Làm giàu nhờ sáng tạo sản phẩm nông nghiệp
Giữa khu trang trại mướt xanh rộng hơn 2 ha, anh Lê Văn Thực nhớ lại quãng thời gian vất vả, gian truân khi đưa cây sen về trồng. Anh kể: “Công tác tại địa phương nên tôi thường xuyên cùng gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp. Gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ, tôi luôn trân quý từng tấc đất, thửa ruộng quê hương. Thôn có khu vực trũng không sử dụng, một số nhà có ruộng quanh đấy cũng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Mỗi lần đi làm, qua khu vực ấy tôi rất tiếc. Bao câu hỏi làm thế nào để biến khu vực này thành ruộng, thành vườn đưa lại hiệu quả kinh tế cứ đeo đẳng tôi nhiều ngày. Trong một lần xem truyền hình thấy ở Hưng Yên có người trồng sen lấy ngó, lấy củ trên vùng ruộng trũng cho thu nhập cao, tôi lặn lội xuống tận nơi tìm hiểu”.
Nhận thấy cây sen có thể phù hợp với khu ruộng trũng của thôn, anh Thực đề nghị thôn cho thuê lại diện tích trên, đồng thời vận động các gia đình có ruộng quanh khu vực đổi ruộng của gia đình để tiện chăm sóc. Vợ chồng anh không quản ngày đêm đắp bờ giữ nước, san đất cho phẳng, đồng thời vay 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng trang trại và mua cây giống.
Thu hoạch ngó sen.
Ngồi bên trang trại xanh mướt dưới trời thu mát lành, uống chén chè ướp hương sen thơm ngát thấy tâm hồn rộng mở. Câu chuyện của chúng tôi về cây sen, về cuộc sống thường ngày cứ kéo dài mãi. Tôi hỏi: – Sen là loài cây ưa nước, trồng trên vùng ruộng trũng chắc cũng chẳng mấy khó khăn?. Anh Thực cười bảo: – Trồng sen tưởng dễ mà khó. Có đất, có cây giống, song để cây sen sống được và cho hiệu quả kinh tế cao thì lại là cả câu chuyện dài và cũng phải đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức, có cả những giọt nước mắt vì những mùa vụ không có thu.
Khi mới bắt tay vào làm, nhiều người chưa hiểu cho rằng: “Sen thường trồng để lấy hạt, lấy hoa và chỉ thu hoạch vào mùa hè. Trồng sen lấy củ, lấy ngó chẳng biết như thế nào, chẳng sớm thì muộn cũng thất bại”. Mặc ý kiến mọi người, anh vừa làm vừa học hỏi. Những năm đầu, do ít kinh nghiệm, cây phát triển chậm. Hơn nữa, vùng trũng nhiều sâu bọ, chuột phá hại nên gần như không có thu nhập. Có thời điểm vì nhiều nguyên nhân sen bị hỏng, không cho thu hoạch, lại thiếu vốn, thiếu nhân lực tưởng chừng không tiếp tục được nữa, nhưng chính những lúc ấy vợ chồng anh luôn động viên nhau, vay vốn từ họ hàng, làng xóm để tiếp tục duy trì sản xuất. Sau nhiều năm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại đã đưa lại thành công. Những đầm sen dần xanh mướt. Sen lấy ngó thường tập trung thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Sen lấy củ thu hoạch từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Song song với việc chăm sóc, phát triển cây sen, anh cũng đi đến các doanh nghiệp, các nhà hàng trên địa bàn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Thậm chí, có lúc thu hoạch nhiều, gia đình cũng chế biến ngó sen, củ sen thành các sản phẩm như nộm ngó sen, ngó sen muối… để bán cho người dân quanh vùng. Không chỉ lấy củ, lấy ngó, vào mùa sen còn có thể bán lá, bán hoa cho những người có nhu cầu… Trồng sen đưa lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần cấy lúa. Cùng với trồng sen, trên bờ anh trồng cây ăn quả, hiện có hơn 400 cây ổi, 300 cây đu đủ, hơn 100 cây hồng xiêm và 200 cây mít bắt đầu cho thu hoạch. Một số người trong xã, trong huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm trồng sen lấy củ, lấy ngó để xây dựng trang trại.
Giọt mồ hôi, công sức đổ xuống ruộng, vườn đã được trả công tương xứng. Mùa nào thức ấy, cây sen dưới nước, cây ăn quả trên bờ đưa lại cho gia đình anh Lê Văn Thực nguồn thu nhập ổn định khoảng 250 – 300 triệu đồng mỗi năm. Đời sống vật chất, tinh thần của gia đình theo đó ngày càng được nâng cao, các con có điều kiện ăn học trưởng thành. Theo anh Thực, để có được thành công như hôm nay, bên cạnh sự cần cù, chịu khó cũng cần sáng tạo, năng động trong cách nghĩ, cách làm. Phải biết tạo ra những sản phẩm mới ngay trên đồng ruộng cũ!