LUYỆN TẬP THỂ DỤC THỂ THAO THEO GƯƠNG BÁC HỒ
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ kính yêu của Đảng và Nhân dân Việt Nam – Người được thế giới tôn vinh là Ngọn cờ đầu của Phong trào giải phòng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới. Những đóng góp quan trọng của Người trong các lĩnh vực Văn hóa – Giáo dục – Nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa lâu đời của Nhân dân Việt Nam. Trên cương vị là người đứng đầu nhà nước Bác luôn quan tâm, lãnh đạo sự nghiệp thể dục, thể thao (TDTT). Người nói rằng “Thể dục, Thể thao là một công tác cách mạng trong những công tác cách mạng khác”. Dù bận trăm công, nghìn việc nhưng hằng ngày Người duy trì chế độ tập luyện thường xuyên – Đây là hình mẫu, là tấm gương sáng ngời của phong trào tự rèn luyện thân thể, với câu nói nổi tiềng “Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Hình ảnh Bác Hồ tập tạ – biểu tượng của phong trào TDTT quần chúng rộng khắp
Với tầm nhìn sâu rộng và toàn diện, từ rất sớm Người đã quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao và khẳng định đó là những thể hiện sinh động của đất nước văn minh và tính ưu Việt của một chế độ xã hội.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác đọc Bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những năm đầu lập nước, trong bối cảnh lịch sử muôn vàn khó khăn, phức tạp, thù trong giặc ngoài, giắc đói, giắc dốt đua nhau hoanh hành. Giữa lúc Chính phủ Các mạng Lâm thời phải lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ cấp bách để giữ gìn nền độc lập mới giành được, ngày 30 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Chính phủ liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14, Thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục Trung ương. Ngay sau khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (02/3/1946) thành công, căn cứ Quyết nghị của Quốc dân Đại hội Việt Nam, ngày 27 tháng 3 năm 1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 38, thiết lập trong Bộ Quốc gia giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục, cơ cấu tổ chức gồm có: một Phòng Thanh niên Trung ương và một phòng Thể dục Trung ương. Sau đó ít ngày, Trường Thể dục đã ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội) – nơi trước đó là một khu trại học tập của sĩ quan Pháp. Cũng trong ngày 27/3/1946 trên Bào Cứu quốc (Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh) có đăng toàn văn bài Sức khoẻ và thể dục – Đây là lời kêu gọi đầu tiên toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch dưới chế độ mới. Người viết:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khỏe.
Dân cường, nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Bác dạy việc luyện tập thể dục là để bồi bổ sức khỏe, việc này là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước; muốn dân giàu, nước thịnh thì mọi người phải mạnh khỏe. Nên phải tự giác, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao. Đây là phương hướng để ngành Thể dục, Thể thao phấn đấu tổ chức, vận động, xây dựng phòng trào thể dục, thể thao quần chúng rộng khắp trên toàn quốc.
Với lời kêu gọi: “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập” và điều này đã thành nếp sinh hoạt của Người.
Tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở về hoạt động trong nước và ở tại hang Pắc Pó (Cao Bằng). Công việc được Người chú trọng là chuẩn bị những điều kiện để rèn luyện sức khỏe, cho dù là giản đơn, đó là đắp một nền đất, căng một sợi dây… để tự tập thể dục buổi sáng. Ở tuổi 60, Người vẫn có thể đi bộ 50, 60km một ngày. Trong những năm kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, Người thường xuyên dành thời gian tập luyện thể thao với cán bộ, chiến sỹ. Những bức ảnh ghi lại các hoạt động tập luyện nhu quyền, dưỡng sinh, đánh bóng chuyền, bơi lội khiến chúng ta càng cảm động và khâm phục sự rèn luyện của Người.
