Kỹ thuật trồng ớt trong chậu cực đơn giản tại nhà | Vườn Nhà Ta

Ớt là một loài cây gia vị có thể trồng ngay tại nhà. Trồng ớt trong chậu tại gia vừa cung cấp những quả ớt an toàn, vừa giúp tiết kiệm ngân sách cho bạn. Trong bài viết này, Vườn Nhà Ta sẽ giới thiệu cho bạn kỹ thuật trồng ớt trong chậu đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng thành công.

Các loại ớt được trồng phổ biến tại Việt Nam

Ớt là một loại rau quả không còn xa lạ. Chúng cho vị cay và cấp độ cay của ớt tùy vào từng giống loại. Trong ẩm thực, ớt là một loại gia vị.

Song, chúng còn có tác dụng làm cảnh và làm thuốc. Ớt có đa dạng các loại, nhưng phổ biến nhất ở nước ta là các giống ớt sau đây:

Ớt chuông

Ớt chuông là giống ớt cho quả to, vẻ ngoài nhìn giống như cái chuông. Loại ớt này thường có vỏ dày, giòn, không cay và thường có 3 màu là đỏ, vàng, xanh.

Ớt chuôngỚt chuông

Ớt chuông đỏ chứa hàm lượng vitamin C nhiều nên thường dùng để làm salad. Loại màu xanh có vị cay nhẹ nên được dùng làm gia vị hoặc xào nấu.

Ớt hiểm

Một trong những giống ớt cay được trồng phổ biến ở nước ta là ớt hiểm. Một số vùng gọi là ớt xiêm. Quả ớt nhỏ, thuôn nhọn và cực kỳ cay.

Ớt hiểmỚt hiểm

Do vậy, chúng thường được làm gia vị và chế biến thành thuốc để điều trị một số bệnh như đau răng, đầy hơi…

Ớt chỉ thiên

Sở dĩ có cái tên ớt chỉ thiên là vì những quả ớt của giống ớt này đều có xu hướng vươn thẳng lên trời. Cây ớt chỉ thiên có thân gỗ, nhiều cành và nhánh.

Ớt chỉ thiênỚt chỉ thiên

Đây là một trong những giống ớt đã xuất hiện từ rất lâu. Chúng không chỉ được trồng để làm gia vị, mà còn là một thảo dược quý trong điều trị một số bệnh.

Ớt Aji Charapita (ớt Peru)

Ớt Peru là một loài ớt hiếm trong tất cả các giống ớt. Do đó, khi du nhập về Việt Nam, ớt Peru có giá cực kỳ cao. Trái ớt nhỏ và tròn như hạt đậu, thường có màu vàng chanh. Mặc dù nhỏ hơn cả ớt hiểm nhưng ớt Peru có độ cay lên đến 30.000 – 50.000 SHU.

Ớt Aji Charapita (ớt Peru)Ớt Aji Charapita (ớt Peru)

Vốn là giống ớt mọc hoang, ớt Peru sau này mới được người dân phát hiện và đem về trồng phổ biến để kinh doanh. Với hình dáng độc lạ kết hợp cùng độ cay đỉnh cao, loài ớt này thường được giới đại gia săn lùng để làm cảnh.

Kỹ thuật trồng ớt cho sai quả ai cũng có thể làm được

Mặc dù là một loài cây được trồng đại trà, tuy nhiên để trồng ớt trong chậu thành công cần một số kỹ thuật nhất định. Cách trồng ớt tại nhà như thế nào? Cùng tham khảo hướng dẫn trồng ớt ngay sau đây.

Chuẩn bị trước khi trồng ớt

Trước khi trồng ớt trong chậu cần chuẩn bị những gì?

Giống ớt

Mỗi giống ớt có độ cay và hàm lượng dinh dưỡng riêng biệt. Lựa chọn giống ớt nên cân nhắc vào nhu cầu ăn uống cũng như sở thích của bạn.

Khi đã xác định được giống ớt bạn muốn trồng, hãy chọn mua hạt giống ớt ở những cơ sở phân phối cây giống, hạt giống uy tín. Lưu ý, nên đảm bảo hạt giống mua về không bị bệnh, cho năng suất cao. Hoặc bạn cũng có thể lấy hạt giống từ chính quả ớt mà bạn đang sử dụng nếu muốn trồng giống ớt đó.

