Làm đầy khái niệm “ngôn ngữ quốc gia”

Khoản 3 điều 5 của dự thảo Hiến pháp đã sửa đổi, bổ sung điều 5 của Hiến pháp 1992: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Điều 5 của Hiến pháp 1992 ghi: “(…) Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Đây là sự bổ sung so với các Hiến pháp trước đây. Điều này có thể hiểu là khẳng định vai trò của tiếng Việt trong đời sống của đất nước, tiếp tục nâng cao vị thế của tiếng Việt với vai trò là một trong những ngôn ngữ có đông người sử dụng trên thế giới (với khoảng 100 triệu người sử dụng, nằm trong tốp 20 ngôn ngữ có nhiều người sử dụng nhất thế giới). Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là cơ sở để có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ (như nhiều ý kiến đã đề cập là cần có Luật Ngôn ngữ) trong thời gian tới.

Tuy nhiên, riêng ở khoản 3 này, tôi thấy có một số điểm chưa ổn.

Từ điển tiếng Việt giải thích: Ngôn ngữ là hệ thống những âm, những từ và những quy tắc kết hợp chúng mà những người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để giao tiếp với nhau. Như vậy, ngôn ngữ bao gồm cả tiếng nói và chữ viết.

Trong lịch sử nước ta, đã có những thời kỳ tuy cùng sử dụng chung tiếng nói (đều là tiếng Việt) nhưng chữ viết thì không giống nhau. Chẳng hạn, ở một số thời kỳ, chữ viết được dùng chính thức là chữ Nôm và xem chữ Nôm là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ), gọi là quốc âm nhưng ở thời kỳ khác thì dùng chữ Hán Việt.

Cho nên, nếu nói “ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” e là chưa đủ vì mới chỉ nhắc đến (hoặc cho người ta nghĩ đến) tiếng nói mà chưa nhắc đến chữ viết. Cũng có ý kiến cho rằng “tiếng Việt” bao gồm “cách phát âm tiếng Việt và chữ quốc ngữ để viết” nên nói “tiếng Việt” thì đã hàm ý cả tiếng nói và chữ viết. Tôi nghĩ rằng như vậy còn thiếu thuyết phục.


luật định”.

Bởi đối chiếu lại lịch sử thì như ở thời Tây Sơn, “tiếng Việt” bao gồm “cách phát âm tiếng Việt và chữ Nôm để viết”; rõ ràng có sự không thống nhất trong cách hiểu. Đồng thời, cần có quy định cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ. Do đó, đề nghị ghi rõ trong Hiến pháp: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Việc sử dụng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chữ quốc ngữ theoluật định”.

Ở vế thứ hai của khoản này, đề nghị tách thành một khoản riêng quy định về ngôn ngữ và bản sắc của các dân tộc. Rõ ràng, văn hóa Việt Nam bao gồm văn hóa của nhiều dân tộc hợp thành nên cần thiết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tất cả các dân tộc, bao gồm cả chữ viết và tiếng nói cùng các yếu tố bản sắc, văn hóa khác.

Do đó, ở phần này, xin đề nghị lập thành mục thứ 4 quy định quyền và nêu nghĩa vụ của các dân tộc về ngôn ngữ, đồng thời nêu trách nhiệm của Nhà nước trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, như sau: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Khuyến khích các dân tộc giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp. Nhà nước tạo điều kiện để các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của mình”.

Với sự bổ sung này, khoản 4 trong dự thảo (“Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”) sẽ trở thành khoản 5.