LỊCH SỬ NGÔN NGỮ HỌC TÂM LÍ – Khoa SPKHXH – SGU

                                    LỊCH SỬ NGÔN NGỮ HỌC TÂM LÍ

                                                                                    TS. Trần Thị Phương Lý

1. Bàn về lịch sử của ngôn ngữ học tâm lí, hầu hết các giáo trình sách vở đều cho rằng ngành này có thời điểm ra đời từ nửa sau của những năm thuộc thập niên 50 và 60, khi nó xuất hiện như một ngành học được biết đến từ trong văn học tâm lí và được đánh dấu bằng sự có mặt của Tạp chí chuyên ngành về Nhận thức ngôn từ và Hành vi ngôn từ (Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior) (mà sau này vào năm 1985 đã được đổi tên gọi thành Tạp chí chuyên ngành về Bộ nhớ và ngôn ngữ (Journal of Memory and Language). Tuy nhiên, tiến trình phát triển của ngành nghiên cứu này từ trước đấy đã không được chú ý đến. Thật ra, ngôn ngữ học tâm lí đã được quan tâm từ nhiều thế kỉ trước đó, nó phản chiếu ngay trong cái tên gọi đầu tiên của tạp chí chuyên ngành về ngành học này. Bắt nguồn từ trong những khám phá, tìm hiểu đầu tiên của người Ai Cập cổ đại, ngôn ngữ học tâm lí đã trải qua một quãng đường dài cho đến thế kỉ 21 hiện nay với sự xuất hiện ngoạn mục của thuyết tri nhận nghiệm thân. Trên cơ sở nghiên cứu của tác giả G.Altmann thuộc Khoa Tâm lí học, Đại học York, Anh quốc trên The Encyclopedia of Language and Linguistics (2006), chúng tôi xin được giới thiệu khái quát tiến trình phát triển của ngôn ngữ học tâm lí, với mong muốn sẽ đem đến một cái nhìn tổng quan hơn về lịch sử phát triển của ngành học này.

2. Tiến trình lịch sử của ngôn ngữ học tâm lí có thể chia thành các mốc cơ bản sau:

a) Từ người Ai Cập cổ đại đến các nhà tâm lí học Hi Lạp: Công trình đầu tiên viết về ngôn ngữ và não bộ là của người Ai Cập cổ đại. Đó là một quyển giấy cói trong đó nói về các hậu quả do chấn thương ở đầu cũng như các chấn thương ở cơ thể gây ra. Được viết ra vào khoảng 1.700 năm trước Công nguyên, đây là những ghi nhận đầu tiên về trường hợp tổn thương não dẫn đến chứng mất ngôn ngữ. Tuy nhiên, người Hi Lạp cổ đại đã không chấp nhận tầm quan trọng của bộ não giống như những bộ phận khác của cơ thể, bởi họ cho rằng não đã bị thoát khỏi cơ thể trong quá trình ướp xác (thoát ra thông qua đường mũi). Họ tin rằng thay vì bộ não thì trái tim mới là chứa tâm hồn và là kho tàng của kí ức và nhà tâm lí học Hi Lạp Aristotle (384-322 trước Công nguyên) cũng tán thành quan điểm này. Điều đáng ngạc nhiên là Aristotle lại chính là học trò của Platon (427-347 trước Công nguyên), người tin rằng bộ não mới là nơi chứa đựng khả năng hiểu biết của con người. Platon có thể được xem là học giả đầu tiên viết tương đối về ngôn ngữ (khi những người khác nói, mà không viết lại). Những bài viết của ông đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với khoa học ngôn ngữ và đối với vấn đề “nghĩa của từ là gì?”. Ông đã đề cập đến vấn đề nghĩa của từ qua câu chuyện Ngụ ngôn về hang động của mình. Câu chuyện kể về một nhóm tù nhân bị trói chặt suốt đời trong hang động. Tất cả bọn họ chỉ nhìn thấy những cái bóng của các vật thể hắt trên vách đá qua ánh sáng của đống lửa sau lưng họ, và theo thói quen lâu dần, họ lại xem những hình bóng trên vách hang là thực tại. Họ chỉ cảm thấy những hình bóng này (theo cách giống như chúng ta có những kinh nghiệm từ cảm giác tri giác) và cũng như vậy, họ chỉ mô tả về những cái bóng này mà thôi. Từ đó, Platon đã chỉ ra rằng khi sử dụng ngôn ngữ, các tù nhân đã dùng nó để qui chiếu đến những cái bóng vật thể mà họ nhìn thấy chứ không phải là những vật thể thực sự. Do đó, đối với Platon (và số đông các nhà tâm lí học đương đại, từ Frege đến Puttnam) thì nghĩa thực của từ hay sự qui chiếu của từ chính là ở ý nghĩa được qui vào cho từ. Tại sao vấn đề từ được qui chiếu cho đối tượng nào lại trở nên quan trọng như thế? Đúng như tâm lí học là chuyên ngành nghiên cứu về sự điều khiển hành vi nên ngôn ngữ học tâm lí cũng là một phân ngành chuyên nghiên cứu về điều khiển hành vi ngôn ngữ. Các nhà ngôn ngữ học tâm lí đã nỗ lực khám phá quá trình tinh thần xảy ra trong thủ đắc, tạo sinh và nghe hiểu ngôn ngữ. Một phần lí thuyết của ngôn ngữ học tâm lí đã đi vào tìm hiểu về những gì cấu thành đầu vào của quá trình tinh thần này, hay nói cách khác là đi vào tìm hiểu những thông tin đã được quá trình đó xử lí. Từ việc sử dụng ngôn ngữ của những tù nhân chỉ được qui chiếu đến những hình bóng phản chiếu của các vật thể trong thế giới thực, Platon đã chỉ ra quá trình tinh thần này bắt nguồn từ hình ảnh cảm giác. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa những thực thể thật trong “thế giới bóng hình” không nhất thiết phải đặt trên cơ sở tri giác, mà dựa trên những bối cảnh trong đó các hình bóng được nhận diện qua kinh nghiệm, hoặc dựa vào việc lắng nghe tên gọi của chúng để phân biệt được những thực thể này. Những phân biệt trên, giữa thế giới thực và những kinh nghiệm của chúng ta về thế giới, và giữa một vật thể hoặc từ với ngữ cảnh mà chúng xuất hiện đã khiến các nhà tâm lí học mà đáng chú ý nhất là Wittgenstein với công trình Philosophical Investigation (Khám phá triết học), đi đến nhận định nghĩa của từ là tri thức của nó được dùng trong ngôn ngữ, đó là tri thức của những ngữ cảnh phù hợp để phát ra một từ, nơi mà tri thức sẽ được chia sẻ bằng kinh nghiệm. Vấn đề này sẽ được bàn trở lại trong những chặng phát triển tiếp theo của ngôn ngữ học tâm lí.

