Kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh

Kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh

I. YÊU CẦU SINH THÁI:

1. Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23-29oC.

2. Ánh sáng: Cường độ ánh sáng thích hợp là tương đương nắng sáng lúc 9 giờ.

3. Nước: Cây bưởi cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng không chịu ngập úng. Trong mùa nắng và những ngày khô hạn trong mùa mưa, cần phải tưới nước để duy trì sự phát triển nhanh của cây. Độ mặn trong nước tưới không quá 0,2% (2g/lít nước).

4. Đất trồng: Đất phải có tầng canh tác dầy ít nhất là 0,6 m, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH nước từ 5,5-7, có hàm lượng hữu cơ cao >3%, ít bị nhiễm mặn, mực thủy cấp thấp dưới 0,8 m.

II. CÁCH NHÂN GIỐNG VÀ TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG TỐT:

1. Cách nhân giống:

a) Phương pháp chiết cành: Giúp giữ lại hoàn toàn các đặc tính của cây đầu dòng, rễ mọc cạn, thích hợp trồng trên các vùng đất có mực thủy cấp hơi cao nhưng hệ số nhân giống thấp, dễ làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cây mau già cỗi và không thể tận dụng các ưu điểm của gốc ghép. Cây dễ đổ ngã do bộ rễ phát triển kém, không tương ứng với sự phát triển của cây. Những lưu ý khi chiết cành:

– Các dụng cụ chiết cành phải được khử trùng trước và sau khi thực hiện thao tác chiết trên từng đoạn cành.

– Tuổi cành chiết không nên quá già, chỉ chọn các cành bánh tẻ.

– Cây dùng để chiết cành phải đang ở trong tình trạng sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh, nhất là bệnh vàng lá Greening và Tristeza.

b) Phương pháp ghép: Hệ số nhân giống cao, tận dụng ưu thế của gốc ghép, cây chống chịu đổ ngã tốt, tăng tuổi thọ, giữ lại được các đặc tính tốt của cây đầu dòng.

– Gốc ghép: Có thể sử dụng các giống bưởi chua ở địa phương làm gốc ghép hoặc sử dụng gốc cam mật để làm gốc ghép theo hướng ổn định chất lượng giống bưởi. Gốc ghép phải được gieo từ các hạt khỏe, thu từ các trái tốt trên cây, không chọn thu hạt từ trái rụng, trái bệnh. Trước khi ghép, gốc ghép phải được định kỳ phun xịt thuốc trừ rầy chổng cánh.

– Mắt ghép, cành tháp: Sử dụng mắt ghép sạch bệnh lưu giữ trong các nhà lưới ngăn được rầy chổng cánh. Cành lấy mắt ghép là các cành nghiêng khoảng giữa thân, chọn đều theo các hướng và vị trí của tán cây để giảm tỉ lệ không đúng kiểu hình, không lấy mắt ghép trên cành tược (vượt) và cành mọc lòa xòa trên mặt đất.

c) Tiêu chuẩn cây đầu dòng: Cây đầu dòng phải là cây sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh phá hại, kết quả kiểm tra âm tính đối với các bệnh hại nguy hiểm như bệnh Vàng lá Greening,Tristeza, có năng suất phẩm chất ổn định.

2. Tiêu chuẩn cây giống tốt:

– Cây phải đúng giống, sinh trưởng khỏe, không mang mầm mống sâu bệnh hại

– Đồng nhất về hình thái và đặc tính di truyền, độ sai khác không vượt quá 5%

– Chiều cao cây tính từ mặt bầu > 60cm, có 2-3 cành cấp I

– Đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10cm: 0,8-1cm

– Đường kính cành ghép (đo trên vết ghép 2 cm) > 0,7cm

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:

A. Thiết kế vườn:

1. Trường hợp đất mới: Áp dụng kỹ thuật đào mương lên liếp nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Mương vườn rộng từ 1-2m, liếp rộng 6-8 m. Cần xây dựng bờ bao để bảo vệ cây trồng, mực nước trong mương vườn nên giữ ổn định. Nên bố trí ít nhất 1 cống lấy nước và 1 bọng điều tiết nước. Khi thiết kế liếp trồng nên theo hướng Bắc-Nam, các cây sẽ nhận được ánh sáng đầy đủ và đồng đều hơn.

