Là học sinh em cần làm gì để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Vai trò của sinh viên trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

TP Hà Nội thường xuyên tổ chức lễ tôn vinh, khen thưởng những sinh viên tiêu biểu.

Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên nền tảng kế thừa di sản văn hóa của cha ông, kết hợp học hỏi những tinh hoa văn hóa nhân loại cần được đặc biệt chú trọng. Với vai trò là tổ chức đại diện cho sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam cũng như mỗi sinh viên cần phải làm gì tham gia thực hiện trọng trách này?

Nhìn nhận những hạn chế

Quá trình hội nhập quốc tế đã có những tác  động nhất định, làm thay đổi phương thức tư duy, lối sống của sinh viên  theo hướng hiện đại và tích cực, chủ động hơn. Sinh viên nước ta biết  thêm nhiều hơn về phong tục, tập quán, văn hóa và con người của các quốc  gia trên thế giới. Có điều kiện khám phá thế giới, tiếp thu và làm chủ  các tiến bộ khoa học -kỹ thuật hiện đại, tri thức mới…

Bên cạnh  đó, cũng có những hạn chế cần được nhìn nhận và điều chỉnh kịp thời,  như: Một bộ phận sinh viên xa rời truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân  tộc. Không ít người có thái độ ứng xử, biểu hiện tình cảm thái quá  trong các hoạt động giải trí, văn hóa, nghệ thuật; lãng quên, thờ ơ đối  với dòng nhạc dân ca, dòng nhạc cách mạng, truyền thống. Bên cạnh đó,  chúng ta thấy một hiện tượng đáng báo động của giới trẻ nói chung và  sinh viên nói riêng trong việc hội nhập, tiếp thu văn hóa thế giới, du  nhập những hoạt động văn hóa tiêu cực, không phù hợp thuần phong, mỹ tục  của dân tộc. Không ít sinh viên đang ngày đêm cuốn vào các trò chơi  điện tử, online mang nặng tính bạo lực, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thời  gian học tập. Có những người say mê với các ấn phẩm, văn hóa phẩm không  lành mạnh, độc hại, dẫn đến những hành động suy đồi đạo đức, vi phạm  pháp luật.

Bên cạnh đó, những biểu hiện sai lệch của những người mà giới trẻ coi là thần tượng như ca sĩ, diễn viên điện ảnh…

cũng  ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của một số sinh viên hiện nay. Ngoài  ra, ngôn ngữ dùng trong những cuộc trò chuyện trên các trang mạng xã hội  hay tin nhắn cũng bị một bộ phận học sinh, sinh viên “biến tấu” với  những từ ngữ khó hiểu, thậm chí dung tục và sử dụng một cách tràn lan,  khó chấp nhận, không còn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.

Thậm chí, có những từ ngữ bị dùng sai bản chất với ngụ ý không lành mạnh.

Những  thực trạng nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và những  nguyên nhân chủ quan. Trước hết, cần phải khẳng định, bản thân mỗi học  sinh, sinh viên chưa thật sự xây dựng cho mình ý thức tự rèn luyện, nâng  cao trình độ, học hỏi kỹ năng.

Bản lĩnh, ý thức tìm hiểu còn hạn  chế của sinh viên trước những loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật  khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân đáng chú ý dẫn đến những  hạn chế, yếu kém của một bộ phận bạn trẻ trong việc tham gia gìn giữ bản  sắc văn hóa dân tộc. Trong thực tế cuộc sống, một số hoạt động văn hóa,  nghệ thuật không còn phù hợp với sở thích của tuổi trẻ, cho nên giới  trẻ và sinh viên phải tìm đến với những loại hình nghệ thuật du nhập từ  nước ngoài. Tuy nhiên, các loại hình này lại chưa được chọn lọc trước  khi tràn lan trong xã hội. Công tác quản lý của các ban, ngành chức năng  chưa thật sự có hiệu quả trong việc khắc phục thực trạng này.

Quyết  tâm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa

Trước những thách thức và khó  khăn mà đất nước đang phải đối mặt, sinh viên phải tự đặt ra cho bản  thân mình câu hỏi: Là những trí thức tương lai của đất nước, mình đã,  đang và sẽ làm gì để góp phần đưa đất nước phát triển, giữ gìn và phát  huy bản sắc văn hóa dân tộc?

Để trả lời được câu hỏi nêu trên, mỗi  sinh viên phải tự mình phấn đấu, rèn luyện, tự trau dồi cho bản thân  những kỹ năng cần thiết, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn,  nghiệp vụ, nỗ lực rèn luyện vì lợi ích chung của cộng đồng và vì chính  sự phát triển của cá nhân. Quan trọng hơn, các bạn trẻ cần xây dựng bản  lĩnh văn hóa, sẵn sàng đấu tranh với những hoạt động, sản phẩm văn hóa  không lành mạnh.