b) và các nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên: Lịch sử ban đầu của ngôn ngữ học tâm lí đã ghi nhận một số ít trường hợp thực nghiệm đầu tiên, được tiến hành nghiên cứu độc lập với nhau vào giữa thế kỉ thứ VII trước Công nguyên và thế kỉ XVI sau Công nguyên. Trong các thực nghiệm hiếm hoi này, một nhóm trẻ em đã được nuôi dưỡng một cách độc lập (tách biệt nhau) với mục đích thực nghiệm để khám phá về những vấn đề thuộc ngôn ngữ mà bọn trẻ lớn lên sẽ sử dụng. Các thí nghiệm này xảy ra ở thời kì thuộc đế chế của Pharon Psamtik (thế kỉ VII TCN); sau đó, vào thời kì La Mã và Đế chế Đức Frederick II (1194-1250 sau Công nguyên); rồi đếnVua James thứ IV (1473-1513 sau Công nguyên) cũng cho tiến hành thực nghiệm như thế trên hòn đảo InchKeith; và cuối cùng, Akbar Đại đế (1542-1605) cũng đã thất bại trong việc tìm ra “ngôn ngữ tự nhiên” của con người. Tuy không đưa đến những kết quả mong muốn nhưng số ít thực nghiệm hiếm hoi này cũng đã đưa đến những gợi ý cho các thực nghiệm của ngôn ngữ học tâm lí ngày nay.

