Là giáo viên tiểu học, chúng tôi phải làm gì đây? – Giáo dục Việt Nam

(GDVN) – Tôi lại bị viêm họng, tiếng khản đặc và ho kéo dài không dứt. Nhiều người hỏi “Sao thấy chị hay bị bệnh này thế?”.

LTS: Chia sẻ những áp lực mà một giáo viên tiểu học phải chịu đựng, cô giáo Thuận Phương cho biết đặc thù nghề nghiệp khiến cô thường xuyên bị viêm họng.

Dù áp dụng nhiều cách nhưng để đối phó với những học sinh quậy phá, nhằm đảm bảo duy trì trật tự lớp học nhưng nhiều khi giáo viên vẫn phải “bó tay”.

Các thầy cô không dám dùng đến những biện pháp “đòn roi” bởi những yêu cầu khắt khe từ phụ huynh và nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tôi lại bị viêm họng, tiếng khản đặc và ho kéo dài không dứt. Nhiều người hỏi “Sao thấy chị hay bị bệnh này thế?”.

“Bệnh nghề nghiệp mà em, cứ đơ đỡ một chút, sau buổi lên lớp về nó lại tái phát. Kiểu này sẽ sống chung với bệnh tật chứ khỏi làm sao được”. 

Chẳng riêng gì tôi, nhiều đồng nghiệp cũng thường bị như thế. Tôi chợt nhớ đến lời nói của một giáo viên “Ai dạy tiểu học mà hết sức thì tối về không còn đủ sức để làm nổi việc gì”.

Nếu không phải người trong nghề, hay không phải là người tâm huyết với nghề cũng chẳng ai có thể hình dung ra công việc dạy trẻ của chúng tôi phải vất vả nhường nào. 

Bước chân vào lớp như bước vào một cái chợ với đủ thứ tiếng cười nói ồn ào, đủ âm thanh hỗn loạn. 

Em thì tự do nói chuyện, tự do làm việc riêng như ăn hàng, gấp cắt dán đồ chơi, em gọi nhau í ới, em chạy lên thưa gửi.

Nào là em kể tội bạn này, lên án bạn kia như bạn Hoa chưa làm bài tập, bạn Hùng khi nãy đánh em, bạn Thủy chửi ba con, bạn Mai gọi con bằng thằng, bạn Hà nói tục, con bị mất tiền, con mất cây bút, con quên không mang vở, con không có bút để viết bài…

Phải cố gắng lắm, giáo viên mới ổn định được trật tự để vào bài học. Nhưng giỏi lắm, không khí ồn ào ấy cũng chỉ tạm lắng khoảng dăm phút là nhiều, rồi cái điệp khúc lúc trước lại vang lên ngày một náo nhiệt hơn. 

Gần 40 em học sinh một lớp là chừng ấy âm thanh được phát ra, tiếng thầy cô giáo đôi khi bị lọt thỏm trong mớ những âm thanh hỗn độn ấy. 

Nói nhẹ trò không nghe, thầy cô phải lớn tiếng bằng những câu khẩu lệnh “Trật tự”; “Im ngay!”… mà như thế là không nhẹ nhàng với học sinh, không thân thiện với các em… theo quy định về đạo đức nhà giáo. 

Học sinh ồn ào, quậy phá trong giờ học, có giáo viên cứ tảng lờ để dạy cho hết bài coi như không có chuyện gì. Nhưng không ít người lại chẳng thể làm điều đó. 

Thế rồi, giáo viên đóng mặt “rô”, cầm cây thước nhỏ vung lên để hăm dọa, hoặc thẳng tay phạt một roi vào mông hay vào tay một vài em đang lớn tiếng để thị uy, để trấn an. 

Tiếng ồn ào bỗng dưng im bặt, trò chăm chú vào bài học ngoan một cách lạ thường. Nhưng cũng chỉ mươi phút sau, biện pháp này lại được đem ra áp dụng, cứ thế cho hết buổi học.