2. Trường hợp đất cũ: Chọn vị trí mới để đắp mô trồng nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ và tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Thời kỳ đầu có thể giữ cây trồng cũ để tận thu, ổn định thu nhập, che mát cho cây bưởi Da xanh mới trồng và hạn chế cỏ dại.

3. Trồng cây chắn gió: Hàng cây chắn gió được trồng xung quanh vườn, chú ý hướng Đông và Tây Nam, có thể trồng dâm bụt để cao, xoài hoặc cây dừa nước.

B. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:

1. Thời vụ trồng: Bưởi Da xanh trồng được quanh năm nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa để tiết kiệm công tưới, thời điểm thích hợp nhất vào tháng 5–6 dương lịch hàng năm. Cũng có thể trồng vào cuối mùa mưa nếu có đủ điều kiện tưới trong mùa nắng.

2. Chọn cây giống để trồng: Cây giống phải đạt tiêu chuẩn sinh trưởng, sạch bệnh và có nhãn hoặc giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của các cơ quan chức năng.

3. Mật độ và khoảng cách trồng: Khoảng cách trồng trung bình có thể là 4-5m x 5-6m (tương đương mật độ trồng khoảng 35-50cây/1000m2).

4. Chuẩn bị mô trồng và cách trồng: Đất làm mô thường là đất mặt ruộng hoặc đất bãi bồi ven sông phơi khô. Mặt mô nên cao 40-60cm, đường kính 80-100cm. Đắp mô trước khi trồng 2-4 tuần, trộn đều đất đắp mô với 10 kg phân hữu cơ hoai với 200g vôi. Khi trồng, đào lỗ ở giữa mô và bón vào đáy lỗ 200g phân DAP (18%N-46%P205), phủ lên trên một lớp đất mỏng. Dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa lỗ làm thế nào để mặt bầu cây nhô cao khoảng 3cm so với mặt mô, sau đó lấp đất xung quanh bầu cây ém nhẹ, kéo bao nylon từ từ lên và lấp đất lại ngang mặt bầu, tưới nước. Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh cây bị tách chồi. Sau khi trồng cần cắm cọc giữ chặt cây con. Đối với cây chiết nên đặt cây nằm nghiêng một góc khoảng 45o để cây dễ phát triển cành và tán về sau.

5. Tủ gốc giữ ẩm: Tủ gốc giữ ẩm trong mùa nắng bằng rơm rạ khô. Mùa mưa nên tủ cách gốc khoảng 20cm. Cây còn nhỏ nên làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, nhưng có thể trồng hoa màu để tránh đất bị xói mòn, đồng thời tăng thu nhập. Khi cây lớn có thể giữ cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm và chống xói mòn đất, nhưng khi cỏ phát triển mạnh phải cắt bỏ bớt để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.

6. Tưới và tiêu nước: Bưởi cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn cây con và ra hoa đậu trái. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho bưởi. Vào mùa mưa, cần tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.

7. Phân bón:

– Phân hữu cơ: Xu hướng canh tác tiên tiến hiện nay là sử dụng càng nhiều phân hữu cơ càng tốt khi sản xuất trái cây theo hướng sạch. Liều lượng 15-30 kg/năm/cây trưởng thành rất tốt cho bưởi, giúp tăng tuổi thọ rất rõ cho cây. Cách ủ phân hữu cơ đơn giản: Không nên bón xác bã hữu cơ tươi vào đất mà nên ủ cho hoai mục trước khi bón. Các nguyên liệu hữu cơ được gom lại, có thể trộn với vôi để xử lý một số mầm bệnh trong đống ủ. Để gia tăng tiến trình nầy, trên thị trường đã có các loại phân phân hủy, có thể trộn thêm Lân và phân Đạm làm thức ăn cho vi sinh vật. Có thể ủ với Nấm đối kháng sau 6-8 tuần. Sử dụng phân này bón cho bưởi rất tốt.