c) Sự xuất hiện của Tâm lí học thần kinh tri nhận ngôn ngữ (Cognitive Neuropsychology of Language) thế kỉ 19: Công trình nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về quan hệ giữa ngôn ngữ và bộ não được tiến hành vào thế kỉ XIX. Đây có thể xem là cái mốc đầu tiên trong chuỗi tiến trình lịch sử của ngôn ngữ học tâm lí khi được xây dựng trên những nghiên cứu trước đó với những số liệu mới mẻ hơn. Những nhà nghiên cứu chủ đạo trong thời kì này gồm có Gall, Boulliard, Aubertin, Broca, Wernicke và Lichtheim. Tuy không một ai trong số họ được mô tả chính thức như là những nhà ngôn ngữ học tâm lí nhưng dựa trên mức độ mà các công trình họ đề cập đến về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và bộ não (giống như khoa học thần kinh tri nhận ngày nay) thì họ cũng là một phần của lịch sử ngôn ngữ học tâm lí không kém gì các nhà ngôn ngữ, triết học, tâm lí học và các nhà khoa học tri nhận, những người mà đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực tâm lí. Franz Gall thông qua công trình của ông về não tướng học (phrenology) đã tin tưởng rằng chức năng của ngôn ngữ nằm trong những phần trước của não bộ. Học trò của ông Jean Boulliard đã thu thập những chứng cứ về giải phẫu để bổ trợ cho những lí thuyết trên của Gall, và sau đó, một sinh viên khác của Gall là Ernest Aubertin cũng tiến hành công việc tương tự như vậy. Trong một hội thảo được tổ chức vào tháng 4 năm 1861, Aubertin đã tuyên bố nếu như có thể tìm thấy một trường hợp mắc chứng mất ngôn ngữ mà không đi kèm với sự chấn sang ở não thì ông ấy sẽ từ bỏ niềm tin về sự xác định vị trí của chức năng ngôn ngữ là thuộc về phần trước của não. Tuy nhiên, sau đó phát hiện của Paul Broca (mà sau này được dùng để đặt tên cho chứng mất ngôn ngữ Broca) cho thấy chức năng sử dụng ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của thùy trái (gọi là thùy Broca) đã đập lại ý kiến của Aubertin trước đó. Phát hiện này cùng với những quan sát trước đó của Marc Dax (về chứng liệt nửa người bên phải và mối tương quan của chúng với chứng mất ngôn ngữ) cũng được công bố cùng thời điểm, đã tạo nên một căn cứ vững chắc cho lí thuyết vị trí của chức năng ngôn ngữ trong não bộ. Mười năm sau (1874), Carl Wernicke đã công bố công trình về “chứng mất cảm giác” bàn về những thiếu hụt trong việc hiểu ngôn ngữ. Nghiên cứu này được học trò của Wernicke là Ludwig Lichtheim thúc đẩy tiến xa hơn vào năm 1885 khi đưa ra lược đồ cho thấy ba phần trung tâm nối với nhau trong bộ não (gồm: vùng Broca (“phần trung tâm của hình ảnh thính giác”), vùng Wernicke (phần trung tâm của hình ảnh vận động) và một phần “trung tâm ý niệm”), có dính líu đến chứng mất ngôn ngữ như thế nào. Những thương tổn của mỗi vùng, hoặc sự liên kết giữa chúng sẽ tạo nên những dạng khác nhau của chứng mất ngôn ngữ. Thú vị hơn cả nữa là lược đồ của Lichtheim còn cho phép tiên đoán trước sự rối loạn này. Khả năng của mô hình ý niệm tạo nên những dự đoán này trở thành một đề tài mà các nhà ngôn ngữ học tâm lí chú ý quan tâm sau này.

d) Các ảnh hưởng của đầu thế kỉ 20 về thuyết Hành vi luận (Behaviorism): Vào cuối thế kỉ 19, các nghiên cứu về ngôn ngữ đã bắt đầu thay đổi cũng như những nghiên cứu tâm lí học về ngôn ngữ đã chuyển sự quan tâm từ các chứng mất ngôn ngữ sang việc xem xét sự sử dụng ngôn ngữ bình thường.Wilhelm Wundt trong cuốn Die Sprache (năm 1900) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trạng thái tinh thần và mối quan hệ giữa lời nói với các trạng thái tinh thần bên trong. Tương tự như vậy, William James cũng đã nhìn thấy những lợi ích của việc đưa các trạng thái tinh thần vào lí thuyết sử dụng ngôn ngữ (công trình Những nguyên lí của Tâm lí học (Principles of Psychology) năm 1890, trong đó một số vấn đề của ngôn ngữ học tâm lí đương đại đã được tiên báo trước). Nhưng có thể nói đầu thế kỉ 20 cũng là thời gian tương đối hỗn loạn của ngôn ngữ học tâm lí (cũng như đối với tâm lí học), J.B.Watson đã cho rằng tâm lí học nên nghiên cứu về hành vi và các quan sát liên quan đến hành vi hơn là quan tâm đến ý thức và sự xem xét nội quan (như cách tiếp cận của Wundtian). Và trong khi Wundt cho rằng tâm lí học về ngôn ngữ phải quan tâm nhiều đến tâm trí thì các nhà hành vi luận như J.R.Kantor lại phát biểu ngược lại, cho rằng việc dùng ngôn ngữ có liên quan đến những trạng thái về tinh thần khác nhau. Đối với Kantor, chủ nghĩa tinh thần truyền thống Đức do Wundt khời xướng là hoàn toàn sai lệch. Thậm chí William James đã quay lưng với tâm lí học của Wundtian. Do vậy, hành vi luận truyền thống đã nắm giữ vị trí giai đoạn này. Cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 là thời gian thay đổi mạnh mẽ nhất của ngôn ngữ học, với sự xuất hiện của những nhà ngữ pháp tạo sinh vào thế kỉ 19 và cấu trúc luận của Ferdinand de Saussure ở thế kỉ 20. Vào năm 1930, trường phái ngôn ngữ học Bloomfield đã hình thành với sự xuất bản công trình Ngôn ngữ (Language) của Leonard Bloomfield vào năm 1933. Trường phái Bloomfield đã qui việc nghiên cứu cấu trúc của ngôn ngữ về hệ thống các bước phân loại bắt đầu từ đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ là âm vị. Cũng với cách làm tương tự như vậy, Bloomfield đã đồng hóa ngôn ngữ học với hành vi luận; và cũng giống như thuyết hành vi luận đã né tránh các trạng thái tinh thần trong những nghiên cứu về tâm lí học, trường phái Bloomfield truyền thống cũng đã né tránh tâm lí học trong những nghiên cứu về ngôn ngữ của họ. Nghiên cứu ngôn ngữ bị kẹt giữa hai sự lựa chọn một bên là hành vi luận và một bên là nguyên tắc phân loại. Theo sự tranh cãi này thì các trạng thái tinh thần không liên quan gì đến nghiên cứu về tâm lí hay ngôn ngữ. Đến năm 1957, B.F.Skinner xuất bản Hành vi ngôn ngữ (Verbal Behavior), áp dụng nguyên tắc của hành vi luận đối với nhận thức ngôn ngữ và hành vi ngôn ngữ, cố gắng giải thích chúng theo lí thuyết điều kiện. Đây là những tranh luận cuối cùng về những gì mà các nhà hành vi luận cổ điển và các nhà tâm trí học đã bất đồng.

