Kỹ thuật trồng nhãn cho vụ mùa bội thu
Kỹ thuật trồng nhãn cho vụ mùa bội thu
Nhãn là một trong những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng nhãn không hề đơn giản. Muốn đạt năng suất cao, chất lượng vượt trội bà còn cần nắm rõ những lưu ý mà chúng tôi chia sẻ dưới đây.
1. Điều kiện sinh thái của cây nhãn
- Nhiệt độ: Cây nhãn được trồng nhiều trong vĩ độ từ 15 đến 28 độ Bắc và Nam của xích đạo. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất thì nhiệt độ trung bình phải đảm bảo từ 21 đến 27 độ C.
- Lượng mưa: Yêu cầu lượng mưa thích hợp cho cây nhãn là từ 1300 đến 1600mm. Khi cây ra hoa và gặp điều kiện thời tiết nắng ấm, tạnh ráo thì sẽ bắt đầu thụ phấn và cho năng suất cao.
- Ánh sáng: Đặc thù của cây nhãn là cần nhiều ánh sáng, thoáng mát. Trong quá trình cây nhãn phát triển sẽ chịu ánh sáng tán xạ hơn là ánh sáng trực xạ. Nếu ánh sáng có thể chiếu được ở bên trong thì cây sẽ sinh trưởng tốt hơn, từ đó cho nhiều trái, vỏ bóng, vị ngọt hơn.
- Nước: Mặc dù ưa ẩm nhưng cây nhãn lại không thể chịu ngập úng, sẽ dễ mắc bệnh hay thậm chí chết nếu ngập nước kéo dài. Ngược lại, khi chịu khô hạn trong thời gian dài thì cây sẽ sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.
- Đất đai: Các loại đất như đất đỏ, đất cát pha thịt, đất phù sa với thành phần cơ giới nhẹ sẽ tốt cho việc trồng cây nhãn hơn. Khi đảm bảo điều kiện đất thoát nước tốt, tơi xốp, pH trong nước đạt từ 5.5 đến 6.5 thì cây nhãn sẽ sinh trưởng và phát triển như ý.
2. Chọn giống nhãn
Hiện nay thị trường có nhiều giống nhãn, mỗi giống nhãn đều có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng vùng miền khác nhau. Có thể kể đến một số giống nhãn ngon, mang lại năng suất cao như sau:
Nhãn Xuồng cơm vàng
Giống nhãn này có nguồn gốc từ Bà Rịa Vũng Tàu với khả năng sinh trưởng khá, năng suất ổn định. Trung bình, một cây có độ tuổi từ 15 đến 20 năm sẽ có năng suất từ 100 đến 240kg/cây/năm. Quả nhãn to, mỗi chùm đạt trọng lượng từ 16 đến 25g, cơm nhãn có màu trắng hơi ngả vàng, dày từ 5.5. đến 6.2mm. Nhãn Xuồng cơm vàng thích hợp trồng ở vùng đất cát. Trường hợp trồng ở vùng đất khác thì nên dùng gốc nhãn có sẵn tại địa phương.
Nhãn Super
Nhãn Super mỗi năm cho 2 vụ, vụ 1 từ tháng 6 đến tháng 7 dương lịch, vụ 2 từ tháng 12 đến tháng 1 dương lịch năm sau. Nhìn chung, năng suất của giống nhãn này khá ổn định, cây được 4 năm tuổi sẽ cho năng suất trung bình từ 30kg/cây/năm, trọng lượng quả từ 10 đến 14g. Cơm nhãn có màu trắng hơi ngả vàng, dày từ 5 đến 8mm, mùi vị ngọt, ít thơm.
Nhãn Tiêu da bò
Giống nhãn này còn có tên gọi khác là Tiêu Huế và cũng được trồng khá phổ biến nhờ khả năng sinh trưởng cao. Ưu điểm của nhãn Tiêu da bò là năng suất ổn định, cây từ 8 đến 10 tuổi sẽ có năng suất trung bình từ 120 đến 180kg/cây/năm, trọng lượng quả trung bình từ 8 đến 12g. Cơm nhãn có màu trắng đục, dày từ 5 đến 6mm, khi ăn có vị ngọt trung bình, dai và ít thơm.
3. Thiết kế vườn trồng cây nhãn
Đào mương lên liếp
Nếu bạn ở khu vực đất thấp thì cần phải đào mương, lên liếp trước khi trồng nhãn với mục đích xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Yêu cầu líp với độ rộng từ 7 đến 8m, mương rộng từ 2 đến 3m, sâu từ 1 đến 1.5m. Còn ở những vùng đất cao cần phải chọn nơi trồng nhãn gần nguồn nước suối hay nước ngầm để đảm bảo đủ nước tưới cho cây nhãn mùa khô.
