Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dứa MD2 trong vườn điều

Dứa MD2 được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập nội để tuyển chọn từ năm 2006. Giống dứa này có khả năng sinh trưởng khỏe, tỷ lệ ra hoa đạt cao; trái dứa có trọng lượng bình quân 1,4-1,5kg, ít bị rám nắng hư hại, vỏ mỏng, nhiều nước, màu vàng tươi, thơm, ít xơ, thịt quả giòn, hương vị thơm ngon…. Dứa MD2 là loại dứa đang được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp để ăn tươi hoặc chế biến công nghiệp. Sản phẩm sản xuất ra có khả năng cạnh tranh so với các loại dứa Queen và Cayenne đang được sản xuất đại trà hiện nay. Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác và chăm sóc sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của loài dứa này, nhất là việc trồng xen trong vườn điều có hiệu quả kinh tế thấp, vì thế bà con nông dân cần chú ý những kỹ thuật sau:

1. Thiết kế lô trồng

Trước khi trồng bà con nông dân cần chú ý vườn điều đang canh tác để có thể thiết kế hàng trồng dứa sao cho phù hợp và cần đốn hạ và rong tỉa những cây và cành điều bị sâu bệnh, thu dọn và vệ sinh vườn điều sạch sẽ tạo cho vườn điều thông thoáng giúp vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế nấm bệnh gây hại.

Để thuận tiện cho việc lắp đặt hệ thống tưới, chiều dài hàng dứa không quá 50m. Đối với vùng có địa hình không bằng phẳng (độ dốc trên 7-8 độ) nên thiết kế theo các đường đồng mức.

Trồng thành hàng đơn theo đường đồng mức cùng hướng với hàng điều đã có sẵn. Dùng cày rạch hàng sâu 15-20cm hoặc dùng cuốc hố sâu 15cm, bón lót, lấp phân, không để chồi dứa tiếp xúc trực tiếp với phân.

2. Chuẩn bị chồi giống và trồng

Mật độ trồng xen dứa trong vườn điều thì tùy vào mật độ của cây điều trên vườn để trồng xen dứa với mật độ khoảng từ: 6.000-10.000 chồi/ha. Trồng xen dứa cách gốc điều khoảng từ 3-3,5m để không bị cạnh tranh ánh sáng với cây điều.

Tiêu chuẩn chồi giống: Chồi giống dứa MD2 có lá màu xanh đậm và dài, hoàn toàn không có gai, góc mở của lá nhỏ nên lá dưa đứng thẳng và không bị nhiễm các sâu bệnh hại nguy hiểm, nhất là không mang rệp sáp.

Trước khi trồng, tiến hành bóc bớt các lá khô ở phần gốc của chồi, nhúng toàn bộ chồi vào dung dịch thuốc Aliette 80WP nồng độ 0,3% trong thời gian 5 phút, vớt ra để ráo nước rồi mới tiến hành trồng.

3. Bón phân và làm cỏ

Cần bón lót 10-15 tấn phân hữu cơ hoai mục cho 01 ha trước khi trồng, hoặc bón thay thế bằng 2-3 tấn phân vi sinh/ha và một nửa lượng lân bón của cả chu kỳ sinh trưởng của cây.

Sau trồng 15-20 ngày, tiến hành kiểm tra đồng ruộng và trồng dặm bằng những chồi tốt, đồng đều với vườn dứa, dựng các cây đổ ngã cho vững gốc.

Liều lượng phân cần bón cho một cây là 22g urê, 29g lân nung chảy, 25g kali clorua. Sử dụng phân bón tổng hợp NPK loại 12-6-18 chuyên dùng cho cây dứa, lượng bón áp dụng theo hướng dẫn trên bao bì.

Toàn bộ lượng phân được chia làm 3 lần bón: lần 1 (sau khi trồng 2-3 tháng, bón toàn bộ lượng lân, 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali); lần 2 (sau 5-6 tháng, bón 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali); lần 3 (cây được khoảng 8-9 tháng tuổi, lượng bón tương tự lần 2).