e) Giữa thế kỉ 20 và ảnh hướng của phái Chomsky: Vào năm 1959, Chomsky đã xuất bản một cuốn sách tóm tắt lại cuốn Hành vi ngôn ngữ của Skinner. Ông đã đưa ra tranh luận rằng không có một số lượng các liên kết phản ứng có điều kiện nào có thể giải thích được khả năng vô hạn hay cái gọi là hệ thống của ngôn ngữ. Chomsky đã vượt ra ngoài trường phái Bloomfield để đi vào các cấu trúc tinh thần từ đó gặt hái những luận điểm về lí thuyết và khám phá các thực nghiệm. Chomsky đã lại đưa vấn đề trí não, và đặc biệt là sự trình hiện tinh thần vào trong những lí thuyết về ngôn ngữ. Vì thế mà mặc dù Skinner đã tránh né vấn đề trình hiện tinh thần còn Chomsky thì lại cố gắng chứng minh sự hiện diện của tinh thần trong ngôn ngữ. Hai năm trước công trình Hành vi ngôn ngữ, Chomsky đã đề xướng được một mô thức không ai sánh kịp để mở đường cho các khám phá ngoạn mục trong khoa học tri nhận- mô thức riêng cho ngôn ngữ, thường được biết đến dưới tên gọi “ngữ pháp cải biến”, được công bố trong cuốn Cấu trúc ngữ pháp (Syntactic Structures) (1957). Chuyên khảo này với khám phá ý niệm về những qui tắc ngữ pháp trừu tượng đặt cơ sở cho cấu trúc câu nói chung, đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho khoa ngữ học trong hậu bán thế kỷ 20, thách thức mọi lí thuyết trong các lãnh vực triết lý, tâm lý, và lịch sử tri nhận. Chomsky đã làm giới nghiên cứu tâm lý và ngữ học trên hoàn cầu (lúc ấy còn đang cho rằng trí não của trẻ thơ chỉ là một trang giấy trắng) sửng sốt với ý niệm mới mẻ rằng ngôn ngữ, cũng như đa số các năng khiếu khác của con người, tùy thuộc vào các cơ cấu trí não đã được an bài trong nhiễm thể. Theo ông, sự trở nên thành thạo tiếng mẹ đẻ một cách dễ dàng và nhanh chóng trong thời thơ ấu là một phần của sự trưởng thành cơ thể đã được thiên nhiên “thảo chương” từ trước. Cũng như di truyền tính đã ban cho mỗi hài nhi một trái tim và hai lá phổi càng ngày càng phát triển sau khi lọt lòng mẹ, di truyền tính cũng ban cho nó một “cơ quan ngôn ngữ” vô cùng phức tạp và hiệu nghiệm. Những thăng trầm trong đà tiến hóa của loài người đã uốn nắn cái cơ quan ngôn ngữ ấy sao cho nó chỉ có thể học được những ngôn ngữ nhất định nào đó trong một phạm vi tương đối nhỏ hẹp của các cấu trúc luận lý. Theo Chomsky, qua những tác động với môi trường ngôn ngữ ngoài đời, cơ quan ngôn ngữ sẽ dần dần trở thành ngữ pháp của tiếng nói ấy. Ảnh hưởng của Chomsky tới ngôn ngữ học tâm lí đã không hề bị nói quá lên, khi mà với lí thuyết của ông, ngôn ngữ học hiện đại đã ra đời và ngôn ngữ học tâm lí đã gần như ngay lập tức bắt kịp trong sự thức tỉnh của mình. Chomsky đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng giữa “thẩm năng” là những tri thức mà chúng ta có về một ngôn ngữ với “dụng ngôn” là sự sử dụng ngôn ngữ (một sự phân biệt đã làm nhớ lại sự phân biệt trước đó của F.de Saussure giữa ngôn ngữ và lời nói. Theo Chomsky, cả hai yếu tố trên đều nảy sinh qua những hoạt động của trí não con người- một trí não bẩm sinh cho phép nhận thức những cấu trúc ngôn ngữ của loài người (tuy nhiên, không phải các học giả đều đồng ý với những tranh luận cho rằng công cụ thủ đắc ngôn ngữ là có liên quan đến cơ quan trí não- xem Bates và Goodman năm 1999). Vì thế có lẽ là tương đối ngạc nhiên khi trong bối cảnh của hai công trình của Chomsky là Cấu trúc ngữ pháp và Xem xét lại Hành vi luận của Skinner, thì một tạp chí mới và có ảnh hưởng dành riêng cho nghiên cứu về tâm lí học của ngôn ngữ đã ra đời vào năm 1962 với nhan đề Tạp chí chuyên ngành về Nhận thức ngôn ngữ và Hành vi ngôn ngữ (the Journal of Verbal Learning and Verbal Behavior) lại được đặt cơ sở trên hành vi luận truyền thống.