Trồng cây chắn gió
Việc trồng cây chắn gió là để hạn chế nhãn bị rụng hoa, rụng trái vào mùa mưa bão. Theo đó, hàng cây chắn gió nên trồng dọc ở phía bên ngoài, thẳng góc với hướng gió.
Khoảng cách trồng
Cách trồng nhãn trong vườn có thể theo hình vuông, hình chữ nhật tùy ý. Ngoài ra, trên vườn đồi vùng núi có thể trồng kiểu vành nón. Tùy vào từng giống nhãn, đất đai và mô hình trồng mà khoảng cách của nó sẽ thay đổi từ 4 đến 8m. Riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể trồng với khoảng cách 5 x 4 m hoặc 6 x 5 m. Sau khi cây giao tán thì tỉa bớt để tránh sự cạnh tranh về ánh sáng.
4. Thời vụ trồng nhãn
Tùy vào từng vùng miền mà bà con có thời vụ trồng nhãn khác nhau. Nếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hay Đông Nam Bộ thường trồng vào tháng 6 đến tháng 7. Nếu vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ thì thích hợp trồng vào tháng 9. Còn khu vực miền Bắc sẽ có hai vụ để trồng là vụ Xuân từ tháng 2 đến tháng 3 và vụ Thu từ tháng 9 đến tháng 10.
5. Mật độ trồng nhãn
Mật độ trồng nhãn dày hay thưa là còn tùy vào địa hình đất canh tác của bà con. Chẳng hạn ở vùng đồng bằng bà con có thể áp dụng mật độ từ 8m đến 10m (nghĩa là 125 cây/ha). Còn nếu trồng ở vùng đồi núi thì mật độ phù hợp sẽ khoảng 8m (156 cây/ha). Khi áp dụng mật độ trồng dày thì bà con nên cắt tỉa vườn thường xuyên để tăng sự thông thoáng, hạn chế tình trạng sâu bệnh phát triển.
6. Cách nhân giống cây nhãn
Hiện nay có hai cách nhân giống cây nhãn phổ biến và đem lại hiệu quả cao nhất là ghép cành và chiết cành.
6.1. Phương pháp ghép cành
Ưu điểm
Giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, nhanh thu hoạch, khả năng chống chịu tốt, phát triển vừa phải, dễ chăm sóc và tuổi thọ cao.
Nhược điểm
Nếu chọn phương pháp trồng nhãn này bà con cần thận trọng khi chọn mắt ghép, gốc ghép vì nó rất dễ bị nhiễm bệnh. Tuy ghép nhãn không khó nhưng đòi hỏi người thực hiện phải tỉ mỉ, cẩn thận, thực hiện các thao tác nhanh tay, dứt khoát. Ngoài ra, sau khi ghép nếu gặp gió lớn thì vết ghép sẽ dễ bị tách, vậy nên cách chăm sóc nhãn ghép trong vườn sau khi ghép cũng đòi hỏi yêu cầu cao hơn.
Gieo hạt giống
Bà con chọn hạt giống là những hạt già, không bị nhăn nheo, rửa sạch. Ủ hạt giống trong cát, vải ẩm từ 3 đến 5 ngày cho hạt giống nhanh nảy mầm. Sau đó mang đi ươm ở trong bầu ươm để tiện chăm sóc và cũng giúp tỉ lệ nảy mầm của cây cao hơn.
Bầu ươm
Bà con hãy chuẩn bị các loại túi ni lông màu đen, rộng từ 10 đến 12cm, cao từ 20 đến 22cm, có lỗ thoát nước ở bên dưới và xung quanh bầu để mang lại hiệu quả ươm giống cao hơn.
Giá thể
Bà con có thể dùng đất trộn với phân, xơ dừa, trấu để làm giá thể trồng nhãn. Sau khi chuẩn bị bầu ươm xong thì hãy xếp chúng thành từng luống khoảng 4 đến 5 hàng, đặt bầu ươm cách nhau từ 15 đến 20cm. Trong quá trình gieo hạt bà con cũng nên tạo lỗ nhỏ từ 2 đến 3cm ở giữa bầu rồi đặt hạt giống xuống. Nên để hạt giống theo hướng nằm ngang rồi phủ một lớp đất mỏng, rơm rạ ở phía trên.