Đất trồng

Cây ớt là loài cây không quá kén đất. Chúng có thể sinh trưởng trên nhiều điều kiện đất trồng đa dạng. Để cây phát triển tốt nhất, bạn nên chọn đất trồng nhiều mùn, đất pha cát để đảm bảo lượng dinh dưỡng phù hợp cho cây tươi tốt. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý về loại đất trồng dễ thoát nước, tơi xốp.

Chậu trồng

Chậu trồng cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Trồng ớt trong loại chậu có kích thước chiều rộng từ 15 – 20cm là lý tưởng nhất. Kích thước chậu như vậy sẽ tạo điều kiện tốt cho cây non sinh trưởng cho đến lúc trưởng thành mà không cần thay thế chậu mới.

Nên chọn những loại chậu có vật liệu mỏng để dễ đục lỗ thoát nước. Hoặc chọn sẵn những chậu đã có lỗ thoát nước sẵn nhé.

Thời điểm trồng tốt nhất

Cây ớt có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất là từ tháng 8 hoặc tháng 9. Thời điểm này là thời điểm ít sâu bệnh, sẽ giảm thiểu những tình trạng cây ớt nhiễm bệnh trong quá trình trồng. Cây ớt trồng bao lâu có trái? Thường thì bạn có thể thu hoạch ớt từ sau 2 – 3 tháng trồng cây.

Hướng dẫn cách trồng ớt trong chậu tại nhà chi tiết

Sau khi đã đảm bảo những yếu tố điều kiện đã kể trên, hãy bắt tay vào việc trồng ớt theo hướng dẫn cụ thể sau:

Bước 1: Ủ hạt

Cần ngâm hạt giống ớt đã mua trong nước ấm từ 4 – 6 giờ đồng hồ để thúc đẩy quá trình hạt nảy mầm. Sau khi ngâm, hãy vớt hạt rồi ủ trong khay hoặc trong khăn ẩm khoảng 2 ngày.

Bước 2: Gieo hạt

Không nên gieo ngay hạt giống vừa ủ vào trong chậu trồng ớt. Mà nên gieo vào các khay ươm hạt để hạt có thể nảy mầm và nhú thành cây non trước.

Gieo hạtGieo hạt

Sau khi ươm hạt vào khay, nên đặt khay ở những nơi có ánh sáng vừa phải. Nếu thuận lợi, hạt giống sẽ nảy mầm và nhú thành cây non chỉ sau hơn 1 tuần. Khi cây non được vài cm thì tiến hành đem vào trồng chậu.

Bước 3: Trồng cây non trong chậu

Chuyển từ cây non trong khay ươm hạt sang chậu đã chuẩn bị sẵn đất (bón phân, giá thể…) để trồng. Ban đầu mới trồng không nên vội tưới nước ngay, hãy đợi cây bén rễ rồi tưới nước đẫm để cây phát triển dần.

Hướng dẫn cách chăm sóc cây ớt trong chậu

Như vậy chỉ với 3 bước đơn giản, ai cũng có thể trồng ớt trong chậu thành công. Tuy nhiên, việc chăm sóc cây ớt sau khi trồng cần đảm bảo đúng kỹ thuật để cây nhanh ra hoa, kết trái và sai trĩu.

Cách chăm sóc cây ớt trong chậu nên lưu ý những yếu tố chính sau đây:

Tưới nước

Mỗi ngày nên tưới nước cho cây ớt một lần để bổ sung độ ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng nhanh. Vào mùa Hè hoặc những ngày có nhiệt độ cao hơn thì nên tưới nước cho cây nhiều hơn.

Ngược lại, nếu vào mùa mưa thì nên cắt giảm lượng nước, tránh việc làm cây ngập úng và chết.

Vấn đề tưới nướcVấn đề tưới nước

Cắt tỉa

Khi cây đã cao khoảng 20 – 30cm thì nên cắt tỉa bớt các cành khô, lá vàng để tập trung dinh dưỡng cho những cành và lá xanh hơn.

Bón phân

Sử dụng những loại phân hữu cơ, NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây, thúc đẩy quá trình phát triển của cây và giúp cây nhanh ra hoa kết trái. Sau khi trồng cây khoảng 1 tháng là có thể bón phân cho cây. Bón phân ở lần kế tiếp ở thời điểm cây cho hoa và trái.

Bón phânBón phân

Sau khoảng 3 tháng, hoặc điều kiện sống tốt hơn thì chỉ hơn 2 tháng đã có thể thu hoạch quả từ cây ớt trồng trong chậu. Hãy thu hoạch lúc quả ớt đang chuyển màu, điều này giúp cây nhanh ra hoa và kết trái cho vụ kế tiếp.

