Làm gì để biết thai nhi bị Down?

Thời gian qua, ít nhất đã có hai trường hợp khiếu nại, khiếu kiện vì sinh con bị bệnh Down dù trước đó thai phụ đã đi khám thai thường xuyên. Nhưng cũng có không ít trường hợp khi tầm soát, thai phụ lại được bác sĩ cho biết con mình bị bệnh Down, đề nghị phải bỏ thai nhưng khi sinh ra lại bình thường. Tại sao lại có những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trên?

Làm gì để biết thai nhi bị Down? ảnh 1

Theo ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám A BV Hùng Vương TP.HCM (ảnh), xét nghiệm tầm soát bệnh Down, tỉ lệ phát hiện bệnh cao nhất cũng chỉ đạt 90%, tức vẫn có thể để sót thai nhi mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu bà mẹ làm tiếp xét nghiệm chẩn đoán thì gần như đúng hoàn toàn, không có sai sót. Muốn vậy, bác sĩ phải tư vấn rõ ràng cho thai phụ.

Có nguy cơ cao mới chẩn đoán

. ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh cho biết: Trước hết, cần phân biệt tầm soát (hay còn gọi là sàng lọc) và chẩn đoán là hai thực hành khác nhau. Tầm soát là tìm xem bà mẹ có nhiều hay ít khả năng sinh con có bệnh, còn chẩn đoán là tìm xem có hay không có bệnh.

. Hiện tại có bao nhiêu xét nghiệm dùng tầm soát thai nhi có bệnh Down thưa bác sĩ?

+ Có bốn loại xét nghiệm. Thứ nhất, siêu âm đo độ mờ da gáy vào khoảng 10-13 tuần tuổi thai. Hai là xét nghiệm máu mẹ (có hay không có kết hợp siêu âm) trong khoảng 10-12 tuần thai, còn gọi là Double test (thử hai chất trong máu mẹ). Thứ ba, xét nghiệm máu mẹ vào khoảng 14-20 tuần tuổi thai, gọi là Triple test (thử ba chất trong máu mẹ) hay Quadruple test (thử bốn chất). Thứ tư, kết hợp giữa Double test và Triple test (hoặc Quadruple test), gọi là xét nghiệm liên hợp. Trong bốn phương pháp này, hiện sử dụng nhiều nhất là phương pháp hai và ba. Phương pháp thứ tư đắt tiền nhất.

Các xét nghiệm này sẽ cho ra kết quả là nguy cơ cao hay thấp. Loại xét nghiệm liên hợp cho tỉ lệ cao nhất cũng chỉ 90%, các loại 1, 2, 3 khoảng 60%-70%.

Làm gì để biết thai nhi bị Down? ảnh 2

Siêu âm chỉ là một trong những phương pháp tầm soát dị tật bẩm sinh chứ không phải là tuyệt đối. Ảnh: TÙNG SƠN

. Nếu bà mẹ có nguy cơ cao hoặc bà mẹ có nguy cơ thấp mà còn nghi ngờ thì phải làm thế nào?

+ Sau các xét nghiệm sàng lọc là xét nghiệm chẩn đoán. Xét nghiệm này sẽ lấy mẫu nước ối (từ 17 tuần) hay mẫu bánh nhau (12 tuần) để xem xét và sẽ cho kết quả chắc chắn là có hay không có bệnh Down.

Tuy nhiên, các xét nghiệm chẩn đoán chỉ thực hiện ở những thai phụ có nguy cơ cao vì rất đắt tiền và khả năng sẩy thai. Tỉ lệ bệnh Down trung bình trong dân số là 1/1.000, trong khi nếu chọc ối tỉ lệ sảy thai tới 1/500 dù thai có bệnh hay không!

Ba nguyên nhân bỏ sót bệnh Down

. Những trường hợp lúc tầm soát là nguy cơ thấp nhưng khi sinh ra, đứa trẻ vẫn bị bệnh Down, bác sĩ lý giải thế nào?

+ Thứ nhất, một số rất ít xảy ra trong nhóm nguy cơ thấp, đương nhiên là phải có, điều này không là lỗi của ai. Việc bệnh nhi sinh ra bị Down là do bản chất của xét nghiệm tầm soát chỉ có giới hạn nhất định chứ không phải của bác sĩ hay của ai.