f). Từ ngữ năng đến ngữ thi tâm lí: Lí thuyết ngữ pháp của Chomsky là các lí thuyết về ngữ năng (tức năng lực ngôn ngữ) chứ không phải là ngữ thi (thực hành ngôn ngữ), tuy nhiên, công trình của ông về ngữ pháp cải biến đã khởi xướng một hướng nghiên cứu rất đáng chú ý vào đầu những năm 1960 để làm vững chắc vị trí tâm lí của quá trình xử lí cú pháp. Những nghiên cứu này đã cho thấy sự phức hợp thuộc tri giác có liên quan với sự phức hợp ngôn ngữ (được gọi là Thuyết phức hợp phái sinh (Derivational Theory of Complexity)). Tuy nhiên, trong khi các cấu trúc ngữ pháp được đưa ra thành định đề bởi ngữ pháp cải biến có một số tính hiện thực tâm lí, thì những công cụ được đưa ra thành định đề để xây dựng những cấu trúc đó (ví dụ như những cải biến mà tạo nên chủ nghĩa hình thức ngữ pháp) thì lại không có tính hiện thực tâm lí. Do đó, sự phân biệt giữa thẩm năng và dụng ngôn là quan trọng hơn nhiều so với nhận thức ban đầu về các nguyên tắc mà các nhà ngôn ngữ học đã đề ra rằng cái tạo nên lí thuyết về thẩm năng sẽ không làm kéo theo lí thuyết về quá trình tâm lí. Theo đó, sự nhấn mạnh đã chuyển hướng về phía tâm lí học, chứ không phải là ngôn ngữ học, về chủ nghĩa cơ giới bởi những quan hệ thuộc cú pháp là quyết định (quá trình này được gọi là phân tích cú pháp). Như vậy rõ ràng tính (đúng) ngữ pháp và tính quá trình là riêng biệt với hiện tượng tinh thần.

