Lạm bàn về tình yêu và tình dục :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com
Tình yêu luôn là đề tài không bao giờ chán của những người trẻ. Đi cùng với nó, vấn đề tình dục luôn gây nhiều tò mò lẫn tranh cãi. Liệu tình yêu có cần tình dục không?
Thời này, sống thử gần như trở thành lối sống mới của các bạn trẻ. Theo khuynh hướng này, tình dục trở thành đề tài được thảo luận công khai với nhiều luồng ý kiến trái ngược chiều.
Có sống thử hay không là tùy quyết định của mỗi người, ở phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn cùng bạn thảo luận một vấn đề: Liệu tình yêu có tồn tại nếu thiếu tình dục hay không?
Thành phần cấu tạo của tình yêu
Theo lý thuyết tam giác tình yêu*) của nhà tâm lý học người Mỹ Robert Sternberg, tình yêu được xây dựng dựa trên ba yếu tố.
Tình yêu bao gồm nhiều khía cạnh và có nhiều cách thể hiện khác nhau, không nhất thiết xem tình dục là cách chứng minh duy nhất
Yếu tố thứ nhất là sự gần gũi và thân thiết, nghĩa là bạn có thể chia sẻ, thông cảm và cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi ở cạnh một ai đó.
Yếu tố thứ hai là sự hấp dẫn về mặt giới tính. Hai người yêu nhau sẽ cảm thấy bị quyến rũ bởi đối phương. Họ bồi hồi, trông ngóng, tim đập nhanh và muốn thể hiện những hành động giới tính theo từng mức độ tình cảm như: nắm tay, ôm, hôn môi, ân ái…
Yếu tố thứ ba là sự cam kết gắn bó và chung thủy. Tình yêu là thế giới của hai người. Bạn có thể có nhiều người bạn thân nhưng người yêu chỉ có một.
Như vậy, theo tam giác trên, sự hấp dẫn giới tính là một trong ba yếu tố cấu thành tình yêu. Nói cách khác, nó là một đỉnh không thể thiếu của tam giác tình yêu. Xét về vị trí, nó là bước thứ hai để xây dựng nên một tình yêu hoàn thiện.
Tất nhiên, sự hấp dẫn giới tính bao gồm cả quan hệ tình dục nhưng không phải chỉ có quan hệ xác thịt. Nó có thể là nắm tay, ôm, hôn môi. Và khát khao quan hệ ngay khi cảm thấy bị hấp dẫn lẫn nhau.
Đây chính là trường hợp của các cặp đôi yêu nhau thời chiến. Họ chỉ mới ở giai đoạn thứ nhất (gần gũi và thân thiết), cộng thêm một phần của giai đoạn thứ hai (hấp dẫn giới tính nhưng chưa quan hệ tình dục) nhưng lại có thể hoàn thành giai đoạn thứ ba (cam kết thủy chung) để chờ đợi nhau cho đến khi hòa bình lập lại.
Bạn không thể nói không yêu nhau vì chưa quan hệ tình dục. Rõ ràng họ có nhu cầu nhưng phải tạm thời kìm nén vì các yếu tố khách quan. Sự hấp dẫn giới tính là một phần không thể thiếu của tình yêu nhưng tùy trường hợp cụ thể, nó sẽ biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có các đôi tình nhân khẳng định họ không thích quan hệ tình dục dù rất yêu thương nhau. Đây là khuynh hướng được coi là giới tính thứ tư hiện đang rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, nó là trường hợp ngoại lệ và cần được các chuyên gia tâm lý nghiên cứu thêm.
Tình yêu hay tình bạn cấp cao?
Nếu thiếu đi tình dục, nghĩa là bạn cảm thấy gần gũi và cần thiết với một người, sẵn sàng cam kết gắn bó lâu dài cùng họ, có phải bạn đã yêu người đó không?
Xin thưa, câu trả lời là không. Nguyên nhân vì với một tình bạn thân thiết, người ta vẫn có thể thực hiện và cảm nhận hai khía cạnh trên.
Nếu đã từng xem bộ phim P.S I Love you, hẳn bạn vẫn còn nhớ một chi tiết gần cuối phim. Sau khi chồng mất một thời gian, nhân vật nữ chính hẹn hò với một nam nhân viên trong quán ăn của mẹ mình. Vào một ngày đẹp trời, họ đã hôn môi nhau. Ngay sau đó, họ rời nhau ra, nhăn mặt và bảo: “Chúng ta chỉ có thể làm bạn tốt”.
