Làm gì để có nhiều sữa cho con bú?
1. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất đối với trẻ
Trong những năm đầu đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn đầy đủ nhất, thích hợp nhất đối với trẻ. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ.
Trong sữa mẹ có kháng thể, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.
Không chỉ là biện pháp tiết kiệm hiệu quả về kinh tế, nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp gắn bó tình mẫu tử, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của trẻ. Đồng thời, khi cho con bú cũng giúp bà mẹ giảm căng thẳng và giúp nhanh lấy lại vóc dáng.
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ.
Sữa non được ví như một liều “vaccine tự nhiên” đầu đời, có các thành phần tạo miễn dịch thụ động cho trẻ. Trẻ được bú sữa non trong những ngày đầu tiên giúp đào thải phân su nhanh, tránh vàng da, giúp tăng cường miễn dịch, giảm nhiễm khuẩn, giảm mức độ nặng khi trẻ bị nhiễm bệnh.
Sữa mẹ có lợi ích vượt trội nhưng không phải bà mẹ nào cũng có sữa nhiều sau sinh, điều đó có thể do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Vậy có cách nào để giúp sữa mẹ về nhiều sau sinh không? Đây cũng là câu hỏi của nhiều sản phụ muốn cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.
2. Bí quyết giúp sữa mẹ về nhiều sau sinh
Theo ThS. Chu Thị Thanh Loan, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cơ chế tiết sữa là cơ chế thần kinh thể dịch. Khi cho con bú nhiều thì cơ thể người mẹ sẽ tiết ra chất hormone trong cơ thể, đó là prolactin giúp tái tạo sữa và oxytocin làm xuống sữa.
Vì vậy, việc cho con bú đều đặn, thường xuyên, mẹ được nằm cạnh con, cho con bú theo nhu cầu là biện pháp giúp mẹ có nhiều sữa cho con bú.
Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố vô cùng quan trọng giúp mẹ có lượng sữa nhiều và chất lượng sữa tốt.
Theo ThS. Chu Thị Thanh Loan, để tăng cường lượng sữa cho con bú, các bà mẹ cần lưu ý như sau:
– Thứ nhất là tinh thần cần phải lạc quan, luôn có niềm tin mình sẽ có đủ sữa cho con bú. Cần cố gắng duy trì giấc ngủ 8 giờ/ngày, nên ngủ trưa, tranh thủ lúc con ngủ mẹ cũng nên nghỉ ngơi.
– Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng các nhóm dinh dưỡng bao gồm:
- Chất đạm (protein): thịt, cá, trứng, sữa…
- Tinh bột: cơm, gạo, khoai, mì, phở…
- Chất béo: mỡ động vật, dầu thực vật, lạc, vừng…
- Vitamin và khoáng chất: các loại rau, củ, quả tươi…
– Đảm bảo uống đủ nước từ: nước lọc, nước canh, nước hoa quả… Duy trì lượng trung bình từ 2-2,5 lít nước/ngày. Uống nước rải rác trong ngày. Nên uống nước vào lúc trước và sau mỗi bữa bú để giúp tái tạo sữa trong quá trình cho con bú sau đó nữa.
– Việc duy trì em bé bú liên tục theo nhu cầu, ngậm vú đúng cách cũng rất quan trọng giúp kích thích sữa tái tạo và duy trì nguồn sữa mẹ.
– Biện pháp massage bầu ngực cũng rất hiệu quả giúp kích thích sữa về nhiều.
– Các bà mẹ nên hút hoặc vắt sữa khi em bú không hết để duy trì lượng sữa luôn dồi dào, luôn luôn mới và có nhiều sữa cho bé bú hơn.
Dinh dưỡng vô cùng quan trọng giúp mẹ có lượng sữa nhiều và chất lượng sữa tốt.
Để có đủ sữa cho con bú, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người mẹ ngay trong thời kỳ mang thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái để tăng cân tốt, đó là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh.
Khi cho con bú, cần phải ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc. Khẩu phần ăn của người mẹ cao hơn mức bình thường. Có thể ăn các món ăn cháo chân giò, ý dĩ, vừng… có tác dụng kích thích bài tiết sữa nhưng không nên lạm dụng mà cần ăn đầy đủ các thực phẩm khác. Nên hạn chế các thức ăn nhiều gia vị như ớt, hành, tỏi vì có thể gây mùi khó chịu khiến trẻ dễ bỏ bú.
Mẹ bị trầm cảm sau sinh ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của em bé, làm gì để vượt qua?
Xem thêm video đang được quan tâm
Sau sinh, bao lâu được quan hệ tình dục trở lại?