Ký ức chợ Viềng

Ký ức chợ Viềng

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, người Nam Định cùng với nỗi háo hức đón Tết là niềm mong ngóng chợ Viềng mồng 8 tháng Giêng – phiên chợ “cầu may” có một không hai mở từ đêm mồng 7. Trong ký ức không chỉ của người dân Nam Định, đi chợ Viềng Xuân từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa. 

Một gian hàng bán đồ cổ ở chợ Viềng xuân Vụ Bản. Ảnh: Khánh Dũng

Một gian hàng bán đồ cổ ở chợ Viềng xuân Vụ Bản.

Ảnh: Khánh Dũng

“Khởi nguồn” từ rất lâu nhưng chợ Viềng ngày nay vẫn giữ được “tập quán” họp một phiên duy nhất từ đêm mồng 7 sang ngày mồng 8 tháng Giêng mỗi năm:

“Chợ Viềng năm có một phiên
Để cho trai gái tốn tiền trầu cau”

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nam Định có tới 4 chợ có tên Viềng nhưng thu hút du khách nhiều hơn cả là chợ Viềng Nam Trực và chợ Viềng Vụ Bản. Chợ Viềng Nam Trực diễn ra tại khu đất bằng phẳng trên địa bàn thị trấn Nam Giang, ngay phía trước chùa Đại Bi. Xưa cũng như nay, mặc dù đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng chợ Viềng Nam Trực vẫn lưu giữ được vẻ nguyên sơ, chân chất mang hơi hướng “cổ tích” qua các mặt hàng đồ cũ, đồ cổ xuất phát từ các làng nghề của trấn Sơn Nam Hạ xưa, từ những chiếc lư đồng, mâm đồng, nồi đồng đến những bộ tách chén, bát đĩa, ngai, ỷ… bày bán ở chợ. Năm nào cũng vậy, khu vực bán đồ cổ cũng là nơi thu hút đông khách nhất chợ. Ngoài những mặt hàng đồ cổ, đồ cũ, thì các sản phẩm đến từ các làng nghề truyền thống của địa phương cũng là một nét độc đáo mang bản sắc riêng của chợ Viềng Nam Trực. Đó là các sản phẩm cơ khí của các làng rèn Vân Chàng, Đồng Côi như cuốc, cày, dao, kéo, xoong, chậu; rồi hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan đến từ Vụ Bản, hàng sơn mài của Ý Yên; hoa, cây cảnh Vị Khê, Điền Xá… Đặc biệt, không thể không nhắc tới cây cảnh, cây thế đến từ làng hoa Vị Khê (xã Điền Xá), ngay từ chiều mồng 7 chợ Viềng đã tràn ngập hương sắc. Từ những cây quý hiếm như Tùng La hán, La xanh, si, Vạn tuế, Thiên tuế đến Bạch trà, Hồng trà…; cây ăn quả thông thường như chanh, cam, táo, bưởi… Ở chợ Viềng không chỉ có các sản phẩm, sản vật tiểu thủ công nghiệp được sản xuất tại địa phương mà một lượng hàng hóa đủ loại như hàng gốm sứ, cây giống, đồ gỗ, đồ thêu đan… từ Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình cũng được mang đến bày bán khắp chợ.

Cho dù bao năm đã trôi qua nhưng một đặc điểm được coi là truyền thống cho đến nay vẫn không hề mất đi ở chợ Viềng Nam Trực, đó là trong khuôn viên của chợ, các lô hàng trưng bày, trao đổi được phân thành từng khu trên bãi đất rộng, bằng phẳng. Nơi bán đồ cổ, nơi bán hoa, cây cảnh, nơi bán đồ cơ khí truyền thống, nơi tổ chức khu vui chơi cho mọi lứa tuổi… Và mỗi năm khi phiên chợ mở ra thì không chỉ có khu đồ cổ mà các khu khác của chợ Viềng đều đông nghịt người.

