Kỹ thuật trồng dưa chuột sân thượng
Dưa chuột có thời gian sinh trưởng khoảng 35-45 ngày, có thể trồng quanh năm nhưng có hai vụ chính, vụ xuân hè (tháng 2 đến tháng 4), vụ thu đông (từ tháng 9 đến tháng 10).
Đây là loại rau quả dễ trồng, tốn ít diện tích nên khá phù hợp với những mảnh vườn nhỏ trên các sân thượng nhà ở.
Để trồng dưa chuột trên sân thượng, cần lưu ý một số điểm sau đây.
Vật tư
– Chậu trồng cây
– Vỉ ươm hạt
– Sợi se nông nghiệp để treo cây
– Phân bón: Trùn quế, phân viên tổng hợp, phân cá, phân NPK chuyên dụng…
– Thuốc bảo vệ thực vật: Phòng nấm + sâu bệnh
– Vôi nông nghiệp + nấm đối kháng Tricodema
Anh Giàu trồng hai cây dưa trong một chậu dung tích 30-50l. Ảnh: Nguyễn Giàu
Chậu trồng
– Dung tích 15-20 lít để trồng 1 cây.
– Dung tích 30-50 lít nếu trồng 2 cây.
Chậu trồng to hơn cây dưa leo sẽ phát triển bộ rễ rộng hơn và hấp thu được nhiều các chất dinh dưỡng hơn, trái đạt cả chất lượng lẫn số lượng.
Chuẩn bị đất trồng và đất vỉ ươm hạt
Đất mới và đất vỉ ươm hạt : Trộn hỗn hợp gồm 60% là đất sạch + 40% tro trấu, xơ dừa, vỏ đậu phộng, thêm một ít vôi + phân trùn quế, trộn đều hỗn hợp, rải thêm một lớp nấm Tricodema trên bề mặt sau đó tưới đủ ẩm và đậy kín ủ 7-10 ngày.
Đất cũ: Sau khi thu hoạch xong tiến hành dọn dẹp và xả tràn nước vào chậu 2-3 lần để rửa trôi hết phân bón tồn dư của vụ trước, phơi ải đất 7-10 ngày sau đó trộn lại như cách trên.
Ngâm ủ hạt giống
Hạt giống mua về ngâm trong nước hai tiếng, vớt ra rồi ủ vào khăn ẩm, để nơi thoáng mát, dùng túi nilon bọc lại và để trong bóng tối hạt sẽ nhanh nảy mầm hơn.
Sau khoảng 24-48h hạt sẽ nứt nanh, tiến hành gieo hạt vào vỉ ươm (một số hạt lì hơn sẽ nảy mầm sau 3-4 ngày).
Khi gieo hạt nên để hạt theo phương nằm ngang hoặc hơi chúi phần đầu hạt nứt rễ xuống phía dưới, gieo xong tưới ẩm và để vỉ vào chỗ cũ, ở nơi tối hạt sẽ nhanh lên mầm hơn.
Khoảng 2-3 ngày sau hạt sẽ nhô lên khỏi mặt đất, tiến hành mang vỉ ươm ra để nơi có nắng nhẹ, che mưa hoàn toàn, tưới nước 1 ngày 2 lần lúc sáng sớm và chiều mát.
Bổ sung thêm một ít phân trùn quế vào thời điểm này giúp cây con khoẻ mạnh hơn (hoặc có thể tưới phân cá pha loãng tỉ lệ 3-5ml/1l nước).
Tiến hành đánh cây trồng ra chậu khi cây có 2-3 lá thật (cây sẽ cao khoảng 15-20cm).
Trồng và chăm sóc
Nhẹ nhàng trồng cây từ vỉ ươm vào chậu, tránh làm bể bầu đất, đặt cây sao cho đất bầu ươm ngang với lớp đất mặt chậu trồng, có thể chôn thêm thân dưa sâu xuống đất một chút để cây mọc thêm rễ phụ thì sau này cây sẽ khoẻ hơn (không khuyến cáo với đất cũ vì dễ mang mầm bệnh gây teo cổ thân, rễ).