Thứ hai, thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ cao nhưng không thực hiện xét nghiệm chẩn đoán. Điều này có thể do thai phụ không làm xét nghiệm chẩn đoán, có thể là lỗi của thai phụ hay do bác sĩ chưa tư vấn rõ cho thai phụ.

Thứ ba là không thực hiện xét nghiệm tầm soát lẫn chẩn đoán do cơ sở chưa trang bị xét nghiệm. Đối với những nơi không có các xét nghiệm tầm soát, họ vẫn có thể gửi mẫu máu hay chuyển thai phụ đến các BV có dịch vụ này.

Cần biết xét nghiệm tầm soát quan trọng nhất là phải biết tuổi thai chính xác, khi có sự nhầm lẫn về tuổi thai, có thể cho kết quả sai lệch.

. Xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán bệnh Down có phải là hai loại xét nghiệm bắt buộc đối với thai phụ hay không?

+ Ép buộc thai phụ làm hai xét nghiệm này là vi phạm quyền lợi của họ. Chỉ nên giới thiệu về xét nghiệm, ích lợi và bất lợi của xét nghiệm.

Đây là xét nghiệm khuyến khích vì thai phụ phải trả phí, BHYT không chi trả.

. Kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy nói là bình thường nhưng sinh con bị Down, nguyên nhân vì sao?

+ Tầm soát bằng độ mờ da gáy cũng chỉ có giá trị phát hiện bệnh vào khoảng 60%, nghĩa là khoảng 40% còn lại có thể có độ mờ da gáy bình thường.

Ngoài ra còn tùy thuộc độ tuổi của người mẹ. Ví dụ, ở những phụ nữ trẻ từ 20 đến 25 tuổi chỉ là 1/1.500, nhưng bà mẹ 40 tuổi lúc mang thai tỉ lệ này đã lên đến 1/400.

. BV không tư vấn tầm soát, chẩn đoán bệnh Down cho thai phụ, trách nhiệm ở đây như thế nào?

+ Nếu bác sĩ tư vấn cho thai phụ biết về xét nghiệm tầm soát mà thai phụ không làm, đó là lỗi của thai phụ. Khi thai phụ chấp nhận làm tầm soát phải nói nguy cơ cao-thấp. Nguy cơ cao thì giới thiệu về xét nghiệm ối, các bất lợi và ích lợi của xét nghiệm. Nếu đã nói đến đây mà bệnh nhân không làm thì là lỗi của bệnh nhân.

Còn nếu ngay từ đầu bác sĩ không nói gì cả là lỗi ở chỗ không giới thiệu về tầm soát.

Trên thực tế, khi các thai phụ trong nhóm nguy cơ cao không đồng ý làm tiếp xét nghiệm sau khi đã nghe giới thiệu về xét nghiệm ối, chúng tôi cho ghi vào sổ theo dõi để tránh phát sinh những rắc rối sau này.

ThS-BS ĐẶNG LÊ DUNG HẠNH, Trưởng khoa Khám A
BV Hùng Vương TP.HCM

Khiếu nại, kiện ra tòa vì sinh con bị bệnh Down

– Ngày 6-3, chị NTVK (39 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiếu nại lên Thanh tra Sở Y tế về việc BV quận Bình Thạnh đo độ mờ da gáy thai nhi ở tuần thứ 13 kết luận là bình thường nhưng khi chị sinh con ra thì bị Down.

– Trước đó, Chị NTMT (28 tuổi, Bình Phước) khởi kiện BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn tại Tòa án quận 1 (TP.HCM) đòi bồi thường thiệt hại về thể chất và tinh thần ban đầu là 500 triệu đồng. Lý do mà chị T. đưa ra là từ khi khám thai, siêu âm, xét nghiệm… đến sinh con, bác sĩ BV này đã không tư vấn cho chị các nguy cơ sinh con bị bệnh Down cũng như hướng dẫn làm các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán khiến đứa trẻ sinh ra bị bệnh Down và tim bẩm sinh.

DUY TÍNH thực hiện

Tin liên quan

“Đám cưới không chú rể” xúc động của một cô dâu mắc bệnh Down