LUẬN CỨ KHOA HỌC PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM: “SỰ SỤP ĐỔ CỦA MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ VÀ ĐÔNG ÂU BẮT NGUỒN TỪ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN”

LUẬN CỨ KHOA HỌC PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM: “SỰ SỤP ĐỔ CỦA MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ VÀ ĐÔNG ÂU BẮT NGUỒN TỪ CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN”

Tóm tắt: Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã có nhiều quan điểm luận điệu xuyên tạc về Chủ nghĩa Mác – Lênin. Bài viết nhận diện, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác -Lênin từ sự kiện này để tiếp tục khẳng định giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác- Lênin, một bộ phận quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu diễn ra vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990 được coi là chấn động lớn nhất trong nền chính trị thế giới nửa cuối thế kỷ XX. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa Mác-Lênin bị thách thức nghiêm trọng. Một số học giả tư sản phương Tây đã quy chụp nguyên nhân của sự sụp đổ đó là do sự lỗi thời và những sai lầm từ chủ nghĩa Mác – Lênin. 

1.     Các quan điểm sai trái về sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu 

Thứ nhất, nhiều học giả phương Tây, cả cánh tả và cánh hữu, từ tân bảo thủ đến tân tự do, tin rằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác – Lênin sau hơn 150 năm tồn tại. Đại diện cho quan điểm này là triết gia tân bảo thủ Francis Fukuyama với công trình nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử và người cuối cùng” xuất bản năm 1992, trong đó cho rằng cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của bức tường Berlin thì cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng như là động lực của sự tiến bộ nhân loại đã đến hồi kết với thắng lợi cuối cùng thuộc về nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường.

Có quan điểm vin vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin. Để phủ định học thuyết Mác – Lênin, các thế lực thù địch cho rằng, học thuyết Mác – Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX và phù hợp trong một chừng mực nào đó với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phương Tây thời đó. Lý luận này không còn phù hợp với thế kỷ XX và đặc biệt trong điều kiện ngày nay khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn minh tin học, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa phát triển thì càng không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Từ đó, họ tuyên truyền xuyên tạc rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, không phù hợp ở Việt Nam và cần loại bỏ. Gần đây, trước những khó khăn về kinh tế, xã hội của đất nước, họ tuyên truyền luận điệu: Việc Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm, là duy ý chí. Họ cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác chỉ là một mớ lý thuyết suông về một chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được. Do vậy, sự sụp đổ của CNXH ở LiênXô, Đông Âu và trên toàn thế giới là một tất yếu, là sự cáo chung đã được báo trước.

Thứ hai, sự sụp đổ của LiênXô và Đông Âu cũng kích thích cuộc đấu tranh tư tưởng ngay trong lòng các đảng cộng sản do sự trỗi dậy của hàng loạt các quan điểm mạo danh Mác-xít – Lênin-nít, kêu gọi bảo vệ học thuyết này, nhưng thực chất gây nghi ngờ, chia rẽ, xói mòn cơ sở lý luận Mác – Lênin. Có quan điểm đem quy sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin, “sai lầm từ gốc, từ bản chất của học thuyết”.

2.     Nguyên nhân sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu

Chúng ta thấy rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội – mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp, hành chính, mệnh lệnh, xa rời quần chúng nhân dân với nhiều khuyết tật, chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung. Sự sụp đổ ấy có nguyên nhân khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, sâu xa và trực tiếp. Chính những khuyết tật của mô hình chủ nghĩa xã hội đó không được phát hiện và khắc phục kịp thời, tồn tại kéo dài, tích tụ lại đã đẩy xã hội Xô Viết đến sự sụp đổ. Sự sai lầm về đường lối cải tổ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô trước đây – cả đường lối kinh tế, chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đối ngoại, sự phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một số lãnh đạo cao nhất trong Đảng cùng với âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc, sự chống phá của các thế lực thù địch là những nguyên nhân trực tiếp. Không thể quy sự sụp đổ của Liên Xô vào chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính sự nhận thức sai, vận dụng sai, sự phản bội lại chủ nghĩa Mác – Lênin của một số người cao nhất trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô là nguyên nhân chủ yếu. Vì vậy, quyết không được đồng nhất những sai lầm đó với bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin. Những nguyên nhân đó tập trung vào:

Nguyên nhân khách quan

Một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường hoàn toàn mới mẻ, khó khăn, phức tạp chưa có tiền lệ trong lịch sử

Hai là, sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc đối với chủ nghĩa xã hội thế giới.