Đất chậu trồng đã trộn sẵn dinh dưỡng rồi mới ủ nên không cần bón thêm phân vào giai đoạn này, chỉ tưới nước vừa đủ 2 lần sáng chiều, nếu trời mưa thì không cần tưới.
Khoảng 5 ngày sau khi trồng tiến hành bón thúc đợt một gồm hỗn hợp phân trùn quế và phân viên tổng hợp, 3 ngày sau tưới xen 1 lần phân cá (chú ý bón và tưới phân xung quanh gốc, không phạm vào phần thân cây).
Dưa chuột trong thời kỳ ra hoa, bói trái. Ảnh: Nguyễn Giàu
Cứ duy trì chế độ bón đều đặn như vậy hàng tuần đến khi cây ra tua cuốn để chuẩn bị leo giàn (khoảng 15 ngày sau trồng). Cây leo lên đến đâu thì quấn vào dây đến đó đề phòng mưa gió làm gãy đổ. Có thể để cây leo lên theo dạng một thân chính (chữ L) hoặc hai thân chính (chữ Y).
Nếu để một thân chính hình chữ L, ta sẽ bấm ngọn khi cây dưa leo đạt 15-17 lá, như vậy ta sẽ có 15-17 nách lá tương ứng với vị trí số quả hoặc chùm quả/cây tùy giống (thùng trồng tối thiểu 15-20l), vài nách lá đầu tiên có thể sẽ không ra hoa đậu quả, nhưng cũng tùy theo cách chăm sóc của mỗi người.
Nếu để cây theo dạng 2 thân chính hình chữ Y, ta sẽ ngắt ngọn chính khi cây đạt 7-8 lá, sau đó cây sẽ bật các chèo nhánh, chọn nuôi 2 chèo nhánh gần nhau khỏe mạnh nhất và đồng đều hướng về 2 phía khác nhau để sau này chúng không che mất nắng của nhau, tiến hành bấm ngọn khi 2 thân chính này có 10 lá, như vậy cả cây sẽ có tổng cộng 20 nách lá tương ứng với 20 quả hoặc chùm quả tùy giống (áp dụng cho thùng trồng có dung tích trên 20l).
Dưa chuột cho quả trên sân thượng. Ảnh: Nguyễn Giàu
Lưu ý:
Tiến hành vặt bỏ hết các nhánh phụ khác ngoài thân chính phát sinh trong lúc cây lên giàn và cả trong quá trình trồng.
Giai đoạn cây ra hoa cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là Kali và Canxi để giúp cây ra nhiều hoa và đậu nhiều trái, cũng như hạn chế hiện tượng rụng hoa trái non, thêm đạm để trái lớn đồng đều (có thể bổ sung thêm NPK ở giai đoạn này để cây phát triển và cho năng suất vượt trội).
Từ thời điểm ra cây đến khi nụ hoa cái xuất hiện kéo dài khoảng 3-4 tuần, khi hoa nở cần thụ phấn bổ sung vào buổi sáng để tăng tỉ lệ đậu trái cho cây nếu dưa leo bạn trồng thuộc các giống dưa leo không tự thụ phấn được.
Đối với các giống dưa leo tự thụ phấn thì sẽ không cần phải thụ phấn bổ sung, nếu cây khỏe mạnh và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì chúng sẽ tự đậu trái.
Nhu cầu nước của cây ở giai đoạn này vào khoảng 1,8-2 lít nước mỗi ngày với cây một thân chính và 2,5-3l nước/ngày với cây hai thân chính tùy theo thời tiết, nếu cây bị thiếu nước trong thời điểm này sẽ làm quả dưa leo bị biến dạng, một số giống có thể sinh ra vị đắng trong trái.
Tiến hành thu hoạch khi trái đạt 6-8 ngày sau thụ phấn, khi đó trái vẫn còn cuống hoa và không quá non, cũng không quá già để đạt được chất lượng tốt nhất. Đồng thời cũng bón thêm các loại phân bón cần thiết sau mỗi lần thu hoạch để cây có thể nuôi dưỡng các đợt trái tiếp theo.
Nguyễn Giàu