Bác Hồ tập luyện võ thuật, bóng chuyền, bơi (ảnh Internet)
Trong những ngày đồng bào và chiến sĩ miền Nam tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), Người đề nghị Bộ Chính trị bố trí Người đi thăm động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Và Người đã tập luyện để chuẩn bị thực hiện. Đồng chí Vũ Kỳ – Thư ký riêng của Bác cho biết: “Hồi đó, mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km, có hôm tăng lên 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg…”. Đây là sự thể hiện sinh động tấm gương sáng ngời, mẫu mực của Bác Hồ đối với việc tự giác rèn luyện thân thể “Khỏe để kiến quốc”.
Bác hành quân cùng cán bộ, chiến sỹ (Ảnh Internet)
Đối với thanh, thiếu niên, người chủ tương lai của đất nước Bác rất chú ý khuyên dạy việc tự rèn luyện thân thể. Trong bức thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam nhân dịp Tết Trung thu ngày 15/9/1945, Người viết: “ Hôm nay các cháu tha hồ mà vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các cháu ra sức học tập (Tất cả các cháu đã biêt chữ quốc ngữ chưa? cháu nào chưa biết thì phải học cho biết) phải siêng tập thể dục cho mình mẩy được nở nang”. Tối ngày 26 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Hà Nội. Tại đây, “Lễ hội thanh niên vận động” đã được phát động và Ban Tổ chức đã mời Người châm ngọn lửa phát động phong trào “Khỏe vì nước”. Từ Hà Nội, phong trào này đã lan tỏa ra cả nước. Nhớ lại những sự kiện trên đây, chúng ta có thể khẳng định, Bác Hồ, không chỉ là người khai sinh ra ngành Thể dục, Thể thao cách mạng Việt Nam, mà còn là người khởi xướng phong trào thể dục quần chúng với khẩu hiệu cách mạng “Khỏe vì nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, muốn làm chủ nhân tương lai của đất nước phải rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập văn hóa, kỹ thuật chuyên môn, đồng thời phải rèn luyện sức khỏe và thể chất, “có khỏe mạnh mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ vào những công việc ích nước lợi dân”. Ngày 02/11/1956 trong bức thư gửi Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam, Bác viết: “Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh, khỏe mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước, lợi dân”. Từ năm 1958, Người đã chỉ đạo Ủy ban Thể dục, Thể thao Trung ương phát động phong trào “Thể dục, vệ sinh” trong học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Để rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng tham gia cách mạng, Người đã chỉ đạo việc tổ chức phong trào tập luyện 5 môn thể thao vũ trang kết hợp chạy, nhảy, bơi, bắn, võ với khẩu hiệu Khỏe để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khắp các địa phương trên miền Bắc các hoạt động thể dục thể thao vẫn được duy trì thường xuyên. Khẩu hiệu “Khỏe để lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã trở thành nếp sống, đi vào cuộc sống sinh hoạt của đông đảo các tầng lớp Nhân dân ngay cả trong những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai.
Đối với các chiến sỹ lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn phải thường xuyên rèn luyện thân thể. Người yêu cầu rèn luyện thân thể đối với chiên sỹ lực lượng vũ trang là chỉ lệnh, trong bức thư gửi cán bộ, chiến sỹ Trường lục quân Trần Quốc Tuấn, tháng 11 năm 1949, Người viết:
“…Các cháu phải ra sức thi đua:
– Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ.
– Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo.
– Trau dồi tinh thần cho vững chắc.
– Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng.”
Phong trào thi đua rèn luyện trong các lực lượng vũ trang “Vai trăm cân, chân ngàn dặm” sẵn sàng vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu đã có sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước và lãnh đạo lực lượng vũ trang.
Thông qua việc làm và những bức thư nêu trên của Bác, thể hiện rất rõ Người rất quan tâm, chú ý đến việc rèn luyện thân thể, phát triển thể chất cho thanh, thiếu niên, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Vì đây chính là lực lượng chủ yếu để phát triển đất nước phồn vinh, đó cũng chính là đối tượng mà ngành văn hóa, thể dục, thể thao các cấp cần tập trung phát triển mạnh phong trào.