Nếu là một fan của phim Mỹ, hẳn bạn đã từng xem cảnh tương tự ở nhiều bộ phim khác. Hai nhân vật, khi đã cảm thấy gần gũi đến mức độ nào đó, sẽ “kiểm tra” xem mình có thật sự yêu nhau không bằng một nụ hôn môi.
Cách “kiểm tra” này có thể không phù hợp với văn hóa châu Á nhưng bạn không thể phủ nhận sự hiệu quả của nó, vì rõ ràng, bạn chỉ yêu một người khi cảm thấy bị họ hấp dẫn về mặt giới tính. Bạn muốn nắm tay, hôn và xa hơn là làm “chuyện ấy” với họ chỉ với họ mà thôi.
Đó cũng là điểm khác biệt khi bạn nhìn người yêu và tên bạn thân từ hồi cấp một. Nó cũng là điểm khác biệt giữa tình yêu và một tình bạn cấp cao của hai người bạn thân khác giới.
Đến đây, một câu hỏi lại được đặt ra. Nếu đã từng trải qua ba đỉnh tam giác tình yêu, giờ chỉ còn lại hai đỉnh đầu và cuối, nghĩa là vẫn thấy gần gũi và muốn gắn bó lâu dài nhưng lại không cảm thấy hấp dẫn giới tình, vậy có phải hai bạn đã hết yêu nhau?
Câu trả lời là chưa chắc. Tình dục là một phần của tình yêu chứ không phải là tất cả. Khi tình dục tạm thời vắng bóng nhưng mối quan hệ vẫn giữ được những cảm xúc khác, tình yêu của bạn lúc này đang chuyển sang trạng thái thương. Điều bạn cần làm thêm lửa đam mê để duy trì một đời sống gối chăn hạnh phúc, giúp tình yêu nồng nàn như thuở ban đầu.
Cũng chính vì vậy, những mối quan hệ được xây dựng chỉ trên nền tảng tình dục không phải là tình yêu thật sự. Nó thuộc về đam mê và rất chóng tàn. Để mối quan hệ bền vững, hai người trong cuộc phải có sự liên kết và chia sẻ về mặt tinh thần một cách sâu sắc.
Tình dục là một phần của tình yêu chứ không phải là tất cả
Quan hệ tình dục có phải là minh chứng cho tình yêu?
Có những anh chàng nhất mực đòi người yêu phải “cho” để chứng minh tình yêu. Thực tế, đó chỉ là một cách nói để thỏa mãn sự tò mò và bản năng của họ. Tình yêu bao gồm nhiều khía cạnh và có nhiều cách thể hiện khác nhau, không nhất thiết xem tình dục là cách chứng minh duy nhất.
Tuy nhiên, nếu xét trên quan hệ vợ chồng, khi tình dục đã trở thành một phần tất yếu, nó chính là một cách để thể hiện sự yêu thương và trân trọng lẫn nhau.
Có yêu thương, bạn mới lắng nghe cảm nhận của người ấy để giúp bạn đời hạnh phúc trong chuyện gối chăn. Có trân trọng, bạn mới làm “chuyện ấy” một cách nhiệt tình và nhẹ nhàng chứ không hung bạo hay thờ ơ, lãnh cảm. Chỉ khi muốn gắn bó lâu dài, bạn mới nỗ lực làm mới chuyện gối chăn để duy trì ngọn lửa đam mê như ngày đầu.
Không ít đôi cặp vợ chồng chia tay nhau vì thiếu sự hòa hợp trong quan hệ tình dục nhưng họ ngại nói ra vì nghe có vẻ “xôi thịt” quá. Tuy nhiên, nếu phải sống cả đời một cách kìm nén, liệu bạn có còn thoải mái tinh thần để tận hưởng cuộc sống và những điều ngọt ngào mà tình yêu mang lại?
Hơn nữa, nếu tình dục tạm thời đi xuống, bạn có thể vực nó dậy nhưng khi nó đã là zê-rô, bạn không cách nào biến không thành có. Khi mất đi tình dục, tam giác tình yêu không còn là khối liền mạch và nó không còn là tình yêu nữa. Khi đã không còn tình yêu, chúng ta có nên duy trì hôn nhân vì bất kỳ lý do nào khác?