– Phân vô cơ: Phân bón Trichoderma để hạn chế nấm bệnh, nhất là các bệnh do tác nhân Phythophtora sp. gây ra. Cách ủ như sau: Gom hữu cơ thành đống, đáy 2m, cao 1,2-1,5m, tưới nước vừa đủ ẩm (nắm chặt vừa rịn nước), đạp chân để đống hữu cơ được nén dẽ xuống. Tưới nấm TRICÔ-ĐHCT (20-30g/m3), phủ bạt nhựa để giữ ẩm. Tưới nước bổ sung hằng tuần để đủ ẩm, đảo đống ủ sau 3 tuần. Đống ủ hoai vô cơ còn được gọi là phân khoáng, thường có 2 loại:

+ Phân đơn: Là những loại phân khoáng chỉ  chứa có một trong các nguyên tố dinh dưỡng như: đạm, lân, kali.

+ Phân hỗn hợp: Là các loại phân có chứa từ 2 chất dinh dưỡng trở lên. Để nâng cao chất lượng và hiệu lực của phân, ngoài các nguyên tố đa lượng NPK trong thành phần phân bón còn có các nguyên tố trung lượng (Mg, Ca, S…) và nguyên tố vi lượng (Cu, Zn, B, Mn…) trên cơ sở đặc thù của từng loại cây và tính chất đất ở mỗi vùng sinh thái khác nhau. Hiện chuyên dùng cho cây ăn quả theo từng giai đoạn rất thuận lợi cho người sản xuất.

Kỹ thuật bón phân: Tùy theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bưởi, việc bón phân có thể được chia ra các thời kỳ như sau :

– Thời kỳ cây 1-3 năm tuổi: phân bón được chia làm nhiều đợt để bón cho bưởi. Nếu đã có bón lót phân lân hoặc DAP thì dùng phân Urea với liều lượng 10-20g hòa tan trong 10 lít nước để tưới cho một gốc bưởi (1-2 tháng/lần). Khi  cây trên 1 năm tuổi, bón trực tiếp phân vào gốc.

– Thời kỳ cây bưởi đã cho trái ổn định :có thể chia làm 5 lần bón như sau :

+ Sau thu hoạch:  bón 25% đạm + 25% lân + 10-30 kg hữu cơ/gốc/năm.

+ Bốn tuần trước khi cây ra hoa: bón 25% đạm + 50% lân + 25% kali.

+ Sau khi đậu quả: bón 25% đạm + 25% lân + 25% kali.

+ Giai đoạn quả phát triển: bón 25% đạm + 25% kali.

+ Một tháng trước thu hoạch: bón 25% kali.

Nên bón bổ sung từ 0,5-1kg phân Ca(NO3)2/cây/năm vào các giai đoạn sau thu họach, trước khi trổ hoa và sau đậu trái. Có thể phun phân bón lá tối đa không quá 3 lần/vụ trái, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 ngày. Không phun phân bón lá vào mùa mưa vì làm cây dễ nhiễm nấm bệnh như Loét, Mốc hồng, Đốm rong.

– Liều lượng phân bón: Có thể sử dụng công thức phân bón chung sau:

Bảng 1: Liều lượng phân bón

 
buoidaxanh
 

– Phương pháp bón: Nên xới nhẹ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, bề rộng của rãnh khoảng 30-40cm, cho phân vào, lấp đất và tưới nước. Không cuốc quá sâu có thể gây đứt rễ. Cũng có thể kết hợp với bồi bùn, đắp gốc để bón phân hoặc dùng bừa răng cào lấp phân giúp hạn chế đứt rễ.

8. Tỉa cành và tạo tán:

– Tạo tán: là việc làm cần thiết nhằm hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc từ đó phát triển tán lá cho cây.

– Tỉa cành: sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây:

+ Cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10-15cm).

+ Cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không thể mang quả

+ Cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

Chú ý: phải khử trùng dụng cụ bằng cách hơ qua ngọn lửa hoặc cồn 70o khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh.

– Kiểm soát chiều cao của tán cây: Khi cành bưởi cao trên 3-4m thì cắt bỏ nhằm khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để duy trì sức sống tốt của cây, đảm bảo sự cân bằng sinh trưởng và kết trái ở mức tối hảo.