g) Dưới ảnh hưởng của vi tính kĩ thuật số (Digital Computer): Thập niên 70 đã chứng kiến sự phát triển to lớn của ngành ngôn ngữ học tâm lí. Sự phát triển này được tạo nên từ một loạt các hiện tượng, bao gồm ghi và phát lời nói, quá trình xử lí đọc, nghe hiểu câu và thể hiện các văn bản. Toàn bộ ngành tâm lí học đã phát triển với tốc độ mạnh mẽ, đến nỗi có ý kiến cho rằng đó là một sự “phun trào” các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Sự sụp đổ của chủ nghĩa hành vi đã đóng góp một phần (và chắc chắn là Chomsky có vai trò trong sự sụp đổ đó) cho sự ra đời trong những năm 1950 của máy tính kĩ thuật số. Ẩn dụ “Trí não là máy tính” ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngôn ngữ học tâm lí và nghiên cứu về tri nhận nói chung. Các chương trình máy tính làm việc bằng cách chia nhỏ những hành vi phức tạp thành chuỗi các hành vi đơn giản, dễ quan sát hơn (và do đó dễ hiểu hơn). Chúng dựa trên các biểu tượng thao tác và sự điều khiển lưu lượng thông tin. Chúng còn phân biệt các cấp độ khác nhau giữa sự giải mã trừu tượng (ngôn ngữ lập trình ở cấp độ cao, khối mã lệnh và sự lưu thông của dòng điện quanh ổ cứng), và có lẽ, việc chúng có khả năng đưa ra những dự đoán trước là quan trọng hơn cả đối với các nhà tâm lí học thực nghiệm. Ảnh hưởng của cuộc cách mạng vi tính kĩ thuật số là rất đa dạng. Một số là ảnh hưởng trực tiếp, như các nghiên cứu xây dựng trên sự mô phỏng máy tính về hành vi tinh thần (ví dụ chương trình SHRDLU của Terry Winograd năm 1968-1970). Một số nghiên cứu thì chịu ảnh hưởng gián tiếp, tiếp cận ngôn ngữ học tâm lí thông qua triết học, ví dụ giả thuyết Mô hình của tâm trí do Jerry Fodor đề xướng từ năm 1983. Một cách giải thích đơn giản đối với giả thuyết này (vì giả thuyết này được các nhà nghiên cứu hiểu theo nhiều cách khác nhau) đó là có hai hướng lí thuyết khác nhau về tâm trí: một là xem tâm trí là vô cùng phức tạp và gồm nhiều nguồn tương tác thông tin theo nhiều cách và một hướng khác tâm trí có thể được chia thành nhiều môđun, mỗi môđun sẽ thực hiện một số chức năng riêng và là “đui mù” đối với những hoạt động của các môđun khác (như là đầu vào, đầu ra của một hoặc nhiều các môđun đó). Giả thuyết này đã có ảnh hưởng to lớn trong ngôn ngữ học tâm lí, và trong suốt một thời gian (từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990), các giả thuyết được đánh giá theo kiểu môđun hoặc không. Và trong thời gian này, đối lập với đường hướng số hóa kí hiệu đã thúc đẩy một hướng tiếp cận mới đối với tri nhận xuất hiện vào giữa những năm 1980, dường như tránh né sự tính toán kí hiệu và môđun.

h) Sự nổi bật của Chủ nghĩa kết nối (Connectionism) cuối thế kỉ 20: Tiếp cận thống kê đối với ngôn ngữ: Năm 1986, David Rumelhart va Jay McClelland xuất bản công trình Qui trình phân bố song song (Parallel Distributed Processing), đánh dấu sự trưởng thành của chủ nghĩa kết nối khi đi vào miêu tả một loạt các kết nối, hay mạng lưới nơ-ron và các mô hình học tập và nhận thức, trở thành công trình đầu tiên mở màn cho một loạt các nghiên cứu trong lĩnh vực nổi bật này. Một trong những phát hiện thú vị của đường hướng nghiên cứu này là cho rằng “tri thức’ trong những mạng lưới kết nối đã được mã hóa như những mô hình phân bố liên kết ngang qua các đơn vị nơron và “qui trình” là những hoạt động mô hình trải dài. Những mạng lưới này có thể nhận thức những mối liên hệ kết nối phức tạp trên cơ sở những nguyên tắc nhận thức kết nối đơn giản. Một số mô hình liên kết đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của ngôn ngữ học tâm lí. Ví dụ, mô hình TRACE được McClelland và Jeff Elman phát triển trong những năm 1980 là một mô hình nhận biết tiếng nói. Mô hình này được xem là tiêu điểm của nghiên cứu theo lối kinh nghiệm trong 20 năm tiếp theo đó.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi toàn bộ nghiên cứu về tính liên kết đã chịu làn sóng phê bình mạnh mẽ từ phía ngôn ngữ học và tâm lí học vì cho rằng nó đã làm giảm thiểu ngôn ngữ thành một hệ thống của các mô hình thống kê và trên căn bản nó là thuyết liên tưởng, phi môđun và đã tránh sự thể hiện ra ngoài các cấu trúc kí hiệu. Bên trong bối cảnh tranh luận của thuyết kết nối-kí hiệu đó đã phát triển một tranh luận có lẽ tồn tại lâu nhất trong ngôn ngữ học tâm lí đương đại giữa một bên tin rằng thông tin của từ (ví dụ thông tin về thời và thể của từ) được điều khiển bởi kiến thức về các qui tắc và các ngoại lệ đối với những qui tắc đó; và một bên khác thì tin rằng thông tin của từ bị điều khiển bởi tính qui tắc của thống kê (là cái mà có thể nắm bắt trong mô hình đúng gồm cả các từ theo qui tắc và bất qui tắc). Cuộc tranh luận đó còn kéo dài đến tận 20 năm sau. Mặc dù vậy, tiếp cận theo phương pháp thống kê đối với ngôn ngữ (cả trên mặt cấu trúc và trên mặt quá trình tinh thần của nó) vẫn ngày càng trở nên phổ biến với việc đi vào tìm hiểu những vấn đề như “khám phá” ra từ ngữ thông qua sự phân đoạn đầu vào của lời nói, qua sự xuất hiện của các phạm trù ngữ pháp và thậm chí cả sự xuất hiện nghĩa của từ như một hệ quả của những phụ thuộc được thống kê giữa một từ và ngữ cảnh của nó (ví dụ quan điểm của Wittgenstein về nghĩa của từ). Phương pháp tiếp cận thống kê còn được ứng dụng tìm hiểu những vấn đề khác như nghiên cứu khả năng phân đoạn lời nói của trẻ cho đến việc qui vào ngữ pháp như các qui tắc để xử lí câu ở người lớn. Lí do khiến cho cách tiếp cận này trở nên thu hút như vậy là vì khoa học thống kê thuộc thuyết bất khả tri (theo khái niệm triết học) khi đặt bản chất của những đối tượng thuộc thế giới thực lên trên những gì mà đã được thống kê học tính toán. Chính vì vậy, có thể áp dụng các thuật toán giống nhau về cơ bản vào các chuỗi âm vị, từ hay câu. Việc xử lí của chúng bên trong mạng lưới nơ-ron cũng có tính bất khả tri giống như vậy, mạng lưới giống nhau và những phép toán giống nhau mà cho phép mạng đó qui vào những thống kê tương ứng thì có thể được ứng dụng cho nhiều phạm vi khác nhau. Chủ nghĩa kết nối đã mở ra sự nhận thức xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm cho một loạt các lĩnh vực thuộc tâm lí học (không phải chỉ riêng gì ngôn ngữ học); và sự nhận thức trên nền tảng kinh nghiệm cũng không kém phần thu hút sự quan tâm của các học giả vì nó đòi hỏi nhiều giả thuyết về sự tồn tại của những khả năng riêng biệt- bẩm sinh. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử, mặc dù sự xuất hiện của chủ nghĩa kết nối đã đem đến một công cụ lí thuyết mạnh mẽ nhưng đồng thời nó cũng đã gây ra sự phân cực trong chính bản thân phái tâm lí học, giữa một bên là “theo chủ nghĩa kết nối” và một bên là “theo chủ nghĩa biểu trưng”. Tuy nhiên, sự phân đôi này không chỉ diễn ra trong ngôn ngữ học tâm lí mà còn xảy ra phổ biến trong nghiên cứu về nhận thức nói chung. Và như thể đẩy xa hơn sự phức tạp của lí thuyết, thế kỉ 21 đã bắt đầu với việc quan tâm đến một hệ hình khác – đặt căn cứ trên ngôn ngữ (và sự tri nhận) trong hành động.

