Làm mới cho bảo tàng

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật.

Nhiệm vụ “sống còn”

Với sự phát triển của công nghệ việc sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh, internet đã trở nên phổ biến. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu hiện vật bảo tàng đã trở nên rộng khắp, thậm chí đã trở thành một phần trong việc quyết định và lập kế hoạch cho trưng bày bảo tàng.

Thời gian qua, các phần mềm audio guide dần được các bảo tàng ứng dụng, như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chăm,… cung cấp các bài giới thiệu trưng bày và hiện vật bằng lời nói. Hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của Bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam từ năm 2005 đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Khởi nguồn là phần mềm quản lý hiện vật, màn hình cảm ứng, website, tiếp đến là âm thanh kỹ thuật số hỗ trợ các tổ hợp trưng bày để phục vụ khách tham quan…

Các phần mềm công nghệ từ khi được đưa vào vận hành đã bước đầu có kết quả và thu được những phản hồi tích cực từ phía khách tham quan và các nhà nghiên cứu, nhất là giới trẻ.

Triển lãm 3D tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Triển lãm 3D tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ đang là nhiệm vụ “sống còn” của ngành bảo tàng trong việc tạo ra những điểm đến hấp dẫn với công chúng. Theo TS Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những nghiên cứu về phản hồi của khách tham quan cho thấy lượng thông tin về tác giả, tác phẩm trưng bày thường xuyên của Bảo tàng còn hạn chế. Ông Minh dẫn chứng, tại các buổi tọa đàm trực tiếp với các công ty du lịch, lữ hành, đa phần các hướng dẫn viên đều phản ánh rằng họ thấy khó khăn khi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một phần do hệ thống thông tin quá ít, phần khác là do sự khuyết thiếu kiến thức nền về nghệ thuật, dẫn đến tâm lý e ngại, không muốn đưa các đoàn khách du lịch đến với Bảo tàng.

Ứng dụng Audi guide tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Ứng dụng Audi guide tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Giải bài toán nguồn lực

Khái niệm “Bảo tàng số” “Bảo tàng thông minh” “Bảo tàng ảo” không còn xa lạ, tuy nhiên mức độ chuyển đổi như thế nào và nội dung chuyển đổi gồm những gì còn tùy thuộc vào từng Bảo tàng ở từng lĩnh vực, địa phương khác nhau. Có một thực tế hiện nay dù đã hết sức nỗ lực nhưng kinh phí vẫn là rào cản lớn nhất, hầu hết các bảo tàng thường không đủ nguồn lực mà phải phối hợp với các công ty công nghệ. Các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay phần lớn là các cơ quan phi lợi nhuận, nguồn kinh phí để xây dựng và duy trì các nền tảng công nghệ số phục vụ các hoạt động ở bảo tàng rất hạn chế, thậm chí gần như không có. Điều đó đồng nghĩa với việc đối tác hợp tác trước hết phải có năng lực tài chính đủ mạnh và vững để có thể đồng hành cùng bảo tàng trong thời gian dài. Không chỉ vậy, họ còn cần có khả năng công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời cũng như đoán định các xu hướng công nghệ thế giới để đáp ứng nhu cầu hoạt động của bảo tàng cũng như nhu cầu thưởng lãm của công chúng.

Việc sở hữu năng lực đón đầu xu hướng công nghệ mới là rất quan trọng, bởi công tác xây dựng các ứng dụng, chương trình công nghệ số đòi hỏi khoảng thời gian không hề ngắn để có thể đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi và cải tiến không ngừng, nếu chỉ xây dựng dựa trên những nền tảng hiện nay thì sau một thời gian phát triển, sản phẩm rất dễ trở nên lạc hậu và thất bại.

Không những vậy, việc chuyển đổi số tại Bảo tàng cũng gặp không ít khó khăn. Theo bà Tô Thị Thu Trang – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cán bộ bảo tàng có thể làm tốt chuyên môn nhưng thiếu và yếu kiến thức về công nghệ, dẫn đến khi thực hiện thiếu tự tin, rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Một phần cũng là xuất phát từ thói quen, tập quán làm việc thủ công, theo kiểu truyền thống dẫn đến khi tiếp xúc công nghệ rất khó thích nghi. Đấy là chưa kể đến việc khi bắt tay vào làm gặp những lỗi kỹ thuật về công nghệ.

Để giải bài toán nan giải này, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Hà cho rằng, cần sớm có cơ chế, chính sách và các quy định, định mức về tài chính để các đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin. Chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật bảo tàng để các bảo tàng có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả.

Tựu chung lại, chuyển đổi số trong hoạt động trưng bày có thể coi là vận hội mới cho bảo tàng trong công cuộc phục vụ và thu hút khách tham quan. Tuy nhiên cơ hội cũng đi cùng nhiều thách thức. Vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ bảo tàng phải không ngừng nỗ lực để bắt kịp công nghệ và thời đại cùng với đó phải có những bước đi chiến lược, lâu dài để có hiệu quả bền vững.

Theo TS Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tại các buổi tọa đàm trực tiếp với các công ty du lịch, lữ hành, đa phần các hướng dẫn viên đều phản ánh rằng họ thấy khó khăn khi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một phần do hệ thống thông tin quá ít, phần khác là do sự khuyết thiếu kiến thức nền về nghệ thuật, dẫn đến tâm lý e ngại, không muốn đưa các đoàn khách du lịch đến với Bảo tàng.