9. Xử lý ra hoa: Bưởi Da xanh không cần xử lý vẫn có thể ra hoa, tuy nhiên để cây ra hoa tập trung có thể xử lý ra hoa cho cây theo những cách như sau:

– Xử lý ra hoa bằng cách tạo khô hạn: Bưởi cần thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để bưởi ra hoa đồng loạt. Tạo khô hạn vào tháng 12 đến tháng 01 dương lịch, thu hoạch quả vào tết Trung thu; hoặc tạo khô hạn ở tháng 3-4 dương lịch thu hoạch quả vào Tết Nguyên đán. Gặp lúc mưa nhiều thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa. Muốn thu hoạch trái vào tháng 11-12 dương lịch, có thể thực hiện như sau: Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc, kế đến bón phân cho cây. Cây được bón phân lần 2 trước khi xử lý ra hoa. Đến đầu tháng 3 dương lịch ngưng tưới nước cho tới 20/3 dương lịch (20 ngày) thì tưới nước trở lại 2-3 lần/ngày và liên tục 3 ngày. Nếu cây ra tượt non, dùng các loại phân như:150g MKP (0-52-34) + 1g Progibb 10%/bình 8lít, hoặc 200-350g KNO3/bình 8lít phun lên cây để giúp lá non mau thành thục, kích thích ra hoa. Đến ngày thứ tư, tưới nước 1lần/ngày, 7-15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên cây sẽ ra hoa, lúc này ngày tưới ngày nghỉ, 10-15 ngày sau khi cây trổ hoa, hoa rụng cánh và đậu quả.

– Xử lý ra hoa bằng cách lãi lá của cành mang trái: Phương pháp này có thể giúp ra hoa rãi vụ, nhưng chỉ có kết quả chủ yếu trên cây mới cho trái trong vài năm đầu, khi cây đã phát triển, cành mang quả nhiều, kỹ thuật trên ít hiệu quả.

10. Tỉa trái: Trên mỗi chùm trái chỉ nên giữ lại tối đa là 02 trái, tốt nhất là 01 trái. Các trái bưởi đậu trong thời gian cây còn nhỏ cũng cần được tỉa bỏ. Nên để trái thu hoạch khi tuổi cây tính từ lúc trồng phải được ít nhất là  36 tháng

11. Neo trái: Đến thời điểm thu hoạch mà giá bưởi hạ thì có thể neo trái trên cây từ 15-30 ngày để chờ xuất bán bằng cách phun lên cây các loại phân bón lá như: Retain, ProGibb…hoặc bón nhiều phân dạng đạm và tưới nước thường xuyên .

IV. THU HOẠCH:

1. Thời điểm thu hoạch: Cây bưởi từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7-8 tháng, tùy theo mùa vụ, tuổi cây, tình trạng sinh trưởng,… Khi trái chín, túi tinh dầu nở to, vỏ căng và chuyển màu, đáy trái hơi bằng và khi ấn thì mềm, trái nặng. Nên thu hoạch vào lúc trời mát, thao tác nhẹ tay. Tránh thu quả lúc nắng gắt, sẽ làm các tế bào tinh dầu căng dễ vỡ. Không nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi tồn trữ.

2. Cách thu hoạch: Dùng kéo cắt cả cuống quả, lau sạch cho vào giỏ chứa để nơi thoáng mát chờ phân loại, lau sạch vỏ quả và vận chuyển đến nơi bảo quản, tiêu thụ.

3. Xử lý sau thu hoạch:

– Có thể phun 2,4D nồng độ 10-40ppm để ngăn ngừa sự khô và rụng cuống trái

– Phun Thiabendazole 40% pha loãng ở nồng độ 500 lần vào thời điểm 1-2 tuần trước khi thu hoạch, hoặc ngâm trong 3 phút ngay khi mới thu hoạch

– Phun Iminoctodine 25% pha loãng 2.000 lần vào lúc 4 ngày trước khi thu hoạch hoặc ngâm 3 phút ngay khi mới thu hoạch để giảm tỉ lệ trái hư.

4. Tồn trữ: Sau khi thu hoạch hoặc xử lý hóa chất, giữ trái trong bóng râm vài ngày cho ráo trước khi cho vào túi tồn trữ. Túi nên dày khoảng 0,02-0,03mm, mỗi túi chỉ nên giữ 1 trái. Nếu tồn trữ trong thời gian lâu nên sử dụng màng bao PE thật mỏng quấn chung quanh.

Tuyết Mai