i) Đầu thế kỉ 21 và nền tảng của ngôn ngữ trong hành động và trong trí não: Những lí thuyết truyền thống trong tri nhận cho rằng nhiệm vụ của hệ thống tri giác là cung cấp sự trình hiện của thế giới bên ngoài cho hệ thống tri nhận. Và rồi nhiệm vụ của hệ thống tri nhận là tái dựng lại thế giới bên ngoài ấy trong tâm trí, sau đó, việc tái thiết này lại tạo ra cơ sở cho các “mệnh lệnh” chuyển đi, ví dụ cho hệ thống cơ năng. Do vậy, tri nhận làm bước trung gian giữa sự tri giác và hành động. Một phương pháp khác, được gọi là “tri nhận nghiệm thân” (khái niệm chỉ mối liên quan giữa cơ thể và ý nghĩ) mô tả sự tri nhận và hoạt động đều được mã hóa bên trong cùng một bối cảnh trình hiện giống nhau. Do đó, tri nhận được bắt rễ từ trong những thể hiện cảm giác và vận động giống nhau tương tác với thế giới bên ngoài. Hay nói cách khác, tri nhận được đặt nền tảng trên những cơ sở thần kinh giống nhau cung cấp sự tương tác về mặt cảm giác và vận động với thế giới bên ngoài. Cách nhìn này kéo theo một hệ quả quan trọng, đó là ngôn ngữ, một phần hợp thành của tri nhận, cùng những thành tố khác của tri nhận, sẽ được xem xét trong bối cảnh của (i) những tương tác giữa người nghe và thế giới, và (ii) những cơ sở thần kinh cung cấp những tương tác đó. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà những năm của thập niên 90 đã chứng kiến sự bùng nổ trong nghiên cứu về cơ sở thần kinh của ngôn ngữ, một phần nhờ vào sự phát triển của Công nghệ sử dụng nhiều phương pháp để chụp ảnh, vẽ nên cấu trúc, chức năng của não bộ trực tiếp hoặc gián tiếp. Thập niên này cũng chứng kiến sự phát triển các nghiên cứu về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và hành động. Cả hai luồng nghiên cứu này đã cung cấp rất nhiều bằng chứng cho thuyết tri nhận nghiệm thân. Cũng trong thời gian này, những tiến bộ khoa học kĩ thuật mới cũng được ứng dụng để nghiên cứu về hoạt động ở người, như nghiên cứu sự chuyển động của mắt ở các nghiệm thể viên khi nghe mệnh lệnh phát ra từ đối tượng đứng ở trước mặt họ, hoặc khi nghe những mô tả về các sự việc có thể xảy ra trong cảnh tượng trước mắt họ. Điều này cho thấy những chuyển động của mắt gần như đồng bộ với quá trình bao gồm cả việc tri nhận lại từ và xử lí câu và có thể thu lượm được những thông tin được đề cập đến qua từ hoặc câu để giải thích các phát ngôn nói về những cảnh tượng diễn ra trước mặt các nghiệm thể viên. Một kĩ thuật khác được ứng dụng nữa đó là đánh giá về những phản ứng cơ năng đối với những dạng tác nhân kích thích ngôn ngữ, ví dụ, những từ hoặc câu chỉ sự chuyển động theo hướng. Một loạt các nghiên cứu theo đường hướng này đã chứng thực sự chuyển động cơ năng là một thành tố của việc lĩnh hội ngôn ngữ. Đối với hướng tiếp cận nghiệm thân tri nhận, đáng chú ý là một số nguyên lí cơ bản đã được đề cập đến từ những ngày đầu tiên của ngôn ngữ học tâm lí. Đáng chú ý nữa là mặc dù phương pháp tiếp cận hình ảnh não bộ ngôn ngữ được thực hiện độc lập với những lí thuyết tri nhận nghiệm thân, nhưng phần lớn các nghiên cứu đều qui về một nội dung giống nhau, đó là những khía cạnh ngôn ngữ được thể hiện trong cùng những cơ sở trình hiện giống nhau điều khiển các tương tác vận động- cảm giác của chúng ta với thế giới bên ngoài.

