiếu phản ánh gì?

Sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng lên 9,1%, cao hơn mức dự báo trước đó 8,8% và mức của tháng 5 là 8,6%, thì lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng lên trên 3,1%, còn lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài 10 năm giảm xuống dưới 2,9%.

Thông thường, đường cong lợi suất sẽ có hình dạng dốc lên. Ngược lại, trong một số trường hợp, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài có thể thấp hơn kỳ hạn ngắn, tạo ra đường cong “đảo ngược”, theo chiều dốc xuống.

Khi nền kinh tế ở trong trạng thái tốt, nhà đầu tư (NĐT) sẽ giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu kỳ hạn dài (10 năm), đầu tư nhiều vào tài sản rủi ro như cổ phiếu và các tài sản tài chính có rủi ro khác. Do đó, khi nhu cầu trái phiếu kỳ hạn dài giảm, lợi suất trái phiếu sẽ tăng.

Biểu đồ đường cong lựi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ qua các năm. Ảnh nguồn SSI.
Biểu đồ đường cong lựi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ qua các năm. Ảnh nguồn SSI.

Ngược lại, khi NĐT nhận định nền kinh tế xấu đi và lạm phát đạt đỉnh sau đó, nhu cầu đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài sẽ tăng lên, đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn này giảm xuống, thấp hơn lợi suất ngắn hạn tạo nên đường cong lợi suất đảo ngược.

Chuyên gia phân tích tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, cho rằng, sự đảo ngược của đường cong lợi suất không hẳn là dự báo cho sự suy thoái kinh tế mà nó còn phản ánh tâm lý của NĐT về tương lai ảm đạm của nền kinh tế khi lãi suất tăng cao. Đây là một trong những chỉ số dự báo đáng tin cậy đối với thị trường, với 5 lần dự báo đúng suy thoái kinh tế gần nhất. Theo những dự báo trước, phải mất khoảng 1 – 1,5 năm kể từ khi đường cong lợi suất bị đảo ngược xuất hiện thì suy thoái kinh tế mới thực sự diễn ra.

Cũng theo SSI, ở thời điểm hiện tại, đường cong lợi suất đang có hiện tượng bị đảo ngược từ kỳ hạn 1 năm trở đi, hoàn toàn đối lập với cùng kỳ năm 2020 và năm 2021. Điều này phản ánh hiện tượng giới đầu tư đang kỳ vọng với đà tăng lãi suất hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngăn chặn sự tăng trưởng kinh tế, và dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển từ các tài sản ngắn hạn sang tài sản dài hạn. Điều này thể hiện qua lợi suất trái phiếu giảm dần từ kỳ hạn 1 năm cho tới 10 năm.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại không quá căng thẳng thể hiện qua độ dốc của đường cong thấp hơn nhiều so với lần đảo ngược ở năm 2007. Với tình hình hiện, khi chỉ số CPI của Mỹ tăng mạnh 9,1% vượt trên sự báo của các chuyên gia kinh tế đã tạo nên các dự đoán về quyết định của Fed sẽ tăng lãi suất lên thêm 1% trong lần họp tới đây. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng mạnh hơn lợi suất trái phiếu dài hạn.

Tuy nhiên, chuyên gia dự báo, việc tăng lãi suất liên tục để kiềm chế lạm phát có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, và sau đó bắt buộc Fed phải nới lỏng chính sách tiền tệ để cân bằng trở lại.

Sự mạnh lên của đồng USD sẽ làm thị trường cổ phiếu suy yếu ?

Từ những phân tích trên cho thấy, khi đường cong lợi suất bị đảo ngược sẽ phản ánh tâm lý của NĐT về khả năng suy thoái kinh tế và thị trường cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn. Kinh tế Mỹ nổi trội so với các nước khác cùng với chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Mỹ và các nước phát triển khác (đặc biệt là EU), sẽ khiến cho đồng USD mạnh lên. Điều này tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, cùng với việc giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu của nước này, khiến kinh tế Mỹ giảm sút.

Biểu đồ Dollar-Index đang ở mức rất cao, đỉnh của hơn 4 thập kỷ. Ảnh nguồn SSI.
Biểu đồ Dollar-Index đang ở mức rất cao, đỉnh của hơn 4 thập kỷ. Ảnh nguồn SSI.

Từ năm 2021 đến nay đồng USD liên tục tăng giá, đến hiện tại đã tương đương với đồng EUR và cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Sự mạnh lên của đồng USD có mối tương quan nghịch chiều với sự tăng giá ở thị trường cổ phiếu. Có nghĩa là, khi USD mạnh lên thì thị trường cổ phiếu sẽ có sự sụt giảm, do dòng tiền dịch chuyển từ các tài sản có tính rủi ro cao là cổ phiếu sang các tài sản có rủi ro thấp hơn như trái phiếu.

Tuy nhiên, không ít NĐT thắc mắc, đồng USD mạnh lên, suy thoái kinh tế tại Mỹ có ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung?

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2/2022 của Việt Nam ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có nhiều khởi sắc. Chỉ số VN-Index kết tuần trước (15/7) vẫn giảm 2,92 điểm. Chỉ có thanh khoản được cải thiện, tăng gần 13% về khối lượng và tăng gần 19,6% về giá trị so với phiên trước.

Điều tương quan giữa thị trường chứng khoán quốc tế và trong nước đó là, giới đầu tư trong nước cùng lo ngại khi đồng USD tăng giá mạnh trong giỏ thanh toán, đồng nghĩa với đẩy các đồng tiền như EUR, bảng Anh, Yên Nhật, đô la Canada… sụt giảm mạnh. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực châu Âu, Nhật Bản… sẽ bị thiệt hại.

Chỉ số chứng khoán Mỹ đang đi xuống. Ảnh nguồn SSI.
Chỉ số chứng khoán Mỹ đang đi xuống. Ảnh nguồn SSI.

Cùng với đó, kinh tế Mỹ được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi kinh tế Mỹ suy yếu sẽ kéo theo các nền kinh tế khác sụt giảm. Từ đó, giới đầu tư lo ngại kinh tế kém khả quan, dẫn đến sự sụt giảm ở thị trường cổ phiếu Mỹ cũng như trong nước.

Tuy nhiên, theo SSI khi lạm phát đạt đỉnh và nền kinh tế bắt đầu giảm sút thì các gói kích thích kinh tế sẽ được tung ra, cùng chính sách tiền tệ nới lỏng tạo thanh khoản dồi dào cho thị trường. Điều này sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển từ các khoản đầu tư dài hạn trở về ngắn hạn, đặc biệt là các tài sản có rủi ro cao (tương đồng với lợi nhuận cao) như thị trường cổ phiếu.

Khi lạm phát tạo đỉnh cũng là lúc thị trường cổ phiếu tạo đáy. SSI khuyến nghị NĐT cần chờ đợi thời điểm lạm phát và chỉ số Dollar-Index phát đi tín hiệu đã đạt đỉnh, Fed sẽ có động thái dừng tăng lãi suất. Thời điểm tất cả tin xấu đã phát đi sẽ là cơ hội cho các NĐT kiên nhẫn.