Làm giàu từ dịch vụ câu cá giải trí kết hợp nấu món ăn dân tộc
Tốt nghiệp Phổ thông Trung học, chàng thanh niên dân tộc Thái Hoàng Văn Hặc ở bản Mé, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La không thi đại học, mà quyết định ở nhà nuôi cá. Ao nhà Hặc to nhất bản, cá nuôi đủ loại: chép, rô, trắm, trôi… Anh lấy vợ ở tuổi 20, cô gái Thái chăm chỉ, khéo léo.
Hàng ngày, Hặc quần quật với công việc ruộng vườn và nuôi cá. Còn vợ đem cá ra chợ bán lẻ, có hôm đi từ sáng đến tối, có thời điểm cá vừa khó bán, vừa ế ẩm và bị ép giá.
Thương vợ vất vả sớm hôm ở chợ, lại thấy ao nhà có nhiều người đến câu, ý tưởng mở dịch vụ câu cá giải trí kết hợp với nấu các món ăn dân tộc bỗng đến với Hặc. Ý tưởng của anh đưa ra khiến cả nhà bất ngờ, từ ông bà đến bố mẹ hai bên đều gạt đi vì cho rằng: Ở bản xa, không tiện đường đi lối lại, ai vào! Vượt qua nhiều khó khăn, dần dần vợ chồng Hặc đã làm giàu ngay tại ao nhà, thu nhập mấy năm gần đây đạt hơn 500 triệu đồng mỗi năm.
Khách du lịch trong và ngoài nước hiện rất thích cảnh quan tự nhiên, khám phá và trải nghiệm cuộc sống dân dã. Mô hình câu cá giải trí của vợ chồng thanh niên Hoàng Văn Hặc là dịch vụ đầu tiên ở xã Mường Bon, nơi đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Con đường vào khu dịch vụ câu cá giải trí và ẩm thực của vợ chồng Hặc trong lành và xanh mát.
Cả nhà vốn làm nông nghiệp và nuôi cá, không ai làm kinh doanh dịch vụ, Hoàng Văn Hặc là gia đình đầu tiên ở xã Mường Bom làm dịch vụ câu cá giải trí.
Từ những góp ý của một số khách đến câu cá, vợ chồng Hặc mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu làm vốn đầu tư khu nhà sàn lợp bằng cỏ gianh, lá cọ và mở rộng thêm vườn, ao…
Dịch vụ câu cá giải trí kết hợp với nấu các món ăn dân tộc đã thu hút du khách thập phương.
Đến câu cá tại trang trại, du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc làm từ sản phẩm mình câu được như: cá pỉngtop, cá gỏi, cá nướng trên gác bếp, thịt bò hun khói của dân tộc Thái từ lâu đã được nhiều người biết đến.
Khách hàng có nhu cầu ăn món ăn gì, món ăn như thế nào, chính vợ chồng Hặc sẽ chế biến.
Du khách đến đây rất hài lòng với tình cảm mộc mạc của gia đình và được tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ.
Sau gần 6 năm quyết định không bán cá ở chợ, ở nhà làm dịch vụ câu cá,vợ chồng Hặc đã mua thêm đất với 2 ha, mở rộng thêm diện tích ao nuôi các loại cá như: trắm cỏ, rô phi, chép, trôi…
Mỗi năm, gia đình anh Hặc có nguồn thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng.
Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, mở ra hướng đi mới cho xã kết hợp với các điều kiện khác tiếp tục phát huy tiềm năng du lịch./.