Vì cây giống còn yếu nên tránh để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có cường độ lớn. Sau khi gieo hạt xong hãy che mát bằng lưới và thường xuyên tưới nước để hạt giống nảy mầm.
Thời vụ ghép
Sau khi gieo được 8 đến 12 tháng thì có thể ghép giống, Yêu cầu cây giống để ghép có chiều cao từ 60 đến 80cm, đường kính thân từ 0.8 đến 1cm. Bà con có thể ghép cây nhãn bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng để thành công thì nên ghép vào vụ Xuân và vụ Thu lúc thời tiết dịu mát. Tránh ghép cây nhãn khi trời mưa hay nắng to.
Chọn cành ghép
Bà con nên chọn những cành từ 3 đến 4 tháng tuổi, cành ở lưng chừng tán, không có hoa, quả và sâu bệnh. Ngoài ra, cành ghép cũng phải được bỏ lá để hạn chế tình trạng thoát hơi nước.
Kỹ thuật ghép cành trên cây nhãn
Sau khi chọn gốc ghép và cành ghép xong thì bà con hãy tiến hành ghép theo quy trình sau:
- Bước 1: Cách bầu đất từ 30 đến 35cm hãy cắt ngọn của gốc ghép. Trên mỗi cành ghép bà con hãy lấy 3 đến 4 mắt có mầm ngủ.
- Bước 2: Từ trên đỉnh gốc ghép hãy chẻ một đường thẳng dọc thân gốc ghép, dài từ 1 đến 1.5cm.
- Bước 3: Ở trên cành ghép dùng dao sắc để tạo một vết cắt dài từ 2 đến 3cm, có độ vát từ 30 đến 45 độ để phù hợp với vết chẻ ở trên gốc ghép. Sử dụng túi ni lông tự hủy để quấn chặt vết ghép.
- Bước 4: Đợi 10 ngày sau khi ghép thì cây sẽ bắt đầu có các mầm nhỏ, bà con hãy loại bỏ các mầm dại ở gốc ghép.
- Bước 5: Trên mắt ghép sau khi mầm phát triển được 3 đến 5cm thì hãy lọc mầm, loại bỏ mầm nhỏ và chỉ giữ lại mầm lớn, khỏe mạnh.
Cuối cùng, khi cành ghép được 1 đến 2 đợt mầm thì cắt bỏ dây ghép. Đợi cây ghép được 3 đến 4 tháng thì mang đi trồng. Lưu ý, trước khi trồng bà con cũng phải phân loại cây giống, chọn lựa những cây giống tốt, đạt chuẩn và đảm bảo thích nghi với môi trường, tỉ lệ sống cao.
6.2. Phương pháp chiết cành cây nhãn
Ưu điểm
Chiết cành cây nhãn có ưu điểm là cây dễ thích nghi với môi trường, cây chiết cũng có được những đặc tính tốt của cây mẹ, sớm thu hoạch.
Nhược điểm
Cây dễ bị thoái hóa vì trải qua nhiều thế hệ. Cây chiết không có rễ cọc phát triển nên dễ bị đổ, ngã khi gặp điều kiện bất lợi.
Cành chiết
Cây chiết nên chọn là loại cây từ 7 đến 10 tuổi, tán cân phát triển cân đối, sạch sâu bệnh. Cành chiết nên chọn những cành có độ tuổi từ 1 đến 2 năm tuổi, đường kính từ 1.5 đến 2cm, cành ghép có 2 đến 3 nhánh để phát triển. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn cành không có sâu bệnh, cành bánh tẻ và phát triển khỏe mạnh. Tránh chọn những cành dưới tán, cành mọc vượt.
Thời vụ chiết
Muốn có được tỉ lệ thành công cao bà con nên chiết cành vào vụ thu từ tháng 8 đến tháng 10 và bắt đầu trồng vào vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 3. Bên cạnh đó, bà con cũng có thể chiết cành từ tháng 2 đến tháng 3 và trồng thời điểm từ tháng 8 đến tháng 9. Lưu ý, nếu chiết cành vào vụ xuân và trồng vào vụ thu thì cần phải giâm cành trước khi trồng.
Cách tiến hành
- Bước 1: Chọn cành chiết xong bà con dùng dao khoanh vỏ. Vị trí khoanh vỏ cách nách cành từ 15 đến 20cm, chiều dài vỏ khoanh từ 3 đến 5cm tùy theo kích thước của mỗi cành.
