Kỹ thuật trồng tiêu – Cách chăm sóc hồ tiêu năng suất nhất
Bài viết tóm tắt quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu (hồ tiêu) được áp dụng tại khu vực Tây Nguyên do Vườn Ươm Cây Giống Tiến Đạt tổng hợp, xin chia sẻ cùng với bà con gần xa. Quy trình này cũng có thể áp dụng linh động cho các khu vực trồng tiêu khác như Đông Nam Bộ, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Trị…
1 – Yêu cầu chung về đất trồng tiêu
Theo tài liệu của Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (thường gọi là Viện Eakmat). Tiêu là loại cây có khả năng thích nghi tốt với nhiều loại đất khác nhau, miễn là đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và đáp ứng được các yêu cầu sau:
- pH của đất từ 5.5 – 6.5 không nhiễm phèn
- Tầng canh tác 1-2m giàu mùn và tơi xốp
- Có khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng kéo dài nhất là trong mùa mưa
- Đối với đất chuyển đổi từ các loại cây trồng lâu năm khác (như cà phê, cao su, ca cao, điều…) cần phải được cày xới cho tơi xốp, dọn sạch cành cây và rễ cây lớn. Xử lý tuyến trùng và các mầm bệnh khác có trong đất. Có thể tiến hành trồng 1-2 vụ màu (ưu tiên các cây họ đậu) trước khi trồng tiêu để đất ổn định và phục hồi lại hệ vi sinh có lợi trong đất.
- Trong thời gian canh tác cây màu có thể trồng trước các loại cây trụ sống, để khi thả tiêu thì trụ sống đã phát triển đủ tốt
- Đối với đất mới khai hoang cũng tiến hành tương tự và nếu điều kiện cho phép nên tiến hành bổ sung thêm phân xanh, phân chuồng, các loại vi sinh… trong quá trình cày xới.
2 – Yêu cầu khí hậu cho cây tiêu
Tiêu là cây rất nhạy cảm nên chỉ phù hợp với khu vực có kiểu khí hậu 2 mùa mưa nắng rõ rệt (từ miền trung trở vào phía nam). Mùa đông không quá lạnh, không gặp sương muối và các hiện tượng thời tiết tiêu cực khác. Đặc biệt trong giai đoạn tiêu ra hoa đậu trái cần có sự ổn định về thời tiết, chỉ cần một thay đổi lớn về thời tiết đều có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của tiêu.
3 – Lựa chọn loại trụ trồng tiêu
Trụ trồng tiêu cần có chiều cao đủ cao (ít nhất 4m), bề mặt sần sùi để tiêu có thể dễ dàng bám rễ và phát triển. Thông thường có 2 loại trụ tiêu phổ biến nhất là trụ cây sống và trụ chết. Mỗi loại trụ đều có ưu điểm riêng. Tùy theo điều kiện kinh tế bà con có thể lựa chọn cho phù hợp:
- Trụ sống (trụ cây sống): Là các loại cây thân gỗ có sức sinh trưởng nhanh, thân vươn thẳng, vỏ cây sần sùi không trơn bóng, rễ cây ăn sâu giúp giảm cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu và chống chịu tốt trước gió mạnh. Những cây trụ sống thả tiêu thường được sử dụng là: Cây muồng đen, cây núc nác, cây lồng mức, cây gòn, cây tếch…
- Trụ chết: Thường là các loại trụ làm bằng cọc gỗ cứng, bê tông hoặc trụ xây bằng gạch. Chi phí đầu tư cao nhưng thời gian triển khai nhanh, tiết kiệm diện tích, không tốn công rong tỉa cành hàng năm.
4 – Mật độ và khoảng cách trồng tiêu
Tùy theo độ dốc của đất, độ màu mỡ và kiểu trồng (trồng thuần hoặc xen canh). Mật độ và khoảng cách trồng sẽ khác nhau, thông thường nên trồng với khoảng cách 2,5m x 2,5m là tối ưu nhất. Mật độ 1.200 – 1.600 trụ tiêu/hecta. Tối đa không vượt quá 2000 trụ/ha.