Chợ Viềng Vụ Bản từ xa xưa đã đi vào tiềm thức dân gian của người dân quanh vùng:

“Mùng một ăn Tết ở nhà
Mùng hai chơi điếm, mùng ba chơi đình
Mùng bốn chơi chợ Quả Linh
Mùng năm chợ Trình, mùng sáu Non Côi
Qua ngày mùng bảy thì thôi
Bước sang mùng tám đi chơi chợ Viềng…”

Tuy nhiên, nếu chợ Viềng Nam Trực được ví như một “miền cổ tích” bởi những yếu tố xưa, cũ được thể hiện qua các mặt hàng đồ cổ, đồ cũ được bày bán tại chợ, thì chợ Viềng Vụ Bản lại được ví như một cuộc triển lãm kinh tế – văn hóa độc đáo, đa sắc màu, mang đặc trưng của cư dân quanh vùng. Cũng chung ý nghĩa như chợ Viềng Nam Trực, đến với chợ Viềng Vụ Bản, du khách mong muốn cầu phúc, cầu lộc, cầu may mắn và hướng tới những điều tốt lành trong cuộc sống. Nhưng nếu du khách đến chợ Viềng Nam Trực để du xuân và để mua đồ cổ, cây cảnh, cây thế…, chiêm bái, tham quan chùa Đại Bi – công trình kiến trúc cổ từ thời Lý với “điểm nhấn” là gác chuông cổ kính được chạm trổ mềm mại, tinh xảo; thì đến với chợ Viềng Vụ Bản, khách thập phương bao giờ cũng gắn với tham quan và hành lễ tại các đền, phủ trong khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh – một trong “Tứ bất tử” theo truyền thuyết của dân tộc Việt. Đến với chợ Viềng Vụ Bản, ngoài mặt hàng cây cối còn có món hàng đặc trưng là thịt bò, thịt bê thui vô cùng đặc sắc và thưởng ngoạn phong cảnh của một vùng đất sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy hàng năm khách từ khắp nơi, đông nhất là Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam sang, từ Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên nườm nượp đổ về chợ Viềng Vụ Bản rất đông, lên tới cả chục vạn người. 

Nói chợ Viềng Vụ Bản là một “cuộc triển lãm” đầy đủ nhất các sản phẩm kinh tế của địa phương, các khu vực lân cận và cả các tỉnh bạn, bởi hàng hóa ở chợ Viềng Vụ Bản đa dạng, phong phú, gồm những sản phẩm công, nông nghiệp do người dân trong vùng làm ra như: các loại giống cây trồng, cây cảnh, cây ăn quả, những sản phẩm thủ công, đồ dân dụng… Chợ thể hiện rõ nét đặc điểm kinh tế của dân cư quanh khu vực với những dãy đồ đồng Tống Xá (Ý Yên) gồm các mặt hàng đồ cổ như lộc bình, đế/chân nến, bình hương, đỉnh lư trầm, cặp hạc thờ, các sản phẩm: cào, cuốc, dao kéo của làng rèn Bảo Ngũ (Quang Trung), rồi đồ mộc, sơn mài của làng nghề La Xuyên, Cát Đằng (Ý Yên), đồ sơn mài của làng Hổ Sơn (Vụ Bản) và các loại hàng gia dụng từ gỗ, tre nứa của Thanh Hóa đến như: chạn, sạp, giường, chõng, bàn ghế… Một đặc sản không thể thiếu được của chợ Viềng Vụ Bản là thịt bê thui. Thịt bê thui từ lâu được coi là một đặc trưng “ẩm thực” độc đáo của chợ Viềng Vụ Bản. Thịt bê chỉ thui bằng rơm bì vàng ruộm, khi ăn giòn mà mềm, không dai. Khách hàng ai cũng muốn mua phần thịt có cả những phần bì “đượm màu khói rơm”. Người bán hàng phải lựa cắt sao cho thật khéo léo, và người nội trợ khi mang về chế biến cũng phải biết thái sao cho đều để miếng thịt có cả phần nạc và phần bì đã được thái mỏng. Chỉ một loại thịt này có thể chế biến một mâm cỗ sinh động cho các buổi sum họp từ xào, nhúng dấm bóp gỏi tái chanh hoặc ăn lẩu… Người thưởng thức chỉ có thể ăn đến no chứ không chán, không ngấy. Chính vì vậy, phiên chợ Viềng mỗi năm nơi đây, lượng thịt bê được tiêu thụ lên tới vài trăm con.

Một mùa xuân mới lại về. Nhớ đến chợ Viềng là nhớ đến một điểm hẹn đầu xuân, một miền ký ức ngọt ngào của những người con xa quê, một phong tục tập quán đậm đà bản sắc văn hóa đầu xuân mà không nơi nào có được. Đến chợ Viềng đầu xuân, người dân không chỉ gửi gắm ước vọng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nông – công – thương phát đạt mà còn cầu mong bình an, hạnh phúc. Với những ý nghĩa đó, chợ Viềng mãi là một hoạt động văn hóa độc đáo nhắc nhớ quê hương Nam Định mỗi khi Tết đến, Xuân về./.

Minh Thuận