Lãi suất cho vay là gì? Quy định về lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay là lãi suất tính trên số vốn mà bên vay phải trả kèm theo gốc tiền vay. Bài viết phân tích các quy định mới nhất về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật hiện nay, cụ thể:

1. Khái niệm lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay là lãi suất tính trên số vốn mà bên vay phải trả kèm theo tiền gốc vay. Là giá cả của tiền vay thể hiện dưới hình thức tỉ lệ phần trăm trên số tiền vay theo khoảng thời gian xác định.

Trong kinh doanh ngân hàng, lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng vay thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước về lãi suất cho vay tại thời điểm kí kết hợp đồng tín dụng.

Lãi suất cho vay là giá cả của tiền vay thể hiện dưới hình thức tỉ lệ phần trăm trên số tiền vay theo khoảng thời gian xác định (tháng, năm). Lãi suất cho vay là nội dung bắt buộc các bên phải thỏa thuận khi kí kết hợp đồng tín dụng.

 

2. Một số điều đáng lưu ý khi nói đến lãi suất cho vay là gì ?

Lãi suất chính là giá mà khách hàng phải trả để sử dụng vốn của ngân hàng. Do đó, lãi suất cũng sẽ tuân theo những quy luật về cung cầu và rủi ro trên thị trường. Một số chú ý cơ bản về lãi suất khách hàng cần chú ý như sau:

– Có một mục lãi suất cho vay thấp trên thị trường hiện nay là cho vay đối với nhà ở xã hội. Chính phủ có nguồn vốn hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp thông qua việc cho vay mua nhà ở xã hộ với lãi suất khoảng 5 – 6% tùy từng giai đoạn. Tuy nhiên để được hưởng lãi suất ưu đãi này, khách hàng phải có đầy đủ căn cứ chứng minh thu nhập thấp.

– Nếu khoản vay được ngân hàng đánh giá là có rủi ro cao, khoản vay đó sẽ được áp dụng mức lãi suất cao để bù đắp lại khả năng mất vốn.

– Ngân hàng thắt chặt các điều kiện cho vay thì sẽ áp dụng lãi suất thấp do đã loại bỏ được bớt những rủi ro từ phía khách hàng. Ngược lại, nếu điều kiện cho vay dễ dàng thì lãi suất áp dụng sẽ cao hơn để bù đắp tổn thất có thể xảy ra.

– Với những khoản vay trả góp, khách hàng có thể lựa chọn trả lãi trên số dư giảm dần hoặc trả đều bằng một khoản tiền cố định trong suốt thời gian vay. Những cách thức trả lãi này sẽ được ngân hàng tính toán kỹ lưỡng kết hợp với dự đoán thay đổi về lãi suất trong tương lai.

– Khoản vay dài hạn chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với khoản vay ngắn hạn, ví dụ như rủi ro về biến động lãi suất trên thị trường, rủi ro khách hàng không trả được nợ, … Do đó, lãi suất dài hạn sẽ cao hơn lãi suất ngắn hạn.

 

3. Xu hướng của lãi suất cho vay trong thời gian tới ?

Trong tháng 7/2017, Ngân hàng nhà nước đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất chỉ đạo, ví dụ như lãi suất tái cấp vốn xuống còn 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu còn 4,25%/ năm; mức cho vay ngắn hạn tối đa đối với một số ngành nghề Chính phủ ưu đãi không được vượt quá 6,5%/năm.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn cần có thời gian. Nếu thực sự lãi suất cho vay ngân hàng giảm, những Ngân hàng thương mại nhà nước sẽ là những ngân hàng tiên phong, sau đó mới tới ngân hàng thương mại cổ phần và những ngân hàng nước ngoài.

Đây là một điều vô cùng quan trọng cho những ai mong muốn được vay tiền phải nắm rõ các cơ chế và lãi suất cho vay của ngân hàng, để đảm bảo khả năng trả nợ không vượt quá tầm tay.