*) Nhà tâm lý người Mỹ Robert Sternberg đã đề ra Lý Thuyết Tam Giác Tình Yêuđể mô tả tình yêu trong bối cảnh của mối tương quan của con người thông qua 3 thành tố:
1. Sự thân thiết: bao gồm cảm nhận sự gần gũi, sự tương tác và sự ràng buộc với nhau.
2. Sự đam mê: bao gồm sự săn đuổi dẫn đến sự lãng mạn, sự lôi cuốn về thể xác và sự mong muốn thỏa mãn tình dục.
3. Sự cam kết: bao gồm quyết định duy trì sự có nhau trong một gian đoạn ngắn và về lâu dài thì chia sẻ những thành quả và cùng xây dựng kế họach cuộc sống.
Mức độ sâu nặng và dạng của tình yêu tùy thuộc hoàn toàn vào sức mạnh của 3 thành tốt nêu trên của một người dành cho người kia và sự phối kết hợp giữa 3 thành tố trên sẽ tạo ra nhiều giai đọan và nhiều dạng tình yêu khác nhau. Một mối quan hệ chỉ dựa trên một thành tố thì sẽ kém bền vững hơn có 2 hay 3 thành tố trên. Theo Robert Sternberg thì có 7 loại tình yêu được mô tả trong sơ đồ tam giác dưới đây. Tam giác lớn thì tình yêu sâu nặng và ngược lại. Hình dạng (loại) của tam giác xác định “dạng” tình yêu.
· Ưa thích/tình bạn: Trường hợp này sự thân thiết, ưa thích biểu hiện tính chất của tình bạn thật sự. Qua đó một người cảm thấy có sự an tòan, ấm áp và gần gũi với người kia nhưng không hề có sự đam mê hay ý định gắn bó lâu dài.
· Tình yêu mê đắm/cuồng dại: Mối quan hệ lãng mạn thường khởi đầu bằng sự mê đắm và lãng mạn và sự mê đắm ngày càng tăng trưởng. Tuy nhiên dạng tình yêu này không có sự mật thiết và cam kết. Tình yêu mê đắm có thể biến mất bất thình lình.
· Tình yêu rỗng: Được biểu hiện qua sự cam kết nhưng thiếu hẳn sự thân thiết hoặc đam mê. Thường dạng tình yêu này khá phổ biến với những cặp cưới nhau do sự sắp xếp của người khác, những cặp này bắt đầu bằng tình yêu rỗng và nó phát triển dần từ người này sang người kia theo thời gian.
· Tình yêu lãng mạn: Tình yêu này có sự ràng buộc dựa trên xúc cảm cá nhân thông qua sự gần gũi và mê đắm xác thịt.
· Tình yêu thương hại: Biểu hiện qua sự thân thiết, không đam mê nhưng mạnh hơn tình bạn bởi vì nó có sự cam kết lâu dài. Tình dục hoặc đòi hỏi về xác thịt không là yếu tố của tình yêu thương hại. Dạng tình yêu này thường thấy ở những cặp cưới nhau không có sự đam mê lẫn nhau nhưng có sự mến nhau sâu đậm và cam kết lâu dài. Thí dụ: tình thương yêu thuần khiết giữa các thành viên trong gia đình hay giữa những người bạn thân.
· Tình yêu ngốc nghếch: Dạng này có thể minh họa bằng những trường hợp ve vãn, tán tỉnh thóang qua và sau đó cưới nhau mà thiếu hẳn sự thân thiết.. Trong tình yêu này sự hứa hẹn được thúc đẩy mạnh bởi sự đam mê.
· Tình yêu hoàn hảo: Dạng tình yêu hòan hảo này là đại diện cho tư tưởng về mối quan hệ mà con người cố gắng xây đắp.
Trong 7 dạng tình yêu, tình yêu hòan hảo được lý thuyết hóa là tình yêu là sự kết hợp của một “cặp hòan hảo”. Theo Sternberg, những cặp này sẽ rất hạnh phúc trong 50 năm hay hơn nữa mà chính họ cũng không hình dung là họ hạnh phúc hơn bất cứ ai. Tuy nhiên Sternberg cũng lưu ý rằng giữ được tình yêu hòan hảo khó hơn cả việc đạt được nó. Và tình yêu này có thể là không lâu dài nếu sự đam mê mất dần, khi đó tình yêu hoàn hảo có thể chuyển thành sự sống chung có thỏa thuận về sinh đẻ có kế hoạch.