Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau răm trong chậu
Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt. Ngoài ra, nó còn được dùng làm gia vị nấu ăn.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng rau răm. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Đất trồng
Rau răm ưa nước, rất thích hợp với đất sình, trũng. Để đảm bảo cây phát triển tốt nhất, bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 – 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Giống
Rau răm thường được nhân giống bằng cành. Cây giống bạn nên chọn những cành khỏe, mập mạp, không sâu bệnh.
2. Trồng rau
Khi trồng, nên cắt cây thành từng đoạn dài 12 -15cm, có khoảng 5 – 6 mắt, lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành, sau đó dận chặt gốc rồi tưới nước đủ ẩm. Sau khi trồng xong nên tưới nước đẫm, che mát cho cây khoảng 10 ngày.
3. Chăm sóc
Sau khi trồng từ 7 – 10 ngày, rau răm sẽ bén rễ, lá xanh ở nách, ngọn bắt đầu nhú ra. Khi đó, ta tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế… Sau đó, cứ khoảng 10 – 15 ngày bón 1 lần.
Ngoài bón phân, thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Tiến hành vun xới, nhổ cỏ cho rau răm.
4. Thu hoạch
Khi rau răm đã phát triển tốt, đâm nhiều chồi, lá vươn dài kín ruộng, cành nọ gối cành kia là có thể thu hoạch được.
Cắt tỉa các cành dài hoặc cắt luân phiên từng đám. Cây cần được cắt sát gốc, chỉ chừa lại 3 – 5cm. Người trồng nên bón phân, tưới nước để cây phục hồi sinh trưởng.