Chỉ có cách này, giáo viên chúng tôi mới có thể truyền thụ hết bài dạy của mình, chỉ có thế, những cô cậu học trò mới chịu ngồi yên để học. 

Nhưng như thế là thầy cô đang vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có giáo viên vì chuyện này đã bị khiển trách, cảnh cáo, bị hạ bậc thi đua, thậm chí là bị đuổi việc.

Không ít thầy cô giáo dốc bầu tâm sự “Biết thế, nhưng dạy hàng mấy chục đứa trẻ, chỉ với thái độ dịu dàng, chỉ với những lời nói nhẹ nhàng, êm ái hay những lời ngon ngọt, dỗ dành nhất định chúng không nghe. 

Đôi khi phải liều cho vài roi như kiểu cha mẹ răn dạy con cái, nếu xui bị cha mẹ các em phản đối cũng đành chịu trận chứ biết phải làm sao?”.

Phụ huynh nhiều người bị ảnh hưởng của truyền thông khi thấy cảnh một số học sinh nơi nào đó bị một số giáo viên bạo hành dã man ở trường học nên họ thường dị ứng với những cụm từ “bị thầy cô đánh”, “thầy cô đập”…

Bởi thế, dù đa phần giáo viên tiểu học chỉ dám sử dụng cây thước bé tí (cây thước của học sinh dùng gạch đề mục) để phạt trò đôi khi cũng bị cha mẹ các em phản ứng thái quá, họ sẵn sàng làm ầm lên, gắn cho thầy cô vào cái tội “đánh, đập” học trò và đi thưa kiện khắp nơi. 

Cứ sau mỗi buổi dạy về nhà, không ít giáo viên có tâm trạng bất an như giật mình thảng thốt khi thấy chuông điện thoại báo số lạ gọi tới.

Họ sợ đó là điện thoại của phụ huynh gọi tới mắng vốn vì “Tại sao cô (thầy) dám đánh con tôi trên lớp? Tôi sẽ kiện cho chừa thói côn đồ…”, “Nó có chửi vào mặt cô, cô cũng không được phép đánh nó…”. 

Hoặc là điện thoại của Hiệu trưởng “Sáng mai cô (thầy) lên văn phòng làm việc”.

Mỗi ngày đến trường, tôi đều nhớ câu dặn của một đồng nghiệp “Cứ dạy hết trách nhiệm của mình, đứa nào không chịu học thì kệ chúng, lương mình cũng chẳng ai cắt. 

Đừng dại đánh học trò, lỡ có chuyện kiện cáo, mình chỉ thiệt thôi. Hãy nhớ, sau lưng mình còn cả một gia đình nữa đấy”.

Tôi cũng là một giáo viên luôn bất bình với những đồng nghiệp dùng bạo lực tàn nhẫn với học trò như nhiều vụ trên báo chí đã đưa. 

Nhưng nếu để các em ngoan hơn, chăm học hơn, dùng cây roi nhỏ phạt vài roi vào mông như thế chẳng lẽ lại không được?

Nhiều chuyên gia tâm lý, nhiều nhà giáo dục (chưa một lần đứng lớp) cứ mạnh miệng nói rằng “Dùng đòn roi là bất lực trong giáo dục”. 

Xin thưa rằng, chúng tôi cũng đã áp dụng nhiều cách, nhỏ nhẹ, dịu dàng, ngọt ngào… có đủ nhưng không thể đem áp dụng cho mấy chục em trong một lớp. Có những học sinh vẫn phải dùng biện pháp cứng rắn mới xong. 

Một lớp học chỉ vài em ngang ngược, không chịu nghe lời thầy cô, không có tác dụng với những lời nói ngọt thì cả lớp cũng sẽ chẳng thể nào học nổi. 

Vậy chúng tôi phải làm gì đây mới phải? Cứ tảng lờ để yên như lời khuyên của đồng nghiệp mặc các em học được gì thì học hay sao?

Thuận Phương