Xác định vị trí, vai trò của đội ngũ những người làm công tác thể dục, thể thao – lực lượng nòng cốt phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng và nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Người luôn căn dặn cán bộ thể dục, thể thao phải luôn nhận thức sâu sắc công tác thể dục, thể thao cũng là một công tác trong những công tác cách mạng. Trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ Thể dục, Thể thao toàn Miền Bắc (tháng 3 năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần phải có sức khỏe.
Muồn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp.
Cán bộ thể dục, thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Ví đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng.
Thân ái chức Hội nghị thành công tốt đẹp!”
Đối với học sinh, sinh viên học chuyên ngành thể dục, thể thao – những cán bộ thể dục, thể thao trong tương lai, Bác căn dặn học thể dục, thể theo để đem hiểu biết của mình hướng dẫn Nhân dân tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Nói chuyện với thầy và trò Trường Trung cấp Thể dục, Thể thao Trung Ương (Từ Sơn – Bắc Ninh) khi Bác về thăm nhà trường, ngày 14 tháng 12 năm 1961, Người hỏi:
– Các cháu học thể dục, thể thao để làm gì?
– Thưa Bác học để phục vụ Nhân dân, phục vụ sức khỏe, phục vụ quốc phòng.
– Được. Các cháu học thể dục, thể thao ở đây không phải để đạt ông kiện tướng này, bà kiện tướng kia. Cái chính là cán bộ phục vụ đắc lực cho Nhân dân, đem hiểu biết của mình ra hướng dẫn mọi người cùng tập luyện để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật”.
Bác căn dặn học sinh phải chăm chỉ học tập và phải biết giữ gìn vệ sinh.
Bác ra sân xem học sinh đồng diễn bài kiếm, Sau đó, Bác bảo:
“Khá đấy nhưng chưa đều, phải mạnh mẽ”
Bác tiến lên mấy bước, vào hàng sửa chữa động tác cho mấy học sinh và nói: “Khi đánh kiếm, cánh tay phải vung mạnh, động tác phải nhanh. Lưỡi kiếm đưa đi con mắt phải nhìn theo. Võ dân tộc của ta rất giàu tính chiến đấu”
Qua thăm môn Võ, Bác đi xem các môn điền kinh, thể dục dụng cụ. Thấy anh, chị em học sinh đều khỏe mạnh, Người rất vui, gật đầu khen: “Đẹp lắm, khỏe lắm, Nhân dân ta ai cũng khỏe, thì nước ta sẽ nhanh mạnh giàu”.
Trước khi ra về Hà Nội, Bác còn căn dặn thêm: “Cố gắng tổ chức học tập cho tốt. Chú ý học sinh là con em các dân tộc, học sinh gái. Nên cố gắng trồng cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng…”
Bác Hồ sửa động tác kiếm cho học sinh Trường Trung cấp TDTT Trung ương
Những lời dạy bảo ân cần khi Bác về thăm trường cách đây trên 60 năm – Đó là một kỷ niệm, một dấu ấn đẹp và truyền thống vinh dự đối với các thể hệ nhà giáo và học sinh trường Trung cấp TDTT TW xưa, nay là trường Đại học Thể dục, Thể thao Bắc Ninh.
Giải chạy Nagakawa “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước” Cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XXVI – Năm 2022
(ảnh Báo Bắc Ninh)
Bác Hồ là hiện thân cao đẹp của ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc; vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi người dân Việt đang tự xây dựng cho mình nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Mỗi người chúng ta hãy thấm nhuần tư tưởng “Dân cường nước thịnh”, hằng ngày hãy tự giác rèn luyện thân thể, bồi bổ sức khỏe, đẩy lùi đại dịch Covid-19, “khỏe để lập thân, lập nghiệp”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”; tự rèn luyện sức khỏe hằng ngày là đã và đang học tập và làm theo Bác – đây là hành động thiết thực, có ý nghĩa góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, phồn vinh, thịnh vượng.