Kỳ vọng và thách thức với tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
–
Thứ năm, 08/04/2021 16:25 (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn được xem là “ghế nóng”, là thách thức với bất kỳ lãnh đạo nào được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhận.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Ngày 8.4, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Giáo dục là ngành có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông đảo, với khoảng 1,5 triệu người và luôn có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên tham gia học tập. Giáo dục cũng là câu chuyện của mọi người vì liên quan đến mọi nhà, nên sự kỳ vọng vào vị “trưởng ngành”, vào đội ngũ nhà giáo là rất lớn.
Kỳ vọng là động lực, nhưng ở chiều ngược lại, trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục, sẽ luôn phải đối diện với nhiều áp lực, sóng gió, như 2 cực dao động của con lắc đồng hồ.
Bên hành lang Quốc hội, ngoài việc đặt kỳ vọng, các đại biểu cũng nói về những thách thức với tân Bộ trưởng khi trở thành “tư lệnh” của một ngành luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Lắng nghe để có một nhiệm kỳ “bình yên đổi mới”
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai.
Là một nhà giáo, tôi có nhiều nỗi niềm, băn khoăn và cũng có nhiều kỳ vọng vào tân Bộ trưởng. Tôi hy vọng Bộ trưởng sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục, trong đó có việc đổi mới chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa. Vì sao cần kiên trì? Vì việc đổi mới đã được xác định là đi đúng hướng, nên cần tránh làm xáo trộn, gây lãng phí cho xã hội, ngân sách nhà nước.
Tôi cũng kỳ vọng tân Bộ trưởng có nhiều chính sách, có quyết tâm tham mưu với các cấp, lãnh đạo Nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt với đội ngũ giáo viên. Đây sẽ là động lực để các thầy cô yên tâm công tác, đồng hành cùng ngành thực hiện chặng đường đổi mới giáo dục còn nhiều khó khăn và thách thức phía trước.
Bộ trưởng có thế mạnh ở mảng đại học, với bậc phổ thông, tôi mong Bộ trưởng cần phải hiểu và biết lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, sâu sát với cơ sở để có những quyết sách phù hợp.
Tôi cũng mong trên cương vị mới này, Bộ trưởng sẽ giữ được “sóng yên biển lặng”, đổi mới nhưng phải bình yên. Hay nói cách khác, có nhiệm kỳ bình yên để đổi mới.
Những sóng gió của ngành giáo dục thời gian qua bắt nguồn từ việc chưa tạo được sự đồng thuận. Tôi đánh giá, người tiền nhiệm là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có một nhiệm kỳ hoạt động rất nhiệt tình, hết sức mình với ngành, có nhiều tâm huyết và quyết sách đúng, làm thay đổi diện mạo của giáo dục từ phổ thông đến đại học.
Bộ trưởng Nhạ cũng là người chịu khó đi cơ sở, hiểu cơ sở, cũng có chính kiến của mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng hình ảnh của Bộ trưởng trước truyền thông chưa được tốt, nên có nhiều cái bị hiểu lầm. Tôi rất tiếc khi mọi người chưa hiểu đúng vai trò của thầy đối với công cuộc đổi mới giáo dục.
Từ bài học của những người tiền nhiệm, tôi nghĩ tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nên bình tĩnh, tránh nôn nóng. Và để đổi mới được thành công, thì trước hết phải tạo được sự đồng thuận, từ chính trong ngành đến toàn xã hội.
Ngành giáo dục có đội ngũ cán bộ, nhà giáo rất đông đảo. Các thầy cô cần có một ví trị, vị thế và tạo động lực để thực hiện đổi mới giáo dục bằng việc cơ quan quản lý có những chính sách đãi ngộ tương xứng, quyết sách giúp giáo viên giảm áp lực hồ sơ, sổ sách giấy tờ để toàn tâm toàn ý cho công tác chuyên môn.
Ngoài ra, công tác đào tạo đội ngũ phải được chú trọng. Các trường sư phạm được ví là “máy cái” đào tạo ra các thế hệ nhà giáo trong tương lai. Nếu khâu đào tạo chưa tốt, chưa đổi mới phù hợp với thực tiễn thì sẽ khó tạo ra đội ngũ có đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.
Tư lệnh ngành giáo dục cần có tiếng nói trong các thành viên Chính phủ để khi cần thì bảo vệ được những chính sách, cơ chế tạo động lực cho nhà giáo, đội ngũ viên chức tâm huyết, đội ngũ viên chức đông nhất và đội ngũ này mang tính quyết định việc đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Thách thức đặt ra đối với tư lệnh ngành giáo dục rất là lớn
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang).
Tôi cho rằng những thách thức đặt ra đối với tân Bộ trưởng Bộ GDĐT là rất lớn. Thách thức này một phần từ sự kỳ vọng của nhân dân đối với ngành giáo dục. Mọi gia đình đều quan tâm đến việc học hành, mặc dù mình điều kiện kinh tế có thể còn khó khăn, nhưng vẫn dành những nguồn lực tốt nhất để cho con cái.
Kỳ vọng đặt ra áp lực, đòi hỏi ngành giáo dục phải đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng con người, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Đã là đổi mới thì có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại. Đây là chuyện bình thường, chúng ta phải ghi nhìn nhận để có cái nhìn công bằng.
Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về giáo dục, đại biểu chúng tôi cũng tranh luận trên nghị trường khi xây dựng, hoàn thiện luật pháp liên quan đến lĩnh vực này. Vì thế, tôi mong rằng tân Bộ trưởng, với vai trò tư lệnh ngành, cần nhận thức đầy đủ những thách thức, những yêu cầu đặt ra để lãnh đạo, để kết nối đội ngũ chuyên gia, phát huy được trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, nhà giáo trong ngành trước khi trình, tham mưu các chính sách liên quan đến giáo dục.
Mặt khác, qua diễn đàn Quốc hội và các kênh thông tin, phản ánh qua các hoạt động nghị trường, ngành giáo dục cũng cần nắm bắt nguyện vọng của người dân, để xem xét, giải quyết một cách kịp thời, thấu đáo.