 

4. Các hình thức tính lãi suất vay phổ biến

Tùy theo tiêu chí phân loại, chúng ta sẽ có nhiều hình thức lãi suất khác nhau. Trong bài này, chúng ta sẽ dựa vào tính linh hoạt của lãi suất để tìm hiểu 2 hình thức lãi suất chủ yếu là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi:

 

4.1 Lãi suất cố định

Lãi suất cố định là mức lãi suất được ấn định ở một mức cụ thể trong hợp đồng vay vốn. Khi vay theo hình thức lãi suất cố định, khoản vay của khách hàng sẽ không chịu tác động của những biến động lãi suất thị trường.

Lãi suất cố định thường được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn và sẽ giữ nguyên trong suốt kỳ hạn vay. Khách hàng có thể biết được số tiền lãi mình cần trả là bao nhiêu trước khi ký hợp đồng vay tiền.

 

4.2 Lãi suất thả nổi

Lãi suất thả nổi là mức lãi suất được điều chỉnh theo định kỳ, kỳ hạn điều chỉnh có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo quy định của tổ chức tài chính. Tùy thuộc vào lãi suất tham chiếu hoặc chỉ số lạm phát mà các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ điều chỉnh mức lãi suất cho khoản vay.

Thông thường thì lãi suất thả nổi sẽ thấp hơn so với lãi suất cố định. Tuy nhiên tùy thuộc vào sự điều chỉnh của ngân hàng thì trong một vài trường hợp khách hàng có thể phải đóng mức tiền lãi cao hơn hoặc thấp hơn so với lãi suất cố định.

 

5. Vậy nên chọn khoản vay có lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi?

Với các khách hàng mới vay vốn lần đầu tiên, họ sẽ thường bối rối khi lựa chọn một trong hai hình thức lãi suất kể trên. Việc lựa chọn phương thức trả lãi thực chất cũng rất quan trọng. Việc lựa chọn lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng lãi suất và kế hoạch tài chính của người đi vay.

Thông thường, lãi suất cố định sẽ cao hơn lãi suất thả nổi tại thời điểm ký kết hợp đồng và có tổng chi phí vay vốn cao hơn. Tuy nhiên, đối với hình thức lãi suất này, người vay sẽ biết được chắc chắn số tiền cả gốc lẫn lãi mà họ phải trả cho ngân hàng khi đến kỳ hạn là bao nhiêu. Từ đó, người vay sẽ có kế hoạch trả nợ rõ ràng và kiểm soát tài chính của bản thân tốt hơn.

Với những ai có khả năng nắm bắt được xu thế lãi suất và biết rõ về các kỳ điều chỉnh lãi suất, họ sẽ chọn vay theo hình thức lãi suất thả nổi. Người vay có thể tiến hành đáo hạn kịp thời trước khi lãi suất được điều chỉnh tăng.

Tức là việc chọn hình thức trả lãi suất như thế nào (trả lãi suất cao hơn nhưng ổn định hoặc trả lãi suất thấp trong thời gian ngắn hạn) sẽ phụ thuộc vào sự tính toán của mỗi người. Dựa vào khả năng quản lý rủi ro và khả năng tài chính của từng khách hàng, họ sẽ có lựa chọn phù hợp cho bản thân khi đi vay tiền.

Không chỉ được áp dụng với khoản tiền vay vốn, sản phẩm tiền tiết kiệm tại các tổ chức tài chính/ngân hàng cũng được áp dụng hai hình thức lãi suất này. Tùy theo khả năng của từng người, những khách hàng gửi tiết kiệm sẽ chọn được hình thức tính lãi suất khiến họ thỏa mãn nhất.

 

6. Lãi suất vay như thế nào là cao quá quy định?

Thế nhưng lãi suất vay như thế nào được coi là mức lãi suất cao mức quy định? Về vấn đề này, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

”1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, lãi suất vay mà 2 bên thỏa thuận với nhau không được vượt quá 20% /năm trên khoản tiền vay, tương ứng với 1.667%/tháng. Nếu vượt quá lãi suất này, phía cho vay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu mức lãi suất của các tổ chức tài chính đưa ra là dưới 1.667%/tháng thì đây là mức lãi suất cho vay này là hợp lý, không cao quá quy định. Nếu bạn đang chuẩn bị vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào, hãy lưu ý mức vay tối đa theo quy định của pháp luật để đảm bảo bạn không chịu thiệt nhé!