Cách bón: Rải đều lượng phân đã trộn theo đường cày rạch hàng trước khi trồng (đối với bón lót). Bón thúc vào những lúc có nhiệt độ mát và tranh thủ bón sau mưa khi đất còn ẩm. Dùng cuốc rạch hàng cách gốc 15-20 cm, rải phân vào rãnh xong lấp đất kín.

– Làm cỏ dứa: Khi cây còn nhỏ, phải thường xuyên làm xáo cỏ cho vườn dứa để tránh cỏ lấn át dứa; khi cây dứa đã lớn, thường xuyên nhổ các các bụi cỏ tốt cạnh tranh sinh trưởng với dứa. 

4. Phòng trừ sâu – bệnh hại chính

a. Các loại bệnh chủ yếu và biện pháp phòng trừ

Thường xuyên thăm vườn và tỉa cành tạo tán cho vường luôn được thông thoáng;

Phun thuốc hoặc tưới dung dịch Boocđô để phòng bệnh vào đầu mùa mưa, kiểm tra và cắt bỏ kỹ khi cây vừa có triệu chứng bệnh, sau khi cây bị bệnh phục hồi cắt bỏ những cây đã bị chết.

Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học hoặc thảo mộc để phun khi mật độ bệnh gây hại quá ngưỡng.

Trên dứa chủ yếu có bệnh thối thối nõn, thối rễ (Phytophthora sp) và bệnh héo khô đầu lá (Wilt) gây hại.

b. Các loại sâu chủ yếu và biện pháp phòng trừ

Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học EMINA, BIOEM, EM,… để ủ. Ngắt bỏ lá bị bệnh hại, ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non.

Tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển, dẫn dụ, xua đuổi côn trùng gây hại như: hoa cúc, hướng dương, soi nhái, sen cạn, ba lá, linh lăng, húng, bạc hà, hành, tỏi, xả, gừng…

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh, điều tra phát dục sâu hại, dự tính thời gian trưởng thành, sâu non rộ; dự báo mức độ bệnh hại để hướng dẫn phòng trừ đúng thời điểm, sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc có thời gian cách ly ngắn khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, không thể khống chế bằng biện pháp thủ công thì xử lý bằng các loại thuốc sau:

– Sâu: Xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Bacillus thuringiensis (Aizabin WP, Delfin WG, Amatic SC, An huy WP, Wotac 5EC, 10EC, 16EC,…); Matrine (Sokupi 0.36 SL, Marigold 0.36 SL, Agri-one 1SL, Aphophis 5EC, 10EC, Wotac 5EC,…)

Cần chú ý 02 đối tượng gây hại chủ yếu trên cây dứa là: Rệp sáp (Dysmicoccus sp) và nhện đỏ (Dolichotetranycus sp.).

5. Thu hoạch và bảo quản

Từ khi trồng cho đến khi thu hoạch rộ vào khoảng 16-18 tháng.

Cách thu hái: Dùng dao sắc để cắt cuống quả, cắt quả kèm theo đoạn cuống dài 2-3 cm, vết cắt phẳng, không để dập xước, tránh gây bầm dập quả, gãy cuống, gãy ngọn.

Bảo quản: Thu hoạch xong cần chuyển ngay về nơi râm mát, sạch, không chất đống ngoài nắng hoặc mưa. Sử dụng cho ăn tươi cần chọn quả lành, không bị dập, không bị sâu bệnh gây hại, vặt bỏ lá ở gốc quả, cắt bằng cuống cách gốc 2 cm. Thời gian từ thu hoạch đến khi đưa vào kho mát không quá 24 tiếng.

Bảo quản dứa cho chế biến: Thu hoạch xong, phân loại sơ bộ, chọn quả lành lặn đưa vào kho mát có nhiệt độ 10-120C đối với dứa mới có 2 hàng mắt quả chuyển màu vàng, 7-80C đối với dứa bắt đầu chín, ẩm độ trong kho 85-90% có thể bảo quản được 2-3 tuần.

Phạm Thanh Sơn – TTKN Lâm Đồng