Ba là, hầu hết các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa có điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và trình độ phát triển về kinh tế so với chủ nghĩa tư bản còn hạn chế.

Bốn là, về mặt khách quan, ảnh hưởng quá lớn của mô hình Xô Viết dẫn tới “áp đặt mô hình Xô Viết”, coi đó là mô hình duy nhất của chủ nghĩa xã hội.

Nguyên nhân chủ quan

Một là, hạn chế trong tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận của Đảng Cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc tìm kiếm mô hình phù hợp với quốc
gia, dân tộc mình.

Hai là, những yếu kém, khuyết điểm trong đường lối chính trị, sự vận hành kém hiệu quả của hệ thống chính trị và pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Ba là, ở nhiều quốc gia, công tác xây dựng Đảng đã bị vi phạm cơ bản

Bốn là, sự mâu thuẫn, mất đoàn kết, thiếu thống nhất trong nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa

Sau hơn 70 năm tồn tại, sự tan rã của thể chế chính trị ở Liên Xô và Đông Âu thực chất là sự tan rã của một dạng thức, một mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa được coi là “mẫu mực” là “duy nhất đúng”. Tuyệt nhiên, đó không phải là sự đổ vỡ, sự “kết thúc lịch sử” của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học. Cũng từ đây nhiều trào lưu, xu hướng mới nảy sinh trong nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở một số nước, các Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân, Đảng Cánh tả đã có những nhận thức mới, phù hợp hơn về những mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở kế thừa những giá trị lý luận của học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, đồng thời vận dụng vào điều kiện lịch sử – cụ thể của từng quốc gia – dân tộc.

3.      Chủ nghĩa Mác – Lênin – những giá trị bền vững không thể phủ nhận

Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời, phát triển với bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn mang trong lòng nó những giá trị bền vững không thể bác bỏ. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho chúng ta nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn của thế giới đương đại; xây dựng CNXH và thực hiệnsự nghiệp đổi mới thành công.

Thứ nhất, phương pháp biện chứng duy vật

Phương pháp biện chứng duy vật Mác-Lênin là sự kết tinh toàn bộ những thành tựu tinh hoa của lịch sử phát triển tư tưởng duy vật của nhân loại. Phương pháp duy vật biện chứng là hệ thống các nguyên lý, phạm trù, qui luật cơ bản của phép biện chứng và lý luận nhận thức duy vật biện chứng. Đó là: Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, nguyên lý về sự phát triển; Các cặp phạm trù: Cái chung và cái riêng; Nguyên nhân và kết quả; Tất nhiên và ngẫu nhiên; Nội dung và hình thức; Bản chất và hiện tượng; Khả năng và hiện thực,… Các qui luật: Qui luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại; Qui luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; Qui luật phủ định của phủ định,… Phương pháp luận này coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác.

Thứ hai, quan niệm duy vật về lịch sử

Ph.Ăngghen đã đánh giá công lao vĩ đại của C.Mác đối với sự phát triển của nhân loại: “Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật đơn giản đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v. được; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm” (1). V.I.Lênin nhấn mạnh: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”.

Nói chung quan niệm duy vật về lịch sử là cơ sở phương pháp luận giúp con người nhận thức xã hội, thực tiễn một cách đúng đắn và còn nguyên giá trị, không thể lỗi thời cho dù điều kiện hiện nay.

Thứ ba, lý luận hình thái kinh tế – xã hội

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra rằng, sự phát triển của xã hội loài người rất phong phú, đa dạng, nhưng đó là sự phát triển có quy luật. Những yếu tố cốt lõi quy định tiến trình phát triển của xã hội chính là mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.