Cần lưu ý điều gì khi trồng ớt trong chậu?

Trồng ớt trong chậu không quá phức tạp nếu bạn áp dụng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, quá trình trồng loại cây này cần lưu ý:

  • Cây ớt rất cần ánh sáng tự nhiên để sinh trưởng và phát triển. Nếu không có điều kiện ánh sáng tự nhiên, có thể sử dụng ánh sáng nhân tạo từ đèn.
  • Cân nhắc trồng ớt ở các vị trí có nền nhiệt cao vì ớt thường rất thích thời tiết nóng.
  • Gieo hạt càng sớm càng tốt, gieo ở nhiệt độ lý tưởng là từ 18 – 21 độ. Gieo ở các khay chuyên dụng và chuyển sang chậu lớn khi cây non đã nhú khoảng 2cm.
  • Cây ớt dễ bị héo lá, rũ lá khi không đủ nước. Do vậy cần tưới thường xuyên nhưng lượng nước không cần quá nhiều.
  • Quả ớt để trên cây càng lâu thì hương vị càng cay. Tuy nhiên, thu hoạch khi ớt già sẽ làm giảm tỷ lệ đậu quả cho vụ kế tiếp.

Một số sâu bệnh hại ớt và cách phòng trị

Thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho cây ớt dễ nhiễm phải sâu bệnh. Do đó, cần tìm hiểu và có biện pháp kịp thời để xử lý chúng. Dưới đây là một số sâu bệnh hại ớt và cách xử lý cụ thể:

Bọ trĩ

Bọ trĩ thường nhỏ, có màu vàng, đẻ trứng trên lá non của cây ớt. Chúng di chuyển nhanh, lấy nhựa từ hoa và lá non, làm ớt bị xoăn lá và khiến cây phát triển chậm hơn. Bọ trĩ là loài sâu bệnh xuất hiện trong suốt mùa vụ, đặc biệt phát triển ở thời điểm mùa Hè.

Do đó, hãy thường xuyên kiểm tra cây và tiêu diệt bọ trĩ bằng cách phun các sản phẩm thuốc đặc trị bán trên thị trường.

Sâu khoang

Sâu khoang là loài bướm thường đẻ trứng trên khắp thân, cành và lá của cây. Sâu khoang thường hoạt động vào ban đêm, chúng ẩn nấp dưới lá hoặc đất vào ban ngày nên khó phát hiện.

Phòng trừ sâu khoang bằng cách dọn dẹp khu vực trồng ớt sạch sẽ, thu gom và tiêu hủy những tàn dư trứng sâu. Nếu xuất hiện sâu khoang quá nhiều trên cây thì nên phun thuốc đặc trị kịp thời.

Bệnh thán thư

Loại bệnh này thường do nấm Clolletotrichum Gloesporioides. Chúng gây hại trên quả ớt, khiến quả xuất hiện những đốm xanh đậm và lõm xuống. Những đốm này nặng hơn có thể chuyển sang đen hoặc xám. Bệnh thán thư thường xuất hiện trên những quả đã già.

Phòng trừ bệnh thán thư bằng cách thu gom và tiêu hủy những quả ớt đã bị nhiễm bệnh và tàn dư của cây sau một vụ mùa. Không sử dụng hạt của quả đã bị bệnh làm hạt giống cho vụ sau. Ngoài ra, nên phun thuốc phòng ngừa lên cây đã có trái non.

Bệnh héo xanh

Bệnh héo xanh ở cây ớt thường do loại vi khuẩn Pseudomonas so lanacearum gây ra. Chúng làm cây héo rũ nhưng lá vẫn xanh. Thân và rễ cây chuyển sang màu nâu, bệnh ở cây non làm lá phía trên héo trước, còn ở cây già thì lá phía dưới héo trước.

Phòng trừ bệnh héo xanh ở cây ớt bằng cách dùng cây giống chất lượng, dọn sạch cỏ và dùng phân hữu cơ đã hoai để bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Trên thị trường cũng có bán thuốc ngừa bệnh héo xanh. Bạn có thể mua và phun lên cây khi cây chưa nhiễm bệnh để phòng ngừa.

Trồng ớt trong chậu tại nhà không quá khó nếu bạn thử áp dụng những bí kíp Vườn Nhà Ta đã chia sẻ qua bài viết. Chúc bạn thành công!

Ban biên tập: Vườn Nhà Ta

5/5 – (1 bình chọn)