Lái xe hộ cho người say rượu: Dịch vụ mới cần được lan rộng
Kể từ khi Bộ Công an thắt chặt hơn các quy định xử phạt hành chính đối với các lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông, tại nhiều nơi đã bắt đầu rộ lên các dịch vụ đưa đón, lái xe hỗ trợ cho người sử dụng đồ uống có cồn.
Thậm chí, nhiều tài xế dịch vụ đưa người say rượu để có những hành trình di chuyển an toàn hơn cho biết kiếm được số tiền khủng khi nhu cầu ngày một tăng.
Đúng 12h30, nhận được lịch hẹn của khách trên ứng dụng lái xe hộ đưa người sử dụng rượu bia về nhà, anh Nguyễn Duy Hùng một tài xế tại Hà Nội đã di chuyển đến điểm đón khách tại đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân. Khi gặp khách và nhận chìa khóa xe, anh Hùng liền xin phép sử dụng điện thoại quay video và cẩn thận kiểm tra hiện trạng bên ngoài xe cũng như bên trong khoang lái, tránh những rủi ro, khiếu nại không đáng có từ khách hàng. Sau đó, anh xác nhận lại địa điểm đến và đưa khách về nhà. Đây cũng là chuyến đầu tiên trong ngày của anh Hùng.
“Trước đây từ khi có Nghị định 100, mình làm thì không nhiều khách, nhưng từ Tết Nguyên đán lại đây công an họ làm nghiêm hơn thì nhiều người đặt dịch vụ đưa người uống rượu về nhà. Trung bình 15-20 khách một tuần. Dịch vụ rất văn minh, trước kia khách phải gửi xe lại rồi hôm sau lấy xe, nhưng bây giờ dịch vụ này thì không”, vị tài xế này cho biết.
Là khách hàng của anh Nguyễn Duy Hùng, sau khi hoàn thành chuyến đi, anh Dương Ngọc Chiến ở quận Hà Đông cảm thấy rất hài lòng về dịch vụ này. Anh Chiến thường xuyên đặt dịch vụ lái xe hộ đưa người sử dụng rượu bia về nhà mỗi lần đi tiếp khách.
Không chỉ anh Hùng, anh Lê Quang Huy làm nghề lái xe dịch vụ ở Hà Nội chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển xe uống rượu bia nên anh Huy đã quyết định chuyển sang dịch vụ lái xe hộ đưa người sử dụng rượu bia về nhà.
Hàng ngày, anh Huy sẽ tìm kiếm khách hàng thông qua mạng xã hội. Anh Huy cho biết, trung bình nếu cao điểm, đặc biệt là vào dịp lễ Tết thu nhập của anh có thể lên tới 40-50 triệu đồng một tháng với mỗi ngày tối thiểu 3-4 cuốc xe.
“Khi mà lên nhận xe của khách thì việc đầu tiên là phải quay video lại để sáng mai tỉnh dậy có khiếu nại gì thì có thể đưa cho hành khách xem”, anh Huy nói.
Chia sẻ về việc dịch vụ này đôi khi có đem lại bất tiện cho những người lái xe, anh Huy cũng cho biết, các tài xế thường phải đi bộ hoặc xe công cộng để đến điểm đón khách. Đồng thời, do hầu hết khách hàng là đối tượng đã uống rượu, say xỉn nên khó có thể tránh khỏi những tình huống bi hài.
Từng gặp một tình huống “dở khóc dở cười”, anh Huy kể rằng có lần khách say quá hỏi nhà ở đâu thì chỉ nói đến “bán đảo Linh Đàm” rồi ngủ luôn, điện thoại thì khoá mật khẩu, đành phải đi mua cho khách lọ thuốc giải rượu rồi gọi khách dậy uống để hỏi cho kỹ.
“Rồi cả việc khách uống say nôn ra xe là điều quá bình thường, biết là đây không phải xe của mình nhưng cũng xót hộ khách, rồi lại còn cả mùi nồng lên nữa, nhiều khi khó chịu quá mà bản thân cũng buồn nôn theo”.
Thắt chặt việc kiểm tra nồng độ cồn để đảm bảo an toàn cho xã hội.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, trong hai tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT trên địa bàn Thủ đô đã xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, với số tiền xử phạt hơn 57 tỷ đồng. Còn tại TP HCM cũng có đến hơn 14.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý hành chính, tạm giữ phương tiện. Điều này cho thấy dịch vụ đưa người uống rượu về nhà là rất cần thiết.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, PTP Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, sau khi uống rượu bia, thuê các dịch vụ lái xe, các dịch vụ xe công nghệ thì đây cũng là việc rất ý thức. “Nhưng các hãng xe cần giám sát, kiểm tra độ an toàn phương tiện, kĩ năng lái xe và ứng xử, tư cách người lái xe, góp phần xây dựng an toàn giao thông”, đại diện Cục CSGT cho biết.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại cho rằng, công việc này cần làm hết sức chu đáo không một thời gian bị lãng quên mất, làm thế nào những người uống rượu bia phải biết đến dịch vụ đó, hotline để liên hệ.
Vì thế để giữ khách hàng của mình, nhiều quán nhậu, nhà hàng đã liên kết với dịch vụ mới lạ này sau những bữa tiệc quá chén. Không đòi hỏi về đầu tư trang thiết bị nên ngành dịch vụ này bắt buộc phải đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về con người. Từ vấn đề lý lịch, độ tin cậy của lái xe cho đến kinh nghiệm phải hoạt động nhiều năm trong nghề.
Cầm lái sau mỗi cuộc liên hoan không còn phương án di chuyển nhiều người lựa chọn, thay vào đó dịch vụ đưa người uống rượu về nhà đang ngày càng lên ngôi. Đó là sự thay đổi về ý thức tham gia giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình và xã hội.