Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sấu cho quả sai trĩu
Quả sấu có vị chua, thanh mát, thường được sử dụng làm nước giải khát hoặc chế biến món ăn. Theo nghiên cứu, loại quả này có tác dụng trị nôn nghén cho phụ nữ mang thai, nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng, chữa ho, say rượu, mụn nhọt, lở ngứa…
Cây sấu. Ảnh minh họa.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để
trồng cây sấu
. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Dụng cụ trồng có kích thước trên 1,5m.
Đất trồng
Cây sấu
không quá kén đất trồng, nhưng nên chọn trồng ở vùng đất cát pha, đất thịt. Hố trồng có kích thước 0,8 – 1m, bón vôi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Sau đó khi trồng, bón mỗi hố 20 – 30kg phân chuồng hoai mục + 0,2kg lân.
Hoa sấu. Ảnh minh họa.
2. Chọn giống và trồng sấu
Chọn những
quả sấu
chín vàng ở cây sấu từ 7 – 10 năm tuổi cho năng suất cao, ổn định. Ngâm quả trong nước sạch khoảng 5 – 7 ngày cho thối rữa hết thịt quả. Dùng rổ tre thưa và cát khô chà xát hết phần thịt quả, hong khô hạt trong bóng râm.
Sau đó ngâm hạt trong nước nóng, khoảng 54 độ C trong 5 – 10 phút để khử nấm bệnh và kích thích nảy mầm. Tiếp tục ngâm nước lạnh từ 18 – 24 tiếng. Sau đó đãi sạch nước chua nhớt, ủ hạt trong cát ẩm 75 – 80% trong 20 – 30 ngày, hạt sẽ nứt nanh.
Đem hạt vào gieo ở các túi bầu nilon có kích cỡ 5 x 10cm với đất bột nhiều màu, đất phù sa 50% + 50% phân chuồng hoai mục ở độ sâu 3 – 4cm. Đặt bầu ươm cây con vào vườn ươm, bầu cách bầu 10cm, che 50 – 70% ánh sáng trực tiếp.
Sau khi cây mọc cao: 15 – 20cm có 2 – 4 lá thật chuyển sang bầu nilon kích thước 15 x 30cm với hỗn hợp giá thể 50% đất + 50% phân chuồng hoai mục. Tiếp tục che 50 – 70% ánh sáng trong 15 – 20 ngày, đặt khoảng cách bầu là 30cm, sau đó bỏ bầu che nắng và chăm sóc bình thường đến khi xuất vườn. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua sẵn cây giống về trồng.
Dùng dao sắc rạch bỏ túi bầu nilông, đặt cây ở tư thế thẳng đứng và lấp đất (trước khi trồng nên lót từ 2 – 5cm đất sạch mới đặt cây trồng tránh hiện tượng rễ non vừa ra gặp phân bị sót làm chết cây), vun đất đầy gốc và nén chặt. Dùng 3 cọc (hoặc que) thẳng chống cho cây được giữ vững, tránh hiện tượng bị gió hoặc gia súc, gia cầm làm đổ, gãy. Sau khi trồng tưới đẫm nước vào gốc cây để ổn định cây trồng. Nếu gặp thời tiết khô, nắng cần phải làm giàn che cho cây. Muốn trồng sấu lấy quả phải trồng dày với khoảng cách hàng cách hàng 5 – 7m, cây cách cây 2 – 3m.
Cây sấu có quả. Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.
Phủ gốc sấu bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1 – 2 và vụ thu tháng 8 – 9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2 – 3 lần.
Định kỳ phát cây bụi, dây leo giúp cho cây không bị dây leo thít nghẹt và tạo không gian dinh dưỡng thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Sau khi phát dọn, tiến hành vun xới xung quanh gốc với đường kính 0,8 – 1m giúp cho đất xung quanh gốc cây được tơi xốp, thoáng khí và đặc biệt là không bị các cây bụi, cỏ cạnh tranh chất dinh dưỡng. Mỗi năm vun xới từ 2 – 3 lần.
Hàng năm sau khi phát dọn vun xới xung quanh gốc cây, tiến hành bón phân. Tuỳ theo sự phát triển của cây mà ta bón liều lượng khác nhau, khi bón rạch thành rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán cây, cho phân rải đều xuống rãnh, sau đó lấp kín phân và tưới nước. Trong 2 – 3 năm đầu, mỗi năm bón 2 – 3 lần, mỗi lần 0,2 – 0,5 kg NPK. Khi cây lớn lượng phân bón tăng dần.
Quả sấu. Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch
Sau khi ra quả khoảng hơn hai tháng thì trái sấu đạt đến độ già nhưng chưa chín. Đây là thời điểm thu hoạch sấu vì khi ấy quả sấu đủ già để có thể giữ được sấu lâu hơn và cũng là lúc sản phẩm sấu được sử dụng vào nhiều mục đích nhất. Mùa sấu thường kéo dài khoảng 2 – 3 tháng (từ tháng 6 – 9 hàng năm).