3. Và rồi nói tóm lại, hiện nay ngôn ngữ học tâm lí đang ở đâu? Trong bối cảnh sẵn có, khó có thể chứng minh tất cả những khuynh hướng đã chi phối đến ngôn ngữ học tâm lí đương đại và những gì đã tác động vào không chỉ những dạng hành vi ngôn ngữ mà chúng ta đã nghiên cứu (ví dụ sự đứt gãy ngôn ngữ, việc sử dụng ngôn ngữ thông thường hay phân tích những trường hợp mơ hồ, vv.) mà còn cả cách thức chúng ta nghiên cứu về những hành vi đó như thế nào (thông qua chứng mất ngôn ngữ, hình ảnh não bộ, sự chuyển động mắt như trung gian ngôn ngữ, vv.). Và chúng ta vẫn nhìn thấy đầy đủ những ảnh hưởng của chủ nghĩa kết nối, khoa học thống kê, tri nhận nghiệm thân và cả khoa học thần kinh về ngôn ngữ. Cái mà chúng ta có thể chắc chắn đó là những đường biên ranh giới giữa nghiên cứu ngôn ngữ với những nghiên cứu về các phương diện khác của tri nhận ngày càng nhạt hơn (ví dụ, nghiên cứu về sự chuyển động ở mắt đã nói trên là điểm chung của cả nghiên cứu về ngôn ngữ và thị giác). Không nghi ngờ gì nữa khi những phát triển trong các lĩnh vực nghiên cứu “láng giềng” (như vi tính học và những khoa học không thuộc về tri nhận) cũng sẽ có một tác động đáng kể đến ngôn ngữ học tâm lí. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã áp dụng kĩ thuật công nghệ tin học kết hợp với nghiên cứu giải phẫu thần kinh về cấu trúc nơ-ron của não để hiểu được những dạng thức “tính toán” mà những phần riêng biệt của não có thể đạt được. Những nghiên cứu như thế hứa hẹn sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về khả năng của bộ não con người trong việc nhận thức, hình dung và biểu đạt ngôn ngữ. Và hiểu về lịch sử ngôn ngữ học tâm lí nghĩa là phải hiểu được lĩnh vực này không chỉ đang ở đâu trong hiện tại mà còn cả nơi nào trong tương lai với nhiều hứa hẹn thú vị đang chờ đón.

Tài liệu tham khảo:

  1. Altmann G. (2006), History of Psycholinguistics, in Encyclopedia of Language and Linguistics, 2nd edition
  2. Altmann G. (2001), “The language machine: Psycholinguistics in review”, Bristish Journal of Psychology 92, 129-170
  3. Chomsky N. (1957), Syntactic structures, Mouton
  4. Chomsky N. (1959), “Review of Skinner’s Verbal Behaviour”, Language 35, 26-58
  5. Elman J. (1990), “Finding structure in time”, Cognitive Science I4, 179-211
  6. Skinner B. (1957), Verbal Behavior, New York: Appleton- Century- Crofts