5 – Lựa chọn giống tiêu
Hầu hết những giống tiêu hiện nay đều đã được tuyển chọn, do đó không có nhiều khác biệt về năng suất và sinh trưởng. Bà con nên chọn những giống đã có tên tuổi và sự ổn định về năng suất như
- Tiêu vĩnh linh: Năng suất cao ổn định, sinh trưởng nhanh tuy nhiên kháng bệnh kém
- Tiêu trâu: Năng suất thấp hơn đôi chút, nhưng cây sinh trưởng mạnh, kháng bệnh tốt hơn
- Tiêu srilanka: Sai trái, năng suất, sinh trưởng và kháng bệnh đều tốt
- Các giống tiêu khác: Tiêu Phú Quốc, tiêu Lộc Ninh, tiêu sẻ Bà Rịa… đều là những sự lựa chọn khá tốt
6 – Thời điểm trồng tiêu và cách trồng tiêu con
- Thời điểm trồng tiêu phù hợp nhất là vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4-5 DL. Tuy nhiên nếu chủ động về nước tưới có thể trồng sớm hơn khi thời tiết ấm lên sau tết Âm Lịch (khoảng tháng 2-3 DL). Ngoài ra, nếu trồng dặm – trồng xen cà phê cũng có thể trồng muộn hơn vào khoảng tháng 6
- Trước khi trồng khoảng 1 tháng nên tiến hành chuẩn bị hố trồng, hố trồng thường có kích thước 30 đến 40cm nếu trồng 1 bầu tiêu/ 1 hố, hoặc 50 đến 60cm nếu trồng 2 bầu tiêu/hố.
- Hố trồng cần bón lót các loại phân sau: Phân chuồng hoai 3-5kg + phân lân 0,3-0.5kg + phân NPK 0,1 – 0,2kg + các loại nấm đối kháng và vi sinh có lợi (Trichoderma, Balicius…) trộn đều với đất mặt và lấp hố, tưới đẫm và chờ khoảng 1 tháng sau cho đất ổn định thì tiến hành trồng tiêu
- Khi trồng tiêu nên đặt bầu tiêu con hơi nghiêng về phía trụ, không trồng quá sâu, phần gốc tiêu nên nổi cao lên để tránh bị ngập úng trong mùa mưa.
7 – Phòng trừ sâu bệnh tiêu
Tiêu là loại cây nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước các loại sâu bệnh. Khi đã nhiễm bệnh thì lây lan rất nhanh và chữa trị tốn kém mà ít hiệu quả, do đó chủ yếu là phòng bệnh. Các nguyên tắc sau cần được áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt
- Thường xuyên thăm vườn phát hiện sâu bệnh kịp thời
- Dọn vườn, rong tỉa trụ tiêu sống tạo độ thông thoáng khô ráo
- Trên bề mặt đất trồng nên có thảm thực vật (các loại cỏ) để chia sẻ bớt mầm bệnh, hạn chế bệnh lây lan rộng ,giữ ẩm đất trong mùa khô, tuy nhiên cần thường xuyên dọn cỏ định kỳ bằng máy phát cỏ, tránh để cỏ rậm rạp phản tác dụng
- Không nên trồng tiêu với mật độ quá dày
- Hạn chế cào xới, làm tổn thương gốc và rễ tiêu
- Cân đối phân bón, ưu tiên phân hữu cơ và các loại phân bón lá, phân vô cơ chỉ dùng trong các giai đoạn sinh trưởng quan trọng
- Hàng năm nên bổ sung thêm các loại nấm đối kháng, vi sinh có lợi
- Phun thuốc nấm, thuốc sâu bệnh định kỳ nhất là các thời điểm chuyển giao giữa các mùa, chống côn trùng chích hút khi cây ra đọt non và chuẩn bị ra hoa
- Khi phát hiện cây bệnh cần khoanh vùng xử lý và tiêu hủy ngay tránh lây lan
Xem thêm chi tiết: Sâu bệnh thường gặp trên cây tiêu và cách phòng trừ hiệu quả