Với trách nhiệm của mình, Hội Sinh viên Việt Nam  cần tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong sống  trong sinh viên và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần thường  xuyên thực hiện tốt. Đẩy mạnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu liên quan  lịch sử hào hùng, truyền thống văn hóa của đất nước, của quê hương. Hơn  nữa, phải chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức các hoạt động  định hướng cho sinh viên tiếp thu những mặt tích cực, tiên tiến của văn  hóa hiện đại; đồng thời khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, gìn giữ và  phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Kiên quyết đấu tranh đối với những  biểu hiện vô cảm; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong tuổi  trẻ.

Hội Sinh viên Việt Nam các cấp cần trở thành mái nhà chung ấm áp để sinh viên đóng góp, cống hiến trong các phong trào Hội.

Hội  Sinh viên cần tạo nhiều hơn nữa các sân chơi lành mạnh để đáp ứng nhu  cầu học tập, vui chơi và giải trí của hội viên, sinh viên. Khuyến khích  và tạo mọi điều kiện để sinh viên đăng ký và tham gia nghiên cứu, thực  hiện các đề tài khoa học, trong đó chú trọng các đề tài liên quan bảo  vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Những hội viên và  quan trọng hơn là những cán bộ nòng cốt của Hội phải là những người  tiên phong đi đầu, làm gương trong công tác này, chủ động xây dựng tác  phong, lối sống đẹp, sống có ích… và động viên, khuyến khích các bạn  trẻ hưởng ứng. Được như vậy, vai trò của Hội Sinh viên trong việc giữ  gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc sẽ nhanh chóng được khẳng định.

Báo cáo của BCH T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam  khóa VIII tại Đại hội  Sinh viên toàn quốc  lần thứ IX:

Công tác nắm bắt tình hình sinh viên có  nơi, có lúc chưa kịp thời. Nội dung, phương thức và hiệu quả giáo dục  của tổ chức hội đối với sinh viên trước những hiện tượng tiêu cực, tệ  nạn xã hội và những tác động tiêu cực xã hội khác thể hiện chưa rõ nét.  Cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” ở một số đơn vị triển khai chưa tích  cực, công tác truyền thông chưa sâu rộng, nhiều đơn vị lúng túng trong  thực hiện các giải pháp tạo động lực cho “sinh viên 5 tốt”…

Bùi  Văn Thanh, sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng,  Trường đại học Kinh tế  (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Hằng năm, Đoàn trường cùng các đơn vị chức  năng vẫn tổ chức các cuộc thi, các chương trình giao lưu âm nhạc, trong  đó, những tiết mục liên quan văn hóa dân tộc luôn là lựa chọn và ưu tiên  hàng đầu. Trong những năm học trước, Đoàn trường đã có kế hoạch tổ chức  Chương trình văn hóa, văn nghệ các dân tộc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa  liên hệ được các cơ quan, tổ chức có kinh nghiệm, chuyên môn hỗ trợ và  đặc biệt là gặp khó khăn về kinh phí tổ chức… Hiện nay, các hoạt động  văn hóa, văn nghệ luôn được các bạn sinh viên hưởng ứng nhiệt tình, và  mong muốn có thêm nhiều chương trình nữa được tổ chức.

Lê Quang Tự  Do, Phó trưởng Ban Tuyên giáo,  Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:

Vai  trò dẫn dắt, định hướng cho thanh niên của tổ chức đoàn còn chậm; việc  khảo sát, đánh giá tình hình thanh niên nói chung, các nhu cầu hưởng thụ  văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ nói riêng chưa thường xuyên. Công tác nghiên  cứu đúc kết những vấn đề mới tác động đến đời sống văn hóa, lối sống của  thanh niên chưa kịp thời. Nắm bắt, định hướng tình hình tư tưởng thanh  niên có lúc, có nơi thiếu kịp thời, đặc biệt qua in-tơ-nét chưa nhạy  bén. Các ấn phẩm, tài liệu phục vụ tuyên truyền về văn hóa dân tộc còn  thiếu, chưa sinh động, chưa hấp dẫn thanh, thiếu nhi. Vì vậy, phương  thức hoạt động của Đoàn phải ngày càng được đổi mới, phù hợp sự vận động  của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế…

Bài, ảnh: ĐAN ANH và THANH THỦY

Video liên quan