 Toàn bộ lịch sử vận động và phát triển của xã hội loài người là sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội mà mỗi hình thái kinh tế – xã hội sau bao giờ cũng là một sự phát triển cao hơn hình thái kinh tế – xã hội trước đó. Khi phân tích quy luật vận động của một xã hội nhất định, học thuyết này chỉ ra những mâu thuẫn bên trong và khẳng định chính sự vận động của mâu thuẫn này, cuối cùng, sẽ dẫn đến sự chuyển hóa từ một hình thái kinh tế – xã hội này sang một hình thái kinh tế – xã hội khác. Tất cả các hình thái kinh tế – xã hội thay thế nhau trong lịch sử tạo nên chuỗi phát triển tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên, các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau trong lịch sử vẫn chỉ là những nấc thang nhất thời trên con đường phát triển của xã hội loài người từ thấp đến cao.

Thứ tư, Học thuyết giá trị thặng dư

Cùng với quan niệm duy vật về lịch sử, Ph.Ăngghen coi học thuyết giá trị thặng dư là phát minh vĩ đại thứ hai của C.Mác. Vì C. Mác là người phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, cũng như nguồn gốc của giá trị thặng dư, qua đó vén bức màn bí mật che đậy sự thật về bản chất bóc lột lao động làm thuê của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ngày nay chính sự phát triển vũ bão của khoa học – công nghệ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã không làm cho lý luận về giá trị thặng dư, về mối quan hệ sở hữu trở nên lỗi thời, mà ngược lại đã và đang chứng minh cho tính đúng đắn của những lý luận đó.

Thứ năm, lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học

Khi C. Mác và Ăngghen nói về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thì đó mới chỉ là dự báo trên những đường nét cơ bản, đặc trưng nhất. Trên cơ sở quy luật sự phát triển của những hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên, tính tất yếu thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xa hội, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội và sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản là tất yếu như nhau. Về sau, V.I.Lênin là người trực tiếp vận dụng học thuyết của C.Mác và Ănghen để tiến hành cách mạng đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga và Liên Xô.

Chủ nghĩa Mác – Lênin mang ý nghĩa cách mạng vĩ đại, vô cùng lớn lao trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Sức sống của học thuyết Mác trong thời đại ngày nay thể hiện ở chỗ: các giá trị bền vững trong các học thuyết cơ bản của ông đã và vẫn sẽ là lý luận và phương pháp luận để nhận thức, cải tạo thế giới; còn những giới hạn lịch sử trong một số luận điểm cụ thể, dự báo nào đó thì đặt ra yêu cầu phải bổ sung và phát triển cho phù hợp với điều kiện mới. Không thể vì sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu mà ai đó đã vội quy kết, coi nó là “sự phá sản”, “sự sụp đổ” của chủ nghĩa Mác – Lênin, của lý luận về CNXH khoa học hay sự thất bại của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga.

Dù thực tiễn luôn vận động biến đổi và các thế lực thù địch phản động không ngừng đẩy mạnh âm mưu, thủ đoạn chống phá, nhưng bản chất cách mạng, khoa học là điều không thể phủ nhận, tạo nên giá trị, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước là cơ sở khoa học, nhân tố quyết định để Đảng ta hoạch định chủ trương, đường lối đúng đắn, lãnh đạo đất nước tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời cho đến nay, đặc biệt từ Đại hội VII (1991), Đảng đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

Trong bối cảnh hiện nay, đi liền với các thách thức an ninh truyền thống, có sự xuất hiện của các thách thức an ninh phi truyền thống, tác động không nhỏ đến đến sự phát triển của chúng ta. Các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng điều đó để tiếp tục chống phá, khoét sâu vào những hạn chế, quy về sự sai lầm trong lựa chọn con đường, mô hình phát triển, mục tiêu là làm suy giảm niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ. Trong bối cảnh ấy, việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng trở nên cấp thiết. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định rõ cần: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ”(2).

Người viết: Trần Thị Lệ Thủy

 Khoa: Lý luận cơ sở              

        ——–
Tài liệu tham khảo:

(1)   C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 19, trang 499;

(2)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 183.