8 – Phân bón và chế độ dinh dưỡng
Nên cân đối giữa việc sử dụng phân hữu cơ, phân vô cơ và phân bón lá. Ưu tiên hàng đầu vẫn là sử dụng phân hữu cơ bón quanh gốc ít nhất 1 lần mỗi năm, phân vô cơ nên sử dụng các loại phân tan chậm và bón thành nhiều lần trong năm, tránh trường hợp bón vô tội vạ làm cho cây sốc phân, đất chai lỳ và thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
Khi bón phân nên tuân thủ liều lượng trên bao bì của nhà sản xuất, bón phía ngoài hình chiếu tán lá. Hạn chế tối đa bón phân trực tiếp vào gốc, trừ trường hợp là các loại phân chuyên để kích thích rễ kết hợp với xử lý nấm bệnh (chẳng hạn humic, atonik…)
Phân bón cần được khơi rãnh lấp nhẹ, tránh lãng phí, mùa khô nên dùng các loại phân nước và phải đảm bảo đất có đủ độ ẩm cần thiết
9 – Tưới nước cho tiêu như thế nào?
Nên tưới nhẹ xung quanh gốc, hạn chế dùng vòi lớn tưới mạnh trực tiếp vào phần gốc tiêu, nếu có điều kiện nên áp dụng các biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới bằng béc phun mưa loại nhỏ, vừa tiết kiệm nước vừa có thể kết hợp các biện pháp châm phân ngay trong lúc tưới.
Nên chủ động tưới nhiều lần trong mùa khô, bảo đảm đủ độ ẩm để cây không bị sốc nhiệt, sốc nước. Khi tưới có thể kết hợp phun nhẹ lên tán lá, rửa sạch các bụi bẩn bám trên lá giúp cây quang hợp tốt hơn
10 – Thu hoạch và bảo quản tiêu đúng cách
Tiêu thường thu hoạch vào khoảng sau tết Âm Lịch (Tháng 2-3 dương lịch). Chỉ thu hái khi tiêu đã đủ độ già, xuất hiện những chùm tiêu chín không nên hái quá non. Khi thu hoạch nên thao tác nhẹ nhàng không làm gãy cành, dập thân, dây tiêu bị bong ra khỏi trụ. Đồng thời cũng nên có các biện pháp an toàn cho nhân công khi thu hoạch (cố định thang cho vững, sử dụng dây an toàn, thao tác cẩn thận…) Hạn chế tối đa tai nạn lao động
Tiêu sau khi thu hoạch cần được phơi trên sân xi măng sạch với nắng lớn hoặc sấy khô bằng lò sấy, khi độ ẩm đạt mức yêu cầu (13-15%) thì có thể đóng vào bao lớn mang đi tiêu thụ hoặc cất vào kho bảo quản. Kho bảo quản cần phải khô ráo, định kỳ 1-2 tháng nên kiểm tra lại ẩm độ, bảo đảm luôn duy trì ở mức 13-15%
Trên đây là 10 bước tổng quan trong kỹ thuật trồng tiêu, bài chi tiết hơn cho mỗi bước sẽ được cập nhật thường xuyên tại chuyên mục cùng tên, bà con chú ý theo dõi. Chúc bà con thành công. Trường hợp cần tư vấn về giống tiêu và các loại giống cây trồng khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau
Vườn Ươm Cây Giống
Tiến Đạt Ban Mê
Địa chỉ: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Điện thoại tư vấn: 0944 333 855 – 0967 333 855
Giấy phép kinh doanh: 40A8026362
Tìm kiếm : cach trong tieu luon, cách trồng tiêu ác, chăm sóc tiêu mới trồng, ky thuat trong tieu ac, tiêu ác, ky thuat trong tieu o tay nguyen, cham soc ho tieu, chăm sóc hồ tiêu mới trồng, cham soc tieu non, ki thuat trong tieu luon