Tuy nhiên, nếu bạn vay với số tiền nhỏ (từ vài triệu đến vài chục triệu), bạn sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn khi bạn vay với số tiền lớn. Hoặc vay theo hình thức tín chấp cũng sẽ có lãi suất cao hơn khi vay theo hình thức thế chấp. Lãi suất cao giúp ngân hàng bù đắp được các khoản chi phí cố định vận hành để phục vụ khoản vay.

 

7. Một số điều cần lưu ý khi tìm hiểu về lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay mà các ngân hàng đưa ra là giá để khách hàng phải trả khi sử dụng khoản vốn do ngân hàng cung cấp. Mức lãi suất này sẽ tuân theo những quy luật rủi ro trên thị trường. Khi tìm hiểu về lãi suất cho vay, bạn nên chú ý đến những điều sau đây:

1. Nếu ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp thì chính là vì phía ngân hàng đã thắt chặt các điều kiện cho vay và loại bỏ được những rủi ro từ phía khách hàng. Ví dụ cho tình huống này là hình thức vay thế chấp: Tuy ngân hàng sẽ thẩm định, kiểm tra kỹ càng về tài sản thế chấp (như nhà ở, đất đai, xe cộ…) nhưng mức lãi suất vay sẽ thấp.

Ngược lại, nếu khoản vay của bạn được ngân hàng đánh giá là có rủi ro cao, khoản vay đó sẽ được áp dụng mức lãi suất cao để bù đắp lại khả năng mất vốn. Tuy nhiên điều kiện cho vay mà họ đưa ra có thể sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ dễ hiểu nhất cho tình huống này là hình thức vay tín chấp: thủ tục vay đơn giản hơn, không cần thế chấp, nhưng mức lãi suất cao hơn hình thức vay thế chấp.

2. Với những khoản vay tiêu dùng trả góp, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn trả lãi trên số dư giảm dần hoặc trả đều bằng một khoản tiền cố định trong suốt thời gian vay. Những cách thức trả lãi này sẽ được ngân hàng tính toán kỹ lưỡng kết hợp với dự đoán thay đổi về lãi suất trong tương lai. Thông thường thì hình thức trả lãi trên số dư giảm dần được nhiều người ưu tiên lựa chọn hơn bởi sự tiện dụng của nó.

3. Luôn đọc kỹ hợp đồng vay tiền trước khi ký kết. Hiện nay, vì nhiều tổ chức tài chính đã và đang hỗ trợ khoản vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản hơn, rất nhiều khách hàng đã nhanh chóng ký hợp đồng vay mà không tìm hiểu kỹ hợp đồng. Đặc biệt, có nhiều trường hợp mà các khách hàng không hiểu rõ về các tính lãi suất cho vay, dẫn đến nhiều hiểu lầm về sau này giữa hai bên. Để quá trình vay tiền diễn ra suôn sẻ, không bị thiếu sót, không gây tổn thất cho khách hàng, hãy tìm hiểu thật kỹ mọi điều khoản trong hợp đồng vay, đặc biệt là ở phần lãi suất vay tiền.

4. Hãy nhớ rằng điểm tín dụng của bạn luôn được ghi lại chi tiết và rõ ràng trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông Tin Tín Dụng). Việc bạn trả nợ đúng hạn hay trễ hạn, có gia hạn khoản vay hay không… đều thể hiện rõ trên hệ thống CIC, ảnh hưởng đến những khoản vay sau này của chính bạn. Ông bà ta có câu “Có vay có trả mới thỏa lòng nhau”, vậy nên, khi đi vay tiền ở bất kỳ đâu, hãy đảm bảo rằng mình có khả năng trả đủ tiền gốc và tiền lãi đúng thời hạn.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)