- Bước 2: Sau khi tách lớp vỏ mới khoanh thì bà con hãy sử dụng dao cạo sạch phần nhựa rồi dùng khăn lau sạch. Đắp bầu chiết lên rồi lấy ni lông bọc ở ngoài rồi lấy dây buộc chặt. Có thể đắp bầu chiết ngay sau khi cạo bỏ phần tượng tầng hay phơi khoảng 2 đến 3 ngày rồi mới đắp bầu chiết đều được.
Đất làm bầu chiết
Bà con nên chọn loại đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất ở ao, phù sa, hồ phơi khô rồi sử dụng. Khi làm bầu chiết cũng nên trộn với xơ dừa, rễ bèo hay tro trấu với mục đích tăng độ tơi xốp. Bầu chiết được coi là đạt yêu cầu khi bạn nắm đất vào tay mà không bị bể ra và cũng không có nước chảy ra kẽ ngón tay.
Thông thường, sau khi chiết được 2 đến 3 tháng thì bà con sẽ thấy bầu chiết có rễ mọc khoảng ½ bề mặt bầu chiết và lúc này có thể cắt cành để đem đi trồng. Khi cắt bà con hãy đảm bảo khoảng cách đến cầu từ 0.5 đến 1cm. Sau khi cắt xong hãy đem để ở nơi râm mát, cắt bỏ 2/3 lá. Trồng cây xong chúng vẫn còn yếu nên cần che mát, không để cây tiếp xúc với cường độ ánh sáng quá mạnh.
7. Bón phân cho nhãn
Bón lót
Sau khi làm bồn xong thì hãy bón lót từ 2 đến 3kg phân bón hữu cơ sinh học OBI – Ong Biển 03 đặc biệt/gốc. Đảo đều phân với đất rồi tưới nước giữ ẩm 20 đến 30 ngày mới được xuống giống.
Thời gian bón lót khoảng 3 năm. Ở năm đầu tiên bà con hãy sử dụng phân bón hữu cơ OBI – Ong Biển 03 đặc biệt hoặc OBI – Ong Biển 03 thường để bón cho cây. Tỉ lệ bón từ 4 đến 6kg/gốc và chia làm 6 đến 8 lần bón. Lưu ý, khi bón phân phải cách gốc từ 20 đến 30cm và phải tưới đẫm nước.
Năm thứ 2 đến năm thứ 3 cần dùng phân bón hữu cơ OBI – Ong Biển 03 đặc biệt hay OBI – Ong Biển 03 thường từ 8 đến 15kg/gốc. Mỗi năm chia làm 6 đến 8 lần bón.
Bón thúc
Khi cây trên 3 tuổi thì tiến hành bón thúc. Theo đó bạn cần phải chia làm các giai đoạn như sau:
- Trước khi ra hoa cần bón khoảng 4kg phân bón hữu cơ OBI – Ong Biển 03 đặc biệt /gốc.
- Khi quả lớn được 1cm thì bón bổ sung từ 3,2 đến 3,5kg phân bón hữu cơ OBI -Ong Biển 4 khoáng.
- Trước khi thu hoạch nhãn từ 30 đến 40 ngày hãy bón bổ sung từ 2 -2,5kg phân bón hữu cơ OBI – Ong Biển 4 khoáng.
- Sau thu hoạch 25 đến 30 ngày thì hãy bổ sung 4kg phân hữu cơ OBI – Ong Biển 03 đặc biệt để cây hồi phục, chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.
8. Một số kỹ thuật chăm sóc cây nhãn
Tỉa cành, tạo tán
Tỉa cành và tạo tán cho nhãn phải thực hiện cùng một lúc. Mục đích tỉa cành là loại bỏ những cành bên trong tán, cành mọc vượt, cành khô, cành bị sâu bệnh, không có khả năng đậu trái,… Thời điểm thích hợp để tỉa cành là từ tháng 8 đến đầu tháng 9.
Bao vải quả nhãn
Nhãn khi ở giai đoạn cho quả non đến khi quả chín thường có nhiều sâu bệnh, côn trùng tấn công. Vì vậy, muốn đảm bảo nhãn chất lượng bà con phải dùng túi ni lông hay bao giấy, lưới, bao chuyên dụng để bọc quả, hạn chế sự tấn công của côn trùng.
Tùy theo điều kiện mà bà con có thể bao từng cây hay nguyên vườn. Lưu ý, khi quả được kích thước 1cm thì mới tiến hành bao. Ngoài ra, túi nilon cũng phải đục lỗ nhỏ để không cho nước đọng ở đáy túi.
