Làm Chủ tịch TP Hà Nội có khó không?
Bảy năm qua (2015-2022) Hà Nội có hai Chủ tịch thành phố công tác không trọn nhiệm kỳ và đang vướng vào lao lý. Chắc là không lâu nữa một vị lãnh đạo mới sẽ thay thế vào vị trí quan trọng này. Nhiều người dân đã bày tỏ trên mạng xã hội danh sách những việc mà họ mong đợi tân “thị trưởng” sẽ ưu tiên khi ngồi ghế nóng. Danh sách đó khá dài, cho thấy Thủ đô ta đang có nhiều vấn đề nổi cộm.
Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, quản trị một đô thị 7-8 triệu dân là không dễ dàng, huống hồ gì đây lại là Thủ đô của một đất nước đang phát triển, công việc ngổn ngang, bừa bộn. Nói như vậy để chia sẻ rằng làm Chủ tịch TP Hà Nội dĩ nhiên rất khó, càng khó hơn nếu muốn để lại dấu ấn tốt, thay đổi được diện mạo Thủ đô và cải thiện chất lượng sống của người dân theo hướng tích cực. Khó là ở chỗ đó, còn theo thiển ý của tôi, nếu cứ để thủ đô “tự diễn biến” về qui hoạch, kiến trúc, giao thông, xây dựng, môi trường như hiện nay thì… cũng không khó lắm.
Vâng, sẽ là rất khó nếu xử lý được những vấn đề nổi cộm, những điểm xấu xí hiện nay của Thăng Long thành hoa lệ, là “điểm đến của nhân loại”, như ngành du lịch ta với slogan “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận – Timeless Charm” cho du khách phương xa tới tìm vẻ đẹp mãi không chán.
Chọn “không khó” thì lãnh đạo đến rồi đi, người ta không nhớ mà có khi họ sẽ “nhớ tội” hơn là việc làm tốt. Đó là thực tế. Còn chọn “khó” mà làm được mới là điều người dân trông đợi.
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: Quân Đỗ)
Hôm nay nếu dùng flycam quay Thủ đô từ trên cao và xem lại, chúng ta sẽ thấy phố phường nhôm nhoam, xây dựng, kiến trúc, giao thông hỗn loạn… Vậy nên thay đổi diện mạo Hà Nội sẽ là thách thức với bất kỳ ai. Hơn nữa chúng ta biết rằng các vấn đề quan trọng còn phải thông qua ý kiến nhiều cấp khác nhau, không phải Chủ tịch thành phố quyết hết. Đó là chưa kể các “nhóm lợi ích” luôn tìm cách thâu tóm đất vàng, tác động vào chính sách.
Và công việc của Chủ tịch thành phố đâu chỉ ở các lĩnh vực trên, có tới hàng chục nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong luật, từ kinh tế – xã hội cho tới an ninh – quốc phòng… Việc nhiều như vậy thì quan trọng là nhìn ra vấn đề chính của thành phố và tìm ra chiến lược giải quyết.
Học giả Warren Bennis chuyên về quản lý và lãnh đạo có câu nổi tiếng “Management is doing things right. Leadership is doing the right things – Quản lý là làm việc cho đúng với chỉ đạo, Lãnh đạo là làm cho đúng việc (chỉ đạo cho đúng)”. Chủ tịch thành phố (các nước hay gọi là Thị trưởng – Mayor) như Hà Nội với 7 – 8 triệu dân thuộc tầm chính trị gia, dưới Chủ tịch là các nhà quản lý (các Sở, ban, ngành). Thị trưởng là Lãnh đạo Thủ đô chứ không phải Quản lý thành phố.
Lãnh đạo tập trung vào vai trò, quản lý tập trung vào chức năng. Lãnh đạo dẫn dắt dân chúng bằng định hướng và mục tiêu, trong khi quản lý hướng dẫn dân thực hiện định hướng và đạt mục tiêu. Để làm được việc (do right things) thì lãnh đạo phải biết gây ảnh hưởng, động viên, khích lệ và dẫn dắt, trong khi quản lý (do things right) phải đảm bảo công việc hàng ngày được thực thi hiệu quả.
Khi ngồi vào ghế nóng, Thị trưởng phải có tầm nhìn cho Thủ đô, định hướng chiến lược cho 5-10 năm sau, và từ đó đề ra mục tiêu là gì, để cho các sở, ban, ngành… dựa vào đó mà thực hiện. Ví dụ, vừa ngồi vào ghế nhìn tòa nhà cao tầng nhức mắt, Chủ tịch đòi cắt ngọn, đó là tầm của người quản lý hè phố. Nhưng ra một qui chế, kể từ nay trong vòng bán kính 5km, không một tòa nhà nào được cao hơn nhà Quốc hội (không ai được ngồi lên pháp luật), thì đó là định hướng của người lãnh đạo có tầm nhìn.
Tầm nhìn ở đây là cho những công việc hết sức cụ thể và liên quan đến đời sống dân sinh, chứ không phải những chuyện xa vời, viển vông. Chẳng hạn như, người dân sẽ trông đợi quy hoạch thành phố có thêm công viên, thêm cây xanh và tuyệt đối không “thay cây”, vậy chiến lược và giải pháp của Chủ tịch là gì? Xử lý các điểm ùn tắc giao thông, ngập úng ra sao? Làm gì để giải bài toán rác thải đô thị?
Nóc nhà thủ đô nhìn từ trên cao nhôm nhoam như vậy, muốn sửa mái cho đẹp nhất quán là không thể, nhưng dùng mái pin mặt trời thì sao? Bình nước inox sẽ được dân tự động tháo ra nếu bên cấp nước bơm đủ áp lực 24/7 cho nước lên tầng 3, việc này có làm được không?
Kinh nghiệm quốc tế và trí tuệ trong dân để giải quyết các vấn đề đô thị không thiếu, nếu vị tân Chủ tịch biết lắng nghe, tin chắc sẽ nhận được vô vàn kế sách hay.
Chúng ta thường tự hào “Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, thương mại và văn hóa của cả nước”. Nhưng tôi nghĩ rằng chính chức năng “kinh tế, thương mại” đang góp phần làm cho Hà Nội manh mún, kẹt xe và môi trường ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến các chức năng khác. Những thành phố như Bắc Kinh, Bangkok, Manila hay Jakarta đang chịu cảnh ô nhiễm ngột ngạt và tắc đường triền miên cũng chỉ vì phải kiêm chức năng kinh tế, thương mại. Hà Nội hiện nay đã được mở rộng, đủ không gian để quy hoạch chức năng kinh tế, thương mại ở vị trí phù hợp, không nhất thiết tập trung vào khu vực nội đô như bây giờ, đặc biệt khu phố cổ quanh bờ Hồ và Quảng trường Ba Đình với Hoàng thành Thăng Long nên ưu tiên giữ nguyên “văn hóa”.
Như bao sinh viên ra trường cuối những năm 1970, tôi chọn hồ Hoàn Kiếm làm tâm điểm để tìm việc trong bán kính 3km. Vài người bạn còn chọn cả người yêu và vợ trong cái vòng tròn đó. Đây là “mưu cầu hạnh phúc” của cá nhân, còn tầm nhìn của lãnh đạo Hà Nội thì không thể chỉ quanh quẩn bờ Hồ như vậy. Trong thập kỷ tới, bài toán kinh tế nan giải là bỏ ra nguồn lực rất lớn để chắp vá khu vực trung tâm vốn đã chật hẹp và lộn xộn hay bắt đầu bằng một tư duy mới để thay đổi diện mạo Thủ đô? Lời giải phần nào phụ thuộc vào tài đức của “tân thị trưởng”.
Lần ngược lịch sử, có thể thấy, năm 1010 vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô vì nhận thấy cố đô Hoa Lư bị những dãy núi đá vôi bao quanh, chỉ thuận tiện cho việc phòng thủ, không thích hợp để trở thành “chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Cách đây hơn 1.000 năm, các vị tiên đế làm gì có ảnh vệ tinh hay máy định vị toàn cầu để nhìn toàn cảnh Đại La. Thế nhưng các vị đã thấy được mảnh đất Thăng Long cho nghìn năm sau: Xuyên lịch sử, xuyên không gian và vượt qua thời gian. Lúc này đây, chúng ta cũng mong đợi những vị lãnh đạo có tầm nhìn và quyết sách đưa mảnh đất Thăng Long ngày càng “tươi tốt phồn thịnh”.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là một blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!