Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa hấu – Hội Nông Dân tỉnh Ninh Bình
Thứ hai – 22/02/2021 21:02
Dưa hấu (Citrullus lanatus) là một loài thực vật thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Ở Việt Nam, diện tích trồng dưa hấu ngày càng tăng, sản xuất dưa hấu mang lại thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
1. Chọn đất và chuẩn bị đất
– Đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ lúa, ngô, cây họ đậu.
– Thu dọn tàn dư cây vụ trước, cày phay tơi nhỏ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 2,5 – 3 m loại luống đơn, 4,5 – 6 m với luống kép, hình mui luyện. Rãnh rộng 30cm, sâu 25 cm. Hướng luống đông – tây để có nhiều ánh sáng. Xử lý đất bằng vôi bột 300 kg/ha, Vicarben 30 kg/ha để chống sâu xám và nhộng của các loại côn trùng.
Sau khi bón lót, tiến hành phủ màng nông nghiệp. Hướng mặt bạc lên trên, mặt đen xuống dưới để giữ đất tơi xốp, giữ ẩm, ấm cho cây, tránh rửa trôi dinh dưỡng khi mưa to, tránh cỏ dại.
2. Thời vụ trồng
a. Các tỉnh phía Bắc
– Vụ xuân hè: Do có mùa đông lạnh nên vụ này là vụ chính. Gieo vào cuối tháng 2, trồng 10 – 15/3, thu hoạch cuối tháng 5.
– Vụ hè: Trồng khi gặt xong lúa chiêm xuân sớm, giữa tháng 6, thu hoạch cuối tháng 7. Thời vụ này thích hợp cho vùng trồng dưa hấu ở Đồng bằng sông Hồng. Nhược điểm của vụ này là mưa nhiều nên các chân đất trũng hay bị ngập. Cần trồng dưa hấu ghép lên gốc bầu để chịu úng và chống bệnh héo vàng.
– Vụ đông: Vụ này nghiêm ngặt về thời gian nên chỉ vùng nào người dân có kinh nghiệm thâm canh mới nên trồng. Gieo hạt cuối tháng 8, trồng đầu tháng 9, thu hoạch cuối tháng 11, đầu tháng 12.
b. Các tỉnh miền Trung và miền Nam
– Vụ sớm: Gieo trồng tháng 10, thu hoạch cuối tháng 12, trồng trên chân đất thoát nước, do ảnh hưởng mưa đầu vụ.
– Vụ chính: Gieo trồng tháng 11, thu hoạch tết âm lịch. Mùa này cây sinh trưởng thuận lợi, nên năng suất cao.
– Vụ hè: thu hoạch sau tết âm lịch, trồng trên đất sau lúa ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và các tỉnh miền Trung.
3. Kỹ thuật làm vườn ươm
Lượng hạt giống cần dùng cho 1 ha là 0,5 – 1 kg, tùy theo hạt nhỏ, hay hạt to. Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) từ 4 – 5 giờ. Vớt hạt rửa sạch hết nhớt. Ủ hạt trong khăn bông 2- 3 ngày ở nhiệt độ 28 – 30 độ C cho nứt nanh. Sau đó đem gieo vào bầu, đặt hạt nằm ngang, rễ quay xuống dưới.
Túi bầu làm bằng plastic đường kính 10 cm, cao 10 – 12 cm, hoặc có thể làn đơn giản bằng lá chuối cuộn. Đất trộn bầu gồm đất, phân chuồng mục, trấu tỉ lệ 6: 4: 1. Sau khi gieo hạt xong lấp lớp đất mỏng phủ hạt, tưới đủ ẩm. Sau 3 ngày cây con mọc, mùa mưa cần che mưa cho cây con, để cây nơi có nhiều nắng cho cây khỏe. Sau mọc 1 tuần vào mùa ấm có thể trồng ra đồng. Vụ xuân sau gieo khoảng 20 ngày có thể trồng được.
* Ghép dưa hấu lên gốc bầu: Dùng giống bầu sao, dễ thích nghi, nhân giống để làm gốc ghép. Gieo hạt bầu vào bầu đất. Khi cây bầu mọc hai lá mầm thì gieo hạt dưa hấu. Hạt dưa hấu gieo trong trấu hoặc cát đãi sạch, lấp lượt trấu hoặc cát dày 2 – 4 cm. Để hạt dưa hấu nơi ít ánh nắng để mầm mọc dài, lá mầm chậm mở. Khi cây bầu có lá thật, cắt phần ngọn bầu sát hai lá mầm từ hôm trước, ba hôm sau cắt vát phần ngọn dưa hấu dài 3 cm, dùng tăm tre cứng, nhỉnh hơn thân dưa hấu cắm vào ngọn bầu, rút tăm tre cắm ngọn dưa hấu vào lỗ ghim vừa rút ra. Nên ghép chỗ kín gió, lúc chiều mát, che cây ghép kín trong 3 – 5 ngày. Khi ngọn dưa hấu liền vào ngọn bầu, để cây chỗ mát, khi cây có 2 lá thật đem trồng (10 – 13 ngày).
4. Mật độ, khoảng cách
Khoảng cách thích hợp là 2,5 – 3m x 0,5 m (hàng cách hàng 0,5 m; cây cách cây 2,5 – 3 m); mật độ 6.500 – 9.000 cây/ha.
5. Cách trồng
Khi cây con có 2 lá thật thì tiến hành trồng ra ruộng. Rạch túi bầu và đặt cây vào lỗ đục sẵn, lấp đất kỹ. Không nên trồng sâu quá, tưới đủ ẩm trong 3 ngày đầu. Có thể phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp trước khi trồng cây ra ruộng.
6. Phân bón
a. Lượng phân bón (tính cho 1 ha)
Tùy theo độ màu mỡ của đất mà bón phân ở mức thấp nhất và mức cao nhất.
– Bón lót: Phân chuồng mục nên bón 25 – 30 tấn/ha, NPK tổng hợp loại 13 -13 – 0 bón 250 – 300 kg/ha, lân super bón 100 kg/ha.
– Bón thúc: N: 80 – 150 kg/ha; K2O: 80 – 100 kg/ha.
Ngoài ra còn có thể dùng bã đậu tương ngâm, nước phân chuồng ủ mục bón thúc khi quả đang phát triển.
b. Cách bón
– Bón lót: rải đều phân theo rạch sau đó lấp đất.
– Bón thúc:
Lần 1: sau trồng 7 – 10 ngày, khi cây đã hồi xanh, hòa loãng phân đạm và kali tưới xung quanh gốc.
Lần 2: sau trồng 15 ngày, hòa loãng phân đạm và kali tưới vào gốc.
Lần 3: khi cây ra hoa, 20 – 25 ngày sau trồng, bón phân đạm và kali trộn lẫn vào gốc rồi lấp đất.
Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả, 40 ngày sau trồng thì bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần, hay bón vào gốc, sau đó tưới tràn. Trước khi thu hoạch 10 ngày (lần thứ 6), hòa loãng phần kali còn lại để tưới gốc cho quả ngọt.
Lượng phân bón cho dưa hấu
Loại phân
Bón lót
Bón thúc
Lần 1
Lần 2
Lần 3
Lần 4
Lần 5
Lần 6
Phân chuồng
(tấn /ha)
20-30
Lân super (kg)
100
Đạm urea (kg)
10-20
20-30
20-30
10-30
10-20
10-20
Clorua kali (kg)
10-15
20-25
20-25
10-20
10-15
10
NPK 13 – 13 – 0 (kg)
250-300
Lưu ý:
Nếu trồng dưa hấu ghép: Cách chăm sóc cây đòi hỏi khác cây không ghép. Giai đoạn đầu không nên bón thúc nhiều cho cây để tránh thân dưa lớn nhanh hơn thân bầu. Khi dưa ngả ngọn bắt đầu thúc từ từ, tăng dần lượng phân bón. Khi bón phân tránh để phân dính lên lá làm cháy lá, tránh làm tổn thương rễ khi chăm sóc.
7. Tưới nước, chăm sóc
a. Tưới nước
Có thể tưới tràn vào rãnh, để đủ ngấm, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước.
Có thể tưới tràn vào rãnh, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần
b. Chăm sóc
– Nếu dùng màng phủ nông nghiệp, chỉ cần làm cỏ rãnh dưa, không nên dùng thuốc trừ cỏ ở rãnh dễ làm tổn thương lá.
– Tỉa nhánh: Khi dưa ngả ngọn, cần tỉa bớt nhánh để tránh tiêu hao dinh dưỡng, dây khỏe, giảm sâu bệnh, quang hợp tốt. Nếu mật độ trồng trên 10.000 cây/ha, mỗi cây để 1 nhánh. Nếu mật độ trồng ít hơn 10.000 cây/ha, mỗi cây để 2 nhánh. Thường xuyên tỉa nhánh, nhất là các nhánh gốc và nhánh cấp 2, cắt bằng kéo vào lúc trời nắng.
– Định hướng dây bằng cách lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây.
– Khi cây ngả ngọn cần trải rơm, rạ để tua bám, tránh gió lật dây
– Thụ phấn: Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để chăm sóc cây. Ong và côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để thúc nuôi quả phát triển đều và thu hoạch cùng lúc, có thể thụ phấn bổ sung bằng tay. Thụ phấn vào buổi sáng 6 – 9 giờ, khi dây dài 1,5 m, sau trồng 25 – 30 ngày. Ngắt hoa đực nở to chấm phấn đều lên nhụy hoa cái to, thời gian thu phấn nên kéo dài 5 – 7 ngày. Khi quả to như quả chanh tiến hành định quả.
– Chọn quả: Nên để mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3 – 4, quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh. Chọn hoa cái trên dây to, khỏe, cắm que đánh dấu, tỉa bỏ các quả khác trên cây. Nếu quả nằm chỗ trũng nên kê lên rơm cho khỏi thối.
Định quả – ngắt bỏ trái xấu, chỉ để lại 1 quả trên cây
8. Thu hoạch
Thu hoạch tùy theo đặc tính giống và thời tiết. Thông thường, sau khi thụ phấn bổ sung 30 – 35 ngày ở miền Bắc và khoảng 25 – 30 ngày ở miền Nam, khi quả chín 70 – 80% thì thu hoạch. Để chất lượng trái ngon ngọt, trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày cần phải giảm, cắt nước tùy theo vùng đất. Cắt cuống dài 8 – 10 cm, vận chuyển nhẹ nhàng, dùng rơm lót dưa hấu để tránh dập nát.
Trung tâm khuyến nông quốc gia