Làm cỏ
Bà con không nên phun thuốc trừ sâu mà hãy dùng máy cắt cỏ, dùng cuốc xạc cỏ. Khi làm cỏ cũng nên làm xung quanh tán, không quá sát gốc để tránh gây tổn thương cây.
9. Sâu bệnh hại trên cây nhãn
Cháy lá
Dấu hiệu của bệnh này là trên lá có chấm nhỏ hoặc đầu lá có màu nâu đen rồi sau đó phát triển thành những mảng lớn. Khi mắc bệnh, lá nhãn sẽ bị vàng, khô, rụng, gây ảnh hưởng đến sự quang hợp và việc hút chất dinh dưỡng của cây.
Bệnh phấn trắng
Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do nấm Oidium sp. Khi mắc bệnh cây sẽ có biểu hiện như hoa bị xoắn vặn, cháy khô, quả non không phát triển, trên vỏ trái có phấn trắng.
Sâu đục thân, đục cành
Nhãn là một trong những loại cây thân gỗ nên thường xuyên bị đục thân, đục cành. Khi đó, sâu hại sẽ khiến cho cây phát triển kém, còi cọc, quả rụng, cành dễ gãy đổ khi gặp điều kiện bất lợi, thậm chí là cây chết.
Sâu đục quả
Sâu đục quả thường hoạt động vào ban đêm, chúng đẻ trứng ở trên gần cuống và thân trái non. Sau khi nở sẽ chui vào bên trong quả để ăn phần cơm của nhãn. Khi đó, quả nhãn sẽ bị thối, hư, không còn mang lại năng suất như ý.
Sương mai hại nhãn
Bệnh này xảy ra khi độ ẩm không khí cao, có sương và mưa nhỏ vào buổi chiều tối và sáng sớm. Biểu hiện là lá nhãn có màu nâu, khô từ mép ngoài đến ngọn. Ở trên hoa sẽ có đốm đen nhỏ rồi lan ra cuống đến cành hoa. Khi không xử lý kịp thời thì nhánh hoa sẽ chuyển sang màu đen, cành bị thối gãy, rụng quả, giảm năng suất.
Bên cạnh đó còn có nhiều loại sâu bệnh khác cũng gây hại cho cây nhãn không kém như rệp, bọ xít nâu, bệnh thối rễ nấm mốc,… Muốn ngăn ngừa được những căn bệnh này bà con cần áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây nhãn đúng hướng dẫn. Ngoài ra, bà còn cũng phải áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dùng các loài thiên địch hay biện pháp sinh học để mang lại hiệu quả cao nhất.
10. Thu hoạch nhãn
Nhãn thu hoạch thường từ tháng 7 đến tháng 9. Bà con nên chọn thu hoạch vào những ngày mát mẻ, thời điểm hái vào buổi sáng hoặc chiều mát. Khi xếp quả vào sọt phải chú ý phần quả hưởng ra ngoài, cuống chụm vào nhau. Khi thu hoạch cũng phải cẩn thận để không làm tổn thương quả.
Nhãn là loại trái cây được thị trường ưa chuộng bởi hương thơm và vị ngọt thanh mát. Nhãn tươi sau khi thu hoạch bà con có thể bán trực tiếp, hoặc làm long nhãn sấy khô để bảo quản trong thời gian dài, dễ dàng vận chuyển và có thể bán được giá hơn so với chính vụ. Nhằm giúp bà con trồng nhãn sấy long nhãn được tiện lợi và đạt chất lượng cao, Công ty CPĐT Tuấn Tú đã chế tạo và cung cấp ra thị trường đa dạng các loại máy sấy nhãn thương hiệu 3A.
Có thể thấy rằng, kỹ thuật trồng nhãn và chăm sóc cây nhãn có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Do vậy, bà con nên nắm vững kỹ thuật mà chúng tôi chia sẻ trên đây để đảm bảo mùa vụ bội thu nhé.
Khách hàng có nhu cầu tư vấn máy sấy long nhãn 3A vui lòng liên hệ:
Thông tin dịch vụ tư vấn khách hàng:
Công ty CPĐT Tuấn Tú
VPGD Miền Bắc: Số 2, ngõ 2, đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Hotline: 02422050505 – 0834050505 – 0914567869
Email: [email protected]
Chi nhánh Miền Nam: 129/17D Đường Lê Đình Cẩn, Khu phố 6, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM
Hotline: 0945796556 – 0984930099
Email: [email protected]
Website: https://may3a.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/maynhanong/
Cảm ơn quý khách đã